Việt Nam và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của nền văn hóa Pháp. Gần một thế kỷ, sự hiện diện của người Pháp ở Việt Nam (1858-1954) đã mang lại ảnh hưởng lớn tới kiến trúc Việt Nam. Quá trình đó thể hiện phần nào sự giao thoa của 2 nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Sự ảnh hưởng của kiến trúc Pháp vào Việt Nam đã làm xuất hiện các phong cách kiến trúc khác nhau với nhiều đặc điểm nổi bật, trong đó có phong cách kiến trúc Đông Dương. Trong quá trình hình thành và phát triển, phong cách kiến trúc tại Hà Nội mang dấu ấn rõ nét kiểu kiến trúc Pháp với nhiều yếu tố như: tổ chức không gian, kỹ thuật, vật liệu xây dựng và hình thái biểu hiện... Bài viết chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất của kiến trúc cổ điển Pháp tại Hà Nội để thấy được sự xuất hiện của phong cách kiến trúc Đông Dương là sản phẩm đặc sắc bởi sự kết hợp tài tình giữa kiến trúc phương Tây và văn hóa bản địa.
1. Đặt vấn đề
Từ xa xưa, kiến trúc Pháp cổ luôn được cả thế giới ngưỡng mộ, đặc biệt là các công trình kiến trúc nổi tiếng và các kiến trúc sư hàng đầu thế giới. Pháp được coi là cái nôi gìn giữ, phát huy những kiến trúc cổ điển và phát huy sáng tạo ra những loại hình kiến trúc hiện đại. Xuyên suốt trong sự hình thành và phát triển của lịch sử kiến trúc châu Âu, từ kiến trúc Trung cổ, kiến trúc Byzantine, Roman, Gothic… cho đến những kiến trúc mới như: kiến trúc Art Deco, Art Nouveau… kiến trúc Pháp đã thể hiện rõ rệt, được xem là cái nôi của nền kiến trúc, không chỉ góp phần sáng tạo ra những phong cách kiến trúc mới, mà còn bảo lưu, gìn giữ các phong cách kiến trúc cổ điển, thúc đẩy sự phát triển của nền kiến trúc cả thế giới. Vì thế, kiến trúc Pháp cổ (hay còn gọi là phong cách kiến trúc cổ điển Pháp) luôn là một trong những phong cách kiến trúc được rất nhiều kiến trúc sư thế giới học tập, trong đó có Việt Nam.
2. Đặc điểm kiến trúc Pháp
Các công trình kiến trúc mang phong cách kiến trúc Đông Dương tại Hà Nội không sử dụng cách thức và chi tiết trang trí kiến trúc cổ điển, đồng thời vận dụng cả các dạng bố cục tự do trong tạo hình kiến trúc, cùng với việc chú trọng sử dụng vật liệu cũng như đảm bảo sự thích ứng với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. Dựa trên những đặc điểm văn hóa cổ điển của nước Pháp và đặc biệt là các đặc điểm của địa hình khí hậu đã tạo ra một phong cách kiến trúc đặc trưng của nước Pháp. Khí hậu nước Pháp nhìn chung là ôn hòa, chịu ảnh hưởng kết hợp của khí hậu Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và khí hậu lục địa. Từ những đặc điểm của vùng khí hậu ôn đới đã tạo ra đặc điểm kiến trúc điển hình của ba vùng Bắc, Trung, Nam nước Pháp.
Phong cách kiến trúc Đông Dương ở Hà Nội khá đa dạng về tạo hình, tiêu biểu cho các vùng, miền ở Pháp như miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Có thể dễ dàng nhận ra phong cách kiến trúc miền Bắc nước Pháp thông qua bộ mái có độ dốc lớn, thường được lợp bằng đá phiến đen (Ardoise), cửa sổ nhỏ, phần tường lớn và ít trang trí. Trong khi phong cách kiến trúc miền Trung nước Pháp lại thể hiện qua bộ mái có độ dốc vừa phải, đôi khi đầu hồi mái vát chéo (sơn tường) được lợp bằng ngói máy màu đỏ với hệ thống dầm (Console) gỗ với nhiều kiểu dáng, cửa đi và cửa sổ lớn được trang trí cùng với góc tường bằng gạch gốm men khá độc đáo. Còn phong cách kiến trúc miền Nam nước Pháp thường có độ dốc mái nhỏ và được lợp bằng ngói ống, cửa sổ và cửa đi rộng gắn với hệ thống hàng hiên và sân, vườn. Ngoài ra, kiến trúc cổ điển Pháp có những đặc điểm vô cùng đặc trưng như:
Cửa sổ áp mái: thông thường, các căn nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp đều sở hữu ít nhất một ô cửa sổ được đặt trên tầng áp mái của ngôi nhà, những ô cửa sổ này được thiết kế thụt vào trong hoặc nhô ra ngoài tùy thuộc vào độ dốc của mái cũng như sở thích của chủ nhân căn nhà. Ngoài ra, thiết kế cửa sổ gác mái cũng có thể thay đổi thành ban công nhỏ để chủ nhân căn nhà có thể trồng hoa, hoặc khai thác được ánh sáng tràn ngập vào trong không gian của phòng gác mái, giúp không gian tầng áp mái trở nên thoáng đãng hơn.
Cửa chính: Cửa thường có chiều rộng 2,6m và chiều cao 3,5m là một trong những nét đặc trưng nhất của phong cách kiến trúc Pháp cổ.
Trụ ngáng cửa: mặc dù chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng trụ ngáng cửa vẫn được xem là đặc điểm kiến trúc Pháp cổ dễ nhận biết nhất. Trong giai đoạn phong kiến của nước Pháp, để tránh tình trạng người dân va chạm với những chiếc xe ngựa cồng kềnh, sự có mặt của trụ ngáng cửa là rất cần thiết.
Mái vòm: không chỉ là đặc trưng của kiến trúc châu Âu, nhắc đến kiến trúc Pháp cổ, ai cũng liên tưởng đến những tòa nhà với mái vòm xung quanh. Có cấu tạo từ kẽm và đá đen nên những thiết kế mái vòm thường có màu từ xám nhạt đến xám than, thiết kế đa dạng: ngói đá đen hình chữ nhật hoặc vảy cá, kẽm, bê tông, đồng, chì… tất cả vật liệu đều có thể được sử dụng trong xây dựng mái vòm.
3. Những đặc trưng của kiến trúc Pháp biểu hiện trên các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội
Khi nghiên cứu về kiến trúc phong cách Đông Dương, đặc biệt là những trang trí trên kiến trúc cần phải đặt chúng trong một tổng thể, bối cảnh lịch sử, tương quan giữa thời gian và không gian, tương quan giữa các công trình kiến trúc với cảnh quan môi trường thiên nhiên và không thể bỏ qua điều kiện địa lý, khí hậu ở Hà Nội. Khác với khí hậu ôn hòa của nước Pháp, Việt Nam có một miền khí hậu tương đối phức tạp.
Cho đến trước những năm 1900, kiến trúc của Hà Nội và một số tỉnh vẫn là kiến trúc nhập khẩu từ một số nước. Giai đoạn đầu của thời kỳ này là kiến trúc thực dân, lấy mẫu của người Anh và một số nước thuộc địa. Kiến trúc chủ yếu là mái vọng, lắp ghép đơn giản. Giai đoạn sau đã ổn định hơn, kiến trúc nhập khẩu từ chính quốc, mang phong cách tân cổ điển của Pháp như: Nhà hát Lớn, tòa án...
Từ năm 1900-1920 chủ yếu phát triển nhà ở và vẫn là phong cách kiến trúc tân cổ điển nhưng bắt đầu mang tính chất địa phương của Pháp.
Từ năm 1920-1940: loại kiến trúc kết hợp văn hóa phương Đông và Tây, với các yếu tố châu Á rõ rệt. Ví dụ, qua hệ thống mái, hệ thống Colsole, các chi tiết trang trí...
Vì những lý do trên, kiến trúc Pháp khi mang về Đông Dương đã có một số thay đổi, điều chỉnh để thích nghi với khí hậu nơi đây. Có thể kể đến một số điểm sau:
Về kỹ thuật và vật liệu xây dựng
Trong kiến trúc Đông Dương, kỹ thuật và vật liệu xây dựng được sử dụng là những kỹ thuật của châu Âu với những vật liệu mới như hệ khung bê tông cốt thép chịu lực, khung thép tiền chế, sành sứ nhiều màu, ngói ardoise, gạch ốp lát... Phương tiện kỹ thuật trong xây dựng cũng được cải tiến khá nhiều với cột thu lôi, đèn điện, cổng sắt uốn, tấm lợp kim loại... Nhà ở Đông Dương có tầng cao 4m, trong khi nhà ở Pháp thì chỉ xấp xỉ 3m để tiết kiệm nhiệt năng. Kiến trúc Đông Dương thường được bao phủ bằng bề mặt vữa. Lý do là nắng nóng mưa nhiều, có độ ẩm cao nên dễ mốc, ngấm, còn kiến trúc Pháp thì nhiều khi xây gạch để trần.
Về các giải pháp kiến trúc được xử lý
Kiến trúc Đông Dương đã được nhiệt đới hóa để phù hợp với khí hậu Việt Nam, nhưng vẫn được áp dụng các giải pháp thông thoáng, cách nhiệt để phù hợp nhất với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như bố trí các dãy hành lang, dàn pergola rộng rãi chạy dọc theo công trình. Phần tường phía sát trần được bố trí các lam gió để tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho không gian bên trong. Kiến trúc Đông Dương được xây thêm một sân trong hay giếng trời để tăng thêm sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên cho phần lõi của công trình kiến trúc. Đồng thời, sân trong, tiểu cảnh, giếng trời còn góp phần lớn vào việc tạo nên tính thẩm mỹ, sự thanh thoát và nhẹ nhõm cho toàn bộ khối kiến trúc công trình.
Một trong những nét rất đặc trưng ở các công trình kiến trúc Pháp là tường xây rất dày, có nhiều nhà tường dày đến 40-50cm, vừa để chống nóng vào mùa hè, chống lạnh vào mùa Đông. Cửa 2 lớp, trong kính ngoài lá sách, lấy sáng về mùa Đông, lấy gió về mùa hè. Cửa sổ bao giờ cũng có ô văng lớn chống nước mưa tạt. Bậu cửa sổ thường có độ vát nhất định để tránh nước tràn vào trong, đặc biệt có những công trình còn có rãnh thoát nước ngay trên bậu cửa mà nhìn kỹ mới nhận ra.
Trong các công trình công cộng bao giờ cũng có hành lang rất lớn, hành lang này cũng là một yếu tố chống nóng. Hệ Console gỗ rất đẹp, hợp với mái ngói và hệ xà gồ gỗ. Hệ thống thoát nước mái rất tốt, độ dốc mái bao giờ cũng là 60% đảm bảo thoát nước nhanh, không bị giột. Sử dụng gốm trang trí mặt đứng. Chân công trình không còn xây bằng đá hoặc ốp đá như trước đây nữa. Nếu chú ý kỹ sẽ thấy bậu của sổ bao giờ cũng có một độ vát nhất định để tránh nước tràn vào trong, đặc biệt có những công trình còn có rãnh thoát nước cho cửa sổ ngay trên bậu cửa mà nhìn kỹ mới nhận ra.
Kết cấu mái nhà
Nếu trong kiến trúc truyền thống của người Việt sử dụng mái ngói thì mái của kiến trúc Đông Dương vẫn sử dụng mái ngói cho những công trình nhỏ và sử dụng mái bằng cho những công trình lớn. Phần mái thường được thiết kế nhô ra xa để có thể che nắng che mưa. Seno (1) thu nước được thiết kế chạy dọc theo mái. Hệ mái vòm là đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Pháp được kiến trúc sư vận dụng trong thiết kế phần mái tại sảnh chính của công trình Đại học Đông Dương.
Viện Pasteur Viện Vệ sinh dịch tễ, là một công trình có phong cách kiến trúc phương Đông rõ rệt nhờ bộ mái có kết cấu phong phú với nhiều lớp mái chính, mái phụ cũng như sự phân đoạn và phân mảng hài hòa giữa phần đặc và phần rỗng với nhiều chi tiết trang trí hài hòa và tinh tế… Công trình được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư E.Hebrard xây dựng xong vào năm 1930.
Thiết kế phần cửa
Có thể thấy ở công trình Sở Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao), với thiết kế hệ mái của công trình không chỉ mang tính trang trí mà có ý nghĩa thực sự về khả năng che nắng, cách nhiệt, chống chói và chống mưa hắt. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy phía Đông và Tây của tòa nhà đều có các hàng hiên nhỏ có mái che chống bức xạ mặt trời gay gắt vào buổi sáng và buổi chiều. Khả năng thông gió và lấy sáng tự nhiên của công trình rất tốt nhờ lượng mở cứa lớn trên các mặt đứng. Các lỗ thoáng được đặt phía trên sàn và sát trần nhà đảm bảo khả năng thoát nhiệt. Toàn bộ cửa sổ đều được bố trí giữa hai lớp cửa kính trong chóp ngoài đảm bảo thông gió, lấy sáng tốt mà vẫn chống được ánh nắng chói chang về mùa Hè và cái lạnh buốt giá về mùa Đông ở Hà Nội.
Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật trang trí của phương Tây
Một số loại hình nghệ thuật trang trí gắn liền như phù điêu và điêu khắc trong hệ thống các loại hình nghệ thuật được sử dụng nhiều trên các công trình kiến trúc của Việt Nam phổ biến hơn so với hội họa, mặc dầu hội họa phương Tây có bề dày lịch sử và nhiều thành tựu nổi bật, song hai thành tố này đã xuất hiện nhiều trên các công trình kiến trúc Đông Dương. Tiêu biểu là công trình Đại học Đông Dương - đây là công trình đại diện cho phong cách kiến trúc Đông Dương của kiến trúc sư Herbroad. Nghệ thuật trang trí của công trình này được thể hiện thông qua kỹ thuật xây dựng cùng các thủ pháp trang trí đậm chất phương Tây về kỹ thuật trang trí kim loại, tranh kính, ghép mảnh Mosaic, kỹ thuật vẽ tranh hoành tráng. Các chi tiết hoa văn bằng kim loại sắt thép trên cổng, hành lang, lan can… hoặc các tác phẩm tranh trí hoành tráng của họa sĩ Victor Tardieu - mô tả về cuộc sống người Hà Nội những năm đầu TK XX thông qua 200 nhân vật đại diện cho xã hội lúc bấy giờ được thể hiện đầy ấn tượng. Hình nổi cùng các chi tiết chạm khắc khác được thể hiện một cách tinh xảo, tỉ mỉ, chính xác và sắc nét trên các lối đi. Ngoài ra, còn sử dụng các họa tiết thạch cao được đắp nổi xung quanh cửa ra vào và cửa sổ tạo điểm nhấn thị giác mạnh mẽ. Bên trong hốc tường hay chân cột dựng các bức tượng được đặt khéo léo. Điểm thu hút trong trang trí không gian dưới sảnh, kiến trúc sư đã dùng những họa tiết trang trí hình kỷ hà đậm chất phương Tây để tạo cảm giác chuyển đối một cách tinh tế về thị giác.
Các môtíp, hoa văn trang trí trên kiến trúc
Môtíp trang trí mang tính biểu tượng trên cửa sổ là hình tượng hoa hồng: đây là nét đặc sắc hấp dẫn nhất mang đặc trưng kiến trúc nhà thờ Gothic của loại kiến trúc này. Cửa sổ được trang trí bằng kính nhiều màu sắc, các bức tranh bằng kính này thường thể hiện các nội dung về Thiên chúa giáo. Ánh sáng tự nhiên trở thành công cụ để tăng hiệu ứng màu sắc thông qua cửa kính, lúc đó, không gian nhà thờ trở nên huyền ảo nhờ sự biến đổi, hòa trộn cùng nhiều màu sắc khác nhau. Ẩn trong cửa sổ hoa hồng với nhiều sắc màu rực rỡ là thông điệp nhắc nhở: mỗi người như một sắc màu, thật đặc biệt và những đứa con của Chúa sẽ còn đẹp hơn thế nếu chúng ở cạnh nhau, đồng tâm với nhau. Môtíp trang trí này chỉ xuất hiện trên công trình nhà thờ Thiên chúa giáo phong cách Đông Dương, điển hình như nhà thờ Cửa Bắc. Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Gothic, tại đây, kiến trúc sư đã khéo léo đan xen cả các yếu tố phương Đông trên bề mặt của công trình.
Một góc nhà thờ Cửa Bắc (phố Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội) - Nguồn: hanoi.dangcongsan.vn
Môtíp trang trí mang tính biểu tượng khoa học kỹ thuật
Họa tiết bóng điện: có thể coi đây là một biểu tượng xuất hiện trên cổng chính công trình Đại học Đông Dương - một biểu tượng gắn với sự thay đổi lớn của thế giới khi phát minh ra dòng điện và bóng đèn. Với hàm ý cánh cửa Trường Đại học Đông Dương là cánh cửa dẫn vào chân trời tri thức - đó có thể được coi như là lý do vì sao họa tiết trang trí này được lựa chọn để trang trí trên cổng chính của Trường Đại học Đông Dương. Tri thức chính là sự đột phá để thay đổi thế giới. Khi quan sát các nhóm họa tiết đặt cạnh nhau lại dễ dàng liên tưởng đến các họa tiết trang trí đồng tiền một yếu tố trang trí quen thuộc của phương Đông. Họa tiết này biểu thị một cách rõ ràng cho sự giao lưu tiếp biến văn hóa nghệ thuật trên công trình đầu tiên mang phong cách Đông Dương ở Hà Nội.
Kính viễn vọng: họa tiết này biểu thị cho khát vọng khám phá tri thức của vũ trụ từ hàng ngàn năm trước Công Nguyên. Biểu tượng này xuất hiện nhiều trong trang trí nội thất tại Trường Đại học Đông Dương mang thông điệp đối với người học cổ vũ tinh thần luôn vươn đến những tri thức mới, vượt qua những giới hạn của tri thức từng biết của nhân loại.
Biểu tượng khẩu pháo: là một trong những biểu tượng biểu trưng cho phát minh quan trọng của loài người trong việc chế tạo ra thuốc súng; chính điều này căn bản đã làm thay đổi phương thức tác chiến trong chiến tranh. Có thể nhận định: đây là biểu tượng của khoa học quân sự.
Biểu tượng compa: chiếc compa mang trong mình hàm ý biểu tượng cho khoa học kỹ thuật. Sở dĩ như vậy, là bởi đặc tính chính xác của nó. Đối với Mỹ và các nước châu Âu, họ đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử, trong hành trình tìm kiếm khoa học, compa trở thành công cụ biểu trưng cho ngành khoa học kỹ thuật bởi chính sự chính xác về lượng.
Biểu tượng chiếc cân: nói đến hình tượng cán cân - đó được coi là biểu tượng của công lý, pháp luật trong hệ thống tư pháp cùng ba hình tượng: Tay phải cầm cân - tượng trưng cho sự cẩn trọng trong suy xét, công bằng; phân định giữa thiện và ác; biểu tượng cho lẽ phải, không thiên vị. Tay trái cầm kiếm - biểu thị cho sức mạnh cưỡng chế, quyền uy, quyền lực. Một dải băng bịt kín đôi mắt - biểu trưng cho sự vô tư không nhìn, không thấy, không bị tác động của ngoại cảnh, đối lập với những áp lực từ bên ngoài. Có thể coi biểu tượng chiếc cân trong kiến trúc Đông Dương vừa là đại diện cho ngành Luật, Tòa án; đồng thời, cũng là sự nhắc nhở mọi người luôn tôn trọng sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật.
Mô típ trang trí động vật
Con rắn: được mệnh danh là con trai thần Appolon (thần Thái Dương) theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, Esculape - cha đẻ của ngành Y dược. Do một phần được lớn lên giữa thiên nhiên cùng sự yêu thích quan sát, Esculape đã sớm phân biệt được các loại cây cỏ có dược tính giúp chữa bệnh, cải tử hoàn sinh. Một lần khi trên đường đến thăm bạn mình, Escupale đã gặp một con rắn, ông vừa đưa cây gậy ra thì rắn liền bám và quấn quanh cây gậy. Thấy vậy, Escupale lập tức đập gậy xuống đất nhằm giết chết con rắn. Nhưng ông lại thấy một con rắn khác bò đến cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và khi dùng nó cho con rắn đã chết, lập tức con rắn đó sống lại. Từ đó, Esculape bắt đầu quan tâm kiếm tìm những loại cây cỏ có thể chữa bệnh trong núi để chữa cho con người. Biểu tượng này có thể được nhìn thấy ngay tại sảnh lớn của Trường Đại học Đông Dương, ngoài ra, biểu tượng này cũng trở thành biểu tượng của ngành Y dược. Mặt khác, nội dung của truyền thuyết này nhắc nhở chúng ta hãy quan tâm đến cây cỏ xung quanh vì chúng đều có những công dụng nhất định đối với con người.
Ở châu Âu và châu Á đều nhắc đến rất nhiều các loại thực vật cỏ cây, hoa lá… nhất là trong các tác phẩm hội họa, phù điêu, điêu khắc không phải ngẫu nhiên mà đều có chủ đích. Chẳng hạn, vòng hoa nguyệt quế được người Hy Lạp lựa chọn làm biểu tượng cho sự vinh quang, chiến thắng và hy vọng. Vì vậy, khi công trình sử dụng hình tượng này để trang trí đồng nghĩa với việc nó có ý nghĩa cổ động cho tinh thần phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống để chiến thắng và dành lấy vinh quang.
Môtíp trang trí hình học
Dọc theo sự phát triển của xã hội từ nguyên thủy đến thời kỳ cổ đại, trung cổ và cận đại, những mô típ hoa văn truyền thống hình học là một trong những hoa văn tiêu biểu của châu Âu. Với cội nguồn xuất phát từ nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại, tại đây hội tụ nhiều thành tựu tiêu biểu về văn hóa nghệ thuật, đến thời kỳ Trung cổ là nghệ thuật Gothic, nối tiếp là giai đoạn nghệ thuật Phục hưng, Baroque, Rococo… Sự phong phú về tạo hình mẫu hoa văn đã hình thành nên những hệ thống hoa văn khác nhau, mặc dù đến từ nhiều nguồn gốc văn hóa khác nhau nhưng kết quả đều nhất quán ở môt số các thể thức tạo hình đối với hoa văn. Chẳng hạn, hệ đường cong tròn và ô van, hệ đường thẳng vuông và chữ nhật, thể thức tam giác và góc cạnh với tính chất vật lý, định lượng và có nguồn gốc của khoa học tự nhiên.
Hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn… trong lịch sử nhân loại xuất hiện từ rất sớm trong các nền văn minh, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả đời sống tinh thần của con người. Bốn loại hình học này được sử dụng phổ biến đối với người châu Âu, bởi kết cấu giản đơn, dễ áp dụng và tạo ra độ bền vật lý tốt, tính kết nối cao. Điều đó, được thể hiện thông qua các công trình kiến trúc Cổ đại hàng nghìn năm tuổi trên khắp các khu vực Á, Âu, Mỹ, Phi. Đặc biệt, hình học và vật lý là minh chứng cho sự bền vững của cấu trúc, mang đặc điểm hình dạng cơ bản của hình học này. Các kiến trúc sư đã vận dụng triệt để ưu điểm này trong các công trình kiến trúc; ngoài việc sử dụng chúng làm kết cấu chính, chúng còn được sử dụng làm họa tiết trang trí, biến đổi bề mặt của kiến trúc đồng thời cũng làm tăng tính thẩm mỹ. Chính những môtíp hoa văn này xuất hiện nhiều trên các công trình kiến trúc thời Hy Lạp - La Mã cho đến tận ngày nay.
4. Kết luận
Các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội trong giai đoạn từ năm 1928-1945 đã dần thích nghi với các điều kiện môi trường xã hội, tự nhiên và bản địa, dẫn tới sự định hình rõ nét của một phong cách mới phù hợp với những đặc thù ở Hà Nội. Bên cạnh đó, xu hướng kiến trúc hiện đại phương Tây cũng đã bắt đầu có mặt với sự đóng góp bằng một loạt các công trình khác nhau. Việc dung hợp các yếu tố kiến trúc khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây dần giải quyết được sự thích nghi cho các xu hướng tồn tại lâu dài ở Hà Nội. Những ảnh hưởng của kiến trúc Pháp ở Hà Nội diễn ra có quy luật, bộc lộ những giá trị tích cực nhất định, đi từ cưỡng bức, cộng sinh, chuyển hóa mềm mại và có đặc trưng phù hợp với đặc điểm tự nhiên và nhân văn ở thủ đô Hà Nội; bao chứa cả tính khách quan của thời đại và tính chủ quan của các cá nhân. Ảnh hưởng ấy bộc lộ rõ rệt qua sự kết hợp của của phương pháp tư duy phân tích (có nguồn gốc phương Tây) với phương pháp tư duy tổng hợp mang tính cân bằng dung hòa (có nguồn gốc phương Đông), thể hiện trong mọi khía cạnh của quá trình tác nghiệp, tạo lập nên một công trình kiến trúc và để lại những bài học, di sản như một tiền đề thuận lợi cho kiến trúc Việt Nam tiếp cận với kiến trúc hiện đại phương Tây trong xu thế hội nhập quốc tế tất yếu hiện nay.
____________________
1. Sê nô (Seno) là máng hứng nước mưa trên mái nhà. Để đơn giản người ta thường gọi sê nô là máng nước. Kích thước của sê nô phụ thuộc vào khẩu độ mái và lượng mưa. Tiết diện sê nô thường là hình chữ U.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Thái Hoàng, Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX-XX, Nxb Hà Nội, 1995.
2. Hữu Ngọc, L. Borton, Kiến trúc Pháp ở Hà Nội, Nxb Thế giới, 2012.
3. Nguyễn Đình Toàn, Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hóa bản địa trong kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, 1997.
4. Vũ Thị Minh Hương, S.E.M. Herve’ Bolot và cộng sự, Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875-1945), Nxb Thế giới, 2014.
5. V. Malherbe và cộng sự, Hà Nội - giấc mơ Tây phương ở Viễn Đông, Nxb Hà Nội, 2010.
6. Trần Quốc Bảo, Kiến trúc Pháp ở Hà Nội và tầm ảnh hưởng của nó, Đề tài nghiên cứu cấp bộ, Trường đại học Xây dựng, 2011.
Ths BÙI THỊ THANH HOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023