Trong thời kỳ khoa học công nghệ kỹ thuật phát triển, các công trình kiến trúc hiện đại luôn được sáng tạo theo nhiều kiểu dáng, tạo nên các trường phái khác nhau; bên cạnh đó là tính ứng dụng của công nghệ vật liệu. Các đặc tính của vật liệu hiện đại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị của nghệ thuật thị giác khi các tác phẩm mỹ thuật tham gia trực tiếp trong môi trường kiến trúc này. Do vậy, các họa sĩ, nhà điêu khắc, các nhà thiết kế tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng các công trình kiến trúc khi tham gia sáng tạo tác phẩm trong không gian kiến trúc cần có sự kết hợp của các chuyên gia vật liệu, kiến trúc sư... hoặc họ phải tuân thủ quy trình thiết kế, thi công kiến trúc để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao trên mỗi mặt đứng kiến trúc nhằm đem lại sự hài hòa giữa tác phẩm và công trình kiến trúc đó trong môi trường đô thị.
Một số khái niệm chung
Tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc là loại hình nghệ thuật có sự kết hợp liên ngành của kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc đóng vai trò quan trọng làm tăng tính thẩm mỹ cho kiến trúc và cảnh quan xung quanh. Tất cả các thành phần tạo nên hình thức của mặt đứng kiến trúc mà nó gắn kết, có ý nghĩa quan trọng tác động đến hình thức thể hiện của tác phẩm. Do vậy, đối với tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc cần có sự trợ giúp của thể loại, công năng, chất liệu, tạo hình... và cả không gian kiến trúc, là xu hướng phát triển của thời đại công nghệ, chúng quyết định hình thức thể hiện của tác phẩm mỹ thuật. Hình thức thể hiện của loại hình nghệ thuật này phản ánh sự phát triển của tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội bao gồm cả công nghệ có liên quan đến kiến trúc, xây dựng và các thành tựu trong lĩnh vực sáng tạo kiến trúc. Hay nói một cách khác, tác phẩm mỹ thuật đô thị (TPMTĐT) có nội dung phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan, các biểu hiện về giá trị thẩm mỹ của thời đại, cùng với kỳ vọng gắn bó lâu dài trong môi trường kiến trúc mà nó tồn tại. Do vậy, hình thức biểu hiện của nó phải đáp ứng được các vấn đề về nội dung, giá trị thẩm mỹ và vận dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ đương thời. Với sự tác động qua lại giữa các liên ngành trên, dựa vào những thành tựu khoa học - kỹ thuật - công nghệ của xã hội, những yếu tố đó sẽ tác động ít nhiều đến hình thức biểu hiện của tác phẩm mỹ thuật trong không gian kiến trúc và ngược lại.
Trong thể loại này, có thể thấy môi trường tồn tại của TPMTĐT chính là mặt đứng kiến trúc. Mặt đứng kiến trúc là môi trường, nơi tạo nên sự kết hợp của cả kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Do vậy, tạo hình của mặt đứng kiến trúc hay vật liệu kiến trúc sẽ ít hoặc nhiều có những ảnh hưởng và tác động khi tác phẩm mỹ thuật được đặt vào đó. Mức độ mà TPMTĐT chịu ảnh hưởng bởi sự tác động của kiến trúc và được phân loại như sau:
Tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng đơn thuần hoàn toàn không có chi tiết hay tạo hình kiến trúc. Với hình thức này, tác phẩm mỹ thuật đóng vai trò chủ thể trong việc sáng tạo dựa theo chủ đề nội dung tác phẩm.
Tác phẩm mỹ thuật, là một thành phần chi tiết trang trí nằm trong không gian bao quanh hoặc tạo hình của mặt đứng kiến trúc. Với hình thức này, tác phẩm mỹ thuật khi hình thành cần được cân nhắc các phong cách hay hình thức tạo hình của kiến trúc để tìm ra hướng tạo hình phù hợp cho tác phẩm. Quá trình này nhằm tạo nên giá trị thẩm mỹ cũng như sự hài hòa cho không gian chung của mặt đứng kiến trúc. Thậm chí, các chi tiết hay cấu trúc của mặt đứng kiến trúc đồng dạng được xem như một hình tượng hoặc thành phần hình dạng tham gia trực tiếp trong tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc đó.
Lược sử tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc trên thế giới
Để thấy công nghệ khoa học kỹ thuật ảnh hưởng như thế nào đến hình thức của TPMTĐT, chúng ta cần phân tích và so sánh loại hình nghệ thuật này trong giai đoạn khoa học kỹ thuật chưa phát triển đa dạng, phong phú và các ảnh hưởng của nó như thời đại ngày nay.
Khởi nguồn từ nền văn minh Ai Cập, khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc được tìm thấy trong lăng mộ kim tự tháp của các Pharaon. Mục đích ban đầu của loại hình nghệ thuật này được phục vụ cho việc ghi chép các hoạt cảnh sinh hoạt phong tục tập quán, việc thờ cúng, tôn vinh các vị thần linh, các vị Pharaon, các vị vua trị vì của thời kỳ đó. Ở thời kỳ La Mã cổ đại, tại thành phố Pompei còn khá nhiều di tích còn lại của tranh nề họa. Loại hình nghệ thuật này tiếp tục duy trì nhưng không có nhiều thay đổi đáng kể ở thời Trung cổ và phát triển rực rỡ ở thời kỳ Phục hưng trong kiến trúc nhà thờ. Đến TK XX, các họa sĩ bích họa Mexico đã sử dụng chất liệu buon-fresco cho các bức tranh hiện đại của mình. Nhìn chung, chất liệu mỹ thuật trong thời kỳ này chủ yếu được chia thành 2 loại: buon-fresco và secco-fresco, là các chất liệu có độ bền cao, gắn bó lâu dài với mặt đứng kiến trúc. Hầu hết các tác phẩm mỹ thuật tạo trên mặt đứng kiến trúc xây dựng sử dụng các chất liệu này được đặt trong cả 2 môi trường nêu trên.
Nhóm tác phẩm nằm trong các chi tiết kiến trúc tác phẩm được bố cục theo hình dạng của cấu kiện kiến trúc. Nội dung chủ yếu là các điển tích truyện, gồm các nhóm hình tượng được sắp xếp theo hệ thống tranh liên hoàn, bố cục phù hợp với kiểu dáng đa dạng của khung bố cục. Một thể loại khác của tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc nữa là tranh kính trong kiến trúc nhà thờ. Dù đã có mặt ở thời kỳ sớm hơn, thời kỳ Cơ Đốc đầu TK IV-V nhưng đến thời kỳ Trung cổ TK XIII, nghệ thuật tranh kính mới thực sự phát triển bởi linh mục Suger cai quản nhà thờ Sain Denis ở Paris (1122-1151). Ông cũng là người khởi xướng nền nghệ thuật tranh kính và mạnh dạn cải tiến kiến trúc nhà thờ thiên chúa giáo. Lúc này tranh kính là một bộ phận gắn bó hữu cơ với kiến trúc Gothic. Tranh kính trong kiến trúc nhà thờ Việt Nam đều có những ảnh hưởng pha trộn thành quả của kiến trúc, mỹ thuật của các nước phương Tây. Các công trình được xây dựng muộn hơn thì có thêm sự tác động các giá trị văn hóa, thẩm mỹ của dân tộc bản địa.
Tác phẩm mỹ thuật trang trí trên mặt đứng kiến trúc ở Việt Nam
Tác phẩm mỹ thuật trang trí trên mặt đứng kiến trúc ở nước ta, đặc biệt là tranh tường xuất hiện muộn hơn khi người Pháp đến Việt Nam, tuy nhiên, tác phẩm này thực hiện bằng chất liệu sơn dầu và dán thủ công lên mặt đứng không gian kiến trúc trường học.
Kiến trúc các ngôi chùa cổ ở Việt Nam chủ yếu là các tác phẩm phù điêu, khắc chạm trên mặt đứng hoặc trên các cấu kiện kiến trúc chùa. Quy mô tác phẩm vừa và nhỏ. Nội dung là hình tượng các con vật có ý nghĩa linh thiêng trong văn hóa của người Việt hoặc các hình tượng được du nhập từ các nền văn hóa lân cận như Trung Quốc, Campuchia, Ấn độ… Màu sắc tác phẩm trên kiến trúc các ngôi chùa thường đơn giản, sử dụng ngay màu của vật liệu xây dựng như gỗ, xi măng, vôi hồ... Riêng hệ thống các ngôi chùa Nam Tông, ở Nam Bộ có sắc màu rực rỡ đồng điệu với màu sắc kiến trúc chùa.
Thành tựu đáng kể của thể loại tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc trong những thời kỳ này có thể kể đến những điểm đáng chú ý như sau:
Ở thời kỳ sơ khai của công nghệ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực kiến trúc cũng như nghệ thuật gắn liền với nó, đã tạo ra những điều đáng kinh ngạc về quy mô vĩ đại của nó. Con người đã tìm ra chất liệu mỹ thuật có độ bền tương đồng với sự tồn tại lâu dài của công trình kiến trúc. Tác phẩm mỹ thuật gắn bó với kiến trúc cũng thực hiện được các nhiệm vụ đa dạng tùy theo từng tình huống không gian của kiến trúc; truyền tải các thông điệp cuộc sống, giá trị văn hóa bản địa, giá trị thẩm mỹ của mặt đứng kiến trúc, ngoài ra, làm tăng giá trị công năng của không gian kiến trúc, đặc biệt đối với tác phẩm nghệ thuật nằm trên cấu kiện kiến trúc. Ví dụ như tranh kính trong kiến trúc nhà thờ. Cụ thể, ngoài các chức năng nêu trên, tranh kính trong nhà thờ còn được đặt ở độ cao phù hợp để nhận ánh sáng theo chiều chiếu sáng nghiêng ở độ cao khoảng từ 4-5m. Hướng ánh sáng này kết hợp với ánh sáng bên trong nhà thờ tạo ra không gian linh thiêng tĩnh lặng, uy nghiêm, huyền diệu phù hợp với không gian chức năng đặc trưng của nhà thờ. Các hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật thường được sắp xếp ở vị trí gây sự chú ý, tỷ lệ vượt trội nhằm tôn vinh vai trò quan trọng được đề cao và ca ngợi. Các tuyến hình tượng thường không sắp xếp theo luật xa gần, bố cục không gian trong tác phẩm theo lối ước lệ và đồng hiện. Tác phẩm mỹ thuật vẫn còn chú trọng đến nội dung, chủ đề, hình tượng nghệ thuật và đặt nặng tính bố cục của bản thân tác phẩm.
Ngày nay, trong xu hướng toàn cầu hóa thế giới, sự giao lưu trao đổi và du nhập các hình thức sáng tạo cũng như nền khoa học công nghệ kỹ thuật vật liệu được đẩy mạnh sự phát triển và hợp tác. Các công trình kiến trúc được thiết kế theo kiểu dáng đương đại kết hợp công nghệ vật liệu mới phù hợp với môi trường và xu hướng hiện tại, đồng thời tạo nên những tiện nghi thuận lợi cho cuộc sống của con người. Đặc tính của tác phẩm mỹ thuật gắn bó với kiến trúc cũng có những thay đổi đáng kể về mặt ý nghĩa. Nội dung, chủ đề của tác phẩm không còn đặt nặng như những thời kỳ trước đó. Hình tượng trong tác phẩm mở rộng và được mô hình hóa thành các hình ảnh trừu tượng hoặc điển hình các họa tiết văn hóa cổ.
Vai trò quan trọng của tác phẩm mỹ thuật trong thời kỳ này là trang trí cho mặt đứng kiến trúc, bố cục giảm nhẹ hình thức đặc trưng của nghệ thuật thị giác, tôn trọng các hình thức có ý nghĩa kết nối những thành tựu của thời đại từ quá khứ đến tương lai. TPMTĐT có thể mang ý nghĩa sự hòa quyện văn hóa thế giới vượt ra khỏi không gian địa lý vốn có nguồn gốc hình thành của nó. Chất liệu mỹ thuật của tác phẩm đa dạng, tận dụng được thành tựu khoa học công nghệ của thời kỳ này. Việc tạo hình dáng các hiện tượng, sự vật tự nhiên, được biểu tượng hóa, cách điệu hóa trên các vật liệu hiện đại đạt được kết quả mong muốn và có tính chính xác cao nhờ khoa học công nghệ máy tính. Bề mặt kiến trúc công cộng kết hợp với các chất liệu hiện đại được kết hợp đồng bộ giữa tác phẩm mỹ thuật và mặt đứng kiến trúc. Tuy rằng, xu hướng sáng tạo tác phẩm mỹ thuật mang hơi thở của thời đại, nhưng nhìn chung vẫn có tính kế thừa và phát huy nghệ thuật truyền thống phù hợp trong không gian kiến trúc đương đại. Ngoài ra, theo xu hướng mới tác phẩm nghệ thuật trên mặt đứng kiến trúc là tác phẩm nghệ thuật theo tính mở được kết nối từ mặt đứng kiến trúc vào không gian nội thất, đồng thời cũng tạo các không gian tương tác đến với người thưởng lãm.
Thực trạng và giải pháp để xây dựng tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc
Nhìn chung, tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc công cộng ở Việt Nam là lĩnh vực phát triển muộn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tác phẩm mỹ thuật gắn với kiến trúc dựa trên nền tảng và quy mô lớn nhỏ của công trình kiến trúc. Hiện nay, đô thị Việt Nam, ngay cả ở những thành phố lớn cơ sở hạ tầng, hệ thống các công trình kiến trúc vẫn chưa phát triển và quy hoạch đồng bộ. Việc quy hoạch đô thị vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Do vậy, ngoài các tác phẩm nghệ thuật trong không gian các công trình kiến trúc truyền thống đang được bảo tồn thì tác phẩm nghệ thuật mới được hình thành có số lượng khá khiêm tốn theo quy mô nhỏ, lẻ và phát triển rời rạc thiếu tính đầu tư chuyên nghiệp. Các tác phẩm mới được hình thành chủ yếu để cải tạo, nâng cao giá trị thẩm mỹ cho các không gian kiến trúc cũ, hoặc xuống cấp. Nội dung các tác phẩm được hình thành từ việc xây dựng không gian xanh nhằm thay đổi diện mạo cục bộ và tăng giá trị thẩm mỹ cho một số khu vực đô thị. Xu hướng xây dựng tác phẩm mỹ thuật trên mặt đứng kiến trúc chưa theo kịp tính sáng tạo so với các tác phẩm nghệ thuật cho không gian kiến trúc ở các nước trên thế giới. Công nghệ vật liệu xây dựng trong kiến trúc chủ yếu là nhập từ nước ngoài và chưa được chú trọng đầu tư, nghiên cứu để đưa vào sáng tạo mỹ thuật trong kiến trúc. Do vậy, nhìn một cách tổng thể cũng chưa có nhiều thành tựu nổi bật khi bàn về sự kết hợp của công nghệ khoa học với tác phẩm mỹ thuật.
Nhằm thay đổi thực trạng nêu trên, trước hết cần có các giải pháp cụ thể:
Một là, khắc phục tình trạng xuống cấp về kiến trúc của các khu đô thị một cách đồng bộ và chuyên nghiệp.
Hai là, xác định khu vực kiến trúc có giá trị nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn và phát huy. Hoạch định hướng phát triển cụ thể các giá trị nghệ thuật này theo hướng có đầu tư và chuyên nghiệp. Đầu tư các nguồn vốn hợp lý cho việc nghiên cứu các giá trị của nghệ thuật cổ truyền, vận dụng được các giá trị đó vào việc xây dựng các công trình công cộng có tác phẩm mỹ thuật trong không gian kiến trúc với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện tại.
Ba là, cần có sự kết hợp liên ngành giữa các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ, các nhà sáng tạo thiết kế để xây dựng các khu vực đô thị gắn liền tác phẩm mỹ thuật có bản sắc dân tộc, nhưng cũng xứng tầm với sự phát triển có tầm vóc khoa học nghệ thuật của nước nhà và khu vực.
Kết luận
TPMTĐT có mặt trong nhiều không gian khác nhau của kiến trúc, trong đó có không gian đô thị, không gian công cộng. Ngày nay, để khẳng định tính biểu tượng của đô thị, quốc gia, việc xây dựng TPMTĐT trong các không gian này là một trong nhiều hình thức hiệu quả để đưa hình ảnh của quốc gia kết nối cùng thế giới. Nghiên cứu xu hướng TPMTĐT trong thời đại ngày nay là việc làm cần thiết trong hoàn cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới xây dựng, phát triển đất nước trên cơ sở đan xen giữa bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống vào hình thái kiến trúc hiện đại, công nghệ tiên tiến nhưng không làm mất đi bản sắc dân tộc. Do vậy, nhận định đúng các giá trị nghệ thuật truyền thống là bước khởi đầu để ứng dụng thành công các giá trị này vào thực tế phát triển ngày nay. Phân tích các lợi thế và nhược điểm từ kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, thành tựu kiến trúc, tất cả các lĩnh vực công nghệ có liên quan nhằm đưa ra định hướng phát triển phù hợp và hiệu quả với hoàn cảnh thực tế của đất nước.
Việt Nam vẫn là quốc gia đang trên con đường khẳng định hình ảnh, thương hiệu của mình với tâm thế sẵn sàng học tập các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới để hoàn thiện mục tiêu xây dựng đất nước có nền kinh tế phát triển, văn hóa nghệ thuật đa dạng mang bản sắc dân tộc và ngày một vươn xa, hòa mình vào tiến trình phát triển chung với các quốc gia trên thế giới.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Lan Hương, Nghệ thuật công cộng, nghiên cứu trường hợp đô thị Hà Nội từ 1975 đến nay, Luận án tiến sĩ nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL, 2016.
2. Nguyễn Việt Huy, Đôi điều suy nghĩ về không gian công cộng ở Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc, số 6, 8-2018.
3. Nguyễn Thế Sơn, Vai trò của nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị, Tạp chí Kiến trúc, số 7, 9-2020.
4. Nguyễn Hải Vân, Bảo tàng Nghệ thuật Himalayas - Thượng Hải, Tạp chí Bảo tàng lịch sử, Articles 3036 - 72993, 3-2022.
Ths HỒ THỊ THÚY MAI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023