Hình tượng người phụ nữ luôn là tâm điểm của giới họa sĩ khi nghiên cứu về cái đẹp. Họ là phái đẹp ẩn chứa cả bên trong và bên ngoài về hình thể cũng như tâm hồn. Có nhiều họa sĩ Việt Nam đã vẽ về hình tượng người phụ nữ như: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân, Dương Bích Liên, Tô Ngọc Vân… mỗi họa sĩ khai thác vẻ đẹp người phụ nữ với các góc độ khác nhau, điều này đã tạo nên sự đa dạng trong tác phẩm hội họa. Để khai thác hết vẻ đẹp hình tượng của người phụ nữ trong tranh, có lẽ phải kể đến họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bằng tài năng và kỹ thuật làm chủ chất liệu sơn dầu, ông đã để lại nhiều tác phẩm đẹp về hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua những giai đoạn khác nhau.
1. Vài nét về họa sĩ Tô Ngọc Vân
Tô Ngọc Vân (1906-1954) sinh ra tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1926, Tô Ngọc Vân thi đỗ và học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám, Tô Ngọc Vân tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1950, ông phụ trách Trường Mỹ thuật Việt Bắc. Là một người có ước mơ hoài bão lớn, trong những năm học tại trường mỹ thuật, ông đã mơ ước xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam: “có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới…” (1).
Sinh thời, ông sáng tác nhiều đề tài, trong đó có đề tài về hình tượng người phụ nữ là thành công nhất. Bằng chất liệu sơn dầu, ông đã diễn tả được vẻ đẹp sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam đương thời qua từng giai đoạn khác nhau.
2. Hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Năm 1931, Tô Ngọc Vân tốt nghiệp, lúc này xã hội Việt Nam có nhiều biến động sâu sắc, trong đó, có nhiều biến động trong văn học, nghệ thuật; đặc biệt, xuất hiện hai xu hướng hiện thực và lãng mạn, nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Với xu hướng lãng mạn trong hội họa, Tô Ngọc Vân như một ngôi sao sáng trong nền mỹ thuật Việt Nam. Giai đoạn 1935-1945, tranh của Tô Ngọc Vân đã đạt đến đỉnh cao của xu hướng lãng mạn, với các tác phẩm chất liệu sơn dầu như: Buổi trưa (1936), Thiếu nữ ngắm tranh (1938), Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa (1942), Thiếu nữ bên hoa sen (1944)… Quan niệm của ông lúc đó về cái đẹp của người phụ nữ là vẻ đẹp đài các, thanh cao, yểu điệu, mảnh mai, nhẹ nhàng và duyên dáng… chứ không phải là vẻ đẹp của những người phụ nữ trong lao động sản xuất và chiến đấu.
Năm 1943, ông vẽ bức Thiếu nữ bên hoa huệ - một tác phẩm xuất sắc về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Chủ đề đơn giản, biểu hiện mối quan hệ của 2 đối tượng: thiếu nữ và hoa huệ. Thiếu nữ tân thời duyên dáng, hình thể, động thái biểu hiện sức sống tươi trẻ của tuổi đôi mươi. Hoa huệ trắng còn được gọi là hoa loa kèn, biểu tượng của sự thuần khiết, trinh nguyên... Bức tranh không gợi lên một chân dung nhân vật cụ thể, mà nó như một biểu tượng về sự trong sáng, trữ tình, gợi sự thanh cao, bình lặng của người thiếu nữ Hà Thành trong bố cục hình chữ nhật. Trọng tâm là điểm nhấn trên khuôn mặt cô gái với bông hoa huệ bằng những đường nét mềm mại, tỷ lệ hài hòa, hợp lý, màu sắc nhẹ nhàng, chuyển biến tinh tế được kết hợp hữu cơ chuyển động với các hình thể trong tranh. Hình tượng thiếu nữ được bố cục theo tỷ lệ vàng, dáng người tạo thành hình vòng tròn, người và hoa quyện vào một thể thống nhất như hình âm - dương, trông tĩnh mà động. Bố cục theo tỷ lệ vàng quy định độ mở của đường xoắn ốc đã tạo cho người xem cảm giác hài hòa thuận mắt, hợp lý, chắc chắn, cân bằng.
Hai thiếu nữ và em bé, Tô Ngọc Vân, 1944, sơn dầu - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Về màu sắc, ông sử dụng gam màu trắng làm chủ đạo. Hoa huệ trắng, màu trắng của sự thanh khiết, nhẹ nhàng, thiếu nữ bên hoa mặc tà áo dài màu trắng bằng chất liệu lụa mỏng, mềm mại, ôm sát vào thân hình cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống, làm tôn lên vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ Việt Nam. Để tạo ra không gian, ông đã khéo léo nhấn những điểm xanh lam, xanh lá cây trên bình hoa và nền, làm đậm nhạt và gợi khối cho tác phẩm.
Với bút pháp tả thực mang phong cách lãng mạn phương Tây, cùng cảm quan phương Đông, họa sĩ đã tạo nên một nét đẹp độc đáo của người phụ nữ Việt Nam. Bức tranh mô tả chân dung một người thiếu nữ mặc áo dài cách tân truyền thống màu trắng đang nghiêng đầu tự nhiên về phía bình hoa huệ tây trắng. Hình dáng cô gái cùng những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành các mảng phẳng, gợi hình khối đơn giản, nhẹ nhàng. Toàn bộ bố cục vẽ màu sắc trắng, xám và xanh nhẹ. Ở đây ta còn thấy tiếng nói của ánh sáng, hình khối chắt lọc gọn gàng đến mức không thể giản lược hơn. Để làm ấm lại bức tranh và tạo điểm nhấn, tác giả đã sử dụng những chấm đỏ lên cánh mũi, môi và gò má, tạo cho khuôn mặt cô gái thêm phần thanh tú, gợi cảm, duyên dáng đáng yêu, bộc lộ một sức sống mạnh mẽ của tuổi thanh xuân ở người phụ nữ.
Với bố cục chặt chẽ và cách sử dụng màu nhuần nhuyễn, khoa học, ông đã thể hiện hình ảnh người thiếu nữ bên hoa huệ tràn đầy sức sống của một cô gái tuổi đuôi mươi, tạo được các mảng, miếng, hình mềm mại, gợi cảm ở đường cong cơ thể, trên mảng chân đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng các nhát cọ gọt bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn lót hồng ở dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ, trên cánh tay căng tròn hồng hào... Cách sử dụng màu sắc này, một phần do ông chắt lọc trong nghệ thuật ấn tượng Pháp, phần khác, ông đã thay đổi tương quan đậm nhạt cảm xúc màu trên từng nhát bút để tạo ra mảng và ánh sáng, bóng tối trong tranh; đồng thời, không sử dụng đến viền nét và từ đó đã tạo nên sự mềm mại, mượt mà cho hình dáng người phụ nữ cũ. Một thiếu nữ với bộ áo dài, mái tóc dài ngồi ngắm hoa đã biểu thị cho nét e ấp kín đáo, trầm tư, thanh lịch của người con gái đất Hà Thành. Khi thưởng ngoạn tác phẩm đã làm người xem nhớ đến câu ca dao: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Người thiếu nữ bên hoa huệ đã diễn tả được cái hiện thực xã hội thời đó và đại diện cho những cô gái thành thị con nhà tiểu tư sản đài các, nhẹ nhàng, kín đáo mang nhiều nét nội tâm.
Những thiếu nữ trong tranh Tô Ngọc Vân đều có vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết, giàu nữ tính. Họ duyên dáng, kín đáo và tế nhị, lịch sự, quý phái trong từng cử chỉ, dáng điệu. Dường như xung quanh họ được bao bọc bởi một không gian êm đềm, thơ mộng, mong manh mà bền vững, bí ẩn mà quyến rũ. Bức tranh này là một trong số những tác phẩm ông vẽ thành công về hình tượng người phụ nữ Việt Nam trên đất Hà thành xưa.
3. Hình tượng người phụ nữ trong tranh Tô Ngọc Vân trong kháng chiến chống Pháp
Nổi danh là họa sĩ chuyên vẽ phụ nữ đẹp theo quan niệm tiểu tư sản, nhưng từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong tranh của ông đã có nhiều chuyển biến sâu sắc. Đây là những thay đổi quan trọng trong quan niệm về cái đẹp trong tranh của Tô Ngọc Vân. Thực tiễn của cuộc cách mạng đã đưa người họa sĩ đến với vẻ đẹp bình dị đầy chất hiện thực trong đời sống lao động sinh hoạt bình dân của các bà bủ, bà bầm, những cô dân quân, anh bộ đội… đã phá tung cánh cửa khuê các, nhàn hạ kiểu tiểu tư sản Hà Thành... Ông đặt các nhân vật trong tranh của mình vào hoàn cảnh khác, một hoàn cảnh mới, mang tính hiện thực, tràn đầy quyết tâm, sức chiến đấu và những hình tượng người phụ nữ Việt Nam anh dũng, kiên cường, trung hậu, bất khuất, đảm đang, họ tung hoành ngang dọc trên khắp mọi nẻo đường kháng chiến theo đúng tinh thần cách mạng thời đại lúc bấy giờ.
Những bức tranh trong giai đoạn này của ông đã mang đậm hơi thở nóng bỏng của cách mạng, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của người phụ nữ và những cảm xúc nhân văn sâu sắc, phải kể đến các tác phẩm: Hà Nội vùng đứng lên, chất liệu khắc gỗ (1946); Chị cán bộ cốt cán, chất liệu màu nước (1946); Nghỉ chân bên đường, chất liệu sơn mài (1948); Chạy giặc trong rừng, chất liệu sơn mài (1949); Bừa trên đồi, chất liệu bột màu (1953)… Mỗi bức tranh của ông điều khai thác nét đẹp riêng về người phụ nữ. Với phong cách, sự sáng tạo độc đáo, ông đã vẽ nên hình tượng người phụ nữ với vẻ đẹp hấp dẫn trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Bức Hà Nội vùng đứng lên miêu tả hình tượng cô gái thành thị với bộ áo dài mạnh mẽ, gương mặt cương nghị nhưng cũng không kém vẻ mỹ miều, mái tóc dài uốn lượn tung bay tạo cho cô gái trở lại nét mềm mại, duyên dáng, nhưng cũng cho ta thấy được tư thế sẵn sàng. Trong cuộc chiến thần thánh của dân tộc, người phụ nữ cũng không ngoại lệ, ngày thường họ là những cô gái chân yếu tay mềm, nhưng khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng tham gia kháng chiến. Bằng những nét khắc tài hoa, Tô Ngọc Vân đã biến mái tóc của cô gái bùng lên như một ngọn lửa, sẵn sàng thiêu cháy kẻ thù để giữ nền độc lập tự do cho dân tộc, thể hiện ý chí quyết tâm kháng chiến của người dân cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Đúng như câu nói: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, hình tượng cô gái trong bức tranh Hà Nội vùng đứng lên của Tô Ngọc Vân đã thể hiện được vẻ đẹp lãng mạn nhưng thật mạnh mẽ của thiếu nữ đất Hà thành trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Cuộc sống trong những năm tháng kháng chiến đã thắp sáng vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm nghĩa tình của tình đồng bào, đồng chí, đã mở rộng thế giới quan trong ông, những hình tượng người phụ nữ đảm đang, bất khuất, trung hậu đi vào trong tranh ông lúc nào không hay. Bức ký họa Chị cán bộ cốt cán là một trong những bức ký ghi chép của ông về chị Tốt. Ông vẽ chị đeo một chiếc túi thổ cẩm và để một bàn tay lên ngực, với dáng đứng thẳng, có vẻ đẹp trầm lắng trong suy nghĩ. Ông dùng những nét bút gọn và sắc vuốt thẳng. Chị cán bộ cốt cán đứng thẳng hiên ngang giữa cuộc đời không sức gì có thể kiềm chế được. Không phải ngẫu nhiên, ông lại vẽ chị đứng chụm chân, mắt nhìn xa, đôi môi hơi mím lại, nét mặt trầm tĩnh, lắng trong suy nghĩ. Tay giơ lên phát biểu ý kiến, chị muốn góp một phần ý kiến nhỏ bé của mình vào sự phát triển của nước nhà. Đôi bàn tay ấy được Tô Ngọc Vân phác họa rõ nét, đầy dứt khoát. Hình ảnh người phụ nữ trong tranh của ông bây giờ không buồn như Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen… mà là một hình tượng mới, một con người mới, cương trực và mạnh mẽ như Chị cán bộ cốt cán dáng người đứng thẳng thể hiện sức sống tràn đầy tự tin làm chủ bản thân. Một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, với khuôn mặt rạng ngời, tươi tắn. Họ sống chiến đấu lao động, thể hiện khát vọng, tương lai tươi sáng… nhưng không mất đi vẻ dịu dàng nữ tính của người phụ nữ Việt Nam.
Trong những năm tháng kháng chiến, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã dành nhiều công sức, tìm hiểu nghiên cứu vẽ ký họa nhằm diễn tả hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống mới, đảm việc nước, giỏi việc nhà hăng say trong lao động sản xuất và học tập… Bức ký họa Đi học đêm, chất liệu chì than, (1954), miêu tả hai thanh niên nam, nữ đang tuổi mới lớn, khỏe mạnh, hiền hậu, ngây thơ, tay cầm bút mực, tay cầm quyển sách soi lên trước đèn, tâm hồn hai người như lắng cả sự suy nghĩ cùng những nét bút ký họa thoải mái linh hoạt, trong sáng, giàu tình yêu thương trìu mến một thế hệ mới, một xã hội đang lên, một nông thôn dạt dào sức sống đang trỗi dậy từ những chàng trai cô gái đang sát vai nhau chụm đầu, chung ngọn đèn dầu cùng giúp nhau học tập. Hai người cùng chung một lứa tuổi, nhưng trong tâm hồn họ đã ước mong một tương lai tươi sáng, một khát vọng học tập xây dựng lại đất nước, một hoài bão mới đã hiện lên chí khí của đôi bạn trẻ, như thể hiện cuộc sống đang thay đổi, một xã hội đang dần chuyển sang trang mới với tương lai tốt đẹp. Mặc dù chỉ dừng ở một hình thức ghi chép, ký họa, nhưng đã gợi cho chúng ta thấy ấn tượng khá rõ nét về khuynh hướng nghệ thuật hiện thực xã hội trong tranh của ông.
4. Kết luận
Như vậy, thông qua hình tượng người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân với vẻ đẹp thuần khiết yêu lao động, có học thức trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta không sẽ khỏi ngỡ ngàng khi thấy sự thay đổi, từ người phụ nữ yểu điệu duyên dáng mềm mại sang hình tượng người phụ nữ mạnh khỏe rắn giỏi; từ người phụ nữ ngắm hoa với nỗi buồn man mác chuyển sang người phụ nữ cầm súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước, chăm chỉ học tập; từ những cô gái da trắng, má hồng, thân hình mảnh mai, yểu điệu thục nữ với những cử chỉ nhẹ nhàng, mềm mại trong bộ áo dài thướt tha, buồn bã có chút ưu tư lãng mạn... đến với những chiếc áo vải, gọn gàng, chiếc quần lụa đen nhánh được xắn cao, đến những mái tóc dài buộc gọn, thân hình mạnh khỏe, rắn chắc, mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống. Họ sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ, tham gia đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
____________________
1. Lê Quốc Bảo, Hội Mỹ thuật Việt Nam, 70 năm nghiên cứu Phê bình mỹ thuật: Nhìn lại đối thoại, Nxb Mỹ thuật, 2016, tr.176-177.
Tài liệu tham khảo
1. Phú Xuyên, Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh, nhandan.vn, 8-6-2011.
2. Thu Sang, Hình ảnh người phụ nữ trong mỹ thuật Việt Nam hiện đại, baovannghequandoi.com.vn, 6-6-2019.
3. Thanh Hằng, Tô Ngọc Vân: Người chiến sĩ họa nên ánh sáng cho dân tộc, revelogue.com, 3-5-2020.
4. Hình tượng nghệ thuật và nét đặc trưng của hình tượng, svhlu.blogspot.com, 3-2016.
Ths TRẦN QUỐC BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023