Nghệ thuật tạo hình trang phục truyền thống của mỗi tộc người Việt Nam đều mang những điểm nổi bật riêng, để phân biệt trang phục với các dân tộc khác, dựa trên cách biểu hiện ở các yếu tố tạo hình như: bố cục, hình mảng, đường nét, màu sắc, hoa văn trang trí… Bài viết dựa trên nguyên lý tạo hình để xác định những đặc điểm mỹ thuật không thể lẫn ở trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn, một kiểu trang phục được các nhà nghiên cứu đánh giá có giá trị thẩm mỹ cao trong lối tạo hình không giống với các tộc người khác. Từ đó, lý giải phần nào những giá trị nghệ thuật tạo hình trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn để nhận diện, bảo tồn và phát huy đúng giá trị trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay.
1. Khái niệm và đặc điểm chung của trang phục nữ truyền thống Pà Thẻn
Đặc điểm là nét riêng biệt cá thể, điểm nổi bật của chủ thể, sự vật, đối tượng, để xác định được đặc điểm của chủ thể, sự vật, đối tượng này có thể so sánh bản chất, tình trạng với đặc điểm của chủ thể, sự vật, đối tượng khác (1). Đặc điểm mỹ thuật trang phục thể hiện ở các thành tố của trang phục qua yếu tố tạo hình như: bố cục, hình mảng, đường nét, màu sắc, hoa văn trang trí, đặc biệt là cách vận dụng, thủ pháp tạo hình để làm nên nét riêng ở trang phục của mỗi dân tộc. Đó cũng là những thành quả lao động của mỗi dân tộc trải qua gạn lọc nhiều đời mà có được.
Dân tộc Pà Thẻn, thuộc ngữ hệ Mông - Dao, điều tra dân số năm 2019 là: 8.248, họ sinh sống tập trung ở một số xã, huyện ở Hà Giang, Tuyên Quang. Dân tộc Pà Thẻn không có các nhóm khác nhau và đặc biệt họ sống tương đối tập trung (2). Người Pà Thẻn trước những năm đổi mới đất nước chủ yếu sống du canh du cư, sau đổi mới được sự vận động của Đảng và Nhà nước, họ bắt đầu định cư tập trung, ổn định đời sống. Tôn giáo tín ngưỡng của người Pà Thẻn tương đối phong phú; cũng như một số dân tộc khác, người Pà Thẻn có quan niệm về vạn vật thế giới riêng.
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Pà Thẻn thông dụng cho cả bốn mùa trong năm, bao gồm các phần: áo (ke ợ củ khê), váy (két tinh), khăn (tờ ạ xị chi) có các loại: như khăn đội đầu, khăn vấn tóc, khăn quàng, khăn cài thắt lưng, yếm có hai loại yếm bạc (ke tả chi) và yếm dài (a thự), thắt lưng, gồm 2 loại, loại dây trơn và loại có 8 tua. Kết hợp với trang sức như: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn. Phụ kiện đi kèm là túi đựng đồ và túi khoác vai. Trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có giá trị to lớn trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc. Trang phục có mặt hầu hết trong đời sống văn hóa của con người nơi đây và tham gia góp phần tạo bầu không khí, niềm tự hào trong lao động sáng tạo của các tộc người ở Việt Nam.
2. Đặc điểm tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn
Kiểu dáng trang phục
Hình mảng chủ đạo: theo thống kê số lượng, đặc điểm hình mảng trên áo, thì các mảng vải cấu tạo, trang trí đều có đặc điểm hình vuông, chữ nhật, hoàn toàn không có mảng hình lượn cong trên trang phục. Đường cong chỉ xuất hiện ở kiểu dáng hình khối của khăn đội đầu, vòng, hoa tai và nhẫn. Tổ chức hình mảng này làm chuyển dịch, bổ sung những hình khối trên áo, váy, thể hiện một tổng thể hài hòa không thể tách rời.
Mảng hình tương đồng nhau về hình dạng: có hình vuông lớn ở vị trí thân sau áo, hình vuông nhỏ ở vị trí ngang vai, một số hình vuông nhỏ khác cũng được trang trí ở hông váy và nhiều hình chữ nhật được nhắc đi nhắc lại cả trong cấu trúc cũng như trang trí. Với những thay đổi ngắn, dài, trơn hoặc có hoa văn được phân bố ở các vị trí theo một trật tự. Đây là một đặc điểm trong thủ pháp khâu may rất riêng, độc đáo, dễ nhận thấy trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Nguyên lý thị giác chỉ ra rằng, các hình thể tương đồng nhau dễ nhìn thấy nhất là tương đồng về hình dạng, trong đó, các đặc tính tương đồng khác như kích cỡ, màu sắc lại thường là yếu tố được cảm nhận sâu.
Đặc điểm hình mảng trong thiết kế trang phục có những đặc điểm nhất định mà cấu trúc của cơ thể con người quy định. Tuy nhiên, đặc điểm các mảng hình trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn hình như có xu hướng đi ngược sự phân bố tổ chức hình mảng và có phần lấn át cấu trúc hình khối phức tạp của cơ thể con người. Lớp vải trong, ngoài, có chỗ một lớp, có chỗ hai lớp, kết hợp với tổ chức các mảng trang trí trông khá phức tạp. Tổ chức kết cấu chặt chẽ có đặc điểm riêng, có những quy cách trang trí nhất định về hình dạng, kích thước, tỷ lệ và vị trí của các mảng như một thủ pháp gây ảo giác xóa nhòa các đường may nối khổ vải, đường may kết cấu của trang phục. Đây cũng là đặc điểm khác, không giống những dân tộc cùng ngữ hệ như Dao, Mông. Tổ chức hình mảng và khe hở giữa chúng có đặc điểm các cạnh song song, theo phương đứng hoặc ngang, triệt tiêu đường hướng xiên cho hiệu quả ổn định, ở dạng tĩnh về hình mảng.
Bề mặt của hình mảng mang yếu tố trang trí được tạo nên từ những đặc điểm của chất liệu và có dụng ý chia nhỏ các hình mảng có thớ vải khác nhau, đối xứng, cùng chiều, lớp vải cao, thấp và cả kỹ thuật đường may làm tăng tính trang trí cho trang phục. Các cảm giác về lớp, không gian ước lệ, giảm độ căng của khối và với cấu tạo của mảng được chia nhỏ dưới ánh sáng tự nhiên sẽ hạn chế sự chuyển sắc độ sáng tối của toàn bộ trang phục. Những chỗ bắt sáng và khuất sáng chỉ trong những mảng hình nhỏ nên hạn chế hỗ trợ tri giác, cảm giác về khối. Phải chăng, trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn được thiết kế theo quan niệm thẩm mỹ, có những đặc điểm riêng về hình mảng như trong truyền thuyết về trang phục nữ truyền thống của người Pà Thẻn: “Khi xưa, người Pà Thẻn không có quần áo của riêng dân tộc mình. Con rồng trên trời thấy vậy, liền vẽ ra các mẫu hình thù, rồi nhờ phù thủy dạy người Pà Thẻn dệt bộ trang phục. Dạy xong, phù thủy ném qua dòng sông nước nóng cho người Pà Thẻn, nhưng bà ta lại làm rơi bộ trang phục vào đống lửa và bị cháy nham nhở. Người Pà Thẻn với đức tính tiết kiệm, chăm chỉ và sáng tạo đã lấy những miếng vải lành lặn vá vào những chỗ rách. Từ đó, bộ trang phục của người Pà Thẻn có cách chắp vải như ngày nay” (3).
Người Pà Thẻn nhìn vào những hình mảng đơn giản, vuông, chữ nhật với màu tươi nguyên, thuần khiết và cách tổ chức riêng như một hình thức biểu tượng để thấy câu chuyện về kỹ thuật chắp vải ở trang phục nữ truyền thống của người Pà Thẻn. Thấy được những ý niệm tuyệt đối về dân tộc của họ, về con người chịu thương chịu khó, khát vọng sống, thúc đẩy niềm tin yêu trong cuộc sống.
Màu sắc chủ đạo trên thân áo
Thân áo được kết hợp giữa màu đỏ chủ đạo (một trong ba màu cơ bản: đỏ - vàng - lam); màu trắng, màu đen là màu trung tính đã tạo cho tổng thể toàn bộ áo như có ánh sáng sắc nét; bên cạnh đó, một lượng ít màu phụ, xanh ở mảng chắp trang trí, vàng ở phần chỉ ghép biên giữa các mảnh vải hoặc hoa văn trên thổ cẩm tạo nên sự trang trọng của trang phục. Điều này cho thấy, người Pà Thẻn đã có nhận thức về màu trong lựa chọn kết hợp pha sắc của họ; đặc biệt, không phá vỡ quan niệm màu đỏ “lửa” của tộc người Pà Thẻn, như các mảng màu đen, trắng nhỏ trang trí đã tạo được sự cân bằng, vừa làm nổi bật, vừa tiết chế màu đỏ bởi những sắc màu rất riêng của tộc người này.
Tỷ lệ màu là yếu tố để tạo nên sự cân bằng và hiệu quả màu sắc. Nếu như sự lựa chọn màu được thể hiện theo quan niệm về thế giới quan của tộc người Pà Thẻn thì tỷ lệ màu trong đó chính là thủ pháp quan trọng trong việc tạo ra hòa sắc, mà đặc biệt, trang phục nữ truyền thống của người Pà Thẻn có tỷ lệ màu đỏ chiếm tới 2/3 trang phục, 1/3 còn lại chủ yếu tập trung vào màu trắng, màu đen và một lượng nhỏ là màu xanh, vàng ở chỉ thêu, đường may… Đây là một tỷ lệ đẹp gần với “tỷ lệ vàng” trong cách tạo hình của tạo hóa và điều này cũng đã tạo nên một tổng thể hài hòa giữa màu chủ đạo và những màu hỗ trợ trong tổng thể hòa sắc của toàn bộ trang phục.
Bố cục vị trí các mảng màu trên trang phục
Những màu chủ đạo là màu chiếm tổng diện tích lớn nhất trong các màu. Điểm này được bố trí ở những vị trí trực diện, đặc biệt, khi trang phục mặc lên cơ thể, những mảng màu đỏ được lộ ra, thu hút sự nhìn và chi phối toàn bộ hòa sắc của trang phục; đồng thời màu đỏ thống trị, chi phối lên các màu khác, giống như một bản nhạc có chủ âm - có bắt đầu và có kết thúc. Vị trí của màu như một thủ pháp dựa trên tính chất vật lý của màu được kết hợp với kỹ thuật chắp vải trên toàn thân trang phục và đó chính là cách bố trí những mảng màu đen ở những vị trí phía dưới của cánh tay áo, từ nách chạy xuống phía bàn tay, hay ở những vị trí kín, không chính diện để tạo cảm giác chắc chắn, khỏe khoắn. Màu được phân bố, tổ chức sắp xếp theo một quy tắc tạo ra hiệu quả rất riêng không lẫn với trang phục của các dân tộc khác.
Bề mặt màu có thể nói, đó là thủ pháp nổi bật tạo nên sự khác biệt trong kỹ thuật chắp vải của người Pà Thẻn. Đây là một đặc điểm rất rõ nét thể hiện việc làm phong phú bề mặt của trang phục thông qua chắp đè các mảnh vải, thổ cẩm trang trí trên trang phục. Bề mặt này tạo nên sự cao thấp khác nhau của những mảng màu, tạo nên hiệu quả thị giác rất rõ. Dưới ánh sáng các mảng màu giống nhau tạo nên những sắc độ khác nhau làm phong phú, có chiều sâu về màu.
Như vậy, những đặc điểm màu sắc như: tạo bảng màu đơn giản, màu có độ thuần cao, phổ màu hẹp, hòa sắc nóng rực rỡ, màu đỏ chủ đạo, tỷ lệ màu, bố cục vị trí của các mảng màu trên trang phục, bề mặt màu đó… như một thủ pháp mang lại hiệu quả thị giác rực rỡ của màu đỏ và được xem như biểu tượng thiêng từ lễ hội nhảy lửa - màu xua đuổi tà ma, lạnh giá, đói khổ mang lại ánh sáng, sự may mắn, ấm no, hạnh phúc cho dân làng (4).
Hoa văn trang trí
Hoa văn trang trí trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có nội dung, hình thức gắn với nguồn gốc, truyền thống, cũng như đời sống văn hóa của dân tộc. Câu chuyện cảm động liên quan đến hoa văn chân chó (apơtaluzọng) được trang trí trên vành khăn, trên ngực áo hay là trên váy của người Pà Thẻn. Miếng thổ cẩm hình chữ nhật có hoa văn trang trí hình học chắp ở vị trí vai áo người phụ nữ thể hiện quan niệm của người Pà Thẻn về vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hoa văn hình lược bí (a ví) gắn với cuộc đấu tranh sinh tồn của người Pà Thẻn. Hoa văn hình mắt cua (khung mí zi), được tạo nên từ miếng vải 1cm2 màu đỏ ghép ở giữa 4 cạnh các ô vuông lớn màu trắng, xanh trang trí trên cạp váy. Hướng của mắt cua như hướng đến mặt trời có ý nghĩa cho sự tốt lành, mong muốn có cuộc sống bình yên của dân tộc Pà Thẻn.
Bố cục hoa văn đường diềm ở trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn không tạo ra những dải dài chạy xung quanh váy áo giống như trên trang phục của người Mông mà được ngắt từng đoạn để tạo mảng trang trí. Vị trí các hoa văn tạo đường diềm trên cả áo, váy, khăn. Hoa văn kiểu đường diềm này cũng thường xuất hiện ở trên những mảnh vải chắp hình chữ nhật, có kích thước to, nhỏ tùy theo vị trí trên trang phục, để làm thành những mảng trang trí và tạo hình cho trang phục. Các mảng hình này có đặc điểm là biến hóa qua sự thay đổi tỉ lệ kích thước, xoay chiều ngang hay dọc và kết hợp với bề mặt trang trí, độ nổi cao, thấp của miếng vải chắp ở những vị trí để tạo điểm nhấn và sự cân bằng cho bố cục.
Đặc điểm tạo hình và màu sắc hoa văn, các hoa văn trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn đều được tạo hình theo cách đơn giản, cách điệu, hình có tính khái quát cao, biểu hiện dưới dạng “hình học” hóa (5). Đây chính là cách tư duy nghệ thuật gần gũi với kỹ thuật công thức dệt của người Pà Thẻn. Trong các cách tạo hình hoa văn phần nhiều từ kỹ thuật dệt, đó là người Pà Thẻn có một bản mẫu gọi là (kemepơ) lưu truyền trong dân gian. Từ kỹ thuật dệt được hình thành trên các mũi dệt, có cấu trúc từ dạng hình cơ bản như hình thoi, hình vuông, hình bình hành và hình tam giác được sắp xếp tổ chức tạo thành hoa văn. Nhiều hoa văn được tạo thành bởi các hình thoi lớn, nhỏ sắp xếp một cách độc đáo như: hoa văn hình rồng, hoa văn đầu người, hình con trâu, con nghé, tia chớp....; hoặc các hình tam giác cũng tạo nên hoa văn hình rồng, con nghé…; hay các hình bình hành tạo nên một phần hoa văn hình con chó...
Cách tạo hình hoa văn qua các kỹ thuật thêu, dệt, chắp
Các cách tạo hình hoa văn qua kỹ thuật thêu của người Pà Thẻn không phong phú về số lượng như hoa văn tạo ra từ kỹ thuật dệt, nhưng về đặc điểm hình dáng hoa văn lại rất mềm mại, đó là những đường thêu tự do để tạo nên những đường cong, có xu hướng mô tả sự vật hơn là hình học hóa ở kỹ thuật dệt như: hoa văn hình hoa, hình bó mạ, hình núi, hình mắt cua, hoa văn hình chân gà… các hình hoa văn được thể hiện một cách khéo léo, hài hòa, kết hợp giữa các hoa văn được tạo ra từ kỹ thuật dệt, thêu. Đặc biệt còn có sự kết hợp với kỹ thuật chắp vải, cùng những hoa văn hình học được dệt trên bề mặt miếng vải chắp, tạo nên hình thức tạo hình hoa văn riêng biệt trên thể loại trang phục nữ, trông độc đáo và lạ mắt.
Kỹ thuật chắp màu sắc hoa văn không lấn át màu sắc tổng thể đỏ rực của trang phục, mà tạo thêm sự phong phú cho hòa sắc chung được xen giữa hoa văn thêu tay là mảng hoa văn dệt với nhiều màu sắc sặc sỡ. Thêm vào đó, họ còn dùng các mảng vải màu trắng, đỏ để chắp xen kẽ làm cho các mảng màu thêm nổi bật. Các kỹ thuật chắp vải không mới lạ, song người Pà Thẻn đã vận dụng cách tạo hình có tỉ lệ khác nhau, cách sắp xếp bố cục các mảng, hình như một thủ pháp nổi bật trong tạo hình dáng và trang trí cho trang phục của người Pà Thẻn. Chắp vải để tạo lớp, dựng phom, dáng và để trang trí, là những mảnh vải có kích thước nhỏ, màu sắc khác nhau được chắp đè lên những vị trí cầu vai, đỉnh vai, tâm áo, tâm váy, tay áo, lườn để trang trí, tạo hoa văn; các mảnh vải chắp ít trực tiếp tạo ra hoa văn mà nó chỉ là những hình mảng chữ nhật có dệt hoa văn khác nhau dùng để tổ chức sắp xếp tạo ra sự đối xứng, cân bằng cho cách tạo hình trang phục. Nếu nhìn kỹ, các cách chắp vải đó là cách để sắp xếp các mảng hoa văn trang trí theo một trật tự logic, được áp dụng hầu hết các thành phần của trang phục như áo, váy, khăn, túi của thể loại trang phục này.
Có thể thấy, hoa văn trang trí trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn vẫn nằm trong dòng chảy chung, đã có sự kế thừa, phát huy, song, nó vẫn mang những đặc điểm rất riêng của tộc người Pà Thẻn. Phong cách hình học hóa ở các hoa văn từ kỹ thuật dệt, hay một số hoa văn từ kỹ thuật thêu và sự lồng ghép giữa chắp vải và thêu đều biểu hiện về mô tả hiện thực. Mô típ hoa văn trang trí không quá tinh xảo mà có phần đơn giản khái quát, kết hợp hài hòa với mảng chung, tôn lên những kết cấu mảng khối, góp phần tạo nên một hình thức nghệ thuật trang phục riêng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
3. Kết luận
Có thể nói, mỹ thuật trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn là một loại hình nghệ thuật thời trang mang tính sáng tạo độc đáo riêng trong cách tạo hình thẩm mỹ trang phục truyền thống của dân tộc người Việt xưa và nay. Tính tạo hình được biểu hiện tập trung ở các mảng hình học; màu sắc chủ đạo: đỏ, trắng, đen; hoa văn trang trí theo mảng, có tổ chức sắp xếp bố cục độc đáo trong các thủ pháp sáng tạo rất riêng được tham gia vào tạo hình trang phục. Những đặc điểm tạo hình này độc đáo, khác lạ, dễ nhận diện và không kém phần minh triết với nguyên lý tạo hình hiện đại. Một phong cách của trí tuệ mang tính duy lý phù hợp với những quan niệm thẩm mỹ của người dân tộc. Những đặc điểm này truyền tải được văn hóa và thẩm mỹ của tộc người Pà Thẻn và trở thành biểu tượng chung cho người dân tộc Việt Nam; đồng thời, cách tạo hình trên trang phục nữ của người Pà Thẻn là một trong yếu tố đóng vai trò “trung gian” kết nối cộng đồng, giữa con người với thần linh, tổ tiên; điều đó cũng thể hiện một nét văn hóa tộc người trong sự đa dạng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
_________________
1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr.86.
2. Ban chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ, ngày 1-4-2019, Nxb Thống kê 7-2019, tr.161.
3, 4. Nguyễn Thị Huyễn Nhung, Trang phục của người Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.111, 144.
5. Trần Từ, Hoa văn Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1978, tr.89.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Văn Kiên - Vũ Diệu Trung (chủ biên), Người Pà Thẻn huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang, Nxb Lao động, Hà Nội, 2014.
2. Huỳnh Văn Mười, Nghệ thuật thị giác & những vấn đề cơ bản, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2018.
3. Trần Hữu Sơn, Thực trạng nghiên cứu và vấn đề tiếp cận lý thuyết trong nghiên cứu trang phục các dân tộc ở Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học, số 1 (235), 2023, tr.108-117.
4. Ngô Đức Thịnh, Tạo hình và trang trí dân gian trên trang phục các dân tộc nước ta, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, 1989, tr.51-57.
5. Đoàn Thị Tình, Tính dân tộc trong trang phục sân khấu, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2016.
Ths NGUYỄN PHƯƠNG VIỆT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023