VĂN HÓA TRANG PHỤC QUA TÁC PHẨM MÂN HÀNH THI THOẠI TẬP
Lý Văn Phức (1785 - 1849) có tự là: Lân Chi, hiệu: Khắc Trai và Tô Xuyên, sinh tại phường Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, thành Hà Nội. Trong 12 năm (1830 - 1841), vâng mệnh vua, ông thực hiện 11 chuyến công du đến những miền đất, vùng biển xa xôi, từ đó nhiều tác phẩm văn chương ra đời. Năm Tân Mão 1831, Lý Văn Phức hộ tống người nước Thanh là Giám sinh Trần Khải cùng gia quyến gặp nạn gió bão dạt vào vùng biển Bình Định về nước trên con thuyền Thụy Long. Chuyến đi có đích đến là đất Mân (tỉnh Phúc Kiến), cũng chính là quê cha đất tổ của Lý Văn Phức. Từ chuyến đi này, tác phẩm Mân hành thi thoại tập ra đời với tập hợp 111 đơn vị thơ, văn bao gồm 94 sáng tác của Lý Văn Phức trong chuyến đi Mân thuộc các thể loại thơ, ký, phú, biện luận, thư từ, ghi chép... và 21 sáng tác xướng họa của giới quan chức triều nhà Thanh, các thành viên trong đoàn sứ bộ. Dựa trên cơ sở giải mã, phiên dịch văn bản tác phẩm với khảo sát những mô tả về trang phục của giới quan viên, giới bình dân Trung Hoa lúc bấy giờ, cũng như diện mạo y quan của chính phái đoàn sứ thần Việt Nam, chúng tôi mong muốn góp thêm mảng tư liệu minh chứng cho văn hóa trang phục đầu TK XIX của Việt Nam và Trung Hoa.