Yếu tố trang trí hiện diện ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó, nghệ thuật hội họa có mối quan hệ gắn bó mật thiết và quan trọng. Với tranh lụa Việt Nam hiện đại, yếu tố trang trí là một thủ pháp nghệ thuật được thể hiện trong nhiều tác phẩm nối dài qua nhiều giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn 1975-2015.
Yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1975-2015 được hình thành bởi hai nhân tố cơ bản: đặc trưng chất liệu và ngôn ngữ thể hiện, sự kế thừa đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Về cơ bản, hai nhân tố này hội tụ những nguyên nhân cần thiết để hình thành yếu tố trang trí, từ đó, trên nền lụa không có nhiều ưu việt về tả khối, ánh sáng so với các chất liệu khác đến sự kế thừa tư duy tạo hình truyền thống của dân tộc với lối vẽ mang tính ước lệ, tượng trưng, chú ý tới lối nhìn thuận mắt, thiên về gợi hơn là tả. Đây là những nhân tố quan trọng tác động đến tâm lý sáng tác của người họa sĩ trong hình thức thể hiện tác phẩm tranh lụa Việt Nam giai đoạn này.
Trong tác phẩm hội họa, sự kết hợp có tính hệ thống của các yếu tố tạo hình như đường nét, hình dáng, bố cục, màu sắc… tạo nên một cấu trúc nghệ thuật thống nhất. Các yếu tố tạo hình có nhiều dạng, tạo hiệu ứng khác nhau, ví dụ: dạng ba chiều như: hình cầu, hình tháp, hình lục lăng... sẽ tạo nên hiệu ứng về chiều sâu trên mặt phẳng; những yếu tố có tính phẳng, dẹt sẽ tạo nên hiệu ứng hai chiều, nằm gần bề mặt tranh, nói cách khác, đó là hiệu ứng tạo nên bởi yếu tố trang trí. Khác với nghệ thuật hội họa phương Tây thường hướng đến diễn tả chiều sâu không gian thực bằng các hiệu ứng ba chiều, hội họa Việt Nam truyền thống sử dụng phương pháp tạo hình theo kiểu phương Đông, mang tính chất ước lệ, nhiều yếu tố trang trí. Theo cách tiếp cận từ luận điểm Cấu trúc luận của Levis Strauss: “Những hình thái tổng thể của những hoạt động văn hóa tinh thần và sáng tạo của con người gọi là cấu trúc… Các hình thái đó tác động theo kiểu những cơ chế vô thức, điều khiển toàn bộ hoạt động tinh thần và sáng tạo của con người, làm cho các nền văn hóa trở nên độc đáo và khác biệt với nhau” (1). Có thể thấy, trong quá trình phát triển của hội họa hiện đại Việt Nam nói chung và tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1975-2015 nói riêng, cho dù phải chịu những tác động trực tiếp của những biến cố lịch sử, văn hóa, xã hội… nhưng những dấu vết riêng biệt của nghệ thuật truyền thống không bị mất đi, nó vẫn được duy trì một cách ngẫu nhiên trong cộng đồng, qua không gian, thời gian và khiến cho tranh lụa Việt Nam luôn mang sắc thái và chứa đựng những đặc điểm cô đọng, khái quát của nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, do đặc trưng chất liệu lụa mềm mỏng, trong, giữa các thớ lụa có khoảng trống nên tranh lụa thường khó để diễn tả khối và ánh sáng như các chất liệu khác. Vì thế, để đảm bảo hiệu quả tạo hình, các họa sĩ thường lấy mảng và nét làm phương tiện chính để tạo nhịp điệu, sắc độ làm phương tiện hỗ trợ ở hình thức biểu đạt tác phẩm. Cách thể hiện như vậy, khiến cho kết cấu tạo hình trong tranh lụa thường mang tính ước lệ, tượng trưng và phù hợp với các yếu tố trang trí. Khi hai nhân tố này được kết hợp với nhau trong tác phẩm hội họa tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1975-2015 thì yếu tố trang trí sẽ xuất hiện ở hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
1. Đặc trưng chất liệu và ngôn ngữ thể hiện trong chất liệu lụa
Nhân tố này là sự lựa chọn một cách chủ động của người họa sĩ khi xác định hình thức thể hiện ý tưởng, nội dung chủ đề của tác phẩm, là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1975-2015.
Chất liệu trong nghệ thuật hội họa là vật chất, phương tiện chủ yếu được sử dụng để tạo ra tác phẩm, ví dụ: sơn mài, sơn dầu, lụa, màu bột, màu nước, mực nho, chì… mỗi chất liệu có những đặc điểm, thuộc tính riêng, là một thành tố quan trọng gắn liền với hình thức thể hiện. Tuy không đóng vai trò chủ đạo nhưng chất liệu cũng góp phần tạo nên sắc thái, đặc trưng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí từng nói: “Chất liệu chiếm một nửa người nghệ sĩ. Phải yêu chất liệu, yêu như yêu vợ mình thì mới có con là tác phẩm” (2). Trong tranh lụa Việt Nam hiện đại, các họa sĩ sử dụng màu tự nhiên, thuốc nước, mực nho, bột màu… vẽ trên nền lụa được căng lên khung gỗ. Lụa dùng để vẽ tranh có đặc điểm mịn, mỏng, có độ thấm hút tốt, nhiều ô trống giữa các sợi, đặc biệt, do mặt cắt ngang sợi tơ có hình dạng tam giác với các góc tròn nên ánh sáng có thể rọi vào nhiều góc độ khác nhau khiến cho lụa có vẻ đẹp trang nhã, óng ánh tự nhiên. Lụa dùng để vẽ tranh có nhiều loại, tùy theo tính chất từng loại sợi và kỹ thuật dệt khác nhau, với mỗi loại lụa lại cho những hiệu quả khác nhau khi thể hiện. Loại lụa dệt màu dễ tạo hiệu quả êm dịu, nhẹ nhàng bởi các độ chuyển từ đậm đến nhạt, có nhiều ưu điểm để diễn tả những mảng đậm, sâu và thường dùng cho những tác phẩm có bố cục với nhiều chi tiết nhỏ, cần thể hiện cầu kỳ, tỉ mỉ. Loại lụa dệt thưa tạo nên thớ ngang dọc rõ ràng rất phù hợp với những phác thảo có các mảng hình to, chắc, khỏe, độ loang mờ lớn… nhưng sẽ khó khăn hơn nếu nghệ sĩ muốn vẽ những mảng đậm lớn vì khe hở của lụa và giấy biểu ánh lên.
Chính vì những đặc tính đó, nên nền lụa khác hẳn với nền tranh của các chất liệu khác khiến cho ngôn ngữ thể hiện tranh lụa có những sắc thái riêng. Với các chất liệu khác như sơn dầu, sơn mài, bột màu… khi vẽ, màu sắc thường sẽ phủ kín nền tranh với nhiều lớp chồng đè lên nhau, nhưng do đặc điểm giữa các thớ lụa có khoảng trống nên khi vẽ màu trên lụa, nền tranh hoàn toàn không bị che khuất bởi các lớp màu, thực chất của việc vẽ màu là các hạt màu theo nước thấm sâu, ngấm vào thớ lụa nên bề mặt của sợi tơ, thớ lụa không hề thay đổi, chỉ thay đổi về đậm nhạt và màu sắc. Khi đặt một nét màu xuống nền tranh lụa, màu theo nước nhòe loang ra xung quanh, tạo nên sự mềm mại, điều này làm cho tranh lụa hạn chế hơn trong việc tả khối, ánh sáng và không gian theo luật viễn cận, nếu không có nét mà chỉ có đường nhòe thì không chặn, giới hạn, khẳng định và khái quát được hình. Do đó, để đảm bảo hiệu quả về mặt tạo hình, người ta phải triệt để sử dụng mảng và nét, trước khi vẽ họa sĩ thường phác thảo bố cục, cân nhắc kỹ lưỡng về hệ thống đậm nhạt, sự nhất quán hình màu, tương quan đồng bộ hình thể sự vật định diễn tả, rồi sau đó mới can hình, đồ nét dưới dạng mảng phẳng bằng nét chì mảnh qua giấy can giống như vẽ trang trí hoặc đặt bút vẽ thẳng lên lụa. Mảng và nét đóng một vai trò rất lớn trong tranh, nét không chỉ có vai trò giữ hình mà còn để biểu hiện nghệ thuật diễn tả về mặt cấu trúc và cảm giác, không gian. Theo đó, cách đặt màu có thể gần như nhuộm lụa, đè chồng các lớp màu lên nhau cũng là một cách pha màu trong tranh lụa, tuy nhiên, không phù hợp với việc chồng nhiều các màu đối lập lên nhau vì sẽ dễ làm cho màu bị đục. Khi đặt màu, có thể sử dụng những màu tươi, nguyên gốc, ít pha trộn mà không bị rợ, trái lại vẫn có thể phát huy vẻ đẹp trong trẻo, sâu lắng của nền lụa. Để xử lý không gian trong tranh, tranh lụa Việt Nam thường hướng đến sử dụng không gian có phối cảnh ước lệ mà không cần phải dùng đến thấu thị viễn cận. Có nhiều tác phẩm tạo không gian theo kiểu đơn tuyến bình đồ các hình ảnh thấp, to ở gần, cao, nhỏ ở xa, các nhân vật dàn đều trên mặt tranh cũng tạo ấn tượng về xa gần cho các mảng dệt. Nhiều tác phẩm còn tận dụng vẻ huyền ảo, trong, sâu, xốp thoáng óng ánh của các thớ lụa bằng cách để chừa khoảng trống nền không bôi màu làm thành tố của bố cục trong tương quan chung, vừa có thể gợi tả về không gian hay một đối tượng theo ý định sáng tác của họa sĩ, ví dụ như: bầu trời, dòng sông, mặt nước, mặt đất… Hình thể trong tranh lụa Việt Nam thường được giản lược, ít khi được tả khối, chủ yếu là mảng dẹt kết hợp với các dạng nét to nhỏ, đậm nhạt thay đổi khác nhau để gợi khối. Ngoài ra, cũng bởi nền lụa thiếu khả năng tả khối, tả chất mạnh mẽ nên trong tranh lụa các họa sĩ thường tìm đưa vào nhiều yếu tố trang trí (mảng miếng trang trí, chi tiết, họa tiết trang trí, màu sắc mang tính trang trí…) một mặt mang lại hiệu quả điểm nhấn, đẹp về nghệ thuật còn là một thủ pháp đặc biệt của tranh lụa, góp phần nâng cao tính khái quát, tượng trưng của hình tượng nghệ thuật, làm phương tiện lợi thế trong việc tạo sắc thái độc đáo, đặc trưng của nghệ thuật tranh lụa truyền thống Á Đông.
Như vậy có thể thấy, những đặc tính riêng biệt của nền lụa cũng có những tác động không nhỏ, tạo nên đặc trưng nghệ thuật của hội họa tranh lụa Việt Nam. Đặc điểm mềm, mỏng, có độ thấm hút, các sợi tơ óng ánh, giữa các sợi có khoảng trống đã khiến cho ngôn ngữ tạo hình của tranh lụa cơ bản không có nhiều ưu thế trong lối tả chân, diễn khối, ánh sáng, chiều sâu… theo luật viễn cận châu Âu như sơn dầu và các chất liệu khác mà phù hợp với quan niệm Á Đông, gần với ngôn ngữ đồ họa, thích hợp sử dụng các yếu tố trang trí.
2. Sự kế thừa đặc điểm tạo hình nghệ thuật truyền thống
Sự kế thừa đặc điểm nghệ thuật truyền thống nghĩa là tư tưởng, tâm lý, phương pháp sáng tác của các nghệ sĩ xưa được các họa sĩ thừa hưởng và phát huy để nảy sinh yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1975-2015.
Tinh thần trang trí trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nguồn gốc từ rất lâu đời, được chứng minh qua những hoa văn trang trí kỷ hà độc đáo trên trống đồng Đông Sơn, các bức phù điêu trạm trổ trên kiến trúc đình làng với những đề tài phổ biến là các hoạt động vui chơi, ngày hội múa hát, tình yêu, bắt cá, đi cấy… Những hình ảnh đó được tạo tác từ thực tế và mang tính cách điệu hóa: rồng, tiên, con người, mây, sóng nước không được tạo hình theo lối tả thực, mà đưa những đường nét trang trí vào kết hợp với diện mạo của đối tượng phản ánh. Các đối tượng được miêu tả không tách bạch thành tầng lớp, mà đồng hiện, hòa đồng giữa các lớp người với nhau, giữa người với thần tiên, với nhiều con vật và với những cảnh trí thiên nhiên với nhau. Điều này cũng nhận thấy trong tranh dân gian của một số làng nghề và các dân tộc thiểu số như tranh; Đông Hồ, Hàng Trống; tranh thờ miền núi phía Bắc… các họa sĩ luôn sử dụng những yếu tố tạo hình mang tính ước lệ - tượng trưng để có thể vừa miêu tả hiện thực, vừa gợi lên nhận thức suy nghĩ của mình về đối tượng, điển hình là hình vẽ âm dương giữa lưng con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ.
Nguyên nhân của cách xây dựng hình tượng như vậy nằm trong quan niệm thẩm mỹ Á Đông, coi trọng tạo hóa thiên nhiên (thiên), đặt con người (nhân) và môi trường tự nhiên và xã hội (địa) trong mối quan hệ nhất nguyên. Hai phạm trù đó, hình thái và đặc tính luôn song hành, không thể tách rời, điều đó cũng có nghĩa là người họa sĩ mà không coi trọng bên trong thì cũng khó mà lột tả trọn vẹn bên ngoài và ngược lại, không nhìn rõ bên ngoài, thì khó lòng mà hiểu thấu bên trong. Mối quan hệ đó cũng được thể hiện rõ trong tục ngữ Việt Nam như: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”; “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”… Nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam luôn phản ánh theo bút pháp gợi tả, hình tượng được cách điệu hóa chính là do sự chi phối của mối quan hệ thẩm mỹ ấy. Mỗi bức tranh đều có những đường nét vượt ra khuôn mẫu của đối tượng phản ánh, nó vừa có chức năng biểu hiện, chức năng nhận thức, đánh giá đối tượng, nhất thể hóa trong hình tượng nghệ thuật và được thể hiện ở những đường nét, hình thể mang tính chất giản lược, khái quát. Đặc điểm này khác biệt rất rõ với quan niệm tạo hình của hội họa hàn lâm châu Âu dựa trên “nhị nguyên luận”, nghĩa là thái độ và cảm nghĩ của họa sĩ không được xâm nhập vào tỷ lệ khách quan của đối tượng. Cũng vì tư tưởng “nhất nguyên luận” mà cách xử lý không gian trong nghệ thuật truyền thống không theo thấu thị viễn cận mà sử dụng không gian phối hợp, tức là phản ánh hiện thực qua ký ức chứ không phải qua mắt nhìn. Thời gian và không gian được đồng hiện, tuy nhiên nó không dẫn tới một không gian, thời gian duy nhất mà tính thống nhất đó chỉ có ở từng phần, từng bộ phận của toàn bộ bố cục với tính độc lập tương đối. Do vậy, tâm lý sáng tác người nghệ sĩ xưa thường mang tính chất lạ hóa không gian thực, kết cấu bố cục có xu hướng dàn đều trên mặt phẳng, các yếu tố tạo hình mang tính ước lệ, tượng trưng, giàu chất trang trí. Theo thời gian, tâm lý đó trở thành một “mã gien nghệ thuật” ngẫu nhiên tồn tại và được duy trì, tái tạo trong cộng đồng, hình thành tâm lý sáng tác của người họa sĩ qua kinh nghiệm và vốn sống.
Trong lịch sử phát triển, nghệ thuật tạo hình Việt Nam truyền thống dù phải trải qua nhiều biến cố lịch sử như sự giao lưu về văn hóa, nghệ thuật với các nước khác hoặc những tác động của xã hội nhưng vẫn thể hiện rõ tư tưởng ứng xử thẩm mỹ mềm dẻo, biến hóa để khẳng định mình. Qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam phải chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ có đồng thời cả sự cưỡng chế và sự tự giác bởi các luồng văn hóa - nghệ thuật từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp và một số nước phương Tây, nhưng nhờ sức mạnh của truyền thống, các nghệ sĩ xưa luôn giữ một thái độ tôn trọng, tiếp thu và tìm cách uốn nắn, gìn giữ theo thẩm mỹ của dân tộc: “Hình chạm ở các chùa Thái Lạc, chùa Dâu, chùa Bối Khê… có nhiều yếu tố văn hóa Ấn và cả Hán, song đã dân tộc hóa và đi vào xóm làng mở ra một hướng phát triển mới thuộc về văn hóa giáo dục” (3). Sự giao lưu tiếp biến văn hóa với Pháp (giai đoạn thực dân) cũng không thể đồng hóa được mạch nguồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc, các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam hiện đại vừa đi lên từ truyền thống vừa khai thác các giá trị tạo hình nhân loại. Điều này được minh chứng qua các thế hệ họa sĩ nổi tiếng Trường Mỹ thuật Đông Dương với những tác phẩm hội họa tranh sơn mài, tranh lụa… độc đáo mang phong cách tạo hình Đông - Tây kết hợp, vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 1975-2015, mặc dù chịu sự ảnh hưởng bởi những biến động lịch sử, xã hội, tranh lụa Việt Nam vẫn nối tiếp truyền thống, có sự tiếp thu và ảnh hưởng của các danh họa tiền bối, đồng thời, có sự ảnh hưởng đa chiều của ngôn ngữ tạo hình quốc tế như: siêu thực, hồn nhiên, lãng mạn, tượng trưng, lập thể… Tuy nhiên, các ảnh hưởng này trong nhiều trường hợp đã được dung hòa qua lối tư duy thị giác độc đáo và thẩm mỹ riêng biệt của người Việt Nam, nhận xét về vấn đề này tác giả Ian Howard viết: “Sự đa dạng về phong cách và chất liệu song song tồn tại với sự phát triển của mỹ thuật truyền thống, bao gồm cả hội họa. Ngay cả khi có những thay đổi mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua, mỹ thuật truyền thống vẫn là thành phần ít thay đổi nhất sáng tạo văn hóa của Việt Nam. Do kế thừa truyền thống thủ công nghệ, nhiều tác phẩm hội họa đương đại Việt Nam vẫn nhấn mạnh nhiều vào trang trí”(4).
Qua hình thức nghệ thuật của tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1975-2015 có thể thấy rõ: số lượng lớn các tác phẩm biểu hiện sự đa dạng trong cách thể hiện trong đó chứa đựng nhiều yếu tố trang trí. Hình tượng nhân vật trong tranh được cách điệu hóa, không gian, màu sắc mang tính ước lệ, tượng trưng, kết cấu bố cục độc đáo, đa dạng, đường nét khái quát, phóng khoáng thể hiện mạch tư duy tạo hình truyền thống của người Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ trong các tác phẩm tranh lụa của những họa sĩ tiêu biểu như: Nguyễn Thụ, Mai Long, Thanh Châu, Trần Lưu Hậu, Linh Chi, Lương Xuân Đoàn, Kim Thái, Kim Bạch, Năng Hiển, Phạm Thanh Liêm, Trương Mai San, Đỗ Thị Ninh, Lê Anh Vân, Lê Văn Sửu, Vũ Đình Tuấn, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thế Sơn, Trần Xuân Bình…
3. Kết luận
Có thể nói, nội dung và hình thức thể hiện tác phẩm chính là tư duy, ý tưởng, tâm lý sáng tác của người họa sĩ gửi gắm đến người thưởng thức, tâm lý sáng tác có vai trò quyết định đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm, nó được hiện thực hóa dưới dạng một kết cấu tạo hình. Hay nói một cách khác, chất trang trí, lãng mạn, hiện thực… của tác phẩm hội họa cơ bản là do tâm lý, quan niệm sáng tác quy định. Ở hội họa tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1975-2015, tâm lý sáng tác của các họa sĩ được kế thừa một cách ngẫu nhiên từ nghệ thuật truyền thống dân tộc khiến cho tranh lụa Việt Nam mang sắc thái và chứa đựng những đặc điểm tạo hình của nghệ thuật truyền thống, nhiều yếu tố trang trí. Cùng với nguyên nhân khách quan của đặc trưng chất liệu lụa đó là sự mềm, mỏng, có độ thấm hút, các sợi tơ óng ánh, giữa các sợi có khoảng trống đã khiến cho ngôn ngữ tạo hình của tranh lụa cơ bản không có nhiều ưu thế trong lối tả chân, diễn khối, ánh sáng, chiều sâu, thích hợp với việc sử dụng các yếu tố trang trí. Sự kết hợp của hai nhân tố cơ bản trên đã khiến yếu tố trang trí được hiện diện, góp phần không nhỏ tạo nên hiệu quả nghệ thuật độc đáo của tranh lụa Việt Nam giai đoạn này.
____________________
1. A.A.Radugin, Từ điển Văn hóa học, Vũ Đình Phòng dịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 1997, tr.34.
2. Các bậc thày hội họa Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1994, tr.38.
3. Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.105.
4. Ian Howard, Vietnamese Artists: Making Do, Digging In, Breaking Out, catalogue of the 2nd Asia Pacific Triennial of Contemporary Art (Nghệ sĩ Việt Nam: làm, đào sâu, bứt phá, danh mục Nghệ thuật Đương đại châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2), Brisbane: Queensland Art Gallery, 1996, tr.49-50.
Tài liệu tham khảo
1. Mịch Quang, Khơi nguồn mỹ học dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004.
2. Nguyễn Quân, Đồng hiện không gian - thời gian, phương tiện tổ chức nghệ thuật tạo hình, Tạp chí Mỹ thuật, số 3 (22), 1985, tr.39-44.
Ths NGUYỄN TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023