Địa đạo khu ủy Trị Thiên Huế: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Sau gần 2 năm tiến hành tu bổ, tôn tạo, di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế (địa đạo Khe Trái) ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế), đến nay công trình đã hoàn thành, khi đưa vào sử dụng sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

 

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên được đào vào tháng 8 năm 1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt. Thực hiện ý đồ chiến lược của trung ương, nhằm mở hướng tiến công ở đường 9, tạo điều kiện cho các chiến trường phát triển, nhất là chiến trường Trị Thiên Huế, Khu ủy Trị Thiên Huế đã quyết định đào địa đạo tại khu vực Khe Trái nhằm tạo thế liên hoàn giữa vùng núi, đồng bằng và đô thị, phá thế kìm kẹp, chia rẽ của địch. Đồng thời làm căn cứ chỉ huy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ chỉ huy Quân khu trực tiếp chỉ đạo các mũi tiến công vào thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Việc đào địa đạo được tiến hành tuyệt đối bí mật, trong điều kiện hết sức khó khăn và nguy hiểm. Lực lượng đào địa đạo đa số là người dân tộc thiểu số, cùng một số lực lượng Công an trinh sát... Việc đào địa đạo được tiến hành khẩn trương, dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, thuổng, rìu rựa... đất đá được bí mật vận chuyển đổ xuống suối để tránh địch phát hiện. Đồng chí Lê Tư Minh (Tư Minh), Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Thành ủy Huế, Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế chỉ đạo công việc. Sau một thời gian triển khai gấp rút, địa đạo đã được hoàn tất, trở thành “đại bản doanh” trụ sở của Bộ Chỉ huy Quân khu Trị Thiên Huế.

Về kết cấu, Địa đạo Khu ủy Trị Thiên có hình chữ Y, gồm 3 cửa ra vào, nằm trên triền dốc 2/3 của đồi 160, với tổng chiều dài hơn 100m. Trong lòng địa đạo có phòng ngủ, phòng hội họp, trụ mắc võng. Bên ngoài địa đạo có bếp Hoàng Cầm, hầm cảnh vệ, trận địa pháo, giao thông hào...

Tại Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Đặc biệt, vào tháng 8 và tháng 10 năm 1967, Thường vụ Khu ủy và Thành ủy họp để thảo luận, quyết định các phương án Tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tháng 12/1967, Thường vụ Khu ủy họp quyết định lần cuối cùng toàn bộ kế hoạch tấn công Huế cùng sự phối hợp của các Đoàn: 4, 6 và 7.

Sau khi làm chủ thành phố Huế được 26 ngày đêm, do tương quan lực lượng, ta đã chủ động rút lên chiến khu để đảm bảo an toàn lực lượng. Cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1968, tại Địa đạo Khu ủy Khu ủy Trị Thiên Huế, Thường vụ Khu ủy họp để đánh giá, sơ kết chiến dịch Huế và Xuân Mậu Thân 1968. Trên cơ sở phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn, tháng 5 năm 1968, Bộ Chỉ huy Khu ủy Trị Thiên Huế đã quyết định chuyển lên miền núi A Lưới, tại địa đạo chỉ còn lại lực lượng vũ trang của huyện Hương Trà.

Trải qua thời gian tồn tại, dưới tác động của thiên nhiên, một số cửa địa đạo đã bị vùi lấp. Năm 1997, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử) tiến hành khai thông địa đạo và tìm thấy một số hiện vật như: Bi đông đựng nước, máy khâu, xoong nồi, nắp bếp... Đây là những hiện vật đặc biệt có giá trị lịch sử, minh chứng cho những ngày hoạt động của cán bộ và chiến sĩ ta tại đây.

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu nói trên, ngày 13/2/1996, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã ban hành Quyết định Số 310/QĐ-BT xếp hạng Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ông Hà Văn Tuấn, TUV, Bí thư Thị ủy Hương Trà cho biết thêm: “Thị xã đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 16, đoạn từ cầu Bình Điền đến quá ngã ba Trại (xã Hương Bình) vào địa đạo. Tuyến đường này, HĐND thị xã đã thống nhất chủ trương đầu tư nâng cấp trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục đầu tư tuyến đường kết nối Tỉnh lộ 16 vào bến đò và kết nối giao thông đường thủy từ bến đò ngã ba trại vào địa đạo Khe Trái; đầu tư tôn tạo cảnh quan để tạo thuận lợi trong việc tham quan di tích cũng như phát triển du lịch sinh thái địa phương”.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế nhằm phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án bảo tồn, phát huy Khu chứng tích, với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, gồm các hạng mục: tu bổ, phục hồi 3 cửa hầm địa đạo theo nguyên trạng bằng bê tông cốt thép; phục dựng, tôn tạo 1 bếp Hoàng Cầm của Huyện ủy Hương Trà; phục dựng, tôn tạo 2 hầm cảnh vệ số 1 và số 3 (diện tích mỗi hầm khoảng 3m2). Xây dựng hệ thống giao thông hào bao quanh theo nguyên trạng; xây dựng mới nhà bia tưởng niệm; dựng bia đá tự nhiên nguyên khối, khắc chữ theo nội dung tưởng niệm của di tích; xây dựng chòi nghỉ dừng chân diện tích khoảng 44m2; xây dựng mới cầu tàu kích; lắp cột thủy chí bằng bê tông cốt thép theo tiêu chuẩn; xây dựng đường dẫn lên địa đạo và vào các cửa hầm dài khoảng 472m; hệ thống PCCC, bể nước ngầm và hệ thống chống sét.

CCB Lê Xưng, người dân phường Hương Vân hồ hởi: “Tôi rất mừng khi thấy Địa đạo Khu ủy Trị Thiên đã hoàn thành công tác trùng tu, tôn tạo khang trang. Mong rằng, đây sẽ là nơi lưu giữ những bài học lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương bày tỏ niềm tự hào về sự hình thành, hoạt động của Địa đạo Khu ủy Trị Thiên trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Di tích này khẳng định nơi đây từng diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, đặc biệt là câu chuyện chỉ đạo cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương hy vọng đây là điểm đến di tích lịch sử văn hóa và đề nghị Sở VHTT tiếp tục khai thác, quảng bá đến bà con nhân dân, du khách trong và ngoài nước về một địa chỉ đỏ để mọi người đến tham quan, học tập.

Đây là bước đầu công cuộc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VHTT phối hợp với các “nhân chứng lịch sử” để nghiên cứu, tham mưu đề xuất phương án tu bổ đề hoàn chỉnh việc tôn tạo, phục hồi nguyên trạng địa đạo trong thời gian tới.

 

XUÂN TRƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;