Chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế và văn hóa để đổi mới từ năm 1986 đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động văn nghệ của cả nước; trong đó, ở TP.HCM đã có nhiều đơn vị mỹ thuật hình thành nhằm phục vụ đời sống. Với sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào năm 1987, đã có nhiều triển lãm lần lượt được tổ chức và tăng dần lên hằng năm. Cùng với đó là sự chuyển biến phong phú hóa các khuynh hướng biểu đạt nghệ thuật, các nhà sưu tập, các gallery xuất hiện ngày càng nhiều và đưa mỹ thuật TP.HCM lên bước phát triển mới.
Tác phẩm Cơn dông, chất liệu sơn dầu, họa sĩ Ca Lê Thắng (2021). Nguồn: tác giả chụp tại triển lãm của họa sĩ Ca Lê Thắng (ngày 28-6-2023 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM)
Các cuộc triển lãm giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được tổ chức thường xuyên. Nhiều trại sáng tác quốc tế được tổ chức góp phần tăng cường sự cọ xát, giao lưu hoạt động chuyên môn của các họa sĩ TP.HCM với bè bạn quốc tế. Nhiều họa sĩ trẻ tham gia và đoạt giải thưởng quốc tế như Philip Morris, Nokia. Các họa sĩ ngày càng quan tâm nghiên cứu nhiều hơn về kỹ thuật, chất liệu nhằm đổi mới ngôn ngữ biểu hiện nghệ thuật. Các nội dung đề tài và xu hướng sáng tác ngày càng phong phú hơn như đề tài: cuộc sống đô thị, con người và công nghệ; bản sắc cá nhân, dân tộc, vùng miền...
Mặc dù sự giao lưu, trao đổi văn hóa, nghệ thuật ngày càng sâu rộng, các họa sĩ TP.HCM vẫn khẳng định được dấu ấn nghệ thuật riêng biệt. Với tay nghề vững vàng, chiều sâu nội tâm mạnh mẽ và tinh thần Việt Nam, nhiều họa sĩ TP.HCM đã chọn cho mình hướng đi phù hợp, vừa giao lưu tiếp biến văn hóa với thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc cá nhân và tinh thần dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Có rất nhiều họa sĩ tiêu biểu trong giai đoạn 1986 đến nay như: Nguyễn Trung, Lê Bá Đảng, Hồ Hữu Thủ, Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy), Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Đỗ Đồng... mỗi họa sĩ có cách tiếp cận với chủ đề và cách thể hiện tác phẩm khác nhau, các dấu ấn văn hóa bản địa vẫn dễ dàng được nhận ra. Bằng cách thức đặt vấn đề, lựa chọn hình tượng nghệ thuật, hình thức thể hiện, tính ẩn dụ trong tác phẩm... Mỗi họa sĩ đều có phát hiện, tìm tòi và truyền tải thông điệp của riêng mình đến với người thưởng thức nghệ thuật thông qua tác phẩm. Qua đó, vấn đề bản sắc được các tác giả chú trọng nghiên cứu và xây dựng, hình thành nên dấu ấn cá nhân được công chúng và được hội đồng chuyên môn nghệ thuật Trung ương đánh giá cao.
1. Một số khái niệm cơ bản
Tính bản địa
Theo Từ điển Hán - Việt thì “bản địa” được ghép từ “bản” (gốc/ nguồn cội/ vốn có) và “địa” (đất), bản địa nghĩa là: vốn có tại chỗ/ có nguồn gốc tại địa phương. Bản địa là bản sắc địa phương và tính bản địa là tính chất vốn có ở địa phương; là bản sắc văn hóa địa phương (local identities) (1). Như vậy, “tính bản địa” là đặc điểm/ tính chất phổ biến của một loại sự vật/ hiện tượng, phản ánh mối quan hệ phụ thuộc của đối tượng vào môi trường bao chứa nó. “Tính bản địa” biểu hiện mối quan hệ hữu cơ giữa thiên nhiên, xã hội và con người trong phạm vi một địa phương, xem như một thuộc tính của văn hóa và nghệ thuật trên cơ sở sự phối hợp và thống nhất các yếu tố bản địa.
Yếu tố bản địa còn là các yếu tố có vai trò nguồn gốc, sự hiện diện tại chỗ trong một phạm vi địa lý và không gian văn hóa xác định - đó là các điều kiện tự nhiên (khí hậu, địa hình, cảnh quan…) của một địa phương và ngữ cảnh văn hóa - xã hội của cộng đồng dân cư sinh sống tại địa phương đó.
Tri thức bản địa
Thuật ngữ “tri thức bản địa” được dùng lần đầu tiên trong ấn phẩm của Robert Chambers xuất bản năm 1979. Sau đó, Brokensha và D.M.Warren sử dụng vào năm 1980 và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay (2). Một số công trình nghiên cứu của học giả nước ngoài đã đề cập đến tri thức bản địa và vai trò của nó đối với sự phát triển trong xã hội đương đại. D.M.Warren định nghĩa: Tri thức bản địa là những hệ thống tri thức và thực nghiệm được phát triển qua nhiều thế hệ trong một lĩnh vực cụ thể tới một nền văn hóa chuyên biệt (3). Charles F. Keyes cho rằng, hệ thống tri thức truyền thống được coi là các tư tưởng thực nghiệm, cách con người phát triển các ý tưởng, khái niệm và thái độ để thực hiện các hoạt động hằng ngày (4). Như vậy, tri thức bản địa được hình thành trong quá trình trải nghiệm và đúc kết qua sự chọn lọc trong quá trình vận động của cuộc sống, hướng đến sự thích nghi với đặc điểm văn hóa, xã hội và môi trường. Nó luôn được làm giàu qua việc tích hợp các kinh nghiệm mới hoặc tri thức mới có được từ quá trình tiếp biến văn hóa. Và trên thực thế, bất kỳ nhóm cộng đồng nào cũng có tri thức bản địa: nông thôn và thành thị; người định cư và người du cư; người bản địa và người nhập cư. Quá trình giao lưu, xáo trộn dân cư cũng sẽ dẫn đến việc hình thành các tri thức bản địa mới, trên cơ sở của quá trình tiếp xúc và biến đổi, đào thải (những gì không còn phù hợp) và tích hợp (tiếp thu những yếu tố mới có ích), thường được gọi bằng một thuật ngữ mang tính bao quát hơn là tri thức địa phương (local knowledge).
Có nhiều cách phân loại tri thức bản địa theo những tiêu chí khác nhau, tùy thuộc vào từng chuyên ngành khoa học. Các nhà dân tộc học thường phân loại như sau: sự nhận biết các yếu tố tự nhiên (đặc điểm địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng, các đặc tính sinh học của động - thực vật, khí hậu - thời tiết, nguồn nước…); các kinh nghiệm khai thác, sử dụng và quản lý các yếu tố đó; tri thức liên quan đến quá trình mưu sinh (các phương thức mưu sinh và công cụ thực hành sinh kế cụ thể, các giống cây trồng - vật nuôi, mùa vụ…); tri thức liên quan đến đời sống vật chất (thôn làng, nhà cửa, trang phục, đồ ăn thức uống, phương tiện vận chuyển); tri thức trong việc quản lý xã hội (thiết chế tự quản thôn làng với vai trò của luật tục, người già và các thủ lĩnh, dòng họ và gia đình); các tri thức trong đời sống tinh thần (tín ngưỡng, lịch pháp, y - dược thuật, các chuẩn mực trong ứng xử và giao tiếp xã hội, các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian).
Tóm lại, tri thức bản địa là hệ thống bao gồm rất nhiều lĩnh vực liên quan đến sản xuất, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, sức khỏe, tổ chức cộng đồng, của một tộc người hoặc một cộng đồng tại một khu vực địa lý cụ thể. Tri thức bản địa được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội; được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, lưu truyền bằng miệng, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội.
2. Tính bản địa trong hội họa
Mỗi vùng đất, quốc gia hay dân tộc đều có những đặc trưng riêng về nghệ thuật và văn hóa và tính bản địa trong hội họa giúp chúng ta nhìn thấy được sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa đó trong thế giới nghệ thuật. Chẳng hạn, với hội họa truyền thống Nhật Bản, ta có thể dễ dàng nhận ra một số chủ đề quen thuộc như phong cảnh, sinh hoạt hay tranh thiền với đường nét tinh tế nhưng trau chuốt, màu sắc đơn giản nhưng sang trọng. Với hội họa châu Phi, bên cạnh yếu tố nổi bật là màu sắc rực rỡ và các môtíp dân gian thì chủ đề thường gặp là các câu chuyện kể về cuộc sống và sự đấu tranh sinh tồn. Ngoài ra, tính bản địa trong hội họa giúp thể hiện sự đa dạng và độc đáo của từng khu vực địa lý. Những vùng địa lý khác nhau có những cảnh quan và đặc điểm tự nhiên riêng và các họa sĩ cũng thường sử dụng các yếu tố này để tạo ra các tác phẩm độc đáo. Ví dụ, do thời tiết lạnh và ánh nắng mặt trời ít gay gắt, các họa sĩ ở Bắc Âu thường sử dụng các gam màu lạnh, màu xám và đường nét đơn giản để thể hiện cảnh thiên nhiên ở địa phương, trong khi đó, các họa sĩ ở miền Nam Âu thường sử dụng những màu ấm áp, đường nét mềm mại để thể hiện những cảnh vật đồi núi, thôn quê hay các đường phố cổ của thành phố.
Tính bản địa trong hội họa còn cho thấy sự đa dạng và độc đáo của từng nền hội họa. Mỗi nền hội họa có những phong cách, kỹ thuật, ý tưởng riêng và chúng ta có thể nhận diện ra các họa sĩ một phần nhờ tính bản địa trong các tác phẩm của họ. Các nghệ sĩ vẽ tranh in khắc của Nhật Bản gây ấn tượng mạnh bởi hình thức trình bày tranh: bố cục gọn nhẹ, hoặc để trống khoảng không gian ở phần chính giữa, đơn giản hóa các chi tiết nhằm nêu bật các hình khối, hoa văn, nhịp nhàng đường nét. Tiêu biểu là họa sĩ Hiroshige đã tạo nên một ấn tượng trừu tượng, đơn giản, tuyệt đẹp, một cách nhẹ nhàng bằng đường nét chính và màu cùng sắc thái theo hướng tự nhiên chủ nghĩa, mang lại những hiệu ứng tự nhiên trong sáng về ánh sáng và thời tiết cũng như những đặc trưng thiên nhiên của phong cảnh. Nhìn chung, trong hội họa, tính bản địa có thể được nhận diện qua 2 yếu tố chính: đó là hình thức bản địa và nội dung bản địa.
Hình thức bản địa trong hội họa được biểu hiện qua 5 thành phần: thủ pháp, chất liệu, hình tượng, môtíp và chủ đề. Đây là năm thành tố tiêu biểu hình thành trong tác phẩm qua quá trình chuyển thể từ ý tưởng sáng tác để thành tác phẩm của người họa sĩ.
Nội dung bản địa: là các yếu tố chi phối nhận thức, cảm xúc và suy nghĩ của người họa sĩ. Trong hội họa, văn hóa bản địa và tri thức bản địa có vai trò chủ đạo.
3. Tính bản địa trong hội họa TP.HCM (giai đoạn từ năm 1986 đến nay)
Tại TP.HCM, các họa sĩ như Nguyễn Thanh Bình, một trong những họa sĩ đương đại có dấu ấn bản địa rõ nét trong những sáng tác của mình. Một số lượng lớn tác phẩm của ông có chủ đề về người phụ nữ. Hình tượng phụ nữ trong tác phẩm của ông thường rất giản dị và nền nã với trang phục đặc trưng Việt Nam như áo dài, nón quai thao, nón lá. Không gian trong các tác phẩm cô đọng tượng trưng, hầu như rất ít bối cảnh xung quanh, không diễn tả chiều sâu của phối cảnh không gian. Màu sắc được sử sụng rất hạn chế nhưng tinh tế, hầu như chỉ có một hoặc hai gam màu chính cho toàn bộ tác phẩm. Một số chủ đề yêu thích khác của ông như chủ đề phong cảnh cũng sử dụng nhiều môtíp quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam như: “cây đa”, “lũy tre”, “bến nước”, “con đò”... Hoặc chủ đề “mẹ - con” cũng là một hình tượng thường gặp trong các tác phẩm của ông, trong đó, biểu cảm của hai nhân vật rất gần gũi và hòa quện, các chi tiết chân dung hầu như ít được khai thác, thay vào đó là những mảng màu ấm, sáng và có độ rung cảm cao. Nhìn chung, thủ pháp cô đọng về mảng màu, sắc độ, bút pháp nhẹ nhàng, tinh tế, chủ đề gần gũi, quen thuộc của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình làm chúng ta liên tưởng đến một số tác phẩm của họa sĩ Đông Dương đầu tiên như: Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân.
Hoặc trong các sáng tác của họa sĩ Nguyễn Trung Tín, một họa sĩ khá ấn tượng về phong cách thể hiện chứa đựng yếu tố bản địa dễ nhận diện. Chủ đề chính trong các tác phẩm của ông là cuộc sống thường ngày đan xen giữa quá khứ và hiện tại, với những môtíp chính “người phụ nữ”, “dãy phố”, “mảng tường”, nhà cổ đan xen với những hình ảnh hoài niệm của quá khứ. Họa sĩ Nguyễn Trung Tín cũng thường chọn vẽ những khu nhà cổ của người Hoa ở quận 5 với những sinh hoạt dân dã và những hình ảnh mang tính biểu tượng cao như trẻ em thả diều, nhảy dây, múa lân... Đó là những hình ảnh quen thuộc ăn sâu vào tâm hồn người Việt, xong với cách thể hiện không gian tổ hợp kết hợp đồng hiện, cùng các yếu tố siêu thực đã tạo nên sự mới lạ cho tác phẩm.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ thường chọn môtíp “cô gái trong đêm trăng huyền ảo” làm chủ đề tác phẩm. Họa sĩ ít thể hiện chi tiết, sự vật, hay hình ảnh khác mà chủ yếu chỉ tập trung vào việc xây dựng hình ảnh cô gái Việt Nam với trang phục quen thuộc như áo dài hay áo bà ba trong một không gian siêu thực với gam màu đặc trưng. Trong tranh của ông, ngoài ra có các môtíp quen thuộc dễ thấy là người phụ nữ - hoa sen - mảnh trăng, đôi lúc xuất hiện đơn lẻ, hoặc theo cặp hoặc cả ba đối tượng ấy tạo thành một chỉnh thể độc đáo. Những cô gái trong tranh Hồ Hữu Thủ hiện lên với nhiều tâm thế, lúc quấn quýt, lúc lả lơi, lúc thì lại cô đơn và bí ẩn lạ kỳ. Cách vẽ này gợi cho người xem nhiều liên tưởng đến yếu tố tinh thần Á Đông. Lối vẽ này thể hiện yếu tố siêu thực và toát lên tâm thức thiền đặc trưng của họa sĩ Hồ Hữu Thủ nói riêng và hội họa phương Đông nói chung.
Chủ đề “mùa nước nổi” yêu thích của họa sĩ Ca Lê Thắng cũng là một chủ đề mang tính bản địa. Tính độc đáo trong tranh của ông là sự kết hợp nhiều thủ pháp hiện đại của nghệ thuật trừu tượng vào một chủ đề hiện thực rất quen thuộc với người dân đồng bằng sông Cửu Long, đó là chủ đề mùa nước nổi ở miền sông nước Đồng Tháp Mười. Họa sĩ tạo ra không gian cho nó bằng cách biểu hiện và trừu tượng hóa hiện thực. Mặc dù người xem vẫn nhận ra những bụi lau sậy, những đám lục bình trôi lững lờ giữa không gian nước mênh mông, mùa nước nổi trong tác phẩm của ông vẫn như như một ký ức mờ ảo của chính mình chứ không phải hình ảnh thực về đối tượng. Qua các tác phẩm của ông, thiên nhiên Nam Bộ hiện ra vừa gần gũi, vừa tươi mới và cũng thật bình dị.
Lấy hình ảnh cô gái Việt Nam làm tạo hình chủ đạo trong một không gian siêu thực, họa sĩ Uyên Huy cũng gửi gắm nhiều thông điệp mang tinh thần bản địa trong nhiều tác phẩm của mình. Cô gái và vĩ cầm, cô gái và biển, cô gái và cánh chim, cô gái và hoa sen... là những hình ảnh gần gũi được thể hiện với một bút pháp phóng khoáng, mạnh mẽ cho thấy tư duy sáng tác của tác giả luôn hướng về yếu tố con người, cảnh vật, biển đảo Việt Nam. Lựa chọn màu sắc tinh tế, bố cục đồng hiện kết hợp với thủ pháp biểu hiện, các tác phẩm thể hiện tâm tư và tình cảm của nghệ sĩ trong những khoảnh khắc suy tư về con người Việt Nam và cuộc sống xung quanh, trong sự chuyển động của thời gian và không gian.
4. Kết luận
Nhìn chung, các hoạt động sáng tác hội họa TP.HCM trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay có nhiều thay đổi cả về chất lẫn về lượng. Các họa sĩ đã có những tìm tòi và nghiên cứu đột phá, nhiều phong cách thể hiện hội họa mới lạ, ấn tượng xuất hiện. Trong đó, xu hướng tăng cường gắn kết mỹ thuật với môi trường và không gian sống, với cộng đồng dân cư là một xu hướng quan trọng. Nhìn lại giai đoạn này, thông qua phân tích chủ đề, thông điệp và thủ pháp tạo hình của các họa sĩ trong các sáng tác của họ, ta có thể nhận diện được các yếu tố bản địa đã tồn tại và hình thành trong quá trình sáng tác các tác phẩm của họ. Tính bản địa được nhận diện rõ nhất qua các môtíp tạo hình chủ đạo và chủ đề sáng tác của các tác phẩm. Hai yếu tố nhận diện này, cũng như các yếu tố bản địa dễ nhận diện khác như chất liệu bản địa, kỹ thuật hội họa truyền thống, cho thấy vai trò quan trọng của yếu tố bản địa trong sáng tác hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Quá trình nhận diện này giúp các họa sĩ nhận định đúng hơn vai trò của bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình tìm tòi và sáng tác hội họa trong tương lai. Điều đó cũng cho thấy sáng tác mỹ thuật luôn cần phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hướng đến những vấn đề và giá trị cơ bản của con người, của thời đại trên nền tảng những giá trị văn hóa và nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam.
___________________
1. Đào Duy Anh, Từ điển Hán-Việt, Nxb Hồng Đức, 2020, tr.85.
2. Robert Chambers, Rural Development (Phát triển nông thôn), Routledge, 1979, tr.25.
3. Brokensha, D.M.Warren, Indigenous knowledge systems and development (Hệ thống tri thức bản địa và phát triển), Nxb Đại học Hoa Kỳ, 1980, tr 45.
4. Michael-Shawn Fletcher, Rebecca Hamilton, Wolfram Dressler, Lisa Palmer, Indigenous knowledge and the shackles of wilderness (Kiến thức bản địa và xiềng xích của vùng hoang dã), Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, pnas.org, 4-2021.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Trường Giang, Tri thức bản địa, vjol.info.vn, 6-2012.
2. Nhiều tác giả, Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiến cận nhân học, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2010.
3. Nguyễn Xuân Tiên, Mỹ thuật trong khôn gian văn hóa công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học “Mỹ thuật trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, 2020.
4. Trương Phi Đức, Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới (giai đoạn 1990-2005): Đặc điểm và các xu hướng phát triển, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và lịch sử mỹ thuật, 2013.
5. Trần Mạnh Cường, Biểu hiện tính bản địa trong kiến trúc đương đại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành kiến trúc, 2021.
Ths NGUYỄN THÁI DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023