Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật đang là vấn đề cấp bách gắn liền với thực tiễn phát triển ở Việt Nam. Việc tìm kiếm những giải pháp phù hợp hơn trong công tác bảo tồn, phục dựng các loại hình di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật lăng mộ, tượng lăng mộ nói riêng đang đặt ra nhiều thách thức. Một số đề án, công trình khoa học ở các cấp hình thành với mục đích kiếm tìm những ý tưởng mới phù hợp hơn trong công tác đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị trong tình hình hiện nay là điều tất yếu. Đặc biệt, đối với nghệ thuật tượng lăng mộ có niên đại TK XVII-XVIII ở Bắc Bộ đang có nhiều dấu hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khảo cứu, đánh giá đúng thực trạng là giải pháp đầu tiên trước khi có những giải pháp hữu hiệu khác trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của đối tượng đặc thù này.
Tượng nghê, lăng Họ Ngọ (Bắc Giang) - Nguồn ảnh: Nguyễn Văn Hùng
1. Khái quát về nghệ thuật tượng lăng mộ
Dấu ấn nghệ thuật lăng mộ thời phong kiến ở nước ta còn lại đến nay không còn nhiều, bên cạnh đó, sự xuất hiện các hệ thống tượng cũng không liền mạch và các thời kỳ lịch sử không tập trung. Nhưng những giá trị nghệ thuật tượng lăng mộ được tìm thấy là minh chứng quan trọng về một nền nghệ thuật tạo dựng tượng đá trong dân gian đã đạt tới trình độ thẩm mỹ nhất định, góp phần vào những giá trị chung của nghệ thuật tạo hình truyền thống gắn với người Việt. Điêu khắc tượng lăng mộ không đơn thuần được hiểu chỉ là những bức tượng nhằm trang trí cho thẩm mỹ lăng mộ mà còn phản ánh nhiều khía cạnh đời sống, quan niệm của người đương thời. Theo đó, nghệ thuật lăng mộ nói chung, tượng lăng mộ TK XVII-XVIII ở Bắc Bộ nói riêng cần thêm nhiều khám phá về nghệ thuật cũng như quá trình tìm hiểu những ẩn dụ của chúng một cách thấu đáo.
Về thể loại và số lượng tượng ở các khu lăng mộ TK XVII-XVIII
Tượng lăng mộ gồm ba loại cơ bản: tượng người, linh thú và tượng thú. Trong đó, tượng người gồm các loại tượng quan, tượng lính và tượng người hầu; tượng linh thú gồm: tượng rồng, nghê, lân, sấu; tượng thú gồm: voi, ngựa, hổ và chó. Hệ thống tượng này có thể nói rất đặc trưng, có giá trị mỹ thuật tạo nên tính đặc thù của nghệ thuật lăng mộ. Tùy vào từng loại, lăng mộ vua, chúa hay các quan tướng thì tượng lăng mộ có những điểm tương đồng và khác biệt về chủng loại, kích thước, tạo hình, trang trí trên tượng, vị trí đặt tượng, số lượng tượng.
Căn cứ vào thực trạng hệ thống các lăng mộ vua thời Trần, Lê sơ, Nguyễn và hệ thống lăng mộ quan tướng thời Lê trung hưng cho thấy số lượng tượng tròn còn lại đến nay là khá đồ sộ, đặc biệt là hệ thống lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII-XVIII ở Bắc Bộ. Thực trạng khảo sát trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa cho thấy một diện mạo tượng lăng mộ tăng về số lượng, chủng loại, cũng như kích thước tượng to lớn hơn hẳn tượng lăng mộ thời Trần và Lê sơ. Điều này phù hợp với nhiều nhận định cho rằng, nghệ thuật tượng lăng mộ TK XVII-XVIII phát triển mạnh mẽ và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật tạo tượng đá trong dân gian.
Về số lượng tượng lăng mộ TK XVII-XVIII, mỗi lăng thường có từ 2-4 tượng người và nhiều tượng linh thú, tượng thú. Có những khu lăng mộ đạt tới 10 tượng người như lăng Phạm Huy Đĩnh (Thái Bình), tượng đạt chiều cao từ 200-201cm, tượng voi có chiều cao từ 165-166cm, tượng ngựa cao từ 181-188cm; lăng Quận Mãn (Thanh Hóa), tượng người cao từ 160-186cm, tượng voi cao 128-138cm, tượng hổ cao 140-145cm, tượng ngựa cao 160-166cm; lăng Nguyễn Ngọc Trì (Bắc Ninh) có 4 tượng người, 6 tượng thú, 2 tượng linh thú; lăng Họ Ngọ (Bắc Giang), 2 tượng người, 6 tượng thú, 4 tương linh thú; lăng Dinh Hương (Bắc Giang) 6 tượng người, 4 tượng thú, 4 tượng linh thú; lăng Nguyễn Văn Nghi (Thanh Hóa) 4 tượng người, 8 tượng thú, 1 tượng linh thú (rồng); lăng Bùi Nguyễn Thái (Bắc Ninh) 2 tượng người, 2 tượng thú…(1). Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Nội còn một số lăng có hệ thống tượng người, linh thú, thú khá nguyên vẹn, kích thước to lớn như: lăng Quận Vân, lăng Nguyễn Công Triều, lăng Đào Quang Nhiêu, Phạm Đôn Nghị, Phạm Mẫn Trực... Tổng số lượng tượng lăng mộ TK XVII-XVIII ở Bắc Bộ có thể lên đến hơn 300 tượng.
Sự đa dạng về chủng loại tượng đã góp phần tạo nên một mô thức bài trí tượng lăng mộ thời Lê trung hưng khá đặc biệt. Những yếu tố đó góp phần hình thành nên một không gian nghệ thuật sinh động nhưng không kém phần trang nghiêm, toát lên qua hình thức, cử chỉ, trạng thái của hệ thống tượng người, tượng linh thú và tượng thú.
Mặt bằng, vị trí đặt tượng lăng mộ TK XVII-XVIII
Ở Bắc Bộ TK XVII-XVIII, phổ biến vẫn là dạng mặt bằng hình chữ nhật dọc và mặt bằng hình vuông, tổ chức không gian kiến trúc lăng mộ luôn bám theo sự hình thành của một đường tâm đạo kéo dài từ cổng vào khu mộ. Chẳng hạn, ở mặt bằng lăng mộ Quận công, quan tướng đường tâm đạo thường ở trung tâm của tổng thể khuôn viên lăng, cùng với hệ thống tượng, đồ thờ đã tạo nên sự cân đối, hài hòa của toàn bộ mặt bằng lăng mộ. Sự linh động trong việc kiến tạo lớp lang không gian gắn với ý nghĩa tưởng niệm đã tạo nên đủ đầy các lớp ý nghĩa tâm linh, công năng sử dụng, hợp tự nhiên, hợp phong thủy; đặc biệt, là vẻ trang nghiêm kính cẩn hướng về linh hồn chủ nhân như khi còn sống.
Mặt bằng lăng mộ nói chung, lăng mộ Quận công, quan tướng TK XVII-XVIII ở Bắc Bộ nói riêng luôn thống nhất với quy ước một đường linh đạo. Tuy nhiên, một số lăng có dấu hiệu của hai đường linh đạo như lăng Dinh Hương là một trường hợp đặc biệt và hiếm thấy ở thời kỳ này. Trường hợp thứ hai do chủ quan của dòng họ sau này có những thay đổi về quan niệm mà mở rộng không gian lăng về các hướng, theo đó, một số thành phần kiến trúc, tượng, hiện vật được bổ sung với ngụ ý cho sự phát triển của dòng họ. Từ đây, cùng với thành phần kiến trúc được thêm vào, vị trí đặt tượng có thể bị hoán đổi hoặc bổ sung tượng mới… đã vô tình hình thành nên đường linh đạo thứ hai. Dù không phổ biến, nhưng rõ ràng hiện tượng này đã báo hiệu về một sự biến đổi di tích trong tương lai có thể xảy ra hàng loạt đối với loại hình nghệ thuật lăng mộ, tượng lăng mộ.
Về vị trí đặt tượng, đa số hệ thống lăng mộ thời Lê trung hưng chỉ có một đường linh đạo, việc bài trí, sắp đặt tượng tròn cùng với các hiện vật khác trong không gian lăng mộ đều hướng tới sự hài hòa, cân bằng trong tổng thể lăng mộ. Từ đó, sự xuất hiện của từng cặp đôi tượng tròn cùng chủng loại, đặt ngay ngắn, đăng đối, thẳng hàng hai bên đường linh đạo kéo dài từ cổng vào tới khu mộ được đánh giá là linh hồn, trung tâm thẩm mỹ của lăng mộ. Việc lựa chọn chủng loại tượng, vị trí đặt tượng là vấn đề quan trọng, góp phần làm tăng giá trị tư tưởng, tinh thần trang nghiêm và tính nghệ thuật của mỗi không gian lăng mộ. Do đó, các cặp tượng được lựa chọn đặt trong mỗi không gian thành phần của lăng thường là gắn liền với một ý nghĩa có liên quan tới vai trò, chức năng của hình tượng. Ở một số lăng mộ Quan tướng khác có cùng niên đại, qua bài trí tượng còn cho thấy, những ước vọng về một thế giới riêng biệt, mà đôi khi lại giống như một mô hình triều đình thu nhỏ - sự xuất hiện biểu tượng rồng ở lăng Nguyễn Văn Nghi, thành bậc mây hóa rồng ở lăng Quận Mãn… phải chăng, đó là có biểu hiện cho ước vọng của chủ nhân (2).
Chất liệu, kỹ thuật tạo hình
Về chất liệu: nghệ thuật tượng lăng mộ TK XVII-XVIII ở Bắc Bộ đã được thể hiện bằng một diện mạo đặc thù, tiêu biểu của dòng nghệ thuật tạo hình tượng tròn bằng đá gắn với không gian kiến trúc tưởng niệm ngoài trời. Trước sự đòi hỏi về tính bền vững của lăng mộ lộ thiên, người xưa đã lựa chọn đá làm chất liệu chính để kiến tạo nên những kiến trúc lăng mộ, hệ thống tượng lăng mộ. Qua khảo sát thực tế hệ thống tượng lăng mộ thời kỳ này có thể thấy, chất liệu đá dùng để tạo tượng cũng gồm nhiều loại, nguồn gốc chủ yếu gắn liền với một số địa bàn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên: làng Nhồi ở Thanh Hóa, làng đá Ninh Vân ở Ninh Bình... Các loại đá thường được lựa chọn để chế tác tượng lăng mộ là đá xanh, đá sa thạch, đá trắng, đá pha cát, đặc biệt ở một số lăng mộ còn tạo tượng bằng đá đỏ mà người xưa còn gọi là đá gan trâu - một loại đá có màu sắc giống với màu gan trâu (cặp tượng người ở lăng Giáp Đình Liên, Bắc Giang). Loại đá phổ biến nhất trong thiết kế kiến trúc, tượng và các hiện vật thờ khác trong lăng mộ thời Lê trung hưng vẫn là đá xanh và sa thạch có nguồn gốc từ Thanh Hóa.
Về kỹ thuật tạo tượng lăng mộ: cho đến nay chưa tìm thấy nguồn tài liệu cụ thể nào đề cập về kỹ thuật tạo tượng lăng mộ. Do đó, việc xác định rõ phương pháp, kỹ thuật tạo tượng lăng mộ chỉ dựa vào một số kiến giải, kinh nghiệm gắn với các phường thợ, làng nghề đá, gỗ truyền thống trong dân gian vốn đã bị mai một nhiều phần. Tìm hiểu kỹ thuật tạo tượng đá gắn với lăng mộ nói chung, tượng lăng mộ thời Lê trung hưng nói riêng cần tham chiếu với kỹ thuật, phương pháp, quy trình tạo hình tượng tròn ngày nay mới mong có thêm những gợi ý về kỹ thuật tạo tượng của người xưa. Trên cơ sở đó, bước đầu đều thống nhất sự hình thành các phường thợ, hiệp thợ làm nghề đá, những nghệ nhân nông dân, nơi nông thôn đã tạo nên sản phẩm tượng lăng mộ. Điều đó cũng trùng khớp với những nhận định về sự tài hoa của các nghệ nhân nông thôn trên đất Bắc đã tạo nên nhiều sản phẩm mỹ thuật truyền thống khác có giá trị và còn lưu giữ đến ngày nay.
2. Thực trạng bảo tồn tượng lăng mộ TK XVII - XVIII
Thực trạng quản lý
Hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh ở miền Bắc, còn nhiều công trình lăng mộ không được quan tâm, bảo vệ thường xuyên, dẫn đến nhiều khu lăng mộ có giá trị văn hóa, nghệ thuật bị lãng quên, xuống cấp trầm trọng, trong đó, có cả những lăng mộ đã được công nhận di tích ở các cấp khác nhau. Vì thế, dòng họ có xu hướng tự phát - tự cải tạo nâng cấp di tích lăng mộ, hoặc thêm tượng lăng mộ mới… Kết quả là một số lăng mộ có dấu hiệu bị biến dạng một phần di tích, hiện vật trong di tích. Thực trạng này có thể thấy ở 2 nhà bia - kiến trúc xiêu vẹo được gia cố bằng nhiều thanh thép và 2 cặp tượng thú trong lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Nội) bị vùi lấp một phần cấu trúc tượng trong đất; toàn bộ mặt bằng, tượng trong lăng Phạm Đôn Nghị bị ngập nước; lăng Họ Ngọ (Bắc Giang) xây mới khu đền thờ có kích thước lớn (phía sau) lấn át cảnh quan chung của lăng; xây mới nhà tưởng niệm liệt sĩ trước mặt, giữa hồ nước trong quần thể lăng Phạm Huy Đĩnh (Thái Bình); lăng Nguyễn Diễn (Hà Nội) được xây mới án thờ và lợp mái tôn phủ kín không gian lăng, tạo tượng mới tự ý đặt trong lăng; xây mới trụ cột cờ trong không gian hành lễ, làm mới hệ thống tường bao, trụ cổng bằng đá liền khối ở lăng Bùi Nguyễn Thái (Bắc Ninh)… và không ít những lăng mộ đã bị mất đi vĩnh viễn những bức tượng đá, những hiện vật đá đặc biệt như ở lăng Vũ Hồng Lượng (Hưng Yên) (3) bị mất 2 cặp tượng người liền khối gắn với lan can đài thờ và đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Thực trạng bảo tồn
Không giống các loại hình nghệ thuật khác, di tích lăng mộ là công trình không có mái che, hệ thống tượng và hiện vật trong mỗi lăng mộ đều ở tình trạng lộ thiên. Do đó, việc bảo tồn tính toàn vẹn của công trình cùng với hệ thống tượng tròn, hiện vật thờ cần được quan tâm đúng cách và kịp thời. Dù hầu hết các thành phần kiến trúc, hệ thống tượng tròn và hiện vật thờ trong lăng mộ đều được hình thành từ các chất liệu đá bền vững, tuy nhiên do thời gian, điều kiện khắc nghiệt của môi trường, khí hậu tự nhiên tác động trực tiếp đã làm hầu hết hệ thống tượng lăng mộ thời Lê trung hưng đều bị ảnh hưởng ở nhiều cấp độ khác nhau. Qua khảo cứu thực tế, chúng tôi tạm phân chia sự ảnh hưởng theo các cấp độ như sau:
Cấp độ 1: Tượng lăng mộ còn giữ nguyên cấu trúc hình thể, nhưng bề mặt tượng có dấu hiện bị nứt, vỡ, mòn khối, mờ nét. Ở cấp độ này, thông thường chúng ta vẫn cho rằng, tượng còn nguyên trạng, tuy nhiên, thực tế biểu hiện ấy đã cho thấy dấu hiệu tượng đang trong quá trình xuống cấp, điều này có thể thấy qua hệ thống 10 tượng người, 4 tượng thú ở lăng Phạm Huy Đĩnh, 10 tượng người, 6 tượng thú ở lăng Quận Mãn; 4 tượng người, 8 tượng thú, 1 tượng linh thú ở lăng Nguyễn Văn Nghi; 6 tượng người, 4 tượng linh thú, 4 tượng thú ở lăng Dinh Hương; 2 tượng người, 2 tượng ngựa ở lăng Phạm Đôn Nghị; 2 tượng voi, 2 tượng chó ở lăng Phạm Mẫn Trực (4) và nhiều lăng mộ có cùng niên đại khác. Đặc biệt, ở lăng Họ Ngọ có 2 tượng người, 6 tượng thú và 4 tượng linh thú được tạo tác bằng chất liệu đá pha cát (5), hiện trạng tượng cho thấy vẫn giữ được nguyên cấu trúc tổng thể tượng, tuy nhiên chi tiết khối, nét trên các tượng đều bị bào mòn, ở cặp tượng người và tượng ngựa hầu như không thể nhận biết rõ chi tiết mắt, miệng, râu, hoa văn, họa tiết trang trí trên tượng… Ở cấp độ này, nguyên nhân chính được cho là do khách quan - tác động của điều kiện tự nhiên, khí hậu và bản thân chất liệu đá này kém bền vững hơn các loại đá khác.
Cấp độ 2: Tượng lăng mộ đã bị mất một phần các cấu trúc đầu, cấu trúc thành phần trên thân mà không tìm thấy để ghép lại, nhưng có căn cứ trên phần lớn cấu trúc còn lại để phục hồi. Thực trạng ở cấp độ này có thể thấy qua các di tích: lăng Nguyễn Ngọc Trì với 4 tượng người đều mất toàn bộ phần cấu trúc đầu, khoảng hơn 10 năm sau đó dòng họ đã chủ động dùng vữa đắp lại với hình thức không phù hợp với phần thân cũ của tượng; lăng Vũ Hồng Lượng với 1 tượng nghê và 1 tượng sấu bị mất phần cấu trúc đầu, sau đó được dòng họ đắp lại một cách méo mó bằng xi măng. Lăng Phạm Huy Đĩnh với 2 tượng voi - một tượng bị mất cấu trúc khối vòi, tượng còn lại bị vỡ một phần diện lớn khối thân, thực trạng này vẫn giữ nguyên tới nay. Lăng Giản Quận công có 4 tượng người, 2 tượng voi, 2 tượng chó, hầu hết tượng đều chìm dưới mặt đất từ 20-30cm (6). Đặc biệt, trong 4 tượng người thì có tới 3 tượng bị mất toàn bộ cấu trúc đầu. Năm 2022, dòng họ chủ động thuê thợ đá Ninh Bình làm mới cấu trúc đầu bằng đá trắng và ghép vào phần cấu trúc thân còn lại. Mặc dù không tạo được hiệu quả thẩm mỹ cao, không đồng bộ với phong cách tượng, nhưng cũng bớt đi cảm giác thiếu thốn của tượng… Ở cấp độ này, nguyên nhân chính do chủ quan của con người tác động - một phần khác là do quá trình vận chuyển, đổi vị trí tượng.
Cấp độ 3: là những tượng lăng mộ bị vỡ nát phần lớn cấu trúc hoặc toàn bộ tượng bị biến dạng mà không thể phục hồi. Hiện tượng này không hiếm thấy ở hệ thống lăng mộ thời Lê trung hưng. Những dấu vết còn lại đôi khi chỉ là một phần cấu trúc của bệ tượng với hai bàn chân như đang thấy ở các lăng: Giản Quận công và lăng Hoàng Bùi Hoàn. Ngày nay, dòng họ, địa phương đã chủ động mang về đặt trang nghiêm cùng với các tượng khác trong lăng, hoặc đền thờ. Nguyên nhân chính của hiện tượng này được cho là do chủ quan con người tàn phá trong một số thời kỳ lịch sử trước đó.
Cấp độ 4: Mất tượng, trường hợp này có thể thấy qua thực trạng ở lăng Vũ Hồng Lượng. Cặp tượng này đã bị mất cách ngày nay hơn 20 năm. Đây là một trường hợp điển hình về việc quản lý và bảo vệ di tích, hiện vật, tượng. Lăng Vũ Hồng Lượng là một quần thể điển hình mang phong cách tiêu biểu của nghệ thuật lăng một TK XVII (1660). Ngày nay, bên trong lăng còn nhiều hiện vật, tượng khác có giá trị đặc biệt cho một thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật chế tác đá trong dân gian. Nếu như công tác bảo tồn, quản lý di tích lăng mộ nói chung, tượng và đồ thờ trong lăng này nói riêng không được trông nom kỹ lưỡng thì có thể sẽ dẫn đếu hậu quả mất mát hệ thống những kiệt tác còn lại.
Cấp độ 5: Nhằm chỉ đến hệ thống tượng tròn bằng đá được tìm thấy qua quá trình đô thị hóa, xây dựng, cải tạo sông ngòi, công trình công cộng, dân sinh… mà tìm thấy một số tượng còn khá nguyên vẹn, người dân chỉ biết mang về đặt trong một số không gian đình, đền, chùa, nghĩa trang: 2 tượng người, 2 tượng ngựa, 2 tượng voi, 2 tượng chó trong Đình Cẩm giá (Ninh Bình); 2 tượng người, 2 tượng chó đặt trong đình Tổ (Thanh Hóa); 4 tượng người, 2 tượng voi, 2 tượng ngựa đặt trong nghĩa trang Đông Tân, Đông Thanh (Thanh Hóa); 1 tượng người, 2 tượng ngựa ở Bảo tàng thành phố Thái Bình; 2 tượng người, 2 tượng người ở Văn miếu Quốc Tử Giám… (7). Đây cũng là một vấn đề đáng suy ngẫm, vẫn biết rằng để có đủ căn cứ xác định được nơi mà ban đầu chúng được an vị là vô cùng khó. Vì vậy, phương án mà cộng đồng mang về đặt tại các công trình công cộng ở địa phương có lẽ là phương án tốt nhất trong thời điểm hiện tại. Về lâu dài, hẳn phải có phương án cụ thể để đưa chúng trở lại với nơi mà chúng vốn thuộc về.
3. Một số nguyên nhân căn bản và bước đầu tìm giải pháp bảo tồn tượng lăng mộ
Là một loại hình nghệ thuật có tính đặc thù về nội dung và hình thức tồn tại so với các đối tượng khác, nghệ thuật tượng lăng mộ không chỉ chịu sự chi phối bởi tác động chủ quan do chính con người, mà còn chịu tác động trực tiếp của những điều kiện khách quan gắn với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt... những tác động này đã góp phần làm cho nghệ thuật tượng lăng mộ ngoài trời bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau. Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tượng lăng mộ, hai sự tác động trên cũng cần chúng ta nhìn nhận một cách khách quan; trong đó, những tác động do chủ quan của con người trong công tác bảo tồn, trông coi, quản lý… (chưa thực sự phù hợp và đồng bộ) chiếm phần lớn và là nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập trong bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Từ đây, có thể thấy rằng, định hướng, phương pháp… để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản nói chung ở giai đoạn lịch sử trước đây đã không còn phù hợp hoàn toàn với đời sống đương đại, cần phải điều chỉnh về định hướng, cải cách về phương pháp triển khai, đặc biệt là vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật.
Nhằm hướng tới một chỉnh thể bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản nói chung, nghệ thuật tượng lăng mộ nói riêng trong bối cảnh đời sống đương đại. Chúng tôi cho rằng, việc cấp thiết cần phải đánh giá đúng thực trạng di tích, hiện vật, nghệ thuật của đối tượng là hướng cần thiết trước khi có những hướng thuộc giải pháp tiếp theo. Đặc biệt, ở giai đoạn mà công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ như hiện nay với các giải pháp sưu tầm, đánh giá, số hóa di sản, di tích, hiện vật, trong đó có tượng lăng mộ là hướng mũi nhọn trọng tâm trong tiến trình bảo tồn, tu bổ, phục dựng và phát huy giá trị của chúng.
Thực trạng bảo bảo tồn tượng lăng mộ TK XVII-XVIII ở Bắc Bộ trong giai đoạn hiện nay đã cho thấy diện mạo của một nền nghệ thuật tạo tượng đá trong dân gian đang có nhiều dấu hiệu bị mai một ở nhiều mức độ khác nhau. Thực trạng quản lý di tích kiến trúc lăng mộ, hệ thống tượng lăng mộ cho thấy sự không đồng bộ, không thống nhất giữa cơ quan quản lý, dòng họ và địa phương trực tiếp có di tích. Từ đó, việc nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của di tích lăng mộ, tượng lăng mộ được đặt lên hàng đầu, tiếp đến là đánh giá đúng thực trạng di tích, đặc biệt là thực trạng tượng lăng mộ là một công việc cần thiết trước khi khởi lên những tham vọng về trùng tu hay phát huy những giá trị của chúng. Đánh giá đúng thực trạng phải chăng cũng là giải pháp đầu tiên trước khi có những giải pháp thực tế, phù hợp trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của loại hình di sản đặc biệt này.
______________________
1, 3, 4, 5, 6, 7. Nguyễn Văn Hùng, Thực trạng các công trình Di tích Lăng mộ vùng Bắc Bộ, năm 2016-2022, tài liệu điền dã Khu lăng toàn quốc, 2022.
2. Trần Lâm Biền, Con đường tiếp cận Lịch sử, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013.
Tài liệu tham khảo
1. Chu Quang Trứ, Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.
2. Nguyễn Quân, Phan CẩmThượng, Mỹ thuật của người Việt (tư liệu và bình luận), Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1989.
3. L.Bezacier, Vietnamese Art (Nghệ thuật Việt Nam), Tư liệu Viện Mỹ thuật, Mã số D-79/Cđ-93.
4. EĐ.Castagnol, Stone statues in the silence of the Annamites (Những tượng đá trong các lăng tẩm của người An Nam), Tư liệu Viện Mỹ thuật, mã số D-79/Cđ -79, 1939.
5. Henri Gourdon, An Nam Art (Nghệ thuật An Nam), Nxb Thế giới, 2017.
TS NGUYỄN VĂN HÙNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023