Điệu hồn văn hóa bên dòng Ô Lâu

Từ đường quốc lộ 1A, rẽ phải, men theo con đường ngoằn ngoèo dọc bờ sông Ô Lâu dài hơn bốn cây số, bạn sẽ gặp một làng quê yên ả. Những ngôi nhà mái ngói cổ xưa xen các ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới quanh những rặng tre xanh, con đường xóm thôn quen thuộc. Đó là làng Phò Trạch mà người dân quen gọi là Phò Trạch đệm, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng quê thơ mộng này còn lưu giữ những nét văn hóa dân gian mang điệu hồn dân tộc Việt mà không phải nơi nào cũng có được.

 

 

Về Phò Trạch nghe tiếng đập bàng

Sở dĩ gọi là Phò Trạch đệm bởi nơi đây gắn với nghề làm chiếu đệm có tự xa xưa. Cùng với gốm Phước Tích, điêu khắc Mỹ Xuyên, đan lưới Vân Trình… đệm Phò Trạch đã trở thành truyền thống trên quê hương Phong Điền.

Chất liệu của nghề đan đệm ở Phò Trạch là cây bàng, cây cói. Cây bàng thường được trồng ở những tràm nước mà người dân hay gọi là dời trong vùng. Bên cạnh trồng lúa, dân làng Phò Trạch còn dành đất ruộng để thâm canh cây bàng. Về Phò Trạch nghe rộn rã tiếng đập bàng. Cây bàng được cắt, phân loại, phơi khô, cột thành từng lọn, từng neo đưa ra cối. Trong làng có khoảng 4 đến 5 cái cối đập bang, mỗi cối được làm bằng một khúc gỗ tròn dài. 3 hoặc 4 nhà thường rủ nhau đi đập bàng vì một người không thể giã nổi cối. Tiếng cối kêu cót két, tiếng đập bàng đều đặn theo nhịp đưa chân từ lâu đã trở thành âm thanh riêng của miền quê Phò Trạch.

Từ cây bàng, người dân Phò Trạch tạo ra nhiều vật phẩm phong phú: mũ đội, giỏ xách, bao đựng và nhiều nhất là chiếu đệm. Chiếu đệm được đan kết từ cây bàng để trải nằm, ngày trước còn thay chăn đắp. Vào những năm 1980 là khoảng thời gian hưng thịnh nhất của nghề đệm Phò Trạch, nó trở thành công việc và thu nhập chính của bà con trong làng. Sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang Liên Xô (trước đây), các nước Đông Âu. Sau đó là một thời gian gián đoạn nhưng rồi người dân trong làng vẫn gắn bó và tìm cách khôi phục… Những phiên chợ quê quanh vùng tụ họp hằng ngày không thể thiếu mặt hàng truyền thống của người Phò Trạch. Đã một thời, những chiếc túi đệm, chiếc mũ theo tuổi thơ các em đến trường. Những em bé sinh ra trên chiếc chẹ đệm, cũng có nghĩa là các em lớn lên trên cây bàng quê hương cùng lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Nghề truyền thống này là hồn, là vía của làng quê… Ngày một buổi đến trường, buổi còn lại các em học sinh giúp chị, giúp mẹ thoăn thoắt trên từng cây bàng. Bốn, năm o thiếu nữ rủ nhau đến một nhà ngồi đan bàng, vừa đan vừa chuyện trò vui vẻ…

Cuộc sống đổi thay, trải qua bao thăng trầm dù không còn “ăn nên làm ra” như xưa nữa nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, nhiều người dân làng Phò Trạch thành đạt khắp bốn phương trời vẫn canh cánh một nỗi nhớ da diết về một làng quê nghèo, êm ả có tiếng đập bàng và đôi tay đan bàng mềm mại của các bà, các chị, các mẹ… Chị Liên, người có nghề đan bàng 25 năm chia sẻ: “Hiện nay làng vẫn còn duy trì nghề này nhưng không nhiều. Vì thế cây bàng cũng ngày một ít đi. Nhớ nghề, gia đình tôi vẫn còn làm. Khi thì đan chiếc đệm nằm, khi thì cái bao đựng… Sản phẩm nếu không có người đặt làm mua tại nhà thì mang ra chợ bán”.

Về Phò Trạch thưởng thức lễ hội sắc bùa

Về làng Phò Trạch là về một miền quê bình dị, chất văn hóa dân gian trở thành vẻ đẹp có tính truyền thống của làng quê Việt. Bến nước, dòng sông, cây đa, chùa miếu… vẫn lặng lẽ qua bao thời gian…

Tính cộng đồng thể hiện rõ ở làng Phò Trạch gắn với quá trình di dân mở cõi hình thành làng xã cách đây 600 năm trên đất Thuận Hóa. Những gì còn lại với Phò Trạch hôm nay không phải là ngẫu nhiên mà là cả một quá trình gìn giữ và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Phò Trạch là nơi diễn ra các sinh hoạt mang đậm triết lý nhân văn gắn liền không gian làng xã. Các trò chơi dân gian như hát trò, tập chèo, đi cầu nước, leo cột mỡ, ù mọi, giật cờ… hay những làn điệu dân ca độc đáo như hát bát dật, sắc bùa, chèo đồng ấu… luôn được duy trì.

Có một sinh hoạt độc đáo nhất ở Phò Trạch còn lưu giữ đến hôm nay là lễ hội sắc bùa với hơn 300 câu hát cổ. Đây là hình thức lễ hội dân gian đặc sắc. Sắc bùa là làn điệu dân gian mang nhiều yếu tố tâm linh với những lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ niềm hy vọng, tin tưởng vào một năm mới mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Những đạo bùa được dán vào tường, cột nhà để trừ quỷ ma, đem lại cuộc sống an lành. Đầu tiên bà con cùng nhau làm lễ ở đình, sau đó ba, bốn đội tản ra thành nhiều hướng trong làng. Đạo cụ mang tính chất thần bí đạo giáo, xua đuổi ma tà. Nhà nào có đoàn sắc bùa đến là vui mừng với hy vọng năm đó gia đình mình sẽ được an lành…Ngày xưa, hát sắc bùa được tổ chức định kỳ 12 năm một lần - theo vòng con giáp. Thời điểm đầu tiên mà sắc bùa làng Phò Trạch ngân vang là vào chiều ngày 30 Tết. Toàn đội hát sắc bùa sẽ đến đình làng để làm lễ cáo trình với bậc tiên linh. Sau đó, đội hát sắc bùa đến hát ở nhà thờ các họ, phái rồi đến từng gia đình ở trong làng. Riêng hát sắc bùa ở các gia đình được chia thành nhiều phần, như tiến hành cầu an trong gia đình, cầu an cho thổ công, thổ chủ... Phần cuối hát sắc bùa là chúc tụng gia đình năm mới an khang thịnh vượng; chúc gia chủ trường thọ; vật chất sung túc... Không chỉ hát trong làng, vào những ngày Tết, đội nhã nhạc hát sắc bùa làng Phò Trạch còn đi đến các làng bên cạnh để hát chung vui và chúc phúc năm mới. Theo ông Nguyễn Thế, nhà nghiên cứu văn hóa ở huyện Phong Điền thì “Sắc bùa ở Phò Trạch chủ yếu tập trung ở hai giáp Tây Phú và Triều Quý để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong làng và các làng lân cận, họ tổ chức từ ba đến bốn đội và tổ chức sắc bùa trong nhiều ngày. Qua nghiên cứu văn bản sưu tầm được ở cả hai khu vực, chúng tôi đã phát hiện ở Phò Trạch có đến hai dòng sắc bùa khác nhau… Sắc bùa của giáp Tây Phú có phần ảnh hường màu sắc Lão giáo. Ngôn ngữ sắc bùa của giáp Tây Phú làng Phò Trạch có vẻ "bác học", sử dụng nhiều ngôn từ Hán nhưng vẫn còn một số chữ Nôm cổ như: Min nghĩa là ta, chúng min nghĩa là chúng ta, hoặc chiêu đăm tức là phải trái”.

Tiêu biểu múa hát sắc bùa ở đây là múa bông, còn gọi là múa thiên hạ thái bình. Tham gia điệu múa này có khoảng 24 đến 48 người với độ tuổi từ 13 đến 17. Các động tác múa di chuyển sắp thành các chữ: Thiên, hạ, thái, bình. Đây là điệu múa công phu diễn ra trong những lần làng có lễ hội với ước mong: Thiên hạ được sống trong thái bình, không có chiến tranh…

Một trò chơi dân gian khác diễn ra trong những buổi sinh hoạt tập thể, hay trong những lễ hội dân gian ở làng Phò Trạch là Bịt mắt đánh trống. Tham gia trò chơi bao gồm 2 người khiêng trống; 1 người đánh trống; 1 người cầm lộng. Cứ mỗi lần thắp 1 que diêm thì phải đánh 3 tiếng trống; nếu không thực hiện đủ thì người đánh trống trở thành người gánh trống và cầm lộng. Trò chơi này có ý nghĩa phê phán những ông quan không làm tròn trách nhiệm của mình…

Có thể nói, Phò Trạch, một làng quê bình dị như bao làng quê khác là nơi lưu giữ biết bao nét đặc trưng của văn hóa dân gian. Tìm về nghề đan bàng, lễ hội sắc bùa, trò chơi bịt mắt đánh trống hay điệu múa bông… là tìm về mạch nguồn văn hóa dân tộc với những tín ngưỡng dân gian thể hiện sự hòa sắc, hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người… Đó là sự đa dạng và thống nhất trong nhận thức về thiên nhiên và triết lý sống, về đạo làm người.

Làm gì để níu giữ hồn quê

Trong một thời gian dài, vì nhiều lý do khác nhau, không ít sinh hoạt cộng đồng và lễ hội dân gian ở Phò Trạch bị mai một. Thực hiện nghị quyết Trung ương V về việc xây dựng và gìn giữ, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những nét sinh hoạt lễ hội dân gian ở Phò Trạch dần được khôi phục và làm sống lại. Trong lễ hội Festival tôn vinh nghề truyền thống Huế năm 2005, hát múa sắc bùa do các nghệ nhân của làng Phò Trạch biểu diễn tại sân khấu cộng đồng bên cạnh bến Tòa Khâm đã lôi cuốn người xem. Mới đây bài múa hát sắc bùa Thiên hạ thái bình của làng Phò Trạch đã trình diễn tại lễ hội đường phố trong dịp Festival Huế 2022 và lễ hội Hương xưa làng cổ ở Phước Tích (Phong Điền).

Trân trọng trước những nét văn hóa truyền thống ở làng quê bên con sông Ô Lâu hiền hòa này nhưng vẫn còn đó bao nỗi niềm trong hiện tại. Nghề đan bàng ở làng quê Phò Trạch đang bị mai một. Đó là điều tất yếu khi các vật dụng hiện đại được bày bán khắp nơi. Tuy nhiên, với tác dụng và sự tiện lợi của những vật dụng làm ra từ cây bàng thì không phải nghề đan bàng ở Phò Trạch đã mất hết cơ hội. Vấn đề là cách thức tổ chức, sự quan tâm của chính quyền địa phương nhằm hồi sinh, vực dậy một nghề thủ công tryền thống. Hy vọng một ngày không xa trở về Phò Trạch, ta lại được nghe tiếng đập bàng rộn rã, được nhìn ngắm đôi tay thoăn thoắt của các cô thôn nữ đan bàng, được nhìn thấy phiên chợ quê bày bán đủ các sản phẩm được làm ra từ cây bàng, cây cói...    

Vâng, người dân Phò Trạch đang cố gắng nhưng rất cần sự tiếp sức của nhiều ban ngành để các giá trị vật thể và phi vật thể không bị mai một theo dòng chảy thời gian. Tháng 6 năm 2022, với sự kết hợp giữa liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế, Đội hát sắc bùa làng Phò Trạch với 25 thành viên được thành lập. Những người nông dân sau lũ tre làng, bằng tình yêu thiết tha nét văn hóa truyền thống của quê hương mà vượt qua những khó khăn, bận rộn để luyện tập vào mỗi đêm. Phục dựng lại hình thức lễ hội dân gian truyền thống có tự bao đời ở miền quê Phò Trạch là dấu hiệu đáng mừng. Thiết nghĩ, nếu chúng ta biết cách đầu tư và khai thác đúng hướng thì chắc chắn một ngày không xa Phò Trạch sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi dừng chân trong tuyến du lịch về với những miền quê xanh êm ả của biết bao du khách muôn nơi.

 

TRẦN VĂN TOẢN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

 

;