Chiếc mâm trong nghi lễ của người Chăm

Cô gái Chăm đội cổ bồng trầu cùng đoàn người rước y trang lên tháp trong Lễ hội Ka tê
 

Đối với một số tộc người, chiếc mâm ngoài việc dùng để ăn cơm ở trong gia đình thì còn dùng để đựng lễ vật trong dâng cúng thần linh vào các dịp cúng tế của cộng đồng. Đối với dân tộc Chăm, ngoài những chiếc mâm dọn ăn hằng ngày còn có nhiều loại mâm dành cho nghi lễ, lễ hội. Các loại mâm liên quan đến đời sống tâm linh được đồng bào sáng tạo với yêu cầu thẩm mỹ thẩm mỹ nhất định vì nó chẳng những là vật dụng dành cho việc ăn uống, lễ nghi mà còn là “đạo cụ” không thể thiếu của các vũ điệu dân gian ở đền tháp. So với các dân tộc miền núi, đồng bào Chăm ít sử dụng các loại mâm đan bằng mây tre mà chủ yếu là mâm gỗ và làm bằng kim loại như nhôm, đồng.

Trong cuộc sống ẩm thực gia đình hay cộng đồng, bà con sáng tạo chiếc mâm để tổ chức ăn uống hợp lý, chu đáo và tươm tất, thể hiện cách ứng xử và mối quan hệ xã hội. Mâm thường 4 phần chính: mặt mâm, thành mâm, chân mâm và đế mâm. Thành mâm để giữ thức ăn không bị đổ khi vận chuyển bằng cách đội mâm hay bưng bê. Người Chăm thường sắm các mâm lễ vật như mâm trầu cau, mâm hoa quả, mâm bánh trái cùng các thực phẩm khác và bố trí ngay trước tấm trướng (kanim) hay đàn cúng. Trầu cau là lễ vật quan trọng đầu tiên không thể thiếu trong các món lễ vật dâng cúng thần linh. Trầu cau được đặt trên chiếc mâm tròn làm bằng gỗ có đế cao 0,3cm. Mâm này dân gian gọi là “cỗ bồng trầu” (Thong hala), gồm 3 tầng. Gọi là “cỗ bồng trầu” vì vật dâng lễ chủ yếu bằng lá trầu được tạo hình cân đối như một tác phẩm nghệ thuật. Trên đỉnh cỗ bồng trầu thường gắn ngọn nến. Đây chính là biểu tượng của vị đại nữ thần Po Bar Gina của người Chăm. Khi đội trên đầu thì nó tạo thành vật trang sức làm tăng nét duyên dáng, đoan trang cho người phụ nữ Chăm, nhất là khi họ trình diễn vũ điệu dâng lễ nơi đền tháp. Vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng thần linh. Loại mâm này còn dùng để đặt bánh tét, hoa trái để cúng thần.

Bên cạnh đội cổ bồng trầu, đồng bào Chăm cũng thường đội mâm lễ vật lên tháp cúng thần linh. Trong các lễ cúng kết thúc mùa lễ Ramưwan của người Chăm theo tôn giáo Bàni (Bini) thường chuẩn bị các mâm lễ vật là thức ăn chay. Mâm có chân đế cao, các cô gái đội mâm đến địa điểm làm lễ cúng. Lồng bàn để đậy các mâm cúng được đan bằng mây tre và thường trang trí hoa văn, màu sắc nổi bật. Trong lễ hội Ka tê, các cô gái thường đội trên đầu bình gốm (pụ) hoặc một cái mâm/khay (ka ya) đựng hoa quả hoặc bộ ấm chén bằng đất nung để thực hiện điệu múa nghi lễ độc đáo của người Chăm, gọi là Tamia dwa buk. Theo các nhà nghiên cứu, điệu múa này xuất phát từ điệu múa Dâng lễ, trên đầu đội cổ bồng trầu (Thong hala) trong lễ dâng nước thánh lên tháp, sau đó kết hợp với thao tác đội lu nước trong sinh hoạt ngày thường mà thành. Trên mâm/khay có bình gốm hoặc ấm thường chứa nước lã hoặc nước chè xanh để dâng cúng thần linh hoặc mời khách quý. Điệu múa này trở thành nghi lễ đặc trưng của người Chăm trong việc tiếp đón khách quý. Các cô gái vừa nhún chân vừa nâng nhẹ đôi tay, miệng cười tươi chào các vị khách, sau đó đỡ ấm nước xuống rồi rót nước chè ra từng cốc mời khách.

Chiếc mâm ngoài chức năng là nơi đặt đồ ăn thức uống để đảm bảo cho việc tổ chức bữa ăn còn được coi là một trong những biểu tượng trong văn hóa ẩm thực của tộc người. Những loại thức ăn truyền thống, những khay trầu, mâm quả (salao takai, thong, nduen hala) mà phụ nữ Chăm thường đội đi dâng lễ ở các thánh đường, đền tháp đã trở thành biểu tượng đẹp trong ngày hội. Với giá trị đó, chiếc mâm là vật dụng quý giá nhất trong đồ gia dụng và đồ cúng tế thần linh của đồng bào Chăm. Trong các lễ hội giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, chiếc mâm  được sử dụng để bày biện, sắp đặt các món ăn, giới thiệu văn hóa ẩm thực của dân tộc.

 

TRẦN TẤN VỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

;