Với tinh thần học hỏi phương Tây, từ cuộc cải cách Minh Trị năm 1868 đến những năm đầu TK XX, nhiều luồng văn hóa, tư tưởng phương Tây đã du nhập vào Nhật Bản, trong đó có triết học hiện sinh. Một số nhà văn Nhật Bản đã thấy trong học thuyết của chủ nghĩa hiện sinh có những điểm gần gũi với tư duy truyền thống và quan điểm mỹ học của người Nhật. Tinh thần huyền bí của Phật giáo bí truyền, vốn ăn sâu trong tâm trí của người Nhật có thể dễ dàng tiếp nhận quan điểm của chủ nghĩa hiện sinh về sự bất lực của lý trí, sự khước từ nhận thức khách quan và cải tạo hiện thực. Cuối TK XIX, cùng với sự ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây, các nhà văn Nhật Bản đã bước ra ngoài khuôn khổ của truyền thống văn học mang màu sắc Khổng giáo và Phật giáo để miêu tả thế giới nội tâm của con người cá nhân tự do; đồng thời đề cập đến vấn đề sự ghẻ lạnh của cá nhân trong hoàn cảnh thời đại tư bản chủ nghĩa.
1. Sự hình thành chủ nghĩa hiện sinh trong văn học Nhật Bản
Một trong những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của nghệ thuật Nhật Bản hiện đại là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây sau cải cách Minh Trị (1868), mở đường cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa. Cùng với đó là sự lan tỏa các khuynh hướng tư tưởng Tây phương ở Nhật, trong đó có chủ nghĩa hiện sinh, thông qua nguồn sách dịch và giao lưu văn hóa. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng tư bản chủ nghĩa, đời sống xã hội Nhật Bản cũng diễn ra những quá trình làm nảy sinh khuynh hướng hiện sinh tương tự như ở phương Tây. Biểu hiện quan trọng nhất là con người bị cô đơn, ghẻ lạnh, mất khả năng giao tiếp với người khác. Mặt khác, trong chủ nghĩa hiện sinh chứa đựng những tư tưởng phù hợp với truyền thống tinh thần Nhật Bản theo một cách nào đó. Đây là những lý do làm cho tư tưởng hiện sinh lan rộng trên đất Nhật.
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, xã hội tư bản chủ nghĩa chắc chắn phải đặt ra trước con người Nhật Bản những vấn đề tương tự như đối với người dân của các nước phương Tây. Nếu như ở phương Tây là sự sụp đổ niềm tin vào Thượng đế và sự hoài nghi vào lý trí, thì ở Nhật Bản chính là bối cảnh nước Nhật sau chiến tranh với sự sụp đổ mẫu hình Thiên hoàng và cuộc khủng hoảng tinh thần kéo dài, khi những yếu tố tư tưởng của phương Tây thâm nhập vào nước Nhật với sự xung đột Đông - Tây mãnh liệt. Vì vậy, vấn đề chủ nghĩa hiện sinh được phản ánh trong văn học Nhật Bản, không chỉ có ý nghĩa về văn học, mà còn thực sự có ý nghĩa về tư tưởng. Trên thực tế, chủ nghĩa hiện sinh là một học thuyết mang tính triết học.
Trong số các tác giả văn học cận - hiện đại Nhật Bản, Natsume Soseki (1867-1916) là một nhà văn tiêu biểu, sáng tác của ông đã sớm mang những dấu ấn của văn học hiện sinh. Tư tưởng của ông về “tự do của cá nhân bị nỗi cô đơn làm cho băng hoại” có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn Nhật Bản sau này, trong đó có Abe Kobo. Những motip về sự diệt vong, về cá nhân bị bỏ rơi cũng xuất hiện nhiều lần trong sáng tác của nhà văn viết truyện ngắn thiên tài Akutagawa Ryunosuke (1892-1927). Có thể coi Yokomitsu Riichi (1898-1947) là một trong số những người khai mở khuynh hướng hiện sinh chủ nghĩa trong văn học Nhật Bản, bởi những sáng tác đề cập đến lĩnh vực ý thức và tự ý thức, sự nhận thức bản thân của cá nhân hay tâm lý, tình cảm và những trải nghiệm của con người. Văn học Nhật Bản đầu TK XX còn ghi dấu sự phát triển của dòng tiểu thuyết tự thuật (Watakushi shosetsu), tức tiểu thuyết viết về cái tôi, thịnh hành trong những năm 1910 - 1920. Dòng tiểu thuyết này có mối quan hệ chặt chẽ với sáng tác của các nhà văn theo khuynh hướng hiện sinh sau này. Một số nhà văn hậu chiến của Nhật thiên về khẳng định chủ nghĩa cá nhân và sự tự do tuyệt đối của cá nhân như Ooka Shohei, Noma Hiroshi, Mishima Yukio, Abe Kobo.
Ở thời kỳ tiếp theo, có thể tìm thấy dấu ấn hiện sinh trong sáng tác của hàng loạt nhà văn Nhật Bản như Dazai Osamu (1909-1948), Shiina Rinzo, (1911-1973), Abe Kobo (1924-1993)...
2. Abe Kobo và Oe Kenzaburo - hai nhà văn hiện sinh tiêu biểu của văn học Nhật Bản hiện đại
Trong nền văn học Nhật Bản hiện đại, Oe Kenzaburo từng đạt giải Nobel thường được nhắc đến qua mối quan hệ giữa nhà văn này và chủ nghĩa hiện sinh. John Whittier Treat đã viết: “Chủ nghĩa hiện sinh đã có nhiều ảnh hưởng tới văn học hơn bất kỳ một thứ triết học nào của TK XX, và nhà văn nổi tiếng nhất có liên quan tới triết học này, Jean Paul Sartre, là nhà văn mà Oe đã đọc nhiều nhất. Oe đã khẳng định rằng tác phẩm của Sartre, cùng với tác phẩm của Norman Mailer và những nhà văn Nhật nổi lên ngay sau chiến tranh là ba nguồn ảnh hưởng chính tạo nên phong cách riêng của ông” (1). Tác giả cho rằng cuốn Sổ tay Hiroshima của Oe ảnh hưởng đậm nét tư tưởng hiện sinh của Sartre. Và nền tảng cho sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện sinh trong văn học Nhật chính là sự bại trận của nước Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong các tác phẩm của mình, Oe Kenzaburo đã thể hiện những vấn đề về thân phận con người thời hậu chiến cô đơn, tha hóa, đánh mất căn cước bản ngã và nỗ lực kiếm tìm lại ý nghĩa của sự hiện tồn. Chịu ảnh hưởng lớn từ chủ nghĩa hiện sinh của J.P.Sartre, nhà văn Oe Kenzaburo đã để cho nhân vật của mình nếm trải và đương đầu với thực tại đầy phi lý và khắc nghiệt. Trong Một nỗi đau riêng (1964), nhân vật Điểu gặp phải một tình cảnh trớ trêu không kém: đứa con anh vừa được sinh ra đã bị chứng thoát vị não bẩm sinh. Lâm vào hoàn cảnh ấy, Điểu đã sợ hãi, lo âu, tìm đến men rượu, thứ mà bấy lâu nay anh từng từ bỏ. Khi nghe bác sĩ báo tin, Điểu đã nghĩ ngay đến viễn cảnh tương lai mà suốt cuộc đời hai vợ chồng anh sẽ phải đeo một gánh nặng về đứa con tật nguyền. Anh sẽ không thể sống một cuộc sống tự do như mong muốn, không thể thực hiện giấc mộng du lịch ở châu Phi mà bấy lâu hằng ấp ủ. Cuộc đời quả thực đầy rẫy những sự phi lý. Ngay cả các bác sĩ, những người mang sứ mệnh cứu sống bệnh nhân thì nhân cách cũng bị méo mó. Thay vì cố gắng cứu chữa một đứa trẻ vô tội thì họ lại âm mưu làm cho đứa trẻ nhanh chóng chết đi, chỉ bởi ý nghĩ rằng nếu đứa trẻ đó sống sót thì sẽ là gánh nặng cho gia đình nó!
Một nỗi đau riêng được sáng tác dựa trên câu chuyện đời tư của nhà văn Oe Kenzaburo, khi đứa con trai đầu lòng của ông, Hikari vừa sinh ra đã phải chịu di chứng nặng nề của bom nguyên tử, bị thoát vị não. Oe đã tâm sự: “Với tư cách nhà văn, tôi phải thừa nhận rằng chủ đề trung tâm của các tác phẩm trong hầu hết văn nghiệp của tôi là cách gia đình tôi đã học cách sống với đứa con tật nguyền này” (2). Đối mặt với thực tại phi lý như hố thẳm hiện sinh mà con người bị quăng ném vào đó, nhân vật của Oe ngày càng cảm thấy nỗi cô đơn vây bủa và sự sợ hãi, lo âu như thường trực trong tâm hồn mình. Anh ta tìm cách để trốn chạy thực tại phi lý và rơi vào sự tha hóa không chỉ về nhân hình mà cả về nhân tính. Qua hàng loạt tác phẩm, có thể thấy, nhân vật của Oe luôn thể hiện những nỗi băn khoăn mang tính hiện sinh hay nỗi bất an về sự tồn tại của bản thân mình.
Trong số các tác phẩm của Oe, Một nỗi đau riêng có lẽ là tác phẩm tích cực nhất, thể hiện rõ sự kiếm tìm được căn cước bản ngã của nhân vật. Tác phẩm thể hiện rõ tinh thần hiện sinh tích cực của Sartre, khi sự lựa chọn của một người cũng là của những người khác. Điểu quyết định cứu sống con mình trước hết vì bản thân anh và còn vì gia đình, vì muốn được xã hội nhìn nhận mình với tư cách là người. Tính tích cực của tinh thần hiện sinh thể hiện rõ nhất ở quyết định cuối cùng này. Trải qua bao trăn trở, dằn vặt và cả nỗi lo âu, sợ hãi, Điểu đã tự mình chọn lựa để gánh lấy trách nhiệm với đứa con tội nghiệp. Sự lựa chọn ấy làm nên bản tính đích thực của con người, khẳng định phần tâm hồn của nhân vật cho dù đã bị trượt dài tha hóa vẫn có thể tự cứu chữa, chỉ bằng một quyết định quan trọng nhất. “Anh đã quyết định mang thằng bé về lại bệnh viện trường Đại học để cho họ mổ. Anh không còn muốn tìm bất cứ lối thoát nào nữa” (3). Anh đã quá mệt mỏi với sự trốn chạy. Đó là cách để anh đương đầu với thực tại, đương đầu với trách nhiệm của mình. Đúng như tư tưởng hiện sinh tích cực, con người cuối cùng đã lựa chọn “nhập cuộc”, “dấn thân”. Và Điểu đã có quyết định đúng đắn. Đứa con anh sau phẫu thuật lại hoàn toàn bình thường, bởi nó đơn giản là một khối u lành tính, chứ không phải chứng thoát vị não.
Ở điểm này, nhân vật của Oe đã thể hiện rõ yếu tố tích cực của triết học hiện sinh về vai trò tự quyết của con người đối với số phận của chính bản thân mình, như Sartre đã từng tuyên bố: “Con người là tương lai của con người, con người là chính những gì mình tự tạo nên” (4). Lựa chọn của nhân vật đã thể hiện tinh thần dấn thân tích cực của chủ nghĩa hiện sinh.
Nhà văn Abe Kobo không trực tiếp chịu ảnh hưởng của các tác giả hiện sinh phương Tây (đến mức như Oe say mê tác phẩm của Sartre), nhưng những vấn đề mà ông đặt ra trong một số tác phẩm của mình đã cho thấy lối viết hiện sinh chủ nghĩa thấm đẫm trong sáng tác của ông. Với lối viết siêu thực đi trước thời đại, ông đã sáng tạo nên những tác phẩm đặc sắc, đi sâu vào các vấn đề con người và thân phận con người trong đời sống xã hội Nhật Bản thời kỳ đó với không khí thật ngột ngạt. Trong đó, con người phải gắng đi tìm tự do và sự lựa chọn cho chính bản thân mình.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản và thế giới, Abe Kobo là nhà văn sáng tạo vào bậc nhất nước Nhật, với phong cách tiên phong, đi trước thời đại (advant-garde). Ông cũng là nhà văn hiện sinh tiêu biểu của văn học Nhật Bản hiện đại. Abe đặc biệt chú trọng đến chủ đề tha hóa (alienation). Tác phẩm của ông đào sâu vào những vấn đề của thân phận con người, của tự do cá nhân với một giọng văn khô khan nhưng chính xác, mang tính biểu tượng cao. Thông qua các biểu tượng và ẩn dụ, nhà văn muốn đặt vấn đề cái hiện tồn, hiện sinh của con người trong xã hội tư bản công nghiệp. Sự hiện tồn của con người trong tác phẩm của ông trở thành một vấn đề nhức nhối, có khi con người bị rơi vào trạng thái bi đát, không lối thoát.
Tác phẩm tiêu biểu nhất của Abe Kobo là Người đàn bà trong cồn cát (1962). Có thể nhận thấy, một sự tương hợp kỳ lạ giữa tư tưởng của Abe Kobo gửi gắm qua tác phẩm với tiến trình suy tưởng của Martin Heidegger - một triết gia của chủ nghĩa hiện sinh phương Tây TK XX. Khởi điểm suy tư của Heidegger: con người là một hữu thể bị quăng ném vào cõi nhân sinh. Ngay mở đầu câu chuyện, nhân vật ấy bị đẩy vào một hoàn cảnh thật trớ trêu: rơi vào cạm bẫy của dân làng cát, phải sống trong hố cát sâu ngoài dự tưởng của mình. Trong các truyện ngắn của mình, nhà văn Abe Kobo cũng phơi bày những hiện thực hết sức phi lý mà nhân vật của ông phải đối diện. Đó là anh viên chức bỗng một sáng thức dậy bị chính chiếc danh thiếp của mình đánh cắp căn cước, chỉ còn lại như một chiếc bóng vô hình (Bức tường - Tội của S. Karuma). Đó là một anh nhân viên, có căn cước rõ ràng, bỗng nhiên bị một đoàn người đến “chiếm đóng” căn hộ của mình, dùng hết tiền bạc, đồ dùng và thậm chí chiếm đoạt cả bạn gái của anh (Bọn chiếm đóng, Bạn bè). Con người phải sống trong sự hiện tồn thật là phi lý, và khó khăn biết nhường nào! Các nhân vật của Abe luôn ở trong tình trạng bơ vơ, không nơi nương tựa, không biết đâu là nơi chốn dung thân đích thực của mình. Họ phải đối mặt với nỗi vong thân như là định mệnh của cuộc đời.
Ở tác phẩm Người đàn bà trong cồn cát, chúng ta bắt gặp những motip xoay quanh vấn đề trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh: con người với những nỗi lo âu, sự tha hóa, lưu đày. Nó hướng con người từ ngạc nhiên đi đến suy tư, từ nỗi bất an, hoang mang, lo sợ đi đến hành động, thúc đẩy sự kiếm tìm lối thoát (ở đây là sự trốn chạy) và cuối cùng là sự lựa chọn tự do. Nhân vật trong tác phẩm là một hữu thể cô đơn, mang một trách nhiệm nặng nề với bản thân mình, bị quăng quật vào thế giới hoàn toàn xa lạ, tách biệt. Anh không còn biết dựa vào đâu để tìm lại chính bản thân mình, tìm lại lẽ sống chính đáng cho cuộc đời mình.
Cuối tác phẩm, Niki đã tìm ra cách bẫy nước từ trong cát. Cho dù có cơ hội để trở về nơi anh gọi là nhà, anh cũng không trốn chạy nữa. Niki muốn ở lại để nói cho ai đó biết về sáng chế của mình. Bằng lao động không ngừng nghỉ, bằng sự phát minh và sáng chế như một thành quả của lao động, con người vẫn sẽ tồn tại. Dường như Abe muốn nói rằng, căn cước cũ mất đi vẫn có thể xác lập được một căn cước mới, ở một xứ sở mới, cốt yếu là con người không ngừng lao động và sáng tạo. Bởi ngừng lao động và sáng tạo, nghĩa là con người ngừng tồn tại!
Tuy vậy, cả hai nhà văn có cách giải quyết vấn đề về thân phận con người khác nhau. Nhân vật của Oe tiêu biểu cho tinh thần dấn thân tích cực, đương đầu với thực tại, cho dù thực tại đó nhiều chông gai và thử thách. Thông qua đó, nhân vật cố gắng kiếm tìm bản ngã đích thực, ý nghĩa cho sự hiện tồn của mình, để được cộng đồng nhìn nhận giá trị của bản thân. Khi các tác phẩm của Oe thấm đẫm những ám ảnh về bạo lực, về cái chết, chiến tranh và bom nguyên tử thì tác phẩm của Abe lại tập trung mô tả sự mất mát căn cước bản ngã của con người thời hậu chiến, với bối cảnh quan trọng là hoang mạc, là những cồn cát trải dài vô tận như gắn liền với thời thơ ấu của Abe ở Mãn Châu. Bản thân Oe tận mắt chứng kiến hai cột nấm khổng lồ ở Hiroshima và Nagasaki, và con trai ông Hikari bị thoát vị não vì di chứng của bom nguyên tử. Ông lấy cảm hứng sáng tác từ nỗi đau của cá nhân để khái quát lên thành vấn đề mang tầm thời đại. Với Abe, cái nhìn của ông mang tính toàn cầu, chứ không chỉ trong phạm vi nước Nhật hay người dân Nhật. Đó là lý do vì sao nhân vật của ông luôn kiếm tìm một thứ gọi là “nhà”, hay “quê hương” nhưng chẳng bao giờ tìm thấy. Tuy cách giải quyết của hai nhà văn có sự khác nhau, nhưng đều chứa đựng những giá trị nhân bản tích cực.
Các nhà văn hiện sinh Nhật Bản và các nhà văn hiện sinh phương Tây đều có chung cảm hứng về sự băng hoại nhân cách và bi kịch của cá nhân, sự ghẻ lạnh của cá nhân đối với môi trường tư bản chủ nghĩa. Do vậy, ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh phương Tây đối với văn học Nhật Bản là hiển nhiên, trong điều kiện tích cực tiếp thu các luồng tư tưởng phương Tây của nước Nhật. Nhưng truyền thống tinh thần Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc tạo nên đặc thù của chủ nghĩa hiện sinh Nhật Bản. Tuy có nhiều yếu tố tích cực trong việc đề cao tính chủ thể của cá nhân, nhưng có thể thấy, chủ nghĩa hiện sinh phương Tây mô tả thân phận con người cô đơn, băng hoại về nhân cách, dẫn đến sự ghẻ lạnh, xa lánh xã hội. Trong khi đó, chủ nghĩa hiện sinh trong văn học Nhật Bản, mà sáng tác của Abe Kobo và Oe Kenzaburo là tiêu biểu, lại hướng con người đến cái tích cực hơn, cố gắng dấn thân, hòa nhập với xã hội. Điều đó thể hiện nét đặc sắc của văn học hiện sinh Nhật Bản.
_______________
1. John Whittier Treat, Writing Ground Zero,The University of Chicago Press, 1995, p.231.
2. Hoàng Long, Bông hồng cho ngày tháng không tên (Tiểu luận và dịch thuật văn học Nhật Bản), Nxb Văn học - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2014, tr.124.
3. Kenzaburo Oe (Lê Ký Thương dịch), Một nỗi đau riêng, Nxb Văn nghệ, TP. HCM, 1997, tr. 259.
4. Lộc Phương Thủy, Tiểu thuyết Pháp TKXX truyền thống và cách tân, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.61.
Tác giả: Trần Thị Thục
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019