Già Zơ Râm Ngăm đam mê nhạc cụ dân tộc Ve

Mới đây, có dịp về Đắc Pring - một xã vùng biên giáp với nước bạn Lào xa xôi phía Tây của tỉnh Quảng Nam công tác. Xong việc, chúng tôi được anh Kring Reo - cán bộ UBND xã Đắc Pring sắp xếp thời gian đưa về thôn 49b, gặp gỡ, trò chuyện cùng ông Zơ Râm Ngăm để hiểu thêm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ve nơi đây.

Ông Zơ Râm Ngăm (thôn 49b), xã Đắc Pring, huyện Nam Giang đang thổi sáo Tuốc léc
 

Ngồi cùng ông Zơ Râm Ngăm (80 tuổi) trong ngôi nhà sàn ấm áp tại thôn 49b (xã Đắc Pring), huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam uống ly nước trà nóng xua đi cái lạnh vùng biên, rồi Ngăm kể cho chúng tôi nghe: Trước đây, nhà tôi còn nghèo nên không có tiền để mua chiêng. Những lần tôi theo những bậc đàn anh, người già trong làng đi khắp các lễ hội để nghe những bài chiêng. Những lần như thế, tôi lại tận dụng thời gian rảnh rỗi của các già làng để mượn chiêng tập và hỏi về bí quyết đánh chiêng của dân tộc mình. Vì thế, tôi chỉ cố gắng nhẩm và thuộc những bài chiêng bằng miệng, bằng trí nhớ. Mỗi lúc mượn được chiêng của các già làng, chính là lúc tôi thực hành những giai điệu, âm thanh mình cảm nhận và nghe được sau mỗi lần đó. Rồi tài năng đánh chiêng của tôi được những người già trong làng biết đến và ghi nhận. Khi lên 15 tuổi, các già làng cho tôi vào đội cồng chiêng của làng (nay là thôn 49b).

  Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đời sống kinh tế gia đình ông Zơ Râm Ngăm so với một số gia đình người Ve còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng ông Ngăm vẫn không bao giờ từ bỏ đam mê với cồng chiêng, âm nhạc truyền thống dân tộc. Mỗi khi trong thôn có lễ hội, xã tổ chức văn nghệ, ông Ngăm lại gác hết việc ruộng rẫy để cùng các thành viên trong đội cồng chiêng của thôn chuẩn bị chu đáo tham gia để không hổ thẹn với xóm làng. Bên cạnh đó, ông Ngăm còn biết làm và biểu diễn được nhiều nhạc cụ truyền thống, biết nhiều phong tục tập quán hay của người Ve. Ông Ngăm còn là một trong những thành viên của đội cồng chiêng của thôn 49b gồm 10 người. Có thể nói ông là một trong số những tài năng hiếm có với khả năng cảm âm chiêng tốt, chỉ nghe qua bài nhạc mới vài lần là ông có thể đánh theo được ngay mà không cần tập luyện nhiều. Ngoài cồng chiêng ra, ông Ngăm còn thạo trống và am hiểu nhiều loại nhạc cụ bằng tre nứa khác. Đặc biệt với các loại sáo Pà bam, Tuốt léc và sáo Đinh buôn thì loại sáo nào ông Ngăm thổi cũng hay.

Với chúng tôi, lần đầu tiên được nhìn và chứng kiến ông Ngăm biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ve từ sáo Pà bam, Tuốt léc đến sáo Đinh buôn rất linh hoạt, mạnh mẽ, thiết tha, đi vào lòng người. Ông Ngăm lần lượt đưa và giải thích cho chúng tôi biết từng loại sáo. Nói về cách làm 3 loại sáo này, theo ông Ngăm, tuy nhìn bề ngoài chúng khá đơn giản, nhưng kỳ thực việc chế tạo không hề dễ dàng, nếu không nói là khá khó khăn. Muốn những loại sáo này khi thổi cho âm thanh hay thì công đoạn vào rừng tìm và chặt cây nứa rất quan trọng, tỉ mẩn từng tí, mất rất nhiều thời gian mà không phải đàn ông dân tộc Ve nào cũng làm được.

Đầu tiên, phải chọn ống nứa có lóng dài, già vừa phải, thân không quá dày, cũng không quá mỏng. Ống nứa không bị kiến đục lỗ và không bị cụt ngọn. Khi chặt nứa về, người Ve cắt bỏ hai mắt, để rỗng hai đầu gát trên gác bếp từ 1 đến 2 tháng cho thật khô. Sau đó, để hoàn thành một cây sáo phải mất từ 5 đến 7 ngày. Với sáo Tuốt léc có kết cấu đơn giản gồm một khúc nứa to bằng ngón chân cái người lớn (khoảng 2cm) và dài 5 gang tay (khoảng 1m), chỉ có một lỗ chính giữa của ống. Sáo Pà bam, là một ống nứa nhỏ bằng ngón tay cái người lớn (1cm), dài 3 gang tay (khoảng 60cm), trên thân sáo có một lỗ để thổi. Đối với sáo Đinh buôn, là một ống nứa nhỏ độ lớn khoảng 1cm, dài 6 gang tay (khoảng 1m2). Một bộ phận quan trọng của sáo Đinh buôn là lưỡi gà ở đầu ống sáo. Lưỡi gà này chủ yếu làm bằng thân cây nứa vót mỏng. Tuy nhiên, để tiếng sáo Đinh buôn được trong và vang hơn, người Ve cũng có thể dùng lưỡi gà bằng đồng.

Được biết, từ bao đời nay người Ve sinh sống trong không gian núi rừng trùng điệp, mênh mông, tĩnh mịch, nhiều khi mưa rừng rả rích cả ngày, người Ve thường mượn nhạc cụ dân tộc để bày tỏ nỗi lòng, gửi trao tâm tư, khát vọng, niềm tin yêu cuộc sống. Những đàn ông dân tộc Ve thổi sáo như một cách để quên đi mệt mỏi sau những giờ đi vào rừng săn bắn chim, sóc, tìm măng, hái nấm, đi làm rẫy về làm cho người nghe có thể cảm nhận được tâm trạng, tình cảm của người thổi để rồi thấu hiểu và thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Bên cạnh đó, sáo của người Ve có thể dùng độc tấu, hòa tấu và thường xuyên để đệm cho các điệu dân ca truyền thống.

Theo ông Zơ Râm Ngăm, tiếng sáo Tuốc léc luôn réo rắt, da diết, thiết tha, tiếng sáo Đinh buôn nhặt khoan, vang vọng, còn đối với tiếng sáo Pà bam như lời thủ thỉ. Tất cả như lời tâm tình trao gửi giữa đêm trăng, lảnh lót vang vọng cao vút lên ngọn cây, đỉnh núi, ngân nga, len lỏi vào từng ngõ xóm làng, nơi người Ve định cư. Đặc biệt, giữa không gian tĩnh mịch của núi rừng, khi chàng trai và con gái Ve đối diện nhau, yêu nhau có vẻ ngại, không thể thổ lộ tình cảm của mình, tiếng sáo Pà bam còn là lời trò chuyện, tâm tình lứa đôi và giai điệu của tiếng sáo Pà bam sẽ thay lời tỏ tình. Giữa những làng/thôn cách nhau từ quả đồi này sang quả đồi kia, tiếng sáo Pà bam, Tuốt léc và Đinh buôn với âm điệu, tiết tấu trở thành sợi dây gắn kết, cầu nối tâm tư, kéo con người sát lại gần nhau hơn, làm cho người nghe có thể cảm nhận được tâm trạng, tình cảm của người thổi để rồi thấu hiểu mà yêu nhau, đùm bọc nhau hơn.

Cũng theo ông Ngăm, hiện tại phong trào tập luyện đánh chiêng và thổi các loại sáo trong thôn 49b của lớp trẻ dân tộc Ve đã không còn như trước. Hầu hết các em nhỏ thì luôn dành nhiều thời gian nhiều hơn cho học tập ở trường. Tối về, thì còn lo soạn và bài tập. Thời gian dành tình yêu và đam mê với chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống như cha ông ngày xưa thì rất ít. Đó cũng là trăn trở của ông Ngăm cũng như nhiều nghệ nhân khác trong thôn mà đến nay chưa có một giải pháp hiệu quả.

Anh Ka Ring Khang – Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Pring cho biết: Bên cạnh những khó khăn trong phong trào văn hóa, văn nghệ thì hiện tại thôn 49b là một trong những thôn còn duy trì rất nhiều lễ hội văn hóa, cùng nhiều nhạc cụ truyền thống phong phú của đồng bào dân tộc Ve. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như: thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, mời nghệ nhân mở các lớp truyền dạy cho những người trẻ, học sinh trong các trường học trên địa bàn, quan trọng nhất vẫn là sự “truyền lửa” giúp thế hệ trẻ tự ý thức và đam mê hơn. Trong những phong trào tập luyện ấy, ông Ngăm là một người tích cực hoạt động văn hóa, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của người Ve trên địa bàn huyện Nam Giang nói chung và người Ve trong thôn 49b và xã Đắc Pring nói riêng. Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới tại thôn, ông Zơ Râm Ngăm cũng là một tấm gương người cao tuổi có uy tín, năng nổ, tích cực cùng trưởng thôn, già làng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con.

Cũng như nhiều thôn/làng tộc người Ve khác ở huyện miền núi Nam Giang thì 3 nhạc cụ Pà bam, Tuốc léc và Đinh buôn vẫn luôn được người Ve nơi đây coi trọng. Đồng thời, chúng là điểm sáng nổi bật thể hiện cội nguồn, vẻ đẹp của văn hóa tộc người Ve. Có thể nói, ông Zơ Râm Ngăm thôn 49b, xã Đắc Pring (huyện Nam Giang) là một trong những tấm gương tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về ý thức giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Ve nơi đây. Chia tay ông Ngăm, chúng tôi tin rằng với nhiệt huyết và những nỗ lực của mình qua các hoạt động văn hóa văn nghệ tại thôn, sẽ góp phần nâng cao ý thức của lớp trẻ dân tộc Ve trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ve trên huyện vùng biên Nam Giang (Quảng Nam).

 

NGUYỄN GIA VĂN PHÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

;