Múa hát tại Lễ cầu an của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang - Nguồn: báo Hà Giang
Nậm Ban thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là địa bàn sinh sống của 7 dân tộc gồm có Giáy, Mông, Tày, Cao Lan, Kinh, Dao và người Pà Thẻn, trong đó dân tộc Giáy chiếm 72%. Người Giáy ở Nậm Ban sống tập trung thành những bản làng, khu vực tương đối tách biệt với các dân tộc khác nên vẫn còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: ở nhà sàn, ăn cơm tẻ đồ. Màu chủ đạo của trang phục là màu chàm, tuy nhiên trang phục phụ nữ được thêu may cầu kỳ với những đường viền tinh tế và màu sắc thanh nhã. Người Giáy không theo một tôn giáo nào mà chỉ có bàn thờ tổ tiên. Họ chia thế quan làm 3 tầng: trên cùng là tầng trời, đây là thế giới đẹp đẽ; ở giữa là tầng của loài người chúng ta và dưới đất là tầng của loài người nhỏ bé. Một số lễ hội tiêu biểu của cộng đồng người Giáy là Lễ hội múa trống, Lễ xuống đồng, Lễ mừng cơm mới và Lễ cầu an, những tập tục trong sinh đẻ, nuôi dạy con cái, cưới xin, ma chay… mang đậm đặc trưng văn hoá của tộc người.
Lễ cầu an còn có tên gọi khác là Lễ múa kiếm (lống ma shá) là nét văn hóa đặc trưng của người Giáy ở xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc. Lễ được diễn ra nhiều dịp trong năm như Tết Nguyên đán, vào nhà mới, khi kết thúc mùa vụ, tổ chức trong đám cưới… để cầu thần linh mang lại cho đồng bào mùa màng bội thu, cây lúa trổ bông dày hạt, dân bản ấm no và hạnh phúc. Trao đổi với chúng tôi, ông Lục Thanh Minh - thầy cúng của nghi lễ cầu an và nghệ nhân múa kiếm Nông Thanh Cú xã Nậm Ban cho biết: Lễ cầu an là một nghi lễ đã có từ lâu đời được truyền qua nhiều thế hệ, các bài cúng trong buổi lễ được ghi chép trong sách cổ của những thầy cúng người Giáy tại xã Nậm Ban. Khởi nguồn của lễ cúng chính là tinh thần thượng võ, sự thôi thúc, cổ vũ cộng đồng cùng nhau đoàn kết, quyết tâm đấu tranh bảo vệ làng bản. Vào ngày tổ chức lễ cúng của thôn, các gia đình đều cử người tham gia cùng dân làng thực hiện lễ cúng. Cũng giống như hầu hết các nghi lễ của ngươi Giáy và các dân tộc sinh sống tại Hà Giang, Lễ cầu an của người Giáy không đặt nặng về hình thức cũng như các lễ vật dâng lên thần linh, thường chỉ mang tính chất tượng trưng, thể hiện thành ý của người làm lễ. Khi dự định tổ chức Lễ cầu an, Trưởng thôn sẽ tổ chức họp mời thầy cúng, đại diện các hộ dân đến cùng thống nhất ngày tổ chức, địa điểm tổ chức và việc đóng góp của mỗi gia đình. Việc tổ chức lễ cúng thường được diễn ra vào buổi sáng. Không gian của nghi lễ cúng cầu an cũng khá linh hoạt, có thể là khu ruộng đã gặt sớm hoặc một khoảng sân rộng, cũng có khi là ngay trong nhà của một gia đình trong thôn, Trưởng thôn là người đứng ra làm công tác chuẩn bị, phân công người phục vụ, nấu nướng. Vào ngày diễn ra Lễ cầu an, từ sáng sớm mỗi gia đình đều cử người đến địa điểm tổ chức, cùng nhau chuẩn bị cho buổi lễ. Những người không tham gia trực tiếp vào lễ cúng thì tham gia nấu cơm, chuẩn bị đồ lễ. Thầy cúng và đội nghệ nhân múa thường có từ 10 đến 14 người, bắt buộc phải mặc trang phục nam truyền thống của người Giáy. Người Giáy cho rằng màu đỏ là màu của nghi lễ, biểu trưng cho sự may mắn, an lành do đó trong ngày lễ đội múa đều thắt một sợi vải màu đỏ ở thắt lưng, những đạo cụ dùng trong điệu múa cũng được buộc một dây vải màu đỏ. Những cô gái người Giáy mặc dù không tham gia trực tiếp vào lễ cúng nhưng họ cũng tự chuẩn bị trang phục truyền thống cho mình, sau khi lễ cúng chính kết thúc là thời điểm họ thể hiện khả năng ca hát và múa những điệu múa truyền thống của dân tộc Giáy.
Đồng bào dân tộc Giáy trong một lễ hội truyền thống - Ảnh minh họa
Khi mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, vào giờ làm lễ đã được thầy chọn từ trước, tất cả dân làng tạm dừng mọi công việc tập trung tại khu vực tổ chức để cùng nhau tham gia vào lễ cúng. Thầy cúng đặt một tàu lá chuối lên một vị trí cao làm mâm cúng, trong mâm cúng tùy vào việc chuẩn bị sẽ có nhiều hay ít đồ lễ nhưng bắt buộc phải có một con gà đã luộc chín, một đĩa xôi, một đĩa hoa quả, chai rượu, vàng hương, 5 chén rượu, 5 đôi đũa, 5 cái bát và một bát nước bên trong đặt một nhành cây thạch thảo. Mâm cúng đặt quay về hướng Đông, hướng mặt trời mọc, trước mâm cúng thầy cúng cắm thêm vài cành cây làm ban thờ. Sau khi chuẩn bị xong mâm cúng, thầy cúng lấy những đạo cụ dùng trong phần múa kiếm đặt bên cạnh bàn thờ. Thầy cúng yêu cầu đội múa kiếm xếp thành một hàng sau lưng mình, thầy cúng thắp hương lên ban thờ cúng mời thần linh bốn phương về dự lễ. Các vị thần được mời về tham gia lễ cúng gồm có: thần Quản Thôn, thần Quản Nước, thần Thổ Địa, thần Trời. Đối với lễ cúng cầu an, nếu tổ chức theo dòng họ hay trong dịp lên nhà mới của gia đình nào thì ngoài việc mời các vị thần trên thầy cúng, còn mời thêm các vị tổ tiên của dòng họ, gia đình đó về tham dự. Sau khi thắp hương, thầy cúng rót rượu vào 5 chén rượu trên mâm cúng. Mỗi lần đọc xong một bài cúng thầy cúng sẽ rót thêm một lần rượu vào chén với trình tự: bài thứ nhất báo cáo thần linh về thành quả lao động của dân làng trong một năm qua, lý do tổ chức nghi lễ sắp diễn ra, những lễ vật mà dân làng đã chuẩn bị dâng lên các thần và mời thần về dự lễ đồng thời mượn địa điểm thực hành nghi lễ. Bài thứ hai dâng chén rượu cầu thần linh phù hộ an lành cho các thành viên trong đoàn múa kiếm, để lễ múa được diễn ra một cách suôn sẻ. Bài thứ 3 cầu cho bà con thôn bản được khỏe mạnh, may mắn, không gặp ốm đau bệnh tật. Bài thứ 4 cầu xin thần linh phù hộ cho thôn bản mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Bài thứ 5 cảm tạ các thần linh đã về dự và phù hộ cho con cháu dân bản, cáo tiễn các thần đi sau khi nghi lễ kết thúc. Phần cúng dâng lễ kéo dài chừng một tiếng.
Kết thúc bài cúng thầy cúng gieo một quẻ và bấm đốt tay xem tốt xấu. Khi mọi việc thuận lợi, các thần linh cho phép tổ chức múa nghi lễ, thầy cúng sẽ đốt vàng hương hơ qua những đạo cụ dùng trong nghi lễ rồi lấy rùi trống viết tượng trưng những câu thần chú lên mặt trống sau đó gõ một hồi trống dài và gọi lần lượt các thành viên trong đội múa kiếm lên giao đạo cụ để thực hiện bài múa. Đạo cụ dùng trong Lễ múa kiếm được làm bằng gỗ, phỏng theo hình dáng của các loại vũ khí người Giáy từng sử dụng. Một đội múa đầy đủ sẽ bao gồm một thầy cúng; 3 người gõ trống, chiêng, chúm xòe; 10 người múa với các đạo cụ: kiếm, gậy, cào 5 răng, côn, dao, xiên ba, đao, liềm, 1 người đánh tay không. Khi đội múa không đủ người, thầy cúng sẽ vừa đánh trống vừa cúng để các thành viên khác múa. Đây là điệu múa mang tính tập thể, mô phỏng các thế võ cổ truyền của người Giáy xưa kia, mỗi thành viên sử dụng một loại đạo cụ, được làm mô phỏng các loại vũ khí khác nhau. Bài múa mang ý nghĩa thể hiện sức mạnh, sự uy dũng của người Giáy, theo quan niệm của đồng bào, để tà ma nhìn thấy biết sợ mà tránh xa, không dám đến quấy nhiễu cuộc sống của dân làng. Chính bởi vậy nên người Giáy thường gọi với cái tên dân dã là lễ múa kiếm. Khi điệu múa bắt đầu, thầy cúng và ba người gõ nhạc cụ sẽ đứng vào trung tâm, đội múa gồm 10 người chia làm 5 cặp múa đối kháng với nhau. Múa kiếm với các thao tác uốn người lúc mềm mại, lúc mạnh mẽ, những bước đi uyển chuyển theo tiếng đập rộn ràng của chiêng, trống đã tạo nên một không khí vừa sôi nổi, vừa trang nghiêm. Điều quan trọng nhất khi múa kiếm là sự kết hợp thành thạo của tay và chân, lùi một bước, tiến hai bước, khi múa cả đội tạo thành một vòng tròn, lấy thầy cúng và đội nhạc làm trung tâm, dân làng đứng xem cũng tạo thành một vòng tròn lớn bao quanh. Nếu như các điệu múa trong đời sống của người Giáy khá đơn giản thì bài múa kiếm trong nghi lễ cầu an lại phức tạp hơn, đòi hỏi phải được thầy cúng truyền dạy tỉ mỉ để làm sao những người múa dù khi đi tiến hay đi giật lùi cũng phải tạo thành thế đối kháng với người múa đối diện với mình, không những thế động tác còn phải ăn khớp với tiếng nhạc và lời cúng của thầy cúng. Phần múa kiếm kéo dài khoảng 45 phút, kết thúc điệu múa thầy cúng gõ một hồi trống dài, các thành viên của đội múa lần lượt mang đạo cụ về đặt bên cạnh ban thờ sau đó lui xuống xếp thành một hàng ngang trước bàn thờ. Thầy cúng về trước bàn thờ đốt vàng hương hơ qua các đạo cụ. Thầy lấy bát nước có cành cây thạch thảo dùng nhành cây vẩy nước ra xung quanh và vẩy lên người các thành viên đội múa nghi lễ với ý nghĩa làm sạch, tẩy uế xua đuổi tà ma và những điều không may mắn xung quanh họ. Sau đó thầy cúng cầm trống gõ một hồi dài, các thành viên trong đội múa chắp tay vái lạy, cảm tạ các thần linh, kết thúc phần nghi lễ chính trong Lễ cầu an.
Phần múa kiếm kết thúc đến lượt những thành viên trong bản cùng nhau thể hiện những bài hát ca ngợi thần linh, cảm tạ tổ tiên, hát đối đáp, giao duyên và những điệu múa truyền thống của người Giáy. Người Giáy được biết đến là một dân tộc rất thích ca hát, họ hát mọi lúc, mọi nơi. Dân ca dân tộc Giáy rất phong phú về nội dung, hát về tình yêu đôi lứa, hát về các loài hoa, hát về đám cưới, hát bên mâm rượu, ca ngợi công đức cha ông, bố mẹ... Người Giáy cho rằng, dân ca tạo cho cuộc sống vui tươi, lành mạnh, tạo nên sự bình yên của cuộc sống con người. Khi người Giáy còn hát là cuộc sống còn bình yên, no ấm. Dân ca dân tộc Giáy hình thành và quy định thành những loại bài hát, những cuộc hát. Ngày nay, tại các thôn bản đều có đội văn nghệ riêng của thôn mình, vào các dịp như tổ chức Lễ cúng cầu an chính là lúc để họ được thể hiện tài năng ca múa của mình. Bên cạnh những làn điệu dân ca, vẻ đẹp, sự uyển chuyển, duyên dáng của phụ nữ Giáy được thể hiện qua những điệu múa khăn, múa nón góp phần không nhỏ tạo lên không khi vui tươi của buổi lễ. Trong buổi lễ, việc hát múa cũng không có quy định bắt buộc nào. Những người tham gia đều có thể vào hát. Tuy nhiên, do là một buổi cúng nghi lễ của dân tộc Giáy nên những người tham gia hát góp vui đều phải hát bằng tiếng Giáy. Việc hát, múa chỉ dừng lại khi mặt trời đã sắp chính ngọ, cũng là lúc những người đàn ông được phân công phụ trách việc bếp núc đã chuẩn bị xong bữa trưa. Tất cả thành viên tham gia buổi lễ cùng nhau thu dọn mâm cúng, các đạo cụ được đem về cất trong miếu hoặc dưới bàn thờ của nhà thầy cúng chờ cho đến lần tổ chức tiếp theo.
Mặc dù được xem là một bữa ăn sau khi tổ chức nghi lễ thành công nhưng theo như các thầy cúng cho biết đây là một phần quan trọng của buổi lễ. Tùy điều kiện hoàn cảnh có thể tổ chức to hay nhỏ nhưng bữa ăn thường phải có măng lấy trên rừng, cá chép nướng được bắt ngoài ruộng, gà hoặc lợn do các gia đình trong bản tự nuôi, xôi hoặc cơm nấu từ gạo của vụ mới vừa gặt. Bữa cơm được tổ chức tại nhà thầy cúng, Trưởng thôn hoặc tổ chức luôn ở một gia đình gần nơi diễn ra lễ cúng nếu ngôi nhà đó đủ lớn. Việc được chọn làm nơi tổ chức ăn cơm của cả bản sau buổi lễ luôn là niềm vinh dự của chủ nhà mà không phải nhà nào cũng có thể đáp ứng được. Ngôi nhà được chọn phải đủ rộng để các thành viên đến dự có đủ chỗ ngồi trên sàn, cho nên những ngôi nhà được chọn thường là ngôi nhà to, đẹp và có điều kiện trong thôn, đó chính là điều tự hào của gia chủ.
Khi mâm cơm đã được dọn lên, các thành viên trong thôn chia nhau ngồi theo thứ tự vai vế trong thôn. Gia chủ, thầy cúng, Trưởng thôn và những người già có địa vị, có tiếng nói trong thôn sẽ ngồi ở mâm chính gian giữa, dưới ban thờ tổ tiên. Con cháu hoặc những người trẻ ngồi lui ra phía ngoài cửa và những gian phụ bên cạnh. Trước khi bắt đầu, Trưởng thôn báo cáo việc tổ chức lễ đã thành công, cầu chúc cho các gia đình trong thôn năm mới được bình an, mạnh khỏe, thay mặt dân làng cảm ơn thầy cúng và đội múa đã đến giúp dân làng thực hiện buổi lễ.
Lễ cầu an là một tập quán xã hội đã có lịch sử từ lâu đời, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm vẫn được cộng đồng dân tộc Giáy gìn giữ. Hiện nay, Lễ cầu an đã trở thành một trong những nghi lễ tiêu biểu, riêng có của cộng đồng. Thông qua các hoạt động trong lễ hội giúp chúng ta hiểu hơn về truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng người Giáy ở Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng. Với các giá trị tiêu biểu trên, ngày 12/1/2022, Bộ VHTTDL đưa Lễ cầu an của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đồng bào dân tộc Giáy múa kiếm
NGUYỄN HOÀI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022