Đổi mới sáng tác mỹ thuật Quảng Ninh trong thời kỳ hội nhập

Sáng tác nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng luôn luôn cần đổi mới, đổi mới từ trong tư duy sáng tác đến hình thức thể hiện tác phẩm, sao cho mỗi tác phẩm của mỗi tác giả đều mang một nét riêng biệt và khẳng định được cái tôi trong sáng tác. Mỹ thuật Quảng Ninh trong thời kỳ hội nhập với các nền mỹ thuật lớn từ trong nước đến quốc tế, cùng với kỷ nguyên công nghệ số 4.0, các nghệ sĩ đã được mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận với người yêu thích mỹ thuật trong và ngoài nước. Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập, các tác phẩm mỹ thuật đã đến được với công chúng một cách dễ dàng hơn, nó cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức hơn đối với mỗi nghệ sĩ, đổi mới sao cho vẫn giữ được cái tôi trong sáng tác, cái tôi riêng biệt, cái tôi nhân văn và dân tộc trong tác phẩm của chính mình.

Triển lãm mỹ thuật “Kết nối cảm xúc” năm 2018 tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh của nhóm họa sĩ Trường Đại học Hạ Long và các tỉnh bạn - Ảnh: Minh Đức 

Khái quát chung về mỹ thuật Quảng Ninh giai đoạn hiện nay

Quảng Ninh trong những năm trở lại đây đã phát triển và trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hằng năm đón hàng triệu lượt du khách từ các nơi đổ về, cùng với đó là sức hút hàng nghìn lao động chất lượng cao tới học tập, sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh, trong đó, giới văn nghệ sĩ tới sáng tác và làm việc tại Quảng Ninh không là ngoại lệ. Mặt khác, đại bộ phận nhân dân, nhất là ở các thành phố như: Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả… mức sống đã được cải thiện, nhu cầu thưởng thức mỹ thuật dần hình thành. Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sức tăng trưởng kinh tế ngày một tăng cao, ngày nay nhân dân trong và ngoài tỉnh đã được tiếp xúc và dành nhiều sự quan tâm hơn đến các bộ môn nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật, một lĩnh vực không mới nhưng cũng kén chọn người thưởng thức.

Các tác phẩm và công trình mỹ thuật gần đây của anh em văn nghệ sĩ Quảng Ninh vẫn tập trung chủ yếu vào các mảng đề tài chiến tranh cách mạng, tuyên truyền cổ động và phục vụ chính trị, các sự kiện lớn trong tỉnh và cả nước… Ngoài ra, các mảng đề tài miêu tả vẻ đẹp mảnh đất và con người Quảng Ninh được đông đảo anh em nghệ sĩ khai thác. Các tác phẩm đã phần nào phản ánh chân thực cuộc sống, từ hình ảnh tan ca của anh thợ mỏ đến vẻ đẹp hồn hậu của cô thiếu nữ thôn quê ngày mùa, hay vẻ đẹp chất phác của cô gái vùng cao xuống chợ… Các nghệ sĩ thông qua tác phẩm của mình đã gửi gắm tâm tư tình cảm và cả những khát khao được cống hiến cho công cuộc xây dựng và đổi mới trên vùng quê Quảng Ninh.

Hằng năm, thông qua các triển lãm, thường là khai mạc vào những dịp lễ đặc biệt như khai xuân hay những ngày lễ lớn như 30-4, 1-5 hoặc những dịp kỷ niệm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, hay những ngày kỷ niệm ngày thành lập thành phố, thị xã, công chúng và những người yêu nghệ thuật lại có dịp được thưởng lãm những tác phẩm mới nhất của những họa sĩ, nhà điêu khắc. Các tác giả đưa đến triển lãm những tác phẩm thường là mới sáng tác nhất, tuy nhiên một số họa sĩ lại sáng tác những tác phẩm mang tính phong trào, chất lượng tác phẩm chưa được đầu tư, tìm tòi cũng như thể hiện một cách nghiêm túc, thường các tác phẩm như vẽ vội, kích thước nhỏ, có tác giả trưng bày cho có, hoặc trưng bày tranh cũ, thậm chí có tác giả còn trưng bày cả tranh không được bảo quản tốt, dẫn đến tác phẩm nấm mốc… Ngược lại, đối với triển lãm khu vực và triển lãm toàn quốc, các tác giả thường đầu tư vào tác phẩm rất nghiêm túc, từ cách tìm hình đến cách thức thể hiện. Các tác phẩm như vậy đều được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, có thể không được xếp giải trong các kỳ triển lãm khu vực hay toàn quốc, nhưng được đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá tranh có chất lượng và nội dung ý nghĩa độc đáo, thể hiện được cái tôi và phong cách của mỗi nghệ sĩ.

Những ưu điểm và hạn chế

Những họa sĩ, nhà điêu khắc tâm huyết với nghề và làm việc liên tục không nhiều. Tiêu biểu là hai nhà điêu khắc Lê Cương và Nguyễn Viết Quang, cả hai anh có sức làm việc và sáng tạo không ngừng, các tác phẩm được các tác giả thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau. Nguyễn Viết Quang thiên về sáng tác trên chất liệu than đá, một chất liệu mang đậm dấu ấn của con người đất Quảng, với đề tài rộng mở và ngôn ngữ tạo hình hiện đại. Anh được đánh giá cao tại các kỳ triển lãm mỹ thuật khu vực (Giải A năm 2014) và triển lãm điêu khắc toàn quốc. Lê Cương sáng tác và thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, từ đá cẩm thạch cho tới chất liệu gốm sứ, đến chất liệu tổng hợp... Mỗi tác phẩm của anh mang hơi thở của nhịp sống thời đại và khát vọng vươn tới cái đẹp hoàn mỹ. Các tác phẩm của anh được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và được sưu tập trong nước và quốc tế.

Đối với lĩnh vực hội họa, lực lượng sáng tác đông đảo hơn, như nhóm họa sĩ trường Đại học Hạ Long đã triển lãm được bốn cuộc triển lãm nhóm và triển lãm kết nối với các họa sĩ tỉnh ngoài như: Đà Nẵng, Thái Bình, Hưng Yên... tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh những năm 2018, 2019, 2020, 2021. Thông qua các triển lãm, các họa sĩ đã mang đến cho công chúng và người yêu nghệ thuật thành phố Hạ Long và du khách một cái nhìn mới mẻ về mỹ thuật cũng như phong cách và đề tài sáng tác trong mỗi tác giả.

Ngoài ra, nhóm họa sĩ tại Yên Hưng cũng là lực lượng sáng tác đông đảo. Các họa sĩ phần lớn là những thày, cô giáo công tác trong ngành Giáo dục và các phòng ban văn hóa, các triển lãm thường niên của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Ninh. Hằng năm, số lượng các tác giả của Yên Hưng tham gia rất lớn, cũng như các tác phẩm tham gia Triển lãm khu vực 2 - sông Hồng như các họa sĩ Đào Thế Am, Đặng Đình Nguyễn, Vũ Tư Khang, Nguyễn Văn Chuyên...

Ngoài những họa sĩ trẻ, lớp họa sĩ gạo cội như Vũ Quý, Nghiêm Vinh, Tùng Lâm... là những họa sĩ lớn tuổi vẫn đang sáng tác và cho ra đời những tác phẩm mới, mang đậm phong cách riêng, phản ánh nhịp sống thời đại.

Đội ngũ nghệ sĩ hiện nay còn hoạt động rất nhỏ lẻ, chưa thực sự cống hiến hết mình. Họa sĩ trẻ thường có xu hướng dịch chuyển lên những trung tâm lớn sinh sống và làm việc như: Hà Nội, Sài Gòn… Họa sĩ lớn tuổi chiếm số đông, nhiều họa sĩ chỉ sáng tác khi có yêu cầu của trung ương và địa phương, như các cuộc vận động sáng tác hay trại sáng tác… dẫn đến những tác phẩm thật sự ấn tượng và mang hơi thở của thời đại vẫn còn ít, chưa thật sự xuất sắc. Những tác giả thật sự sống được với nghề rất ít và gần như không có, các họa sĩ và nhà điêu khắc phải xoay xở với đủ nghề để sống, các tác phẩm được sáng tác ra một số ít bán được, còn lại đa số sau mỗi kỳ triển lãm các họa sĩ lại mang về hoặc tặng người thân. Vì vậy, các tác phẩm sáng tác mới hằng năm không nhiều và chưa phong phú về chủng loại.

 

Tác phẩm Góc nhỏ của ông, sơn dầu (Lê Minh Đức, Giải B, Triển lãm Mỹ thuật khu vực 2, 2020)

Hạ Long là một thành phố lớn của tỉnh Quảng Ninh, một năm đón rất nhiều lượt du khách quốc tế, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm du lịch, các gallery đã dần hình thành, hệ thống các bảo tàng và nhà triển lãm với quy mô bậc nhất cả nước, cùng với đó là hệ thống các tour đến với các vùng, miền của Quảng Ninh như Đông Triều, Tiên Yên, Móng Cái… đã phần nào quảng bá được vẻ đẹp về mảnh đất và con người nơi đây. Qua đó, những công trình mỹ thuật, những tác phẩm mỹ thuật đã được công chúng đón nhận, những tác phẩm tốt đã được giới sưu tập trong và ngoài nước tìm mua. Ngoài ra, những công trình mỹ thuật mang tính hoành tráng, những tác phẩm điêu khắc cỡ lớn ngoài trời đã góp phần đưa mỹ thuật đến gần hơn với người thưởng thức.

Những cá nhân đạt giải thưởng trong các kỳ triển lãm thường niên do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, như triển lãm Mỹ thuật khu vực 2 - các tỉnh Đồng bằng sông Hồng như: Nguyễn Viết Quang với Về chợ (giải A, năm 2014), Nguyễn Thị Thiền với Giữ gìn biển đảo quê hương (giải Khuyến khích Thành phố, năm 2014), Lê Quảng Cương với Gia đình thời hiện đại (giải Khuyến khích, năm 2015), Đặng Đình Dũng (giải Khuyến khích về tranh cổ động năm 2015), Lê Minh Đức với Góc nhỏ của ông (giải B Triển lãm Mỹ thuật khu vực 2 năm 2020), Biển lặng (giải Khuyến khích, năm 2021). Những tác giả là hội viên hội địa phương đã nhận được giấy khen và giới thiệu tác phẩm tham gia giải của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam như tác giả: Lê Trọng Mỹ, Hoàng Văn Tại, Nguyễn Sĩ Chuyên, Đào Thế Am, Hà Quý Phong, Lê Hải Thanh…

Triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Thị Thiền với chủ đề Nụ cười Hạ Long tại Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh đã được đông đảo quần chúng và anh em nghệ sĩ đón nhận và đánh giá cao. Triển lãm tranh cổ động của họa sĩ Nông Quốc Hiệp phần nào thấy được sức lao động và sáng tạo không mệt mỏi của họa sĩ. Ngoài ra, các họa sĩ còn tham gia các triển lãm nhóm, giao lưu triển lãm với các tỉnh bạn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương với chủ đề Sắc thu tại Hải Phòng. Triển lãm nhóm của các họa sĩ Trường Đại học Hạ Long bao gồm Sắc màu thời gian 2018, Ngày sách Việt Nam 2018, Sắc xuân Hạ Long 2019 đã giới thiệu gần 100 tác phẩm đến công chúng. Triển lãm nhóm của các họa sĩ trẻ Quảng Yên tại Bảo tàng Quảng Yên năm 2018, và Chào xuân năm 2019 tại Hội VHNT tỉnh đã giới thiệu trên 60 tác phẩm…

Tuy nhiên, với lượng lớn du khách, những tác phẩm nghệ thuật đến được với công chúng rộng rãi vẫn còn rất hạn chế, chỉ tập trung vào mảng tranh lưu niệm phục vụ du lịch, giá thành thấp, công tác quảng bá và giới thiệu tác phẩm còn dừng lại ở mức độ cá nhân, chưa thực sự tạo thành một thương hiệu. Các văn nghệ sĩ vẫn sáng tác các tác phẩm phần nhiều theo chất liệu truyền thống, phương pháp truyền thống và tư duy tạo hình truyền thống, còn bỡ ngỡ với nhiều loại hình và ngôn ngữ nghệ thuật mới, các trào lưu nghệ thuật hiện đại đã và đang diễn ra trên khắp cả nước và trên thế giới như: nghệ thuật thân thể, video art, hay nghệ thuật ý niệm…

Giải pháp nâng cao chất lượng và đổi mới trong sáng tác mỹ thuật

Để nâng cao chất lượng sáng tạo đối với những tác phẩm nghệ thuật, trước hết người nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc, khoa học, xây dựng cho mình một đề cương tác phẩm rõ ràng, định hình cho mình một phong cách sáng tác cụ thể, mang đậm dấu ấn cá nhân. Cần xây dựng cho mình đề tài, hình thức thể hiện trong sáng tác thống nhất, mang tư tưởng nhân văn trong tác phẩm, tự trau dồi về phương thức, kỹ năng và tư duy sáng tác; thường xuyên cập nhật tình hình mỹ thuật trong, ngoài nước và quan trọng nhất phải giữ được cái tôi cá nhân trong mỗi tác phẩm, không a dua chạy theo những xu thế mỹ thuật đang diễn ra hằng ngày. Đặc biệt, không nên sao chép theo những phong cách mà các họa sĩ đang bán chạy trên thị trường… để từ đó có thể cho ra đời những tác phẩm mang đậm phong cách cá nhân xuyên suốt.

Thứ hai, phải tạo được sân chơi cho anh em văn nghệ sĩ, để khơi gợi trí sáng tạo của mỗi tác giả, như thông qua các cuộc triển lãm thường niên, triển lãm nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ… (như nhóm họa sĩ Hòn Gai, nhóm họa sĩ Trường Đại học Hạ Long, hay nhóm họa sĩ Yên Hưng… đang làm việc rất hiệu quả) với các chủ đề và các chất liệu khác nhau như: tĩnh vật, phong cảnh, sinh hoạt đời thường, các mùa trong năm… và các chuyên đề về chất liệu như sơn dầu, sơn khắc, lụa, in độc bản, than đá, các chất liệu hiện đại… để các họa sĩ có dịp giao lưu, học hỏi và tự hoàn thiện tác phẩm.

Tổ chức các trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, có sự định hướng của Hội VHNT tỉnh và các chi hội địa phương, hình thức tham gia có thể hội viên tổ chức đi bằng nhiều hình thức khác nhau, kết hợp nhóm hay giao lưu sáng tác với các tỉnh bạn. Tổ chức các trại sáng tác, ưu tiên những nghệ sĩ có phác thảo tốt, (những năm vừa qua Hội VHNT tỉnh đã tổ chức được nhiều đợt trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, từ Bắc vào Nam, từ vùng cao đến đồng bằng…) tránh trường hợp đi trại sáng tác chỉ tập trung ở một số họa sĩ quen thuộc, nhưng cũng không nên tổ chức cho các nghệ sĩ cả năm không sáng tác ra một tác phẩm nào, coi đi trại sáng tác là một chuyến du lịch miễn phí, hoặc lấy tiền từ nguồn công bố tác phẩm rồi trả lại tác phẩm một cách khiên cưỡng, hời hợt. Những bức tranh như vậy không thể là phác thảo cho một tác phẩm tốt. Về kinh phí hoạt động trại sáng tác và công bố tác phẩm, ngoài nguồn kinh phí nhà nước cấp, các hội viên vận dụng nguồn kinh phí xã hội hóa, mỗi cá nhân các họa sĩ nên tự chủ nguồn kinh phí cho phù hợp, tổ chức đi sáng tác theo nhóm theo chủ đề cụ thể, không nhất thiết phải đi xa mới có tác phẩm đẹp, vẽ những chủ đề gần gũi xung quanh mình, nhưng mang hơi thở của cuộc sống đương đại là đề tài được rất nhiều họa sĩ quan tâm và lấy làm đề tài sáng tác xuyên suốt.

Thứ ba, tham quan học tập những mô hình, xưởng họa của những trung tâm mỹ thuật lớn, như Trung tâm Mỹ thuật đương đại, các bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các trung tâm văn hóa của nước ngoài như Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch… là một số trung tâm diễn ra các triển lãm mỹ thuật thường xuyên. Ngoài ra, có thể tham quan học hỏi ở một số xưởng họa của các họa sĩ thành danh như xưởng họa của họa sĩ Lê Anh Vân, Nguyễn Thụ, Đoàn Văn Nguyên, Lê Huy Tiếp… để tiếp lửa cho các nghệ sĩ sáng tác và cho ra đời những tác phẩm có giá trị lâu dài.

Với một lợi thế về địa hình như một nước Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh có vùng núi, đồng bằng, biên giới hải đảo, và đặc biệt Quảng Ninh có vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới, có kỳ quan Yên Tử, có bờ biển dài và đa dạng sinh học, nên bảo vệ biên giới hải đảo, khai thác và chế biến khoáng sản, hay cuộc sống mới của những ngư dân vùng biển… là những đề tài các họa sĩ có thể khai thác được nhiều góc cạnh, để khẳng định được giá trị độc đáo của tác phẩm.

Thứ tư, phát triển phong trào hội, tạo điều kiện thuận lợi cho họa sĩ trẻ sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh được tiếp xúc, giao lưu và kết nạp vào hội, tạo đội ngũ sáng tác đông đảo, phần lớn các họa sĩ trẻ có cái nhìn và phong cách đa dạng, phong phú, có những trăn trở và tư duy đương đại, có cái nhìn khách quan và có tư duy sáng tác mới. Các nghệ sĩ ở các chi hội tại địa phương phát hiện và giới thiệu những họa sĩ có tác phẩm và nghiêm túc trong sáng tác được tham gia các cuộc triển lãm thường niên trong tỉnh tổ chức, hay giới thiệu tham gia triển lãm khu vực, được hòa chung với sân chơi của nghệ sĩ trong tỉnh.

Trên cơ sở đó, triển lãm giới thiệu tác phẩm mới của họa sĩ trẻ, kết nối họa sĩ trẻ giữa các khu vực với nhau như Hà Nam, Cẩm Phả, Uông Bí… quy mô triển lãm có thể không lớn, sẽ không có tác phẩm như kỳ vọng, nhưng lại tạo được sân chơi cho nghệ sĩ, tạo tiền đề cho họa sĩ sáng tác, giao lưu và đưa tác phẩm của mình đến công chúng một cách nhanh nhất.

Thứ năm, kinh phí hỗ trợ câu lạc bộ, các nhóm họa sĩ trẻ và cả các họa sĩ lớn tuổi. Đây là một bài toán khó với anh em văn nghệ sĩ địa phương, ngoài kinh phí trung ương và địa phương cấp cho các trại sáng tác và công bố tác phẩm. Hằng năm, tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển lãm thường niên thông qua triển lãm tác phẩm được giới thiệu đến công chúng rộng rãi hơn, có thể tổ chức các buổi bán đấu giá tác phẩm phục vụ từ thiện và trích lại kinh phí cho họa sĩ, các câu lạc bộ, giúp các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả hơn. Thông qua triển lãm, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp tiềm năng tham gia vào hỗ trợ các sáng tác và đầu tư kinh phí cho công bố tác phẩm.

Thứ sáu, cùng với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và với sự phát triển của Trường Đại học Hạ Long, với bề dày đào tạo các ngành Văn hóa Nghệ thuật, từ trung cấp, cao đẳng hội họa và các ngành đại học chuyên ngành về thiết kế đồ họa, là cái nôi đào tạo và định hướng những tài năng trẻ, những lớp nghệ sĩ kế cận sau này có đủ phẩm chất, trình độ và kỹ năng để tiếp cận và hòa vào với dòng chảy chung của nền mỹ thuật Việt Nam và thế giới. Ngay từ những ngày thành lập, các thế hệ giảng viên luôn trau dồi kỹ năng về chuyên môn và nghiệp vụ, tiếp cận những xu thế mỹ thuật mới nhất, luôn hướng người học có một phương thức làm việc, cách thức tìm tài liệu, xây dựng và hoàn thành tác phẩm một cách khoa học và hệ thống. Các giảng viên cũng luôn trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, hướng dẫn người học được tham gia, tham quan học hỏi từ các bảo tàng, nguồn học liệu và dự các triển lãm do tỉnh và trung ương phát động. Từ đó xây dựng những phác thảo và hoàn thành tác phẩm có chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh đó, người học còn thường xuyên được tiếp cận và giao lưu học hỏi từ những thế hệ họa sĩ đi trước thông qua các triển lãm thường niên được tổ chức tại thành phố Hạ Long và triển lãm khu vực. Người học cũng thường xuyên được cập nhật và học tập từ những họa sĩ có bề dày về kinh nghiệm về xử lý bề mặt tranh, kỹ thuật vẽ sơn dầu thông qua các ấn phẩm đã xuất bản và mạng xã hội như Kỹ thuật vẽ sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, Nguyên lý bố cục thị giác của Nguyễn Hồng Hưng... Từ đó, dần hình thành một thế hệ họa sĩ kế cận có đầy đủ năng lực và phẩm chất của một họa sĩ chuyên nghiệp.

Cuối cùng, mỹ thuật Quảng Ninh có thật sự khởi sắc hay không, một phần rất quan trọng không thể thiếu đó là sự quan tâm, định hướng và mở ra cơ hội đối với những nghệ sĩ. Đó là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, nhất là các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Hội VHNT tỉnh, mở ra các cơ hội giao lưu học hỏi. Triển lãm kết nối từ tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh bạn, và xa hơn nữa là triển lãm kết nối với các tỉnh lân cận Quảng Ninh như Đông Hưng, Bằng Tường, Quảng Châu... của Trung Quốc. Thông qua các triển lãm ấy, các họa sĩ sẽ được học hỏi về kinh nghiệm sáng tác, kỹ năng thể hiện và đánh giá được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm, quan trọng nhất là giới thiệu được tác phẩm đến công chúng và khẳng định được vị thế của mỹ thuật Quảng Ninh.

Để mỹ thuật Quảng Ninh thật sự chuyển mình, mỗi tác giả phải thật sự yêu nghề, làm việc một cách khoa học, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và quan trọng nhất đó là cái tôi cá nhân trong mỗi tác phẩm phải được khẳng định, một cái tôi đẹp đẽ và nhân văn. Trong những năm tới, hy vọng anh em nghệ sĩ tạo hình Quảng Ninh sẽ làm việc hết mình, sẽ cho ra đời những tác phẩm có giá trị và khẳng định vị trí của văn nghệ sĩ Quảng Ninh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật, 20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới 1986-2006, Nxb Mỹ thuật, 2007, Hà Nội.

2. Hội VHNT Quảng Ninh, Mỹ thuật Quảng Ninh (1964-2014), 2015.

Ths LÊ MINH ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;