Nằm nép mình bên cánh đồng lúa trải dài ở bên bờ Nhật Lệ là vườn kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Trần Văn Quận ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Giữa vườn hoa xanh sắc thắm, hàng chục vỏ bom, đạn các loại đã được người cựu chiến binh kỳ công sắp xếp, trưng bày… đã lôi cuốn đông người tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Tác giả và cựu chiến binh Trần Văn Quận tại vườn kỷ vật chiến tranh
Mảnh vườn đặc biệt của hoa và vỏ bom.
Chúng tôi đến vườn kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Trần Văn Quận vào một ngày nắng gắt cuối tháng 4. Giữa trưa muộn, vợ chồng ông Quận vẫn mải mê trộn bê tông để làm trụ đỡ lắp đặt những quả bom vừa mới sưu tầm được.
Quan sát ngay lối đi trước sân là hai hàng dài vỏ bom trọng lượng lớn có thể làm thành trụ sàn che mát. Buổi tối, những vỏ bom này được chiếu sáng bằng hệ thống đèn led tạo nên không gian thân thiện. Ở lối vào vườn kỷ vật chiến tranh là những chậu hoa cảnh được trồng trong thân những quả bom. Chúng được đặt ngay ngắn trên đuôi các quả bom xếp lại. Thú vị là những vỏ bom được làm thành chậu nuôi cá cảnh.
Ở vườn kỷ vật chiến tranh, ông Quận trưng bày những “tác phẩm nghệ thuật hiện thực” khi mô phỏng thực tế cảnh ném bom tạo độ nghiêng, xoay vòng trong chiến tranh... ngay trên những luống rau luống hoa khiến mọi người rất ấn tượng về tính sáng tạo đầy thẩm mỹ của người cựu chiến binh.
Ngày cuối tuần, gia đình anh Dương Ngọc Tính (ở phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới) đã đến tham quan vườn kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Trần Văn Quận. Anh Tính chia sẻ: Qua theo dõi trên mạng xã hội, tôi rất vui khi biết được ở xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) có một địa điểm trưng bày các hiện vật chiến tranh. Vì vậy, cả nhà tôi đã tìm đến “khu vườn đặc biệt” này để nhìn tận mắt, sờ tận tay những vỏ bom, vỏ đạn cối… để tìm hiểu thêm về lịch sử, về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc qua các cuộc chiến tranh”.
Ngỡ ngàng trước các hiện vật trưng bày tại vườn kỷ vật chiến tranh, chị Nguyễn Thị Thùy Nguyên (vợ anh Tính) cho biết: “Tôi thấy các hiện vật được bố trí rất khéo léo, hài hòa giữa kỷ vật chiến tranh và quang cảnh thiên nhiên. Qua bàn tay khéo léo của người cựu chiến binh, những vỏ bom, đạn… được tái hiện rất sinh động và hữu ích. Đặc biệt, khi tới thăm “vườn kỷ vật chiến tranh”, mọi người không chỉ được tham quan miễn phí mà còn được ông chủ vườn nhiệt tình thuyết minh, giới thiệu nên chúng tôi hiểu rõ hơn về các kỷ vật này”.
Vườn kỷ vật chiến tranh xuất phát từ ý tưởng người dân Quảng Bình “chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”
Chạm tay vào kỷ vật chiến tranh
Nghỉ tay khi lưng áo đầm đìa mồ hôi, cựu chiến binh Trần Văn Quận chia sẻ. Ông rất trăn trở trước thực tế các thiết bị, kỷ vật thời chiến dần dần mai một theo thời gian, trong khi mình là người lính thì phải biết gìn giữ cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, từ sự kiện năm 1972, khi ngôi nhà của gia đình ông Quận bị trúng bom, người bị thương, người bị mất nên từ lâu, trong thâm tâm người cựu chiến bình này luôn ao ước được thành lập một “vườn kỷ vật chiến tranh”.
Tiếp nối câu chuyện, cựu chiến binh Trần Văn Quận kể: “Tôi rất mê lịch sử nên tìm hiểu qua sách báo, tôi đọc được thư khen của Bác Hồ nhân dịp quân và dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ vào ngày 14/7/1965. Trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội, cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Đây cũng là động lực để tôi thực hiện ước mơ “tự tay mình xây dựng nên vườn kỷ vật chiến tranh” tái hiện lại cảnh người dân Quảng Bình vừa sản xuất trong mưa bom bão đạn, vừa chiến đấu giỏi để mọi người, nhất là thế hệ trẻ khi đến tham quan chiêm ngưỡng được chạm tay vào những kỷ vật chiến tranh để nhớ về lịch sử chống giặc ngoại xâm”.
Chắt chiu tháng ngày, ông không ngại khó khăn lang thang dọc đường Hồ Chí Minh từ Nghệ An vào tới Phú Yên tìm đến các điểm thu mua phế liệu để mua các vỏ bom, vỏ đạn còn sót lại sau chiến tranh từ số tiền vợ chồng tiết kiệm được. Ông sàng lọc rất kỹ những quả bom, hòn đạn không còn tính chất cháy nổ, không còn khả năng gây sát thương mới mang về trưng bày ở vườn kỷ vật chiến tranh.
Cứ sau mỗi chuyến đi dài ngày, lúc trở về nhà, ông Quận chở theo lỉnh kỉnh nào là vỏ bom, vỏ đạn nặng trịch, nào là những chiếc ăng gô, mũ cối, bi đông đựng nước, có khi là đèn măng xông, cái phích nước được làm từ mảnh nhôm xác máy bay… Trải qua thời gian, kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Trần Văn Quận khá đa dạng và rồi niềm ao ước của ông Quận dần dần trở thành hiện thực, năm 2018 vườn kỷ vật chiến tranh đã ra đời.
Bên chén nước, ông Quận khề khà kể lại câu chuyện, những ngày đầu khi ông ôm về một mớ vỏ bom, vỏ đạn thì bà Hiên - vợ ông đã can ngăn nhiều lần. Bởi cái lý của bà ấy đưa ra: Ai đời thời buổi ni mà còn đi ôm đống sắt phế liệu về cho chật nhà chật cửa. Lại suốt ngày cưa, hàn, đục, đẽo ồn ào lại không chí thú làm ăn nên bà ấy giận tôi ra mặt. Nhưng rồi tôi giải thích, “mưa dầm thấm lâu” nên dần dần bà ấy hiểu ra, nghe theo và cùng phụ giúp.
Chia tay người cựu chiến binh tâm huyết với các kỷ vật chiến tranh, chúng tôi cứ nhớ mãi lời ông Quận “nếu như không có sự kiên trì và niềm đam mê thì tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Bởi, vườn kỷ vật chiến tranh chỉ mục đích phục vụ miễn phí mọi người nhưng cũng là nơi nhắc nhở mọi người và thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cùng đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
XUÂN THI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022