Di tích Lưu Cừ II là một phế tích kiến trúc tôn giáo Bà La Môn, thuộc Văn hóa Óc Eo, được xây dựng vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên và tồn tại trong một thời gian dài của vương quốc Phù Nam. Di chỉ được phát hiện vào cuối năm 1985 và tiến hành điều tra, thám sát vào đầu năm 1986 tại ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Việc khai quật khảo cổ được tiến hành từ tháng 12/1986 đến tháng 2/1987. Năm 1990, phế tích kiến trúc Lưu Cừ II được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, loại hình di tích khảo cổ học.
Di tích có bình diện hình chữ nhật, chiều dài 31,2m theo hướng Đông Tây, chiều rộng 17,20m theo hướng Bắc Nam. Cấu tạo di tích gồm những phần chính như: (1) Cấu trúc móng bao xung quanh bên ngoài được xây thẳng đứng, có vách ngoài phẳng, vách trong gồ ghề. Hướng chính ở phía Đông có bậc tam cấp rộng 3,60m. Đường móng được bẻ góc 8 lần đi về hai hướng Tây Bắc, Tây Nam với 20 góc vuông và 20 cạnh. (2) Cấu trúc móng bên trong có bình đổ tương tự đường móng ngoài nhưng số lần bẻ góc là 6 lần với 16 góc vuông và 16 cạnh. Tường móng được xây theo lõi xiên choãi hình bậc thang. (3) Nền kiến trúc có dạng hai hình chữ nhật lồng nhau tạo thành một hành lang rộng bao quanh ba mặt Tây, Nam, Bắc của kiến trúc trung tâm. Mặt phía Đông là tiền sảnh lát gạch nối liền với bậc tam cấp. (4) Kiến trúc tam cấp có dạng hình chữ nhật dài 11,30m, rộng 3,10m. Phần phía Đông giáp với sân gạch bên ngoài, sân gạch rộng 3,10m x 3,60m. Phần ở giữa diện tích 3,10m x 300m là một mặt bằng đắp bằng cát cùng một vài vỉa gạch đứt đoạn. Phần phía Tây diện tích 3,10m x 3,70m có cấu trúc hình trụ tròn đường kính 1,65m.
Những khác biệt của cách thức, vật liệu xây dựng và di vật thu thập cùng chỉ số niên đại C14 cho thấy: di tích Lưu Cừ II thuộc văn hóa Óc Eo, là nơi thờ phụng có hai thời điểm tồn tại. Giai đoạn thứ nhất – giai đoạn thiết lập kiến trúc thế kỷ thứ I. Giai đoạn thứ hai – giai đoạn mở rộng kiến trúc thế kỷ thứ V. Ngoài ra, trong quá trình khai quật đã tìm thấy nhiều hiện vật liên quan đến thần Shiva (1 Yoni nhỏ, 1 ngẫu tượng Linga - Yoni bằng đá thạch anh, 1 Linga nhỏ) cùng với những hiện vật liên quan đến các vị thần Hindu khác: Tay hai pho tượng bằng đồng, 3 lá vàng dập hình mặt trời, hình ngọn lửa, ngẫu tượng Linga - Yoni bằng đá thạch anh có niên đại thế kỷ V - VI sau Công nguyên.
Theo bà Nguyễn Thị Niềm, Phó Trưởng ban Quản lý di tích thuộc Sở VHTTDL Trà Vinh: “Di tích kiến trúc cổ Lưu Cừ là một công trình xây dựng lâu đời, có thể nói đây là một kiến trúc đồ sộ, tiêu biểu cho bước phát triển mới về văn hóa, xã hội vùng đất đồng bằng Nam Bộ vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Từ hình hài bố cục chung, từ dáng vẻ của bộ phận kiến trúc, như đã kể, từ độ cao mặt nền mặt thềm lên xuống, mặt nền hành lang… khiến chúng ta liên tưởng đến di chỉ kiến trúc này có nhiều biểu hiện của một kiến trúc kiểu đền đài xưa. Đặc biệt, trong quá trình khai quật, chúng ta đã thu tập tuy không nhiều một số hiện vật có ý nghĩa như: Linga, Yoni, những bông cài mủ bằng vàng, chính những di vật này đã chỉ báo cho biết kiến trúc cổ Lưu Cừ có nhiều khả năng là một ngôi đền dạng dài của đạo Bà La Môn. Trong đó, di tích trụ gạch xây ở ngăn phía Tây trong ô hình chữ nhật được lắp bằng đất cát trắng mịn, có thể là di tích trung tâm tượng trưng cho hình ảnh của sự kết hợp Linga và Yoni – một loại hình linh vật được tôn thờ khá phổ biến trong đạo Bà La Môn. Quanh di tích kiến trúc gạch đó có nhiều viên gạch hình tam giác, hình thang có thể là vật liệu đã bị lăn đổ từ kiến trúc gạch có hình chóp tròn những ô hình gần vuông nằm ba mặt Tây, Nam, Bắc của kiến trúc trụ gạch nói trên có thể là những nơi được thiết kế để bố trí dựng các pho tượng thờ hoặc vật thờ to lớn mà ngày nay đã không còn lưu lại dấu tích, mặt nền phía Đông như đã nói là mặt tiền có lối đi lên vào khu vực chính của ngôi đền để hành lễ tại nền gạch cao và hành lang xung quanh. Ngôi đền không lợp ngói, không thấy cột kèo, mái che… đây là một dạng khá phổ biến trong các kiến trúc đền đài tôn giáo Bà La Môn thuở ấy”. Thật vậy, ngôi đền xưa Lưu Cừ nguy nga, đồ sộ, đầy dáng vẻ trang nghiêm vào thuở ấy được kiến lập tại đây thực sự là một kiến trúc tiêu biểu trong bối cảnh chung, rộng lớn của cuộc sống trong nền văn hóa Óc Eo. Ngôi đền này chắc hẳn từng một thời là trung tâm hành hương của nhiều đạo sĩ Bà La Môn, của các nhà sư đạo Phật ở các miền đất xa tới, là nơi quy tụ người dân trong vùng thường xuyên đến lễ bái, cầu mong điều tốt lành ở những đấng thần linh cao cả, ở đức Phật từ bi.
Hiện nay, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý các khu di tích được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong khu vực về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, gìn giữ, giới thiệu lịch sử truyền thống của dân tộc, địa phương và phát huy các giá trị di sản của khu di tích. Việc bảo vệ, quản lý khu di tích thời gian qua được quan tâm, các di tích đều được bảo vệ, quản lý khá tốt. Việc thành lập tổ Quản lý, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị về mặt khảo cổ và sự quan tâm đầu tư, quản lý của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần phải quan tâm như: Việc đầu kinh phí để bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích từ nguồn ngân sách của Nhà nước thời gian qua rất hạn chế; việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa rất ít, cho nên di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy di tích trên địa bàn chưa được thực hiện. Vì vậy, thời gian qua chỉ tập trung vào việc trùng tu di tích. Di tích phần lớn chưa phát huy tốt, nhất là bởi chưa kết hợp được tour tuyến du lịch gắn với dịch vụ trong di tích; việc quảng bá còn hạn chế, chưa có người hướng dẫn giới thiệu. Chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP làm công tác bảo vệ, tạp vụ tại di tích còn thiếu và mức lương tối thiểu vùng rất thấp cho nên rất khó tuyển dụng người vào làm việc… Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học Lưu Cừ II, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền cần sớm đầu tư kinh phí triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích như: nhà trưng bày, nhà bao che di tích, cổng - tường rào, sân đường; bổ sung biên chế 2 viên chức và 1 lao động hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện công việc quản lý, thuyết minh, vệ sinh môi trường cho khu di tích; có chính sách giao định mức phân bổ kinh phí sự nghiệp hằng năm cho đơn vị để phục vụ cho việc hỗ trợ kinh phí trùng tu (gia cố, gia cường) và sửa chữa nhỏ các hạng mục xuống cấp; có Nghị quyết chuyên đề về chế độ tiền lương cho bảo vệ, tạp vụ làm việc tại các di tích, theo mức lương ngang bằng với mức lương tối thiểu vùng cho lao động do Chính phủ quy định; ngoài ra, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, tôn tạo, bảo dưỡng, phát huy các giá trị di tích gắn với kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài huyện nhằm thu hút khách du lịch gần, xa đến với các địa điểm du lịch tâm linh với các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer như: Chol Chnam Thmay, Sene Đolta, Ok Om Bok, giáo dục truyền thống, di tích lịch sử, những làng nghề đặc trưng tại địa phương như: dệt chiếu Cà Hom, tiểu thủ công nghiệp Hàm Giang, Đan đát Đại An, trang phục truyền thống dân tộc Khmer, cơ sở chế tác mặt nạ Kim Mạnh cùng với đặc sản quê Cô Diễm, Nhà hàng ẩm thực Rít Thi và cà phê Bên sông… nhằm quảng bá hình ảnh và con người Trà Cú chân chất, gần gũi với cuộc sống thôn quê; qua đó phát huy thế mạnh của địa phương trong việc kết nối các điểm tham quan với cộng đồng, trách nhiệm của người dân địa phương, từng bước hình thành các điểm đến ngày càng hấp dẫn khách du lịch.
Ngày nay, việc kết nối di tích khảo cổ Lưu Cừ II vào quy hoạch chung của du lịch tại địa phương là vấn đề thiết thực, hiện hữu và ngắm nhìn toàn cảnh di tích còn lại của ngôi đền ấy, chúng ta vừa thán phục trình độ kỹ thuật cao, tài năng sáng tạo tuyệt vời của người xưa vừa như thấy ở đây dư âm của một thời đoạn lịch sử sống động – thời đoạn mở đầu công cuộc khai phá một vùng đất mà theo địa chất học mới được bồi tụ trước đó vài thế kỷ. Đây cũng là khoảng thời gian sử sách xưa nói đến sự kiến lập một số tiểu quốc trong vùng, trong đó “nước Phù Nam” được ghi chép là có địa bàn rộng lớn, có thế lực hùng mạnh, có quan hệ chính trị, văn hóa rộng rãi. Cho đến nay chưa có một di tích nào của nền văn hóa Óc Eo có hiện trạng bảo tồn tương đối nguyên vẹn như di tích kiến trúc cổ Lưu Cừ. Mặt khác, đây là một di tích được xây cất bằng trình độ kỹ thuật - nghệ thuật cao và thật đặc sắc mà chưa hề thấy trong các di tích văn hóa cổ ở đồng bằng Nam Bộ. Di tích này có niên đại khá cổ gần 2.000 năm cách nay là chứng tích thật tiêu biểu của văn hóa – lịch sử vùng trong buổi đầu khai phá, mở mang. Di tích cũng phản ánh sự kiện lớn trong quá trình biến đổi giao lưu kinh tế, văn hóa, đó là sự kiện hòa nhập của văn hóa cổ xưa Ấn Độ với văn hóa bản địa truyền thống để hình thành nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng thế giới.
Du khách tham quan tại Nhà trưng bày Khu di tích Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
HUỲNH THANH LAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023