Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống anh hùng và văn hóa, một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử, nơi có các di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Long An còn có những làng nghề được lưu truyền trăm năm đến tận ngày nay. Trải qua bao thăng trầm, những làng nghề vẫn tồn tại và phát triển bởi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn được con người chú tâm gìn giữ.
Xóm bánh tét Vàm Thủ nhộn nhịp gói bánh trong những ngày cuối năm - Ảnh: Huỳnh Du
Đặc sản bánh tét Thủ Thừa
Bánh tét Thủ Thừa không chỉ là món đặc sản dân quê, đậm vị truyền thống mà còn là nét văn hóa lâu đời được người dân Long An gìn giữ cho đến nay. Ở Long An, bánh tét có mặt ở nhiều nơi nhưng hương vị nổi bật nhất và trở thành nghề truyền thống phải kể đến bánh tét Thủ Thừa.
Nằm nép bên dòng sông Vàm Cỏ Tây hiền hòa, thuộc địa phận ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, có một xóm bánh tét truyền thống tạo được “tên tuổi” nhờ vị ngon cũng như chất lượng của bánh.
Nghề làm bánh tét có từ rất lâu và được “cha truyền con nối”. Không phải ngẫu nhiên mà bánh tét Thủ Thừa được lòng thực khách, bí quyết chính nằm ở sự tỉ mỉ, khéo léo từ cái tâm của những người thợ gói bánh. Có lẽ nhờ vậy mà trải qua bao thăng trầm của cuộc sống nhưng những lò bánh tét truyền thống nơi đây vẫn luôn “đỏ lửa” và được nhiều người ưa chuộng. Nếu là khách phương xa, cứ đến chân cầu Vàm Thủ, hỏi lò bánh tét Chín Mai hoặc dì Tư thì ai cũng biết.
Hằng ngày, khoảng 3 giờ sáng, xóm bánh tét này đã sáng đèn. Người rửa lá, gút nếp, đậu xanh, người xào nhân. Đàn ông thì đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển, phân phối bánh đến các đầu mối. Trên khoảng sân rộng, mỗi người một việc, tất bật nhưng phối hợp nhuần nhuyễn. Mỗi công đoạn như xếp lá chuối, gói bánh, buộc bánh và nấu bánh đều được thực hiện nhanh gọn như một việc làm đã quá quen thuộc. Không khí ở xóm bánh tét vì vậy mà trở nên rộn ràng.
Bà Nguyễn Thị Kiều Mai, 55 tuổi, chủ lò bánh tét Chín Mai, kể: “Tôi học nghề gói bánh tét từ mẹ và gắn bó đến nay hơn 30 năm. Từ ngày xưa, các cụ gói bánh đã chọn nguyên liệu rất kĩ càng nên bây giờ tôi cứ như vậy mà làm theo. Lá chuối phải to bản, không bị rách. Nếp gói bánh phải là loại nếp sáp trộn với đậu đen, dừa; nhân bánh được ướp gia vị vừa đủ; tay người gói khéo thì bánh tét ra lò mới đẹp, dẻo, ngon. Hiện, có nhiều nơi buộc bánh bằng dây ni-lon nhưng tôi vẫn buộc bằng dây lác theo truyền thống để bánh được đẹp, chắc và an toàn sức khỏe cho người dùng”.
Không chỉ có nhân đậu, mỡ quen thuộc, bánh tét Thủ Thừa còn được chế biến với nhiều loại nhân khác nhau, nào là nhân chuối, nhân dừa,... Theo những người thợ gói bánh “thâm niên”, để có một đòn bánh tét dẻo, ngon, đẹp mắt đến tay người dùng cần phải có sự tỉ mỉ, khéo léo bởi nếu gói không chặt tay, bánh sẽ bị bở, không đẹp mắt. Kể cả khâu nấu bánh cũng rất quan trọng, khi nấu nếu chèn không chặt, bánh sẽ không chín đều, hoặc nhân bánh bị sống. Một mẻ bánh trung bình cần khoảng 7 giờ hoặc nhiều hơn nữa để nấu chín. Bánh nấu xong phải đợi thật nguội và đem treo cho ráo hẳn nước để bánh được dẻo và giữ lâu hơn. Dù được làm từ nguyên liệu ngon, gói công phu nhưng mỗi đòn bánh tét có giá rất bình dân, chỉ khoảng 20.000 đồng/đòn lớn.
Đến xóm bánh tét giữa lúc những nồi bánh bốc khói nghi ngút sẽ cảm nhận được mùi thơm nếp, lá chuối, đậu xanh quyện vào nhau. Hương vị đặc trưng ấy đã trở nên quen thuộc và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Nghệ nhân Tư An với sản phẩm trống
Âm vang tiếng trống Bình An
Nếu bánh tét Thủ Thừa để lại hương vị khó quên cho thực khách thì tiếng trống Bình An ở làng quê Tân Trụ sẽ đưa khách đến thăm về với ký ức êm đềm của hội làng, đình đám. Làng trống Bình An có hơn trăm năm tuổi. Các nghệ nhân thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, truyền nhau nghề làm trống để tiếng trống Bình An vang xa khắp mọi miền đất nước, thậm chí vang xa ở cả nước ngoài.
Theo con đường bê-tông xuyên xóm nhỏ, khi nào nhìn thấy những ngôi nhà chất đầy phôi gỗ hoặc phơi trống đầy sân thì biết đã tới làng trống Bình An. Nơi đây, ngày nay không còn nhiều người làm trống nhưng gia đình nào giữ nghề đều đã trải qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn An (Tư An) đã có 5 đời làm trống. Nhà ông chất đầy phôi gỗ; trong kho, dựng đầy những tấm da trâu lớn phơi khô cứng. Gian chính nhà, nghệ nhân có đủ loại trống với hình dáng, kích cỡ, màu sắc khác nhau. Có trống ghép từ những mảnh gỗ nhỏ, cũng có trống từ gỗ nguyên khối, trống nhỏ cầm trên tay, trống lớn thì hai người vòng tay ôm mới hết.
Ngoài các loại trống truyền thống thường gặp: trống trường, trống đình, trống chùa, trống cái, trống cơm,... còn có thêm các loại trống mới, làm theo yêu cầu khách hàng: trống bát nhã, trống tiều, trống bóng,... Tất cả đều do nghệ nhân Tư An tự mày mò, học hỏi làm ra. Ông chia sẻ: “Mỗi lần giao lưu hoặc có dịp đi đây đó, thấy trống lạ là tôi để tâm tìm hiểu. Trước hết, phải nghe được âm thanh của trống như thế nào, công dụng hoặc vai trò của trống trong dàn nhạc ra sao rồi về nhà tự mày mò, nghiên cứu cách thức chế tạo trống với âm thanh chuẩn và hay”. Có lẽ vì vậy mà dù không chơi nhạc nhưng nghệ nhân Tư An am hiểu khá sâu, rộng về nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, từ dân gian, truyền thống đến hiện đại của nhiều dân tộc cả trong và ngoài nước.
Chất lượng một chiếc trống tùy thuộc vào chất lượng, độ khô của gỗ và da trâu cùng sự khéo tay, tài hoa của người thợ. Tùy theo từng loại trống, kích cỡ và chất liệu gỗ mà giá sẽ dao động từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng một chiếc. Những chiếc trống chất lượng cao được làm từ gỗ tốt, da tốt thì tuổi thọ trống có thể lên đến trên 30 năm. Tiếng trống qua thời gian không có nhiều thay đổi.
Để làm được một chiếc trống tốt, nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian, công sức bởi hầu hết công đoạn đều làm bằng tay, sử dụng sức người là chủ yếu. Nặng và khó nhất có lẽ là bịt trống, khi đó người thợ phải dùng rất nhiều sức và cả sự khéo léo, tài hoa của mình để vừa có thể căng phẳng miếng da trâu khô cứng theo đúng yêu cầu, vừa cố định da chính xác để cho ra đời thành phẩm trống có chất lượng cao. Có khi phải mất hằng tháng, thậm chí cả năm để có thể hoàn thành.
Trống Bình An vốn nổi tiếng về chất lượng, mẫu mã. Nghệ nhân làng trống vẫn miệt mài gìn giữ nghề truyền thống, dùng sự khéo léo, tài hoa của mình để đưa tiếng trống vang xa.
TRẦN TRỌNG TRIẾT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023