Nghệ thuật trang trí bao gồm phạm vi rộng trong hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nội/ ngoại thất, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng… Nghệ thuật vẽ tranh lụa kết hợp sử dụng yếu tố trang trí hiện rất đắc dụng. Hệ thống tư liệu và thực tiễn cho thấy, biểu hiện của yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 khá rõ nét, có thể nhận diện ở hình thức tác phẩm thông qua các yếu tố tạo hình. Sự xuất hiện các yếu tố trang trí trên bề mặt tranh lụa Việt Nam giai đoạn này góp phần khẳng định đặc điểm, giá trị nghệ thuật riêng biệt cho tranh lụa. Bài viết nghiên cứu và phân tích rõ vấn đề thông qua một số tác phẩm tranh lụa tiêu biểu để từ đó làm rõ yếu tố trang trí là vấn đề làm nổi trội hình thức và đem lại hiệu quả giá trị biểu đạt thẩm mỹ cho các tác phẩm lụa trong giai đoạn này
Tác phẩm: Nguyễn Trãi đọc Cáo Bình Ngô của Đặng Quý Khoa, chất liệu lụa, 52,1x85,7cm, 1982
Trong tất cả các ngành nghệ thuật, mỗi ngành nghệ thuật đều có cấu trúc đặc trưng nhất định và có ranh giới riêng. Tuy nhiên, có một sự liên hệ bên trong của các ngành nghệ thuật khác nhau bởi các bộ môn nghệ thuật thường có xu hướng xâm nhập vào nhau, hòa lẫn nhau. Theo cách tiếp cận từ luận điểm hình thái học nghệ thuật của M.S.Kagan: trường hợp khi hội họa kết hợp với trang trí sẽ tạo nên một thể loại nghệ thuật mới là: “tranh trang trí” mang hình thái tổng hợp của cả hai loại hình, đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật của nó được nhìn nhận qua: “sự pha trộn giữa tính chất miêu tả - không miêu tả” (1).
Yếu tố trang trí là phương tiện tạo hình để kiến tạo những hình thức mới của cái đẹp không có trong thế giới hiện thực nhằm diễn đạt nội dung, thông điệp của người họa sĩ gửi tới người thưởng thức nghệ thuật qua sự sắp xếp bố cục, vị trí, mật độ to - nhỏ, dài - ngắn của hình thể, màu sắc, đường nét, đậm nhạt, họa tiết trang trí... Trong sáng tác tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016, yếu tố trang trí này đã được các họa sĩ khai thác, sử dụng hợp lý, hài hòa giống như một thủ pháp nghệ thuật ở hình thức biểu đạt tác phẩm. Do đó, để nhận biết được yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn này chủ yếu phải dựa vào hiệu quả của các yếu tố tạo hình cơ bản như: không gian nghệ thuật, màu sắc, hình thể và họa tiết trang trí.
1. Yếu tố trang trí biểu hiện trong không gian nghệ thuật
Không gian trong tác phẩm hội họa là khoảng cách giữa các vật thể trong tranh theo chiều ngang, dọc và sâu, là hiệu quả của sự kết hợp các yếu tố tạo hình qua việc diễn tả một phối cảnh trong tác phẩm. Chính phối cảnh đó gợi không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. Mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có cách xử lý không gian khác nhau cho phù hợp với đặc điểm nghệ thuật. Về cơ bản, không gian trong tranh có ba loại: thứ nhất là, không gian viễn cận; thứ hai là không gian đa chiều, loại không gian này khai thác nhiều chiều thuộc bản chất của biểu hiện không gian, kết hợp nhiều góc nhìn, điểm tụ; thứ ba là không gian ý niệm, đây là thủ pháp nghệ thuật về không gian điển hình của hội họa Á Đông, trong tác phẩm không sao chép chân thực cảnh vật, chủ yếu sử dụng phối cảnh ước lệ. Trong ba loại không gian này, không gian biểu hiện rõ nét nhất yếu tố trang trí đó là không gian đa chiều và không gian ý niệm. Trường hợp không gian ý niệm kết hợp với không gian viễn cận cũng thể hiện yếu tố trang trí, bởi yếu tố trang trí xuất hiện gắn liền với mặt phẳng không gian hai chiều, những hình thể giản lược, cô đọng, màu sắc tươi sáng cùng những họa tiết trang trí sinh động.
Do đặc tính chất liệu mềm mỏng, trong, giữa các thớ lụa có khoảng trống nên với tranh lụa, người vẽ khó có thể diễn tả chiều sâu, ánh sáng, không gian, khối, màu sắc, đường nét như các chất liệu khác. Vì thế, để đảm bảo hiệu quả về mặt tạo hình, người họa sĩ thường triệt để sử dụng các mảng và nét. Trước khi vẽ thì can hình, đồ nét dưới dạng mảng phẳng, không dùng đến luật viễn cận mà sử dụng không gian có phối cảnh ước lệ. Quá trình khảo sát cho thấy, phần lớn không gian trong các tác phẩm tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 được thể hiện là không gian có phối cảnh ước lệ. Đối với loại không gian này, cấu trúc hình thể thường dựa trên hình ảnh được giản lược, ở trong ký ức, trí tưởng tượng của tác giả và những cân nhắc có chủ ý mang tính hình thức, lấy mảng và nét làm phương tiện diễn đạt chính, bỏ qua tả khối, ánh sáng theo luật viễn cận. Để tạo hiệu quả không gian, các hình thể trong tranh được sắp xếp thành từng tuyến, từng lớp trước sau kết hợp cùng với hiệu quả của các yếu tố tạo hình khác như sắc độ đậm nhạt, màu sắc theo ý niệm chủ quan của tác giả. Với cách thể hiện như vậy, yếu tố trang trí xuất hiện trong không gian có phối cảnh ước lệ rõ nét như tác phẩm Sầm Sơn (1989) của Đỗ Thị Ninh, cho thấy không gian trong tranh được tạo nên qua sự tái tạo lại không gian hiện thực theo ý niệm chủ quan của người họa sĩ và hiệu quả của những yếu tố tạo hình có khuynh hướng “đồ họa hóa”. Cấu trúc hình các bè tre và một nhóm người đang kéo lưới được vẽ với tỉ lệ to nhỏ khác nhau kết hợp với những đường nét giản lược, nguyên sắc màu đen, vây quanh hình dáng giống như các chi tiết trang trí. Sự sắp xếp, bố trí khoảng cách các hình thể trong tranh cũng theo lối gợi tả, tỉ lệ hình ảnh ở phía sau không bị rút nhỏ theo điểm tụ mà được đẩy lên cao hơn so với phía trước, tạo nên vẻ đặc biệt chông chênh, duyên dáng của bố cục.
Trong tác phẩm Lễ hội xưa nay (2000) của Lê Xuân Dũng, thể hiện cách tách lớp cảnh trong tranh không theo luật viễn cận mà chủ động đặt nhiều tuyến nhân vật nối tiếp lên phía trên để tạo không gian. Theo đó, những nhân vật ở xa thì được đẩy lên cao hơn nhưng không bị rút nhỏ về tỉ lệ cũng như sắc độ đậm nhạt. Khoảng cách xa gần, trước sau giữa các nhân vật được tạo bởi sự chồng đè các mảng hình lên nhau, các mảng hình ở phía trước thường có xu hướng kết hợp những hình dạng có liên quan, có cùng tính chất với nhau ở phía sau. Tác phẩm Hòa tấu (2005) của Đặng Mậu Triết sử dụng kết cấu bố cục hàng lối của nghệ thuật trang trí và không gian có phối cảnh ước lệ cũng khiến người xem liên tưởng đến nghệ thuật trang trí. Những tác phẩm khác như tác phẩm Hội tròn (1992) của Chu Thị Thánh, Sẩy gạo (1994) của Nguyễn Thụ, Múa rước đèn (2007) của Trần Thị Bích Huệ, Con trai tôi (2007) của Nguyễn Thị Châu Giang, Trăng tháng Tám (2009) của Tống Ngọc… cũng sử dụng không gian có phối cảnh ước lệ, bút pháp tạo hình thường không xét đến hiệu quả ánh sáng; lấy nét và mảng làm phương tiện diễn đạt chính để gợi cảm giác gần, xa của các lớp cảnh; coi màu sắc, sắc độ là phương tiện hỗ trợ, qua đó gợi được nhiều tình tiết, nhiều điển hình, làm cho không khí của tác phẩm thêm sinh động. Đây cũng là đặc điểm nghệ thuật quan trọng của hội họa tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 tạo nên tinh thần trang trí trong tác phẩm.
Tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 có một số tác phẩm sử dụng thủ pháp không gian đa chiều như tác phẩm Ngày hội (2007) của Nguyễn Đức Hòa, Hai Bà Trưng ra trận (1995) của Đỗ Mạnh Cương, Solo (2011) của Vũ Đình Tuấn, Người về cuối rừng (2010) của Lê Vấn, Một chiều (2007) của Ngô Văn Sắc... Các hình tượng trong tranh thiên về mảng phẳng, được sắp xếp thành từng tuyến, từng lớp trước sau, đè chồng lên nhau để tạo nên hiệu quả không gian, một số tuyến nhân vật được thể hiện với góc nhìn đa chiều, thấy được cả chiều nghiêng lẫn chiều chính diện hoặc nhìn từ trên xuống, qua đó mở ra nhiều chiều thuộc bản chất biểu hiện của không gian, tạo nên sự đa dạng trong cách thể hiện cũng như hiệu quả sinh động, vui tươi về mặt thị giác.
Một số tác phẩm trong giai đoạn này kết hợp không gian viễn cận và không gian có phối cảnh ước lệ cũng đem lại hiệu quả về yếu tố trang trí trong tranh. Sự kết hợp giữa không gian viễn cận và không gian có phối cảnh ước lệ tạo nên không gian chủ động trong tranh, dẫn dắt người xem vào một không gian sinh động, hấp dẫn, có thể kết hợp tả thực và trang trí nhưng vẫn không xa rời hiện thực như tác phẩm Xe ngựa (1987) của Kim Bạch, Trên chặng đường chiến dịch (1990) của Thanh Châu, Bản Thái (1995) của Hoàng Minh Hằng, Phong cảnh (2000) của Nguyễn Minh Quang, Ngày đơm hoa (2015) của Trần Xuân Bình... Đặc biệt, trong tác phẩm Bản Thái kết hợp hài hòa lối vẽ trang trí và gợi phối cảnh đậm nhạt để tạo ý niệm về không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Cấu trúc hình nhà sàn, cây cối được giản lược hoàn toàn về khối chỉ còn là những mảng hình phẳng duyên dáng với những nét điển hình nhất, tổ hợp nét màu tinh tế được kết hợp để định hình bao xung quanh mảng và gợi chi tiết cấu trúc cột, lan can nhà sàn. Lớp cảnh ở trước hay sau được thiết lập bởi sự chồng đè của các mảng hình lên nhau, tuy những hình ở xa được đẩy lên cao hơn và có sắc độ giảm dần so với gần nhưng thực tế không hề tuân thủ chính xác nguyên tắc phối cảnh điểm tụ tuyến tính.
2. Yếu tố trang trí thể hiện ở màu sắc trong cách tạo hình
Màu sắc thuộc yếu tố tạo hình quan trọng của hội họa, kết hợp với đường nét, hình mảng, đậm nhạt để hình thành không gian nghệ thuật, tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh có sự cân bằng và hài hòa. Trong tổng thể bố cục trang trí, màu sắc có thể được gọi theo nhiều cách tương ứng với từng trường phái khác nhau, nhưng về cơ bản, màu sắc trong tranh có hai dạng. Thứ nhất là màu sắc tả thực, màu sắc trong tác phẩm tái hiện lại màu của tự nhiên, tự thân sự vật hiện tượng ngoài thế giới khách quan. Thứ hai là sự thể hiện màu sắc theo cảm xúc, tâm lý, ý niệm. Ở dạng thứ hai, màu sắc không còn mang tính miêu tả, cho phép người họa sĩ vẽ màu sắc tự do, không nhất thiết phải tuân theo quy luật màu của tự nhiên. Ngoài hai dạng kể trên thì mỗi một trạng thái, cảm xúc khác nhau, người họa sĩ lại biểu hiện màu sắc khác nhau.
Màu sắc được người họa sĩ chủ động tái tạo lại ở không gian thực thành những màu sắc theo ý niệm chủ quan để tác động đến thị giác người thưởng thức, làm cho họ cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm thông qua hiệu quả về tính phẳng ở mảng màu trong tranh sẽ gợi yếu tố trang trí. Giai đoạn 1986-2016, nhiều tác phẩm không dùng màu để tả sao cho giống với màu của tự nhiên mà chỉ mang tính chất gợi tả, thể hiện sự phối hợp một cách hài hòa giữa hiện thực khách quan với nhận thức chủ quan để biểu đạt thông qua nhiều đặc tính. Đó là những màu sắc tươi sáng, trong trẻo, thậm chí có thể là những màu tươi nguyên sắc, qua đó phát huy được tính chất hấp dẫn sẵn có và tính chất biểu cảm của màu sắc, đem lại tác động trực tiếp, nhanh chóng đến cảm xúc của người xem và tạo mối liên tưởng. Điều này có thể thấy rất rõ qua lối vẽ màu sắc hoàn toàn chủ động của tác giả khi diễn tả thiên nhiên, nhiều khi người xem tranh thấy hình ảnh màu da cô gái có thể màu xanh lam như trong bức tranh Trăng sớm (2010) của Nguyễn Việt Anh, Hoàng hậu 7 (2011) của Vũ Đình Tuấn, Muốn thoát ra khỏi cái bóng ấy (2012) của Nguyễn Thu Hương đã đem lại hiệu quả ấn tượng về vẻ đẹp tươi mát, êm ả và gợi liên tưởng đến sự trầm ngâm, bí ẩn; hay như nhà sàn có màu đỏ trong tác phẩm Người mẹ ngồi thêu (1991) của Nguyễn Thụ cũng gợi cảm giác về sự đầm ấm; có những tác phẩm, cho cả bầu trời, nước màu đỏ như bức Chiều trên bến (2000) của Nguyễn Đăng Khoát, đất màu đỏ tươi trong tác phẩm Kỷ niệm xưa (1992) của Trần Hoàng Sơn thể hiện tinh thần vui vẻ, sôi nổi, kích thích sự năng động; bầu trời màu đỏ trong tác phẩm Siêu truyền dẫn (2006) của Nguyễn Thế Sơn lại gợi đến một sự khởi đầu mới.
Bên cạnh đó, bảng màu trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn này luôn biểu hiện yếu tố trang trí khi sử dụng những màu sắc không mang tính chất tả thực và được kết hợp tinh tế, hài hòa với nhau trong những hòa sắc nhất định. Hòa sắc nóng thiên về đỏ gợi lên vẻ đẹp sinh động, không khí lao động sôi nổi; tinh thần náo nhiệt, rộn ràng của những lễ hội; không khí đầm ấm của những nếp nhà xưa. Hòa sắc nóng, chủ sắc là màu vàng và đỏ kết hợp với màu lạnh nguyên sắc một cách hài hòa tạo nên khung cảnh rực rỡ và không khí nhộn nhịp của phiên chợ vùng cao trong nhiều tác phẩm. Nổi bật là nhóm nhân vật chính tập trung sắc độ tương phản mạnh về đậm nhạt cùng một số những sắc xanh lam, sắc trắng tươi tắn trên các chi tiết trang trí sinh động của trang phục, trang sức. Đây là những điểm nhấn tinh tế về màu giúp cho hòa sắc chung của tác phẩm trong trẻo, cân bằng nóng lạnh và cũng là điểm nhìn ở nhóm nhân vật chính đưa đến tinh thần trang trí trong tranh. Hòa sắc lạnh, sử dụng màu xanh lam nghịch lý, cô đọng tập trung trên khuôn mặt nhân vật được đưa vào cận cảnh và những hiệu quả của thủ pháp sử dụng những mảng màu thoát thực, biểu cảm trong hòa sắc lạnh đặt trên những hình thể giản lược theo ý niệm chủ quan của tác giả đã tạo nên một không gian siêu thực, huyền ảo lạ thường, đưa đến yếu tố trang trí trong tác phẩm Hoàng hậu 7 của Vũ Đình Tuấn. Trong bức Phong cảnh miền núi (2000) của Trần Lưu Tuấn cũng thể hiện rõ sự chủ động trong cách sử dụng hòa sắc tương phản, kết cấu cột nhà sàn và lan can màu xanh lam trong tác phẩm đặt cạnh mảng màu màu da cam nền đất tạo nên sự tương phản rực rỡ, tính chất ấm áp của màu da cam cùng với hình ảnh đàn gà đang đi tìm thức ăn gợi liên tưởng đến không khí đầm ấm, sự sinh sôi, nảy nở và tràn đầy năng lượng…
Nhìn chung, các tác phẩm tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 đã thể hiện yếu tố trang trí thông qua thủ pháp nghệ thuật sử dụng những mảng màu phẳng, tươi sáng, trong trẻo có chỗ gần như màu nguyên chất kết hợp với các yếu tố tạo hình góp phần tạo nên hiệu quả về mặt thẩm mỹ trong tranh như: sự chủ động trong việc đặt những mảng màu không lệ thực kết hợp với nhau một cách hài hòa trong những tông màu nhất định; những màu sắc rực rỡ, tươi sáng, thậm chí đối lập, cường điệu, thoát thực cũng được kết hợp hài hòa với nhau trong hòa sắc chủ đạo gợi tinh thần trang trí, sự thu hút, hấp dẫn, vẻ đẹp sống động cho tác phẩm và gây được sức truyền cảm mạnh mẽ.
3. Yếu tố trang trí thể hiện ở hình thể trong tạo hình bố cục
Trong hội họa cũng như trong nghệ thuật tranh lụa Việt Nam, hình thể/ hình dáng đóng vai trò chủ đạo trong quá trình xây dựng tác phẩm: “Hình thể trong tranh là những yếu tố có tiết diện, chiếm một khoảng bề mặt trong một bức tranh hay trong một bản hình, nó có thể là những hình mang tính khách quan - xuất phát từ tự nhiên, những hiện tượng có thể quan sát hoặc là những hình thể mang tính chủ quan - do họa sĩ tưởng tượng ra. Hình thể mang tính khách quan được vẽ theo lối tả thực, có tính khoa học và lý trí cao, tái hiện một cách chuẩn xác mọi sự việc. Lối vẽ hình thể mang tính chủ quan của người họa sĩ biểu hiện ở các mối quan hệ giữa các hình trong một trật tự mà người vẽ thiết lập theo hệ quy chiếu của riêng mình từ thực tế theo “nguyên lý dựa vào nguyên mẫu” (2). Phần lớn các tác phẩm tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 đã sử dụng lối vẽ hình thể không đặt mẫu mà được chắt lọc những nét điển hình nhất để gợi tả và có thể biến điệu theo ý định chủ quan của họa sĩ. Yếu tố trang trí được hiện diện trong tác phẩm khi người họa sĩ chủ động khai thác những hình thể nhân vật, cảnh vật, đồ vật có tính chất giản lược về khối, ánh sáng, nếu có cũng chỉ là gợi khối nhẹ và không phụ thuộc nghiêm ngặt luật viễn cận, lấy mảng và nét làm phương tiện diễn đạt chính để tạo nên hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật.
Tác phẩm: Sẩy gạo của Nguyễn Thụ, chất liệu lụa, 40x60cm, 1984
Bên cạnh đó, trong nhiều tác phẩm tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 còn sử dụng cách biến dạng hình thể đến mức tượng trưng, cấu trúc hình được giản lược chỉ còn là những mảng hình kỷ hà lớn chắc khỏe, đây cũng là một thủ pháp điển hình của yếu tố trang trí như trong bức tranh Tình yêu (1988) của Kim Thái, tạo hình tay, chân, khuôn mặt của các nhân vật được biến điệu có chỗ thu ngắn, có chỗ kéo dài và giản lược triệt để về khối, ánh sáng, chỉ còn là những miếng hình phẳng, nét nằm trong mảng có vai trò định hình gợi cấu trúc và tách lớp không gian nhằm diễn tả vẻ đẹp nguyên sơ, nguyên thủy của người phụ nữ. Hoặc ở một số họa sĩ khác lại sử dụng phép cận cảnh không giống với những nguyên tắc bố cục trường quy, cấu trúc hình của các nhân vật được vẽ theo lối mảng phẳng, dẹt, phần da thịt được để trống và sử dụng luôn màu nền sáng đồng đều của lụa, chiều hướng của hình thể các nhân vật dàn trải toàn bộ mặt tranh và có xu hướng tràn ra tứ phía, uốn lượn trong một không gian siêu thực. Chuyện tình (2008) Nguyễn Thị Châu Giang, Tự họa (2010) của Hà Thị Hồng Ngân... hình thể nhân vật được giản lược hoàn toàn chỉ còn là những mảng phẳng cô đọng, vẽ ke, sắc nét, thậm chí để nguyên màu nền lụa, nhằm nhấn mạnh hiệu quả về sự tương phản, mạch lạc giữa hình thể nhân vật và nền, những chi tiết, họa tiết trang trí được phối hợp bổ sung để tăng cường hiệu ứng thẩm mỹ thị giác, qua đó đưa đến tinh thần trang trí trong tranh.
Như vậy, điểm chung của các tác phẩm tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 là yếu tố trang trí hiện diện rõ nét qua thủ pháp nghệ thuật vẽ hình mang tính gợi tả. Đây là tiêu chí quan trọng của quá trình xây dựng tác phẩm, nhấn mạnh sự giản lược về hình thể, lược bỏ những chi tiết không cần thiết, thu gọn vào những nét khái quát trọng yếu và được trình bày qua những mảng hình phẳng, dẹt không tả khối trong không gian hai chiều tạo nên những hình tượng nghệ thuật cô đọng, hấp dẫn và làm cho ý nghĩa của tranh thêm sâu sắc.
4. Yếu tố trang trí thể hiện ở họa tiết trang trí
Họa tiết trang trí không chỉ là một phần cơ bản của nghệ thuật trang trí ứng dụng mà nó còn có cả vai trò trong nghệ thuật hội họa. Khi có sự xuất hiện họa tiết trang trí trong tranh, một mặt mang lại hiệu quả về điểm nhấn, gia tăng hiệu quả thẩm mỹ, mặt khác nó góp phần nâng cao tính khái quát, tượng trưng của hình tượng nghệ thuật và đem lại cho tác phẩm một phẩm chất mới, phẩm chất trang trí. Phương pháp này là một thủ pháp nghệ thuật đắc dụng của hội họa tranh lụa Việt Nam hiện đại giai đoạn 1986-2016, nó được biểu hiện qua cách khai thác, chọn lọc thêm vào một số lượng vừa phải những họa tiết trang trí liên kết với các yếu tố tạo hình của tác phẩm hoặc dùng họa tiết trang trí phủ kín một mảng hình lớn trong tranh hoặc rải rác ở các vị trí khác nhau trên bề mặt tác phẩm để góp phần thực hiện chức năng tạo hình cho tác phẩm và hiệu quả biểu đạt thẩm mỹ nghệ thuật.
Giai đoạn 1986-2016, có khá nhiều tác phẩm tranh lụa Việt Nam khai thác, chọn lọc số lượng vừa phải họa tiết trang trí liên kết với hình tượng chính của tác phẩm như bức Lạc Long Quân và Âu Cơ (1994) của Đặng Quý Khoa; tác phẩm sử dụng những họa tiết trang trí cổ dạng kỷ hà mang nhiều ý nghĩa biểu tượng như: hoa mặt trời, họa tiết trang trí trên trống đồng, họa tiết trang trí trên các sản phẩm gốm… liên kết với hình thể nhân vật, đồ vật trong tranh; khu vực chính giữa tác phẩm tập trung mật độ khá lớn những họa tiết trang trí có đường nét khỏe khoắn, khúc chiết, màu sắc tươi tắn rực rỡ, sắc độ tương phản mạnh tạo điểm nhìn cho tác phẩm; đây cũng là vị trí có sự thay đổi phong phú về đậm - nhạt, sắc - màu, mảng - nét tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho hình tượng nghệ thuật. Các họa tiết trang trí được nhắc lại ở trên trang phục các nhân vật phụ và các đồ vật phía sau, là những đường nét màu nhỏ, mềm mại tinh tế với mật độ và sắc độ giảm dần nhằm dẫn dắt thị giác, hướng sự tập trung vào hình tượng nhân vật chính và các thủ pháp nghệ thuật khai thác họa tiết trang trí dùng họa tiết trang trí trên diện rộng phủ kín một mảng hình lớn trong tranh hoặc rải rác ở bề mặt tác phẩm này cũng đã được nhiều họa sĩ khác vận dụng tạo nên sư mềm mại hấp dẫn cho tác phẩm của mình như Tiếng vọng của thời gian (2007) của Nguyễn Đức Hùng, Cô gái bikini đỏ (2000) của Bùi Tiến Tuấn, mà tiêu biểu bức Cô gái Thuận Châu (1991) của họa sĩ Nguyễn Thụ là tác phẩm tiêu biểu về việc sử dụng rất nhiều các họa tiết trang trí dạng kỷ hà tham gia vào kết cấu tạo hình. Tác giả phủ kín nửa trên của phần nền bức tranh các họa tiết trang trí dân tộc sắp xếp theo lối trang trí đường diềm, mảng hình này có tỉ lệ lớn chiếm đến 1/3 kết cấu bố cục, tạo hiệu quả sinh động, vui mắt, nhịp nhàng cho tác phẩm. Ngoài ra, nhiều họa sĩ sử dụng cả những thủ thuật mô típ trang trí hoa dây leo vay mượn từ loại giấy dán tường trang trí nội thất tân kỳ lặp đi lặp lại, lúc thì chìm lẩn khuất vào nền phía sau, một số chỗ thì vươn lên, đè chồng hẳn lên phía trước nhân vật làm cho hình thể không bị cắt dán và gợi một không gian ảo, siêu thực.
Có thể thấy, yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn này hiện diện rõ nét qua việc liên kết một cách tinh tế, hài hòa các họa tiết trang trí với kết cấu tạo hình ở hình thức biểu đạt với nhiều cách khác nhau như: sự chủ động liên kết một cách hợp lý, tinh tế số lượng vừa phải họa tiết trang trí với yếu tố hình thể, trang phục nhân vật, đồ vật để thu hút thị giác và làm nổi bật hình tượng của nhân vật; sự liên kết số lượng lớn các họa tiết trang trí để phủ kín những mảng hình lớn. Đây là một thủ pháp nghệ thuật mang lại hiệu quả tích cực về hình thức thể hiện cho các tác phẩm tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016.
5. Kết luận
Tóm lại, yếu tố trang trí hiện diện ở trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 ở hình thức biểu đạt tác phẩm có vai trò không nhỏ đối với khả năng biểu đạt thẩm mỹ của tác phẩm. Sự biểu hiện của yếu tố trang trí trong tranh lụa giai đoạn 1986-2016 thông qua những yếu tố tạo hình như: cách sử dụng không gian có phối cảnh ước lệ theo kiểu trang trí; hình thể trong tranh thường được giản lược, chắt lọc những nét điển hình nhất để chúng trở nên cô đọng, súc tích, gợi sức truyền cảm; màu sắc thể hiện sự chủ động, được kết hợp tinh tế, hài hòa với nhau trong những hòa sắc nhất định tạo nên vẻ đẹp sinh động, độc đáo cho tác phẩm lụa; nhiều tác phẩm chọn lọc, đưa vào tranh nhiều hình, chi tiết, họa tiết trang trí khiến cho bức tranh trở nên sinh động, lôi cuốn, thu hút thị giác người xem và có thể tham gia tốt trong vai trò xây dựng kết cấu bố cục, góp phần nâng cao tính khái quát, tượng trưng của hình tượng nghệ thuật. Việc tìm hiểu và nghiên cứu yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 sẽ tạo nền tảng để đưa ra những hướng đi đúng đắn cho việc sử dụng và phát huy những yếu tố thẩm mỹ có giá trị của tranh lụa và góp phần đánh giá về quá trình phát triển của tranh lụa hiện đại Việt Nam.
_________________
1, 2. M.Cagan, Hình thái học của nghệ thuật, Phan Ngọc dịch, Nxb Hội Nhà văn, 2004, tr.10, 409.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Công Luận, Tranh lụa Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1997.
2. Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2001-2005, Hà Nội, 2005.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Triển lãm tranh lụa 2007, Nxb Mỹ thuật Hà Nội, 2007.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2006-2010, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2010.
5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2015.
Ths NGUYỄN TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023