Quản lý dịch vụ karaoke ở nước ta hiện nay

Karaoke là loại hình giải trí hiện đại, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ca hát của công chúng. Những năm qua, loại hình dịch vụ karaoke không ngừng phát triển, góp phần mở rộng không gian văn hóa, làm phong phú đời sống tư tưởng, tình cảm của con người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên trong quá trình, quản lý loại hình dịch vụ này lại đang nảy sinh nhiều bất cập cần có biện pháp tháo gỡ, đảm bảo an ninh, an toàn và sự phát triển toàn diện của con người và xã hội.

Công an TP Hà Nội kiểm tra điều kiện PCCC trong một quán karaoke
    Ảnh: Đình Hiếu

 

Sự ra đời của karaoke

Karaoke là thuật ngữ được ghép từ 2 từ: kara - nghĩa là không và oke nghĩa là ban nhạc, dàn nhạc. Karaoke là hình thức hát theo bài nhạc đệm có sẵn với lời được chạy trên màn hình. Thông thường, một bài hát được ghi âm bao gồm phần nhạc đệm của các nhạc cụ và tiếng hát. Bài hát chỉ có nhạc đệm mà không có tiếng hát được gọi là karaoke. Hát karaoke nghĩa là hát mà không cần ban nhạc chơi nhạc đệm.

Sự ra đời của karaoke gắn liền với tên tuổi của Inoue Daisuke - một nhạc công chơi keyboard cho một câu lạc bộ âm nhạc ở Nhật Bản. Mặc dù chơi keyboard được 15 năm nhưng Inoue Daisuke không biết đọc nhạc, ông cảm thấy mệt mỏi khi phải đàn cho hết khách hàng này đến khách hàng khác, hết bài này sang bài khác. Một lần, có một doanh nhân ở Kobe đến gặp Inoue và yêu cầu ban nhạc của ông chơi một số bài tủ của mình và thu âm chúng để mang về luyện tập phục vụ cho một sự kiện lớn của công ty. Điều đó khiến Inoue Daisuke trăn trở, suy tư, tự tìm kiếm, mày mò để tạo ra chiếc máy karaoke đầu tiên.

Với 425 USD, Daisuke Inoue đã sáng chế ra máy hát karaoke đầu tiên trên thế giới vào năm 1969 (mang tên Juke 8 - máy phát giai điệu các bài hát phổ biến, ai muốn sử dụng phải bỏ tiền xu vào). Khi chế tạo được Juke 8, ban nhạc của Inoue bắt tay vào việc thu âm các bài hát phổ biến với danh mục karaoke đầu tiên chỉ có 300 bài. Năm 1971, máy Juke 8 được tung ra thị trường.

Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và những nỗ lực sáng tạo của Inoue Daisuke và các cộng sự, từ chiếc máy Juke 8 đã phát triển lên thành dàn nhạc karaoke; từ chỗ không thu hút được người dùng, karaoke đã chiếm được cảm tình, sự quan tâm, thích thú của công chúng yêu nhạc trước một loại hình giải trí mới, mang lại nhiều tiện lợi, tiện ích chon con người.

Ngày nay, karaoke xuất hiện ở nhiều quốc gia, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Về những  lợi ích mà karaoke mang lại, có thể thấy karaoke là loại hình giải trí hiện đại đáp ứng nhu cầu ca hát của công chúng. Chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí không lớn, người dân có thể mua được những bộ máy, dàn máy karaoke để phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức âm nhạc và phô diễn giọng hát của mình một cách thỏa mái, chủ động về thời gian, tiết kiệm về chi phí.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, loại hình karaoke được mở rộng về không gian, đi kèm với karaoke là các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí khác. Hiện nay, hoạt động karaoke xuất hiện nhiều ở các đô thị, thành phố lớn và ở cả những làng quê nông thôn với hệ thống phòng ốc, dàn âm thanh, ánh sáng, hình ảnh được đầu tư hiện đại, thu hút nhiều người tham gia, nhất là thanh thiếu niên, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân.

Vui chơi, giải trí, trong đó có hoạt động karaoke là nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Những lời ca, tiếng hát giúp con người giãi bày tâm tư, tình cảm, chia sẻ nỗi niềm, tâm sự cá nhân. Và cũng qua hoạt động karaoke góp phần mở rộng giao lưu, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết lẫn nhau. Với nhiều bạn trẻ, việc hát theo lời, bản nhạc sẽ nâng cao khả năng diễn đạt và tiếp thu ngôn ngữ.

Có thể nói, sự ra đời và phát triển của karaoke mang lại những tiện ích lớn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của con người; làm phong phú đời sống âm nhạc; đưa âm nhạc đến gần với công chúng. Sự xuất hiện của karaoke với những không gian, phòng ốc được thiết kế hiện đại, phù hợp, góp phần mở rộng không gian văn hóa, mang lại cơ hội, điều kiện thuận lợi để con người có thể tiếp cận, “thụ hưởng” những loại hình dịch vụ văn hóa mới, trong đó có âm nhạc, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển con người toàn diện.

Nhằm nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về văn hóa giữa các vùng miền, trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chủ trương của Đảng đề ra là phải tạo ra đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân(1). Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng.

Cùng với quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, các loại hình, dịch vụ văn hóa mới, hiện đại từng bước được du nhập vào nước ta, trong đó có dịch vụ karaoke, xuất hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 1990.

 

Tình hình phát triển dịch vụ karaoke ở nước ta hiện nay

Những tín hiệu tích cực

Những năm qua, đời sống vật chất của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Điều đó giúp con người có điều kiện thuận lợi để tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, ca hát. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng đó, dịch vụ karaoke được hình thành và phát triển mạnh ở các đô thị, thành phố và cả ở những vùng quê nông thôn với các cơ sở dịch vụ karaoke được cấp phép và đi vào hoạt động.

Bên cạnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được cấp phép, quản lý thì cá nhân, hộ gia đình cũng có thể tự thiết kế, hình thành những không gian karaoke riêng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu ca hát, vui chơi, giải trí của mỗi người.

Ở một số thành phố lớn như, Hà Nội có khoảng 1.500 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường (trong đó có 733 cơ sở do công an quản lý, 805 cơ sở do UBND cấp xã quản lý); Thành phố Hồ Chí Minh có 449 cơ sở; tỉnh Quảng Ninh đang có 477 cơ sở; Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 150 cơ sở; Thành phố Hải Phòng có 351 cơ sở; tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 400 cơ sở …

Sự xuất hiện của các cơ sở kinh doanh karaoke phản ánh sự vận động, phát triển của đời sống xã hội cũng như nhu cầu, thị hiếu ngày càng đa dạng của công chúng. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật, sự ra đời của internet đã góp phần hiện đại hóa dịch vụ karaoke vói những tiện ích mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng yêu ca hát và âm nhạc.

Nhằm tạo điều kiện cho loại hình dịch vụ karaoke phát triển, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để hướng dẫn, tổ chức và quản lý hoạt động karaoke, đảm bảo an toàn, thuận lợi.

Karaoke là một loại hình dịch vụ, một hoạt động của lĩnh vực văn hóa. Để quản lý tốt hoạt động này, các cơ quan ban ngành đã có sự phối kết hợp trong giải quyết các vấn đề như: vấn đề thuế phí (liên quan đến ngành Tài chính); phòng chống cháy nổ (Công an); quy chuẩn, chất liệu, không gian, kết cấu của phòng hát (Xây dựng); vấn đề sử dụng lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội (Lao động, xã hội); đồ ăn nước uống (Công thương); cấp phép kinh doanh (Văn hóa, Thể thao và Du lịch); tiếng ồn (Tài nguyên môi trường)…

Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke đã được ban hành, như vấn đề đăng ký cơ sở kinh doanh, cấp giấy phép hoạt động, vấn đề bản quyền tác giả; vấn đề phòng chống cháy nổ, xử phạt hành chính trong hoạt động karaoke,… Tiêu biểu có thể kể đến như:

Luật Đầu tư (bổ sung năm 2016) quy định karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, còn có các nghị định hướng dẫn thi hành như: Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Bên cạnh đó, là các điều khoản của các bộ luật có liên quan đến dịch vụ karaoke như: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Phòng cháy và chữa cháy (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg, ngày 25-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường. Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới…

Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ ban hành, các địa phương căn cứ vào điều kiện tình hình thực tiễn cũng đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động karaoke phát triển; đồng thời xử phạt các hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân.

Những bất cập, hạn chế

Trong quá trình tổ chức thực hiện, quản lý dịch vụ karaoke còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Thứ nhất, là tình trạng biến tướng của nhiều cơ sở kinh doanh karaoke.

Nhu cầu vui chơi, giải trí của con người rất đa dạng, nắm bắt được tâm lí đó, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã mở rộng, bổ sung thêm nhiều loại hình dịch vụ bên cạnh ngành nghề đăng ký chính là karaoke. Vì lợi nhuận, các cơ sở kinh doanh không ngừng bổ sung nhiều loại hình đi kèm như: dịch vụ ăn uống, nhà hàng, xông hơi, massage, bi-a, thậm chí một số cơ sở lợi dụng, núp bóng karaoke để buôn bán ma túy, bóng cười, chất kích thích; tổ chức đánh bạc, cá cược, lô đề; một số cơ sở kết nối với đường dây mua bán mại dâm khi khách có nhu cầu, tiếp tay cho sự gia tăng của các loại tệ nạn xã hội.

Ở nhiều làng quê hiện nay, sự xuất hiện của các cơ sở kinh doanh karaoke có phép và không phép, gây nhiều phiền lụy cho người dân, làm biến đổi không gian văn hóa làng quê theo hướng xấu đi khi hằng ngày bà con chứng kiến nhiều đối tượng lạ, ăn mặc phản cảm, lối sống lệch lạc, thân thể xăm trổ những hình thù quái dị. Họ đến từ nhiều nơi với lý do để ca hát, ăn chơi và làm những việc phi pháp tại các tụ điểm mang danh karaoke.

Thứ hai, tình trạng thiếu an ninh, an toàn tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

Hiện nay, bên cạnh những cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có giấy phép hoạt động, được kiểm tra định kỳ, đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, thoát hiểm, thoát nạn khi có sự cố; đạt tiêu chuẩn về cách âm, không gây ô nhiễm tiếng ồn, cách xa các cơ sở giáo dục, các cơ quan, trụ sở thì vẫn còn có không ít cơ sở kinh doanh karaoke mọc lên tự phát, do một số cá nhân tự góp vốn, tạo dựng. Để tiết kiệm, họ tận dụng không gian, nhà cửa của gia đình, cải tạo thành những phòng ốc nhỏ, không đảm bảo quy định. Một số cơ sở kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không để ý đến hệ thống phòng cháy, chữa cháy để xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và của, để lại nỗi đau lớn cho nhiều gia đình.

Theo báo cáo của cơ quan Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), qua đợt tổng kiểm tra rà soát các cơ sở kinh doanh karaoke trên phạm vi cả nước, chỉ có 5.087 cơ sở kinh doanh karaoke được phép hoạt động; gần 10.000 quán karaoke tạm thời đóng cửa vì vi phạm phòng cháy chữa cháy(2).

Còn theo báo cáo của Công an các tỉnh thành, trong vòng hơn 1 tháng (từ ngày 7/10 đến ngày 15/11/2022), qua kiểm tra 482.003 lượt cơ sở thuộc diện quản lý phòng cháy chữa cháy; cơ quan Công an kiểm tra 95.246 cơ sở được phân cấp quản lý; UBND cấp xã kiểm tra 386.757 lượt cơ sở được phân cấp quản lý… đã phát hiện 113.031 thiếu sót, vi phạm và thực hiện xử lý vi phạm. Đã xử phạt 17.714 trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy với tổng số tiền trên 141,5 tỷ đồng, trong đó xử phạt 3.675 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, với tổng số tiền phạt trên 20,4 tỷ đồng. Tạm đình chỉ hoạt động 1.888 trường hợp (trong đó tạm đình chỉ 1.472 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường). Đình chỉ hoạt động 765 trường hợp (trong đó đình chỉ 573 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường). Có 6.664 cơ sở ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm theo kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy (trong đó có 2.758 cơ sở kinh doanh karaoke quán bar, vũ trường). Đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với 1.224 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường đã bị đình chỉ hoạt động, ngừng hoạt động (3).

Những vụ hỏa hoạn gây chết người xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua tại các cơ sở kinh doanh karaoke, gióng lên hồi chuông về sự mất an toàn, an ninh nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tình hình an ninh, chính trị và tâm lý của người dân cả ở đô thị và ở những làng quê.

Thứ ba, sự thiếu kết hợp, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Là loại hình dịch vụ tổng hợp, để quản lý tốt hoạt động karaoke cần sự phối kết hợp của các cơ quan bộ ngành, sự giám sát của chính quyền địa phương và người dân. Tuy nhiên, những vụ việc liên quan đến tình trạng mất an toàn, cháy nổ, gây thương tích, thương vong cho nhiều người thời gian qua cũng như tình trạng tệ nạn xã hội diễn ra trong nhiều cơ sở kinh doanh chậm được phát hiện xử lý, thậm chí một số cơ sở kinh doanh karaoke có sự móc nối, thông đồng với cơ quan chức năng, được một số cá nhân có chức vụ “chống lưng”, “bảo kê” cho các hoạt động phi pháp. Điều này cho thấy chủ cơ sở kinh doanh và người quản lý chưa hiểu sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của hoạt động karaoke; còn tâm lý đề cao lợi ích vật chất, đồng tiền, dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, làm biến tướng hoạt động karaoke, gây bức xúc dư luận.

Mặc dù Nghị định của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp, kết hợp của các ban ngành trong tổ chức, hướng dẫn, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử phạt hoạt động kinh doanh karaoke nhưng trên thực tế, sự phối hợp, kết hợp giữa các ban ngành và chính quyền địa phương chưa thực sự sâu sát. Nhiều người cho rằng karaoke là hoạt động nhạy cảm, thường hoạt động sôi động vào ban đêm, trong khi cán bộ thì làm việc hành chính nên chỉ khi có sự vụ xảy ra thì mới vào cuộc. Chính vì những bất cập đó mà thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã đề xuất lên UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung Quyết định 01/2015 ngày 19/1/2015 của UBND thành phố về việc phân cấp cấp Giấy phép kinh doanh karaoke trên địa bàn. Theo đó sẽ có 9 sở, ngành của Hà Nội gồm: Sở Văn hóa và Thể thao, Công an thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Du lịch, Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan đều phải tham gia quản lý, hướng dẫn và chịu trách nhiệm về kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn.

Có thể nói, khi đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, con người sẽ tham gia vào nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, du lịch, thể thao, vui chơi, giải trí, trong đó có karaoke. Nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ và quyền thụ hưởng văn hóa của người dân, việc nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng trong bối cảnh mới là hết sức cần thiết.

Hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đứng trước bờ vực phá sản

 

Nâng cao hiệu quả quản lý dịch vụ karaoke trong điều hiện hiện nay

Quản lý dịch vụ karaoke trong bối cảnh hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết đã đạt được, cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như:

Thứ nhất, cần thống nhất trong nhận thức, hành động của toàn xã hội, nhất là chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương về ý nghĩa, vai trò, tác dụng tích cực của loại hình karaoke. Đó là nhu cầu thiết yếu, phản ánh thị hiếu thẩm mỹ, gu âm nhạc của công chúng. Vì thế, cần đảm bảo tốt quyền được tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, văn nghệ, trong đó có hoạt động vui chơi, karaoke, giải trí của con người.

Từ nhận thức đúng sẽ tạo dựng môi trường, không gian thực hành, trình diễn và thưởng thức karaoke một cách lành mạnh, trong sáng với các giá trị nhân văn được lan tỏa. Thông qua hoạt động karaoke để gắn kết tình thân, tạo những mối quan hệ mới, giúp con người giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong công việc và cuộc sống thường ngày; mang lại cảm xúc và nguồn năng lượng mới, tích cực.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý hoạt động văn hóa, văn nghệ nói chung, trong đó những điều khoản quy định chi tiết, cụ thể về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke. Các chính sách quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện do các cơ quan, ban ngành được giao soạn thảo cần có sự thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn bất cập, gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ, cung ứng sản phẩm văn hóa.

Hiện nay, các văn bản hướng dẫn về điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn để cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke liên quan đến phòng chống cháy nổ, vật liệu xây dựng, thiết kế, cách âm, lối thoát hiểm, đảm bảo an ninh, an toàn còn nhiều điều khoản chưa rõ ràng, thống nhất, chưa sát với tình hình thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý và chủ các cơ sở kinh doanh karaoke.

Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần có tầm nhìn dài hạn, dự tính được những tình huống mới, phức tạp nảy sinh; phù hợp với tình hình thực tiễn, thuận lợi cho công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi tiêu cực, phản cảm, phạm pháp diễn ra trong các cơ sở kinh doanh karaoke. Cảnh cáo, răn đe, truy tố những cá nhân, tổ chức lợi dụng karaoke để vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức và chuẩn mực xã hội, đảm bảo môi trường kinh doanh dịch vụ karaoke an toàn, lành mạnh.

Thứ ba, karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện, đi kèm với loại hình này là sự tham gia của nhiều đơn vị, cá nhân, như đơn vị cung ứng đồ ăn, nước uống, đội ngũ nhân viên phục vụ, đơn vị phụ trách âm thanh, ánh sáng, nghệ thuật… Vì thế, cần sự có phân công cụ thể gắn với trách nhiệm của các ban ngành, trong đó vai trò, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan văn hóa, chính quyền các cấp và lực lượng Công an nhân dân. Các cơ quan khác được giao nhiệm vụ hướng dẫn về mặt chuyên môn, chuyên ngành cần có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả; thường xuyên trao đổi, bàn thảo để đi đến sự thống nhất trong quản lý; tránh tâm lí né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Việc quản lý phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Có sự bố trí, luân phiên cán bộ trong quản lý hoạt động karaoke cả ban ngày và ban đêm; đảm bảo an toàn, an ninh, giữ gìn ổn định trật tự và tình hình xã hội.

Để quản lý tốt hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trong bối cảnh hiện nay, cần có chiến lược quy hoạch mạng lưới cơ sở kinh doanh karaoke một cách hợp lý, khoa học. Bên cạnh đó, cần bổ sung nguồn lực cán bộ quản lý, nhất là cán bộ văn hóa cơ sở đủ về số lượng, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với mức lương tương xứng để họ phát huy năng lực, tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao, quản lý tốt hoạt động karaoke trên địa bàn.

Thứ tư, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh doanh dịch vụ karaoke theo hướng hiện đại, văn minh, tiện ích; đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn khoa học về diện tích, bố trí lối thoát hiểm an toàn, phòng chống cháy nổ. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng karaoke cần thực hiện tốt chính sách xã hội hóa, huy động sự tham gia của các cá nhân, đơn vị tư nhân, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm đem lại những không gian sinh hoạt văn hóa mới, hiện đại cho ngưởi dân.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động karaoke. Cắt giảm những thủ tục hành chính; các hành vi gây sách nhiễu, phiền hà trong cấp phép, kinh doanh dịch vụ karaoke, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, công bằng, kịp thời, hiệu quả.

Thứ năm, phát huy tinh thần trách nhiệm và sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động karaoke. Mỗi một cá nhân khi tham gia vào không gian karaoke cần có hiểu biết nhất định về loại hình dịch vụ này; có tinh thần chủ động, có bản lĩnh, làm chủ được cảm xúc và hành vi cá nhân; nhận diện kịp thời những hành vi sai trái, những biểu hiện lệch chuẩn của một số cá nhân khi tham gia hoạt động karaoke để đấu tranh, phòng ngừa, góp phần xây dựng môi trường vui chơi, giải trí, ca hát karaoke thực sự lành mạnh.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng gia tăng, dự báo loại hình karaoke sẽ ngày càng phát triển, mở rộng về quy mô và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà dịch vụ karaoke đem lại thì nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ, những rủi ro, đe dọa đến vấn đề an ninh, an toàn của con người và xã hội.

Quản lý và định hướng tốt dịch vụ karaoke trong điều kiện hiện nay, bên cạnh việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ thì cần phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng nhằm tạo ra không gian văn hóa vui tươi, lành mạnh, bổ ích, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển con người Việt Nam có tri thức, nhân cách, lối sống tốt đẹp. Từ đó, có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 57, tr. 307

2. Dẫn theo Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, ngày 10/3/2023, vfra.org.

3. Phan Anh, Tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo tiến độ đề ra, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, ngày 18/11/2022.

 

TS NGUYỄN HUY PHÒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

;