Việt Nam định hướng phát triển quy hoạch các mô hình đô thị đặc thù với nhiều loại hình sáng tạo như: đô thị du lịch, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh. Đấy là một bước tiến phù hợp với xu hướng phát triển chung của các đô thị trên thế giới, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đáp ứng nhu cầu và những chuẩn thức văn hóa trong thời đại mới. Trong bức tranh toàn cảnh của một đô thị phát triển bền vững, mỹ thuật công cộng là một điểm nhấn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, được xác lập bởi những công trình có giá trị nghệ thuật cao mang tính biểu tượng đặc trưng cho từng đô thị ở Việt Nam hiện nay.
1. Những giao tiếp với mỹ thuật công cộng trong không gian đô thị
Bất kể du khách nào khi đặt chân tới Pháp, tháp Eiffel tại thủ đô Paris sẽ là một điểm dừng chân không thể thiếu để ghi lại dấu ấn mang tính biểu tượng của đất nước này hay tháp nghiêng Pisa của Ý, nhà hát Opera Sydney tại Australia, tháp Rùa ở Việt Nam… đều là những kỳ tích đem đến cho du khách những trải nghiệm thích thú, in đậm vào trí nhớ. Mỹ thuật công cộng không chỉ giới hạn bởi các tác phẩm của nghệ sĩ tạo hình hội họa hay điêu khắc, mà còn nằm ngay trong các hình thái của kiến trúc, môi trường cảnh quan của đô thị.
Nhiều đô thị lớn trên thế giới, hình tượng nghệ thuật có sự tương tác với cộng đồng, xuất hiện rất nhiều trên đường phố, tại các giao lộ, nhà ga, quảng trường, không gian công cộng; khi tiếp cận với những công trình điêu khắc ngoài trời như: Tượng nữ thần tự do (Statue of Liberty) (1886) đặt tại vịnh New York là một kiệt tác mang tính biểu tượng của Mỹ, hay hình tượng Sư tử nửa thân cá (Merlion) (1972) của nhà điêu khắc Lim Nang Seng cùng với Khu vườn bên vịnh (Garden by the bay) dựa trên ý tưởng sáng lập của TS Kiat W.Tan tại Singapore đã làm nên từ khóa tìm kiếm điểm đến du lịch trên internet. Những tuyệt tác nghệ thuật này không những để lại giá trị về nghệ thuật cho người dân trên đất nước họ, mà còn là biểu tượng quảng bá hình ảnh ra thế giới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế, chính trị, xã hội.
Điểm thêm các tác phẩm điêu khắc ngoài trời theo các khuynh hướng đương đại tại một số thành phố trên thế giới như: The force of nature (Sức mạnh của thiên nhiên) với cách tạo hình độc đáo của Lorenzo Quinn - một nhà điêu khắc Ý và nhiều phiên bản khác nhau tại Singapore (2008), Qatar (2011), Anh (2011), Mỹ (2012) và Trung Quốc (2018) được sử dụng các chất liệu bền vững như: đồng, nhôm và thép không gỉ; tác phẩm điêu khắc Mihai Eminescu (2012) của nghệ sĩ Eremia Costel Grigorescu, khắc họa chân dung Mihai Eminescu, một tên tuổi lớn của nền thi ca Romania vào không gian ngay trên đại lộ Onesti ở Romania; tác phẩm Break through from your mold (Tự do) (2001) của nhà điêu khắc Zenos Frudakis với khát vọng tự do, thoát khỏi khuôn phép ràng buộc được đặt tại thành phố Philadelphia, Mỹ; tác phẩm The Knotted Gun (Không bạo lực) (1985) do nghệ sĩ Carl Fredrik Reutersward sáng tạo, là một trong những tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân văn sâu sắc, tọa lạc trên đại lộ Turtle, New York, Mỹ truyền tải thông điệp hòa bình về một thế giới không bạo lực, không chiến tranh; tác phẩm Cloud Gate (Cổng mây) (2006) của nghệ sĩ Anish Kapoor đặt tại Chicago, Mỹ (1), thể hiện sự giao tiếp qua lại của cộng đồng với nghệ thuật. Hoặc với tác phẩm Song Board (Bảng nhạc cụ tương tác tùy biến) (2012) ở nhà ga King’s Cross, Luân Đôn, Vương quốc Anh (2), do sinh viên Đại học Central Saint Martins thực hiện bằng 2.940 quả cầu vàng và đen trên mặt đứng bức tường cao 2m, dài 35m, cho phép du khách trải nghiệm khi xoay các quả cầu theo ý muốn. Họ có thể tiếp cận và tương tác trực tiếp vào các thành tố tạo hình mỹ thuật của tác phẩm và bản thân công chúng cũng là một nhân tố hợp nhất cấu thành sự biến đổi đa dạng, ở đó mỗi người có thể tìm thấy được xúc cảm của chính mình, trải nghiệm nghệ thuật theo một phương thức hoàn toàn mới.
Có thể thấy, nghệ thuật công cộng nói chung và các thể loại mỹ thuật công cộng tại các đô thị nói riêng đã tạo nên sự giao tiếp với cộng đồng phong phú hơn, thêm chức năng kiến tạo không gian thẩm mỹ, không gian sinh hoạt, không gian trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật một cách trực tiếp, đa chiều. Với sự kết hợp nhiều thành tố về chất liệu, hình khối, không gian, công nghệ mới cùng tồn tại và phát triển hài hòa với đời sống người dân và không gian đô thị, mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc mà theo quan điểm của Henry Moore thì “Nghệ thuật không phải công việc để kiếm sống, mà đó là một cuộc sống đầy đủ hơn của con người” (3). Điều này cho thấy, sáng tạo nghệ thuật là sự hiến dâng đáng trân trọng của nghệ sĩ, nhằm mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn cho con người trong không gian đô thị văn hóa công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu hiện nay.
2. Mỹ thuật công cộng tại Việt Nam hiện nay với đời sống người dân đô thị
Việt Nam cũng là một quốc gia có dân số đông trong khu vực, quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, sự dịch chuyển về cơ cấu dân số là động lực phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, thay đổi về nếp sống đô thị, phân hóa nhu cầu lao động, học tập cũng như mọi sinh hoạt trong đời sống xã hội tại đô thị trở nên phức tạp hơn. Khi đề cập đến chỉ số phát triển bền vững của một đô thị thì yếu tố văn hóa nghệ thuật nói chung và mỹ thuật trong không gian công cộng nói riêng cũng cần được quan tâm và phát triển đúng hướng.
Nhìn lại quá khứ của dân tộc thì nghệ thuật đô thị ở Việt Nam thực sự đã hình thành loại hình nghệ thuật công cộng gắn với cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa hội làng, trong các lễ hội được tổ chức tại sân đình, ở đó trong tiềm thức của người Việt xưa rất quen thuộc với hình ảnh “cây đa - giếng nước - sân đình”. Hình ảnh cây đa thực sự là một biểu tượng của tác phẩm điêu khắc ngoài trời sống động nhất, kể cả giá trị tạo hình chắt lọc của tạo hóa và giá trị gắn kết con người với thiên nhiên trong không gian văn hóa cộng đồng của người Việt. Mỹ thuật công cộng cũng được thể hiện sinh động trên từng kiến trúc cổng làng, là nơi quần tụ sinh hoạt của người già, trẻ nhỏ trong những đêm trăng thanh gió mát, nơi hẹn hò, kết duyên bao đôi lứa. Chính những không gian công cộng thời kỳ đó đã tạo nên sự gắn kết của cộng đồng, nơi niềm vui được chan hòa, nỗi buồn được chia sẻ, mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt, thể hiện rất rõ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với vùng đất Nam Bộ thì những sinh hoạt thường nhật gắn liền với sông nước của bà con khi trao đổi sản vật, họp chợ trên sông cũng có thể được xem là những quần thể nghệ thuật sắp đặt sống động. Ở đó, mỗi người tham gia đều là chủ thể tạo nên sự hoàn thiện của tác phẩm, chính sự tương tác giữa những thực thể con người và thiên nhiên thực sự là yếu tố tiên quyết cho việc hình thành một tác phẩm mỹ thuật phục vụ cộng đồng.
Trong xã hội đương đại tại các đô thị hiện nay, các thể loại mỹ thuật công cộng hướng tới cộng đồng còn rất ít và hạn chế tính tương tác. Chủ yếu là các điêu khắc tượng đài chiếm nhiều không gian công cộng, mang nặng giá trị lịch sử, chưa thực sự hài hòa với không gian tổng thể của đô thị (một phần do quá trình đô thị hóa), còn hạn chế khả năng tương tác nghệ thuật với đời sống cộng đồng. Mọi thế hệ công dân cần tôn trọng và tự hào với những gì mà lớp lớp cha ông đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do và mang đến hòa bình, phồn thịnh cho đất nước. Các tượng đài xây dựng lên cũng đã đóng góp phần lớn, khắc họa lại các giá trị lịch sử thông qua những hình tượng chiến sĩ cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ tiếp nối. Xét về góc độ lịch sử có thể nói, các công trình điêu khắc với thể loại này đã khắc ghi những khúc ca bi tráng, một quá khứ hào hùng của dân tộc và đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của thời đại. Tuy nhiên, với quy luật phát triển chung của xã hội thì giá trị quá khứ nên được bảo tồn bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có văn học nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng.
Một số nghệ sĩ đã tiếp nhận những khuynh hướng nghệ thuật đương đại của thế giới, dần hình thành nên một cấu trúc thẩm mỹ mới trên những quan niệm về cái đẹp, cách tiếp cận giữa tác phẩm với công chúng. Tuy nhiên, để đánh giá cái được và chưa được về hoạt động mỹ thuật công cộng trong không gian đô thị giai đoạn này còn nhiều ý kiến trái chiều. Bởi các tác phẩm - công trình mỹ thuật hướng tới cộng đồng trong thời gian qua tại các đô thị là chưa nhiều, còn mang tính thực nghiệm. Lực lượng sáng tạo mỹ thuật công cộng đa phần là các nghệ sĩ tạo hình trẻ, còn thiếu kiến thức bổ trợ về kiến trúc, quy hoạch cảnh quan cũng như chưa có khung pháp lý hướng dẫn cụ thể, hay những giới hạn sáng tạo phù hợp với cuộc sống sinh hoạt của người dân và không gian chung của đô thị. Có thể điểm qua một vài thực nghiệm mỹ thuật công cộng trong thời gian qua như: Các chòi canh du khách tắm biển (2023) thuộc công trình chỉnh trang lại không gian dọc tuyến đường ven biển Hải Tiến, Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã gây tác dụng ngược khi thiếu tính thẩm mỹ, nguy hiểm cho người tiếp cận và đặc biệt không được người dân đồng tình ủng hộ. Hay Cột điện nở hoa (2017) tại nhiều quận ở TP.HCM là điển hình cho phong trào tự phát, dễ dãi, thiếu tính chuyên nghiệp.
Chất liệu và vấn đề thi công cũng cần chú trọng, bởi đa phần, mỹ thuật công cộng phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, môi trường tự nhiên. Quá trình thực hiện một công trình mỹ thuật trong không gian công cộng thường cần nhiều người tham gia, nhiều lĩnh vực bổ trợ, có khi cần ứng dụng cả khoa học công nghệ trong cùng một tổ hợp tác phẩm. Con đường gốm sứ tại Hà Nội từng được Tổ chức Guinness Thế giới công nhận là Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới (2010) và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, xét về giá trị nghệ thuật cùng chất lượng thi công nhận thấy vẫn còn nhiều điều cần đánh giá một cách thấu đáo hơn. Biết rằng, các công trình mỹ thuật ngoài trời thường có kích thước lớn, chiếm một không gian rộng, nhưng trọng số nghệ thuật cũng cần tương xứng. Nếu không, khả năng tương tác với cộng đồng sẽ rất hạn chế.
Một dẫn chứng khác cho thấy, hoạt động thiếu chuyên nghiệp trong quản lý là phong trào biến hàng trăm cột điện trên các tuyến đường tại nhiều đô thị trong cả nước đã được các “nghệ sĩ quần chúng” tô màu, vẽ hình khá tùy tiện. Khảo sát cho thấy sự ủng hộ nhiều đa phần là tầng lớp lao động phổ thông, còn giới chuyên nghiệp tỏ ra thận trọng, không coi đó là công trình mang lại mỹ quan cho đô thị mà có khi còn phản tác dụng. Vì đứng ở vị trí là một nhà chuyên môn thì việc sáng tạo và hình thành nên một tác phẩm, công trình mỹ thuật trong không gian đô thị không đơn thuần là một họa sĩ, nhà điêu khắc mà cần hội đủ nhiều kiến thức sâu rộng về xã hội.
3. Những điều kiện cơ bản để phát triển mỹ thuật công cộng chung sống hài hòa với cộng đồng
Cần khích lệ tư duy tiếp cận cái mới trong tạo hình mỹ thuật cho không gian công cộng, tránh các lối mòn sao chép, nhắc lại theo các khuôn thức kiểu cũ không còn phù hợp với xã hội đương thời. Giá trị truyền thống cốt lõi về ý nghĩa là không thay đổi nhưng không phải bất biến. Không thể lấy những chuẩn mực thẫm mỹ của một xã hội nông nghiệp áp đặt cho tư duy nghệ thuật của một xã hội công nghiệp, mà ở đó, trí tuệ nhân tạo thâm nhập vào đời sống, giao tiếp xã hội vượt ra ngoài quy chuẩn văn hóa bản địa, vùng miền.
Các tác phẩm - công trình mỹ thuật công cộng phải chuyển tải được cái tôi của cộng đồng với những thông điệp mang tính thời đại. Kiến tạo không gian thẩm mỹ, không gian sinh hoạt, không gian trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật một cách trực tiếp, đa chiều phù hợp với không gian đô thị. Với nghệ thuật thuần túy thì một tác phẩm được ra đời từ xúc cảm cá nhân của nghệ sĩ. Người nghệ sĩ sáng tạo không bị chi phối bởi nhu cầu đặt hàng thực tại của bất cứ khách thể hay cộng đồng. Nói cách khác: nghệ thuật tự thân vị nghệ thuật. Nó có sự tương tác với người xem ở một không gian cố định, giới hạn bởi phòng triển lãm hay viện bảo tàng. Nhưng một tác phẩm mỹ thuật trong không gian công cộng tại đô thị ngày nay thì vai trò của nghệ sĩ sẽ bị chi phối ngay khi “thai nghén tác phẩm”. Nghệ sĩ trước khi sáng tạo cần thâm nhập và hiểu về đời sống xã hội, không gian cảnh quan, đặc tính sinh hoạt, công năng kiến trúc tổng thể, điều kiện thiên nhiên... nơi mà các thành tố mới của mỹ thuật công cộng dự tính đặt ở đó, để thể hiện công trình, tác phẩm.
Vai trò của hội đồng xét chọn và thẩm định cũng cần quy tụ các nhà chuyên môn của nhiều lĩnh vực liên quan. Cần có chính sách cụ thể nhằm phát huy những giá trị của mỹ thuật công cộng tại các không gian đô thị. Tác phẩm - công trình mỹ thuật công cộng phải thể hiện rõ tính thời đại, phản chiếu các nhu cầu của xã hội đương đại, không chỉ mang cái tôi cá nhân mà cần thể hiện: cái tôi chung của cộng đồng.
Người nghệ sĩ trước khi sáng tạo cần có nhân sinh quan sâu rộng về đời sống, tâm hồn, tình cảm của công chúng sống trong đô thị mà mình xây dựng tác phẩm. Nhận biết được thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và quy phạm về thuần phong mỹ tục của từng dân tộc, xã hội khác nhau. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Một tác phẩm nghệ thuật không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm yếu tố nhạy cảm chưa phải là yếu tố cuối cùng quyết định để xuất hiện trước công chúng. Căn bản nhất vẫn là tác phẩm đó có hay, đẹp không - xét ở mọi phương diện” (4).
4. Khai thác các khoảng trống công cộng trong không gian đô thị phục vụ cộng đồng thông qua mỹ thuật công cộng đương đại
Nhịp sống tại các đô thị hiện đại vận động với tốc độ rất nhanh, cường độ áp lực công việc lớn, thì việc xuất hiện các thành tố, công trình mỹ thuật công cộng đương đại là rất cần thiết, góp phần cải thiện chất lượng sống, tạo thêm mỹ quan cho bộ mặt đô thị. Những công trình thực sự có chất lượng sẽ có vai trò cân bằng giá trị cuộc sống, giảm thiểu căng thẳng, tạo không gian sinh hoạt thư giãn cho cộng đồng. Thiết nghĩ, với các đô thị lớn tại Việt Nam cần có chiến lược phát triển đồng bộ cho mỹ thuật phục vụ cộng đồng, được đầu tư thích đáng từ nguồn kinh phí của nhà nước, khích lệ và có quản lý chặt chẽ từ góc độ nghệ thuật của công trình, khảo sát ý kiến của cộng đồng gồm nhiều tầng lớp cư dân trong đô thị (người dân địa phương, du khách quốc tế, các nhà chuyên môn). Tổ hợp mỹ thuật công cộng cần có tính hợp nhất tương đồng với không gian kiến trúc tổng thể, nhưng phải có cái riêng - tương phản với các giá trị đã có trước đó. Đặc biệt, chủ thể trực tiếp sáng tạo phải là những nhà chuyên môn hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Với nhiều lợi thế về lịch sử, văn hóa và con người nói chung. Chúng ta cần khai thác các tiềm năng có sẵn của không gian tại các đô thị, hình thành các biểu tượng nghệ thuật mới hài hòa với không gian công cộng trong quá trình phát triển chung của đô thị. Có thể kể đến nhiều khu vực có sự giao tiếp với cộng đồng rất lớn như: tuyến phố đi bộ Hồ Gươm ở Hà Nội, Bạch Đằng tại Đà Nẵng, Nguyễn Huệ - Bến Bạch Đằng tại TP.HCM. Cùng rất nhiều vị trí cửa ngõ giao thương với thế giới như: bến cảng, sân bay, nhà ga, các cơ sở giáo dục… những nơi mà yếu tố văn hóa vượt ra khỏi ranh giới địa lý vùng miền, đất nước. Cần được khai thác nhằm quảng bá hình ảnh của đô thị dựa trên các tiêu chí dễ nhận diện không chỉ với người dân địa phương, mà phải để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế. Một thực tế dễ nhìn thấy tại Việt Nam là các cổng chào bắt đầu và kết thúc ranh giới địa lý các đô thị: “Kính chào quý khách - Hẹn gặp lại!”, chỉ mới xác đáng là một lời xã giao thực dụng trong xã hội. Nhưng nếu tiếp cận bằng tư duy của mỹ thuật thì bên cạnh giá trị thông tin, các cổng chào này rất dễ trở thành một công trình có giá trị nghệ thuật mang tính nhận diện các loại hình đô thị. Một công trình mỹ thuật công cộng có giá trị biểu tượng không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật cao, tác động tích cực tới hoạt động sống của người dân đô thị, mà còn mang lại giá trị to lớn về mặt kinh tế thương mại, kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh đô thị với thế giới.
Với mục tiêu phát triển đô thị nâng cao chất lượng sống của người dân thì mỹ thuật công cộng cũng cần được đầu tư, định hướng đồng bộ từ nghệ sĩ, cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách vì sự phát triển bền vững của các đô thị. Tính cấp thiết trong quy hoạch và phát triển đô thị hiện nay cần có sự tham gia của các nhà mỹ thuật, nhằm kiến tạo thêm không gian thẩm mỹ cho công chúng. Xây dựng khung pháp lý tiêu chuẩn khi hình thành các khu đô thị mới, xác lập nên các biểu tượng mỹ thuật mang thương hiệu của từng loại đô thị trên nền tảng văn hóa Việt Nam trong thời đại mới.
_________________________
1. Fan facts you may not know about The bean Chicago (Những sự thật về người hâm mộ có thể bạn chưa biết về The bean Chicago), trip.com, 25-8-2021.
2. London’s song board is too much fun (Bảng nhạc cụ tương tác tùy biến ở Luân Đôn mang đến trải nghiệm thú vị), publicdelivery.org, 2-1-2000.
3. Dẫn theo Pettinger, Tejvan, Henry Moore Biography (Tiểu sử của Henry Moore), biographyonline.net, 1-12-2019.
4. Lê Thiết Cương, Nghệ thuật công cộng quy chế và bản sắc, tapchikientruc.com.vn, 5-2018.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016, Về phân loại đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Nguyễn Tố Lăng, Nhận diện vấn đề đô thị và quản lý phát triển đô thị khi đất nước dần trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Tạp chí Thông tin đối ngoại và khoa học, Viện Chính sách, pháp luật và quản lý, 2022.
3. Nguyễn Minh Hòa, Đô thị học: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2012.
4. Hồ Nam, Nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị qua cách tiếp cận một số hình thức nghệ thuật đương đại, tapchimythuat.vn, 13-6-2023
Ths VÕ HOÀNG HIỆP
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023