Gần 150 năm (1802-1945) với 13 đời vua ngự trị trên vùng đất Cố đô Huế, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng trong lịch sử quân chủ chuyên chế của Việt Nam, đã để lại một kho tàng di sản văn hóa cho nơi đây như: lăng tẩm, đền đài, thành quách, miếu mạo, thơ văn, nhạc họa… Trong số đó, không thể không kể đến nghệ thuật pháp lam - một loại hình trang trí, đồng thời, là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từng một thời hưng thịnh, nay đã thất truyền về kỹ thuật chế tác, không còn dấu tích các lò xưởng và đang được nhiều nhà nghiên cứu, bảo tồn quan tâm phục hồi.
Pháp lam Huế trang trí ở nghi môn trước điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) được phục chế - Ảnh: Hồ Cầu
Đôi điều về pháp lam Huế
Pháp lam Huế là tên chỉ kỹ thuật vẽ một hoặc nhiều lớp men màu trên kim loại, thường là kim loại đồng rồi đem nung ở nhiệt độ cao mà thành. Xuất hiện tại Việt Nam thời Nguyễn, thời kỳ này đồ pháp lang Trung Hoa được giới quý tộc và dân chúng xứ Huế ưa thích, nên Vũ Văn Mai quyết định sang Quảng Đông học nghề. Điều này trong sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi rõ: “Minh Mạng năm thứ 8... (1827) đặt tượng cục pháp lam. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam. Bèn sai đặt cục ấy, hạn cho 15 người, thiếu thì mộ mà sung vào” (1). Xưởng chế tác “pháp lam Tượng cục” được đặt ở khu Canh Nông trong Thành nội. Ngoài ra, triều đình còn mở xưởng pháp lam tại Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình) để sản xuất pháp lam, phục vụ cho việc trang trí các cung điện ở Huế, nghi lễ cung đình và sinh hoạt trong hoàng cung. Pháp lam Huế phát triển và hưng thịnh dưới các triều Vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883); sa sút từ sau thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” (1883-1885) và dù cố gắng phục hồi dưới triều Đồng Khánh (1885-1889), song, không thể phục hưng mà rơi vào suy thoái rồi thất truyền, chủ yếu do tình hình tài chính eo hẹp, không nhập được các màu men kim loại từ nước ngoài về như thời kỳ trước. Ngày nay, cũng có những ý kiến cho rằng: các tác phẩm pháp lam Huế đều do người Trung Hoa làm ra. Nhưng một tài liệu xác thực đã chứng minh pháp lam Huế của Việt Nam xuất hiện trong bài đăng trên Tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du vieux Huế), số 1, năm 1925, tác giả Pexonnô (H.Peyssonnaux) đã tìm thấy nhiều sắc, dụ, văn kiện liên quan đến Võ khố, cơ quan chủ quản những lò, xưởng, kho của nhà Nguyễn tại Huế. Điều này là minh chứng cho việc đã từng tồn tại xưởng sản xuất pháp lam của triều Nguyễn tại Huế.
Dù học hỏi từ pháp lang Trung Hoa nhưng kỹ nghệ làm pháp lam vào thời Nguyễn học hỏi từ kỹ nghệ chế tác họa pháp lang của vùng Quảng Đông, chứ không theo kháp ty pháp lang ở Bắc Kinh. Về tên gọi “pháp lam”, cũng là một đề tài thú vị và cũng tốn khá nhiều giấy mực tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà Nguyễn chọn từ “pháp lam” chứ không phải từ “pháp lang” vì lý do kiêng kỵ quốc húy của triều Nguyễn, cụ thể là kỵ âm Lan (灡) trong tên của chúa Nguyễn Phúc Lan mà trong bài Quanh các pháp lam Huế, suy nghĩ về màu sắc họa sĩ Phạm Đăng Trí đã lý giải; còn nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trong bài Ngắm pháp lang Bắc Kinh, nhớ về pháp lam Huế lại cho rằng, do kỵ âm Lan (籣) trong tên của Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan, chính cung của Vua Gia Long. Dù kỵ trùng âm, nhưng nhìn chung triều Nguyễn đã rất sáng tạo khi đặt ra danh xưng pháp lam (琺), đặc biệt là việc thêm bộ ngọc (玉) ở trước chữ lam (藍: màu xanh) để tạo thành chữ ngọc lam, khiến danh xưng pháp lam của Huế vừa có ý “tôn quý như ngọc” của tên gọi pháp lang; vừa giữ lại mối liên hệ với chữ lam (藍) trong tên gọi pháp lam (發藍) có từ trước (tên gọi pháp lang là do từ Phát lam nói trại ra, bởi nguyên thủy những món đồ này thường được tráng men màu xanh lam).
Xét về kỹ nghệ chế tác pháp lang của Trung Hoa, theo phương pháp chế tác thai cốt (dán chỉ đồng hay chạm trổ trực tiếp lên cốt đồng) và phương thức tráng men (phủ men vào các ô trũng hay trực tiếp vẽ các họa tiết trang trí bằng men màu lên bề mặt cốt đồng). Sau khi nung, người thợ có thể gọt dũa các chi tiết cho đến độ hoàn hảo, nên pháp lang Trung Quốc rất hoàn hảo trong đường nét, còn pháp lam Huế đi theo phương pháp họa pháp lam, tức là người thợ vẽ trực tiếp trên nền men như các tác phẩm hội họa rồi mới nung sản phẩm. Chính vì thế, pháp lam Huế, xét về kỹ thuật, không hoàn chỉnh, tinh tế như pháp lang của Trung Quốc nhưng đường nét pháp lam Huế gợi lên sự ấm áp, mộc mạc trong tâm hồn. Mỗi tác phẩm là dấu ấn riêng của người thợ. Xét về loại hình và kiểu thức, triều Nguyễn đã ứng dụng kỹ nghệ pháp lam vào cuộc sống sáng tạo hơn người Trung Hoa, các nghệ nhân pháp lam thời Nguyễn đã vận dụng pháp lam như một loại vật liệu kiến trúc trong công cuộc xây dựng các cung điện lăng tẩm ở Huế. Theo tác giả Trần Đức Anh Sơn trong bài viết Mấy trao đổi về pháp lam Huế, ông đưa ra nhận định tùy vào vị trí hiện hữu, kiểu dáng tạo hình và chức năng sử dụng, có thể phân chia pháp lam do triều Nguyễn chế tác thành hai nhóm chính (2):
Loại thứ nhất, là pháp lam trang trí ngoại thất các cung điện Huế, thường thấy ở bờ nóc, bờ quyết các cung điện, được trang trí bằng các họa tiết nhật nguyệt, những con rồng, phượng cưỡi mây ngũ sắc, các hàng cổ diêm hay trên các nghi môn và cửa tam quan, trước lăng tẩm là nhiều ô hộc trang trí hoa lá, chim muông cùng các bài thơ chữ Hán màu sắc tươi vui, rực rỡ.
Loại thứ hai, là đồ gia dụng, đồ tế tự và đồ trang trí nội thất: Đây là loại hình pháp lam được bảo quản rất nhiều tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Loại hình pháp lam này đa dạng với các họa tiết hoa lá, triền chi, tứ linh, bát bửu, sơn thủy, nhân vật... Màu sắc dùng trong loại hình này rất phong phú và có sự phân biệt trong cách sử dụng màu sắc giữa các nhóm pháp lam trong loại hình này.
Hồi sinh nghệ thuật pháp lam xứ Huế
Nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi từng nhận định trong cuốn Nghệ thuật kiến trúc Huế rằng pháp lam Huế đã mang tư cách về một hướng đi đầu tiên của nền hội họa Việt. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác chưa có điều kiện để phát triển hết nghệ thuật chế tác này dưới thời Pháp thuộc. Trải qua khoảng 200 năm tồn tại trong môi trường khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như xứ Huế, lại bị chiến tranh tàn phá, đến nay, nhiều hạng mục trang trí pháp lam trên các công trình kiến trúc cung đình Huế đang dần bị hư hỏng và xuống cấp. Những năm gần đây, một số nhóm và cá nhân đã ra sức tìm tòi hướng tới khôi phục lại kỹ thuật chế tác pháp lam Huế nhằm phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cũng như để bảo tồn nghề xưa. Trong đó, đáng chú ý là những kết quả thành công khá ấn tượng của Nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Triết và các cộng sự tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Hưng ở Huế. Vốn xuất thân là nhà vật lý và từng có thời gian khá dài làm công tác nghiên cứu tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhưng phải mất gần 10 năm nghiên cứu, ông mới đưa ra tập nghiên cứu Phục dựng pháp lam Huế (Luận án thạc sĩ) và mở xưởng phục chế để cho ra đời những tác phẩm pháp lam đầu tiên. Đây được xem như bước khởi đầu rất có ý nghĩa để ông tiếp tục đi sâu vào con đường nghiên cứu, phục hồi kỹ thuật chế tác pháp lam truyền thống Huế sau này. Những đồ án trang trí này của ông được giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao, trong đó, nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (nay là Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế) từng nhận xét: “Đồ pháp lam khôi phục trang trí trên công trình kiến trúc so sánh với pháp lam thời Nguyễn không có độ chênh nhiều về mặt kỹ thuật lẫn mỹ thuật, có thể nói đây là một thành công” (3).
Ngoài trùng tu những công trình xưa cũ, người dân xứ Huế cũng đã phát triển và đẩy mạnh thêm 2 loại hình đó là pháp lam trang trí nội thất và pháp lam trang trí đồ gia dụng. So với các sản phẩm pháp lam trước đây, thường ở dạng đồ gia dụng tế tự, trang trí nội ngoại thất, các sản phẩm pháp lam hiện nay có cùng mục đích sử dụng nhưng thêm các dạng tranh treo tường và sản phẩm làm quà tặng lưu niệm. Có thể điểm qua các sản phẩm của kỹ thuật pháp lam hiện nay như: các bức tranh treo tường đơn chiếc hoặc một bộ gồm nhiều tranh, các dạng đèn ngủ, đèn đường, bàn ghế, bình phong… trang trí nội ngoại thất, bình, lọ, bát pháp lam trang trí và các hộp đựng trang sức, mặt dây, vòng tay trang sức làm quà tặng. Ngoài ra, phát triển thêm một hướng khác, Nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Triết đã sử dụng pháp lam như một chất liệu để các nghệ sĩ đương đại sáng tác, với sự kết hợp giữa sơn mài - pháp lam, gốm - pháp lam…
Sự nỗ lực trên đã đưa pháp lam Huế vinh danh trong “Festival làng nghề truyền thống Huế”, ghi nhận một nghề truyền thống đã hồi sinh. Sản phẩm pháp lam Huế thể hiện tính thẩm mỹ và văn hóa Huế, hòa chung trong văn hóa Việt Nam. Pháp lam - một sản phẩm nghệ thuật, một ngành nghề mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam kết hợp với hơi thở thời đại.
Trong thời gian hơn một thập niên, Nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Triết cùng các chuyên gia phục dựng, những nghệ nhân kim hoàn, nhà thiết kế và họa sĩ có chung niềm đam mê và chuyên tâm với sản phẩm pháp lam đang tạo cho pháp lam Huế một diện mạo mới, với sự đón nhận bước đầu của không chỉ người dân Việt Nam và khách du lịch quốc tế. Giờ đây, người dân và du khách đến Huế đã có thể bắt gặp pháp lam ở khắp nơi. Trong những cửa hàng, nhà sách, hiện vật trưng bày trên đường phố, trong trang trí nhà cửa, chùa chiền... và đặc biệt, là trong các lễ hội festival Huế. Đỗ Hữu Triết còn kết hợp với các tour đưa du khách tới tận nơi sản xuất pháp lam và tự tay thực hiện những sản phẩm đơn giản, cũng góp phần quảng bá pháp lam Huế. Chúng không chỉ làm nên nét độc cho mảnh đất Cố đô mà còn giúp phát triển nghệ thuật truyền thống đã bị mai một suốt bao lâu nay. Đây là một cách góp phần hỗ trợ cho ngành thủ công truyền thống phát triển hơn để có thể theo kịp và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.
___________________
1. Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.679.
2. Trần Đức Anh Sơn, Mấy trao đổi về pháp lam Huế, covattinhhoa.vn, 11-3-2011.
3. Tài liệu điền dã, phỏng vấn tại Di tích Cố đô Huế với pháp lam thời Nguyễn, 2022-2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đình Sơn, Ngắm pháp lang Bắc Kinh, nhớ về pháp lam Huế, tập 4, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, 2005.
2. Trần Đức Anh Sơn, dẫn theo, Tổng quan về pháp lam và nhận thức mới về pháp lam - Nghệ thuật pháp lam Huế, Tạp chí Khoa học và phát triển, số 3, (166), 2021.
3. Hồ Hải Thanh, Nghệ thuật pháp lam Huế - Di sản triều Nguyễn để lại cho hậu thế, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 399, 9-2017.
4. Hoàng Thị Hương, Pháp lam trang trí ở Đại Nội Huế, Chuyên đề Pháp lam, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, tập IV, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, 2005.
5. Hồ Hải Thanh - Hồ Thị Huyền, Thủ pháp nghệ thuật trong trang trí pháp lam Huế thế kỷ XIX, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 413, 11-2018.
6. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ, Nghệ thuật kiến trúc Huế - Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Nxb Mỹ thuật, 1992.
Ths ĐỖ VƯƠNG BÍCH TỮU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023