TƯỢNG THÚ ĐÁ TRONG ĐIÊU KHẮC CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI VIỆT

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân mua những tượng thú có xuất xứ từ nước ngoài mang về nhà trưng bày hoặc cúng tiến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tưởng niệm... Việc làm này không những vô tình đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc mà còn lãng quên đi những giá trị đặc trưng của nền nghệ thuật điêu khắc cổ truyền. Bài viết này sẽ đề cập đến một số giá trị đặc trưng của tạo hình ở tượng thú trong nền điêu khắc cổ truyền, qua đó nói lên những giá trị thẩm mỹ đặc sắc trong điêu khắc của người Việt và hoàn toàn phù hợp với cuộc sống hiện đại hôm nay.

Tượng thú đá trong điêu khắc cổ truyền và mỹ cảm của người Việt

Việc mua để trưng bày và cúng tiến tượng thú có xuất xứ từ nước ngoài tại nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, công trình tưởng niệm hiện nay đã phản ánh tâm lý sùng ngoại của người dân trong nhiều mặt của cuộc sống. Không những thế, bản thân khái niệm tượng thú hay linh vật cũng chưa rõ ràng nên nhiều người có quan niệm rằng cứ tượng thú ngoại được xem là tượng linh vật mà không cần biết đến không gian đặt tượng có phù hợp hay không cũng như ý nghĩa của bức tượng, hay một số người cho rằng cứ tượng thú đặt tại công trình tín ngưỡng, tôn giáo, tưởng niệm được coi là linh vật.

Trong một thời gian dài, đặc biệt giai đoạn từ năm 1954 - 1986, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đứt gãy văn hóa nhiều thế hệ dân chúng nhận thức không đúng hoặc chưa đầy đủ về những giá trị của văn hóa truyền thống. Trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập văn hóa sâu rộng sau này, điều đó đã dẫn đến những hiểu biết không đầy đủ về những giá trị văn hóa dân tộc của người dân cũng như đại diện một số cơ quan quản lý văn hóa và cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo mà tiếp nhận tượng thú không phù hợp, mất kiểm soát như trong thời gian vừa qua. Bộ VHTTDL đã có những động thái tích cực nhằm tuyên truyền, chấn chỉnh và cương quyết loại bỏ những tượng không phù hợp với mỹ cảm của dân tộc ra khỏi những công trình công cộng, đặc biệt là những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (1).

Theo tác Xuân Hạo, “mỹ cảm là sự cảm thụ trực giác về sự hài hòa giữa tính nhất thể và tính đa dạng, giữa tính đồng nhất và tính dị biệt, giữa động và tĩnh, giữa sự hợp nhất và sự phân hóa”(2). Đây cũng là một khái niệm quan trọng trong mỹ học và được tác giả Lê Lưu Oanh dẫn giải cụ thể hơn, khi cho rằng “mỹ cảm (aesthetics) là trạng thái tình cảm và ý thức khi con người tiếp xúc trực tiếp với đối tượng có khả năng tạo nên niềm hân hoan, vui sướng, thích thú, hoặc thương cảm, đau xót, buồn bã hoặc mến phục, tôn kính... để từ đó, con người có một khát khao mãnh liệt bày tỏ những xúc cảm, rung động, ấn tượng, suy nghĩ và tư tưởng của mình đối với đối tượng đó bằng các hình tượng nghệ thuật” (3). Về vấn đề này, nhà mỹ học M.F.Ốp xiannhicốp đã chú trọng đến quá trình cảm thụ thẩm mỹ bởi giá trị thẩm mỹ xã hội của các tác phẩm nghệ thuật, vẻ đẹp thực tại mà các tác phẩm đó thể hiện mới đi vào ý thức mỗi con người cụ thể, đại diện cho thời đại, giai cấp và dân tộc mình (4). Như vậy, những đặc điểm của mỹ cảm dân tộc được xác lập bởi chính con người trong từng thời kỳ lịch sử và trao truyền qua từng thế hệ, có khi tiềm ẩn trong mỗi cá nhân dưới dạng vô thức. Hay nói cách khác, mỹ cảm dân tộc chứa đựng trong đó những yếu tố tâm sinh lý phù hợp với lịch sử phát triển của dân tộc với tính cách là một thực thể xã hội. Mỹ cảm phụ thuộc vào tính chất các quan hệ xã hội cũng như hình thức hoạt động nghệ thuật chủ đạo của con người trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Điều này lý giải vì sao những tác phẩm nghệ thuật chân chính có khả năng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử, vượt qua cả thời đại mà chúng ra đời và có ảnh hưởng đến các thế hệ sau này.

Phải nói rằng mỹ cảm dân tộc được hình thành phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, phương thức sản xuất và lối sống của dân tộc. Những yếu tố này tác động đến cách nghĩ, cách cảm, cách ứng xử cụ thể trên những vật thể xác định. Trước một tác phẩm điêu khắc như tượng thú, người Việt có xu hướng thiên về một sự vật có kích thước vừa phải, không to hoặc nhỏ quá, vẻ ngoài ít phô trương, mang tính hòa đồng nhiều hơn là tính nổi trội. Tượng được kết hợp những đường nét trang trí hài hòa, mềm mại, không cứng nhắc. Chủ đề của những bức tượng thường có sự liên kết với đời sống hàng ngày, ít mang tư tưởng thần bí mà chủ yếu mang tính nhân văn.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ có cấu trúc tạo hình khối thô, mang tính gợi hơn là tả. Dáng vẻ của tượng cũng hiền lành nên dù là tượng về một loài thú dữ nhưng trông vẫn gần gũi với con người. Hay tượng hổ ở đền Y Sơn (Đông Môn tự), lăng Nguyễn Công Triều, dù mang tính tả thực nhưng cũng được tạo hình theo dáng vẻ của con vật nuôi, không thấy biểu trưng rõ nét nào của một loài thú dữ. Cả hai tượng có tạo dáng như chú chó đang canh nhà, đượm một vẻ đẹp hồn nhiên, bình dị. Tượng hổ của người Việt ở chốn tâm linh có lối tạo hình và dáng vẻ khác biệt so với tượng cùng chủ đề của nước ngoài, chẳng hạn như ở Nhật Bản (5).

Tượng thú trong một số công trình tín ngưỡng của người Việt

Tượng thú xuất hiện rất nhiều trong những công trình tín ngưỡng của người Việt, từ lăng mộ cho đến đền, chùa, miếu... với nhiều dáng vẻ khác nhau. Người viết sử dụng khái niệm tượng thú bởi ý nghĩa và hình dạng của tượng. Khái niệm linh thú nên được hiểu là con thú linh thiêng đem lại may mắn, trừ tà, sát quỷ theo quan niệm của cộng đồng, được lựa chọn làm biểu tượng cho một nền văn hóa hay thể hiện quyền uy của một triều đại.

 
 
 
Tượng voi ở Lăng họ Ngọ, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang
Ảnh Nguyễn Văn Hùng 
 

 Những tượng thú đá mang mỹ cảm của dân tộc đều có một tinh thần chung, có tính biểu cảm riêng, khác biệt so với tượng thú của những nước khác. Nét đặc trưng trong cách tạo hình của tượng người Việt được hình thành từ tâm lý dân tộc với bản tính chịu ảnh hưởng, tác động từ nền văn hóa lúa nước trọng âm, trọng tình. Trong cách tạo hình tượng thú hầu như không xuất hiện lối tạo hình hướng ngoại hay mang dáng vẻ dữ tợn, hung bạo như ở một số nền văn hóa trọng dương. Những con vật tượng trưng cho sức mạnh, nhanh nhẹn như voi, hổ, ngựa, chó được người Việt tạo hình với dáng vẻ mềm mại, nhẹ nhàng, mang tính ước lệ cao. Tượng thú thường hướng quay vào trục thần đạo (trục trung tâm tức đường kẻ giữa trung tâm từ bên ngoài cổng vào tới khu thờ tự), đăng đối nhau, đứng, phủ phục hoặc trong tư thế nằm ngang.

Tượng con vật mang tính huyền thoại của người Việt như nghê cũng được tạo hình gần gũi với những con vật thân thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tượng nghê đá ở lăng Dinh Hương là một điển hình về sự tài tình trong lối tạo hình của nghệ nhân dân gian. Tượng này mang tính tổng hợp cao của những con vật gần gũi trong cuộc sống như cách điệu dáng ngồi, chân của chó và vẩy cá, miệng của cá chép...

Theo Phật giáo, các con vật dù với vẻ bên ngoài dữ tợn, nhưng khi đến nhà Phật đều mang dáng vẻ hiền lành bởi đã được cảm hóa. Theo ý nghĩa biểu tượng trong Phật giáo, tượng sư tử biểu thị cho sự uy mãnh của trí tuệ hay tượng voi mang ý nghĩa tượng trưng cho sự kiên định của lý trí. Hiểu được ý nghĩa của tượng thú trong chùa như vậy thì chắc rằng không ai đi đặt những tượng sư tử dữ tợn trong và ngoài cửa chùa, bởi trí tuệ không phải thứ đi hù dọa người khác mà là phương tiện để giúp mỗi người hiểu mình, hiểu người, tự giác ngộ, sớm xóa bỏ sự vô minh.

Tượng cừu đá ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng như vậy. Cừu là con vật được mang đến vùng đất Việt cùng quá trình truyền giáo của người Ấn Độ ở giai đoạn đầu của thiên niên kỷ đầu tiên, nhưng qua cấu trúc tạo hình tổng thể và những nét trang trí mang bản sắc, dễ nhận ra của văn hóa và con người vùng đất tạo ra nó.

Ngay cả tượng con lân, một con vật huyền thoại, linh thiêng có xuất xứ từ nền văn hóa phương Bắc, nhưng khi xuất hiện ở không gian văn hóa Việt, cũng đã được những nghệ nhân dân gian tạo hình cho phù hợp với mỹ cảm dân tộc. Tượng lân đá ở lăng họ Ngọ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho chúng ta thấy dáng vẻ hiền hòa, gần gũi, đáng yêu của một con thú nuôi, chứ không tạo cảm giác uy quyền, xa cách. Cách tạo hình của tượng lân càng làm chúng ta hiểu hơn về sự tinh tế trong cách người Việt đón nhận những giá trị của nền văn hóa khác nhưng có sự biến đổi cho phù hợp với thẩm mỹ chung của cộng đồng, chứ không tiếp nhận hay vay mượn một cách máy móc.

Sự tiếp biến văn hóa với thái độ chủ động này còn được thấy ở ngay hệ thống tượng lăng mộ của người Việt. Tượng thú lăng mộ của người Việt chủ yếu là những con vật quen thuộc như voi, ngựa, chó, nghê, cá sấu, lân... Tượng thú dữ như hổ xuất hiện rất ít, nhưng cũng được tạo hình mềm mại, không tạo cảm giác dữ tợn. Tượng sư tử đá dữ tợn, gân guốc với dáng vẻ đe dọa, đặc trưng của tượng thú canh lăng mộ của Trung Hoa, mang ý nghĩa trấn áp tà ma, không xuất hiện trong những lăng mộ của người Việt.

Tìm hiểu về điều này để thấy được sự xa lạ trong dáng vẻ cũng như tinh thần mà một số tượng ngoại lai được đặt ở những nơi công cộng thời gian qua. Rõ ràng, chúng không phù hợp với cảm xúc thẩm mỹ của người Việt, kể cả trong tiềm thức của cộng đồng. Điều rất thú vị là, những tượng thú, tượng linh vật của người Việt được trưng bày tại một số cuộc triển lãm quy mô toàn quốc được người dân thích thú, hào hứng và cảm phục sự sáng tạo tài tình của nghệ nhân điêu khắc cổ truyền. Đa số các ý kiến của người dân sau khi xem triển lãm đều khẳng định việc cần thiết phải tuyên truyền, quảng bá sâu rộng cho mọi người biết những giá trị của văn hóa nghệ thuật dân tộc, góp phần quan trọng giúp người dân tự ý thức được niềm tự hào dân tộc, có những hành xử phù hợp trong việc mua, trưng bày, cúng tiến tượng đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Mỹ cảm của dân tộc luôn hiện hữu trong tâm thức mỗi người dân chứ không dễ dàng thay đổi hoặc biến mất. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, giới thiệu… giúp người dân hiểu biết đúng về những giá trị của nền văn hóa dân tộc nói chung, trong đó có những hiện vật tượng đá là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

_______________

1. Bộ VHTTDL đã ban hành công văn 2662, ngày 8 - 8 - 2014, về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

2. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt - văn Việt - người Việt, Nxb Trẻ, 2001, tr.378.

3. Lê Lưu Oanh, Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2011, tr.22 - 23.

4. M.F. Ốpxiannhicốp, Mỹ học cơ bản và nâng cao, Nxb Văn hóa Thông tin, 2001, tr.358.

5. Lý giải điều này, một số nhà tâm lý học, chủ yếu là người Đức, như M.Wertheimer, W.Kohler, R. Arnheim... đưa ra thuyết Gestalt để giải thích: thường có sự tương hợp, đối ứng hoặc khác biệt về mặt cấu trúc của những sự vật và hiện tượng trong đời sống với cấu trúc tâm sinh lý và biểu hiện tình cảm của con người. Theo thuyết này, những tượng thú ngoại lai nhe nanh, múa vuốt hay có biểu hiện dữ tợn đâu thể tạo nên cảm xúc thẩm mỹ của người Việt bởi nó xa lạ, do được sản sinh từ một nền văn hóa khác.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : NGUYỄN VĂN HÙNG

;