Trên cao nguyên miền Trung Việt Nam, tính từ Đèo Ngang trở vào dọc sườn đông Trường Sơn và trên Tây Nguyên Gia Lai, có nhiều dân tộc ở các tỉnh phía Bắc, tận biên giới vào làm ăn sinh sống, định cư. Còn người bản thổ ở đây gồm 30 dân tộc cùng sinh sống, được người Việt ở đồng bằng, ven biển gọi là người Thượng. Cái nhìn thẩm mỹ độc đáo, kết hợp với sở thích làm đẹp của người Thượng sản sinh ra nền nghệ thuật dân gian độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Nó không chỉ là trường ca cổ, những làn điệu dân ca mượt mà và đằm thắm, lễ hội cồng chiêng với những âm thanh có sức vang dội sâu xa, gắn liền với nhiều lễ thức trong đời sống cộng đồng, nghệ thuật điêu khắc, những kiến trúc nhà mồ… mà còn là, nghệ thuật tạo hình hoa văn trang trí thổ cẩm đặc sắc của người Thượng.
Thượng là một từ mới xuất hiện trong tiếng phổ thông từ sau Cách mạng tháng Tám. Nó không chỉ một tộc người nào mà nhằm một lúc vào nhiều tộc người chủ yếu cư trú tại các vùng cao ở miền Trung Việt Nam tính từ Đèo Ngang trở vào, cụ thể là dọc sườn đông của dãy Trường Sơn và trên Tây Nguyên (1). Hay có thể hiểu Thượng có nghĩa là ở trên cao, trên vùng núi, đối lại với miền xuôi (thấp) ở đồng bằng, ven biển. Trong đó, tộc Thượng Ba na và Gia rai chiếm số đông dân số. Dưới tên gọi chung, mỗi tộc người đều có tên tự xưng, địa bàn cư trú riêng, ngôn ngữ riêng và cả những biểu hiện riêng trong phong tục tập quán,một ngôn ngữ hay phương ngữ riêng cả những biểu hiện riêng trong phong tục tập quán và ứng xử hàng ngày… “Mặc vô vàn chi tiết tách biệt họ, các tộc người được xếp dưới nhãn hiệu bao trùm ấy vẫn bộc lộ, trong nếp sống cổ truyền của họ, một mẫu số chung nhất định, khiến có thể gộp họ lại thành loại hình đặc biệt, không hoàn toàn đồng nhất với các cộng đồng khác trên đất nước ta (nhất là các cộng đồng ở Bắc Việt Nam)” (2).
Nhìn chung các dân tộc Thượng đều có những sắc màu trang trí, nghệ thuật tạo hình hoa văn cơ bản giống nhau. Vì vậy, nói đến tạo hình hoa văn trang trí của người Thượng, người ta cũng thường lưu ý đến loại hình này của người Ba na và Gia rai là chủ yếu.
Phụ nữ người Thượng thường dùng chỉ sợi nhuộm màu rồi dùng đồ dệt bằng gỗ, tre chuyên dùng. Họ không dệt trên khung cửi cố định như người dân tộc miền núi phía Bắc hay như người Kinh nên không dệt được những tấm vải dài. Tấm vải dệt của người Thượng chỉ dài tối đa chừng 6m. Khi dệt, trước tiên, họ giăng sợi thành một thảm chỉ dọc trước mặt để người dệt ngồi một chỗ đan chỉ ngang qua thảm dọc. “Việc đan sợi ngang qua thảm dọc, để tạo nên mặt vải, chỉ diễn ra ở tầng trên của vòng khép kín; cơ cấu của mrai (3) cho phép dệt từ từ quay vòng kín thảm sợi theo nhịp “đan” chậm chạp của mình, khiến tầng vốn ở dưới và tầng vốn ở trên cứ thế dần dà thay thế nhau trong suốt quá trình dệt” (4). Để tạo hoa văn, người dệt đã biết giăng sợi rồi sắp xếp trật tự màu sắc của những sợi dài, tập hợp thành thảm dọc với công thức ứng với kiểu trang trí hoa văn nhất định. Cách làm này giúp người Thượng tạo thành những dải hoa văn màu sắc nổi trên nền đen của trang phục.
Tạo hình hoa văn trang trí trên thổ cẩm
Hoa văn thổ cẩm là các họa tiết bao gồm màu sắc và họa tiết sắp xếp thành bố cục của đồ án đặc trưng theo chiều dọc và ngang của thảm sợi dọc. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian công sức nhất, được thợ dệt chau chuốt, tỉ mỉ theo phong cách của người Thượng. Sự kết hợp giữa các dải màu sặc sỡ và họa tiết đặc sắc làm cho hoa văn thổ cẩm có ý nghĩa là bức thông điệp, thể hiện các giá trị nhân văn của tộc người.
Thường họ tạo nên những hoa văn cơ bản gồm các đường hình học, kỷ hà, là những đường thẳng song song sắc màu, đường gấp khúc, những hình tam giác, hình vuông... chạy dọc theo tấm vải. Người tài hoa hơn thì sáng tạo thêm nhiều hình họa dệt phong phú hơn, hình người, chim thú. Vải dệt để may y phục lễ hội được chú ý với hoa văn trang trí sặc sỡ hơn, phong phú, đẹp, bền hơn đồ thường dùng. Ở những mép biên vải hay hai đầu và cuối tấm vải, người dệt vải có khi dùng tay buộc cột sợi chỉ với nhau để tạo hoa văn một cách chậm chạp mà chắc chắn, vừa làm đẹp vừa khóa mối sợi, chỉ để cho tấm vải tốt hơn. Khi tấm vải được dệt xong, tùy theo các kích cỡ rộng hẹp có chủ định trước, họ cắt, can, nối với nhau tạo thành áo vấn quanh người, khố hoặc váy cũng thế. Các hoa văn trang trí được hình thành chạy dọc tấm vải, hay chạy dọc theo chiều vải đóng khố (ở đàn ông). Hoa văn được tạo thành trên đồ dùng, như chiếc gùi chẳng hạn, cũng được dùng nan tre kết đan thành hoa văn theo kiểu tương tự như dệt vải.
Để tạo cho những bộ trang phục thêm rực rỡ, phong phú về họa tiết thì màu sắc đã được đồng bào nơi đây chọn rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Nguyên liệu được chọn từ những thứ cây có trong tự nhiên. Người Thượng thường coi trọng màu đen hơn cả và tôn sùng nó như một sức mạnh siêu nhiên do vậy họ thường lấy màu đen làm nền vải dệt. Theo quan niệm của họ, nền vải màu đen đặc trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó, màu đỏ biểu tượng cho đam mê và tình yêu, màu xanh là màu của đất trời, màu vàng là màu của ánh sáng. Trên đó, họ kết sợi với các màu đỏ, vàng (chiếm đa số), rực rỡ gam màu nóng tương phản rõ nét với nền đen. Cũng có màu trắng nhưng dường như nó xuất hiện điểm xuyết. Màu xanh cũng được họ sử dụng nhưng không chiếm lấn át nổi các màu đen, đỏ, vàng rực rỡ. Nó không giống như màu nền y phục, vải dệt của một số dân tộc thiểu số phía nam cao nguyên hay ven biển như những dân tộc Chàm, Chu ru, Stiêng. Cách phối màu tinh tế cùng các chi tiết hoa văn tạo nên sự độc đáo của từng tấm thổ cẩm người Thượng.
Nét đặc sắc bố cục hoa văn thành dải
Một điểm nữa tạo nên nét đặc sắc hoa văn trên vải của người Thượng đó là vải được dệt thành dải băng ngang trên trang phục. So sánh mẫu trang trí trên trang phục Ba na và Gia rai sẽ thấy ý niệm nguyên thủy về hình học của hai tộc Thượng. Cảm nhận ban đầu của người xem về họa tiết hoa văn của hai tộc Thượng này là bố cục thành dải. Trên nền đen, các dải chứa hình và màu vốn trải dọc suốt chiều dài của tấm vải nguyên cứ thế ôm quanh thân người mặc từ chân váy, chân khố, chạy lan đến các bộ phận khác trên trang phục như hông, eo, ngực rồi vai, tay áo.
Thường vải dệt là dải ngang, mỗi dải chứa đồ án được nhắc đi nhắc lại liên tục. Bố cục này, gắn liền với kỹ thuật dệt, tuy không phải độc đáo, có thể thấy ở nhiều đồ án hoa văn của các tộc người thiểu số ở miền núi phía bắc như Mường, Thái, Dao… song cái độc đáo của bố cục thành dải ở chỗ, quá trình tạo hoa văn kỹ thuật dệt đan xen sợi theo công thức nhất định vì chất liệu dệt của họ là sợi bông nên rất cứng và dày, cùng với sự hạn chế của chiều ngang nên không cho phép tạo ra những hình phức tạp và đa dạng. Một số đồ án hoa văn hình học như hình cơ thể người, ngôi sao, cột lễ… là kết quả của nhiều chi tiết hình học đơn giản. Ngay cả khi trên mặt vải dệt có độ mảnh và mềm mại của sợi, cũng rất hiếm hoi thấy xuất hiện đường lượn. Nhìn kỹ, đường lượn đó, nếu có, thực chất là tổng số của nhiều đường gẫy góc có mật độ rất nhỏ. Điều này được phản ánh rõ trong kỹ thuật đan lát vốn chung một nguyên tắc cơ bản với kỹ thuật dệt và có xu hướng xếp những hình họa tiết hoa văn cùng mẫu thành dải ngang.
Bố cục trang trí hoa văn thành dải còn thể hiện ở mặt ngoài một số sản phẩm như gùi, tẩu, trên ống tre đựng thuốc hút người Thượng. Trên thân những sản phẩm đó được phân chia thành một số phần tách rời khỏi các đoạn khác nhau bởi mẫu trang trí khác biệt. Mẫu nào cũng được triển khai theo chiều ngang. Để nhận diện rõ hơn nữa hoa văn thành dải băng theo chiều ngang của người Thượng, có nhà nghiên cứu đã so sánh với hoa văn của người Mường để tìm ra sự khác biệt. “Trước hết, bố cục thành dải không đi vào trang phục của mọi tộc người ở nước ta với một liều lượng thống nhất. Tộc người Mường ở một số tỉnh phía Bắc, chẳng hạn, đã biết tận dụng, mà tận dụng đến độuyên áo, bố cục trên cạp váy của nữ phục. Đây là dải ngang rất dày, tổng số có ba dải rời nhau nhưng được can lại với nhau để chiếm lĩnh gần toàn bộ đoạn giữa của thân thể người phụ nữ, từ tầm hông đến tầm nách, mỗi dải trong hợp thể còn gồm một dải nhỏ hơn chứa hoa văn hay màu sắc. Ví dụ “Hoa văn cạp váy Mường Phú Thọ chủ yếu là hoa văn vạch nhỏ chạy song song ngang thân váy…” (5). “Các dải hoa văn trên trang phục Ba na và Gia rai, như chúng tôi được thấy qua bốn làng ở Gia Lai, Kon Tum, dù ôm cơ thể thế nào, đều không đạt độ dày và độ phức tạp ấy trong bố cục” (6). “Không tập trung thành dải ở cạp váy mà phân tán trên thân váy dàn trải đến thân và tay áo. Nam phục người Mường hoàn toàn thiếu hoa văn. Trong khi đó, bố cục thành dải cứ hiện lên từ xa trên váy áo và khố áo của người Thượng. Ngay cả khi trời rét, người ta khoác thêm chăn khiến trang phục hàng ngày bị che khuất, bố cục thành dải vẫn còn đó, chính qua trang trí trên mặt chăn” (7).
Dải hoa văn trên trang phục của người Thượng phân tán chứ không tập trung một chỗ như hoa văn cạp váy người Mường. Bố cục hoa văn thành dải có mặt khắp mọi nơi trên các đồ án trang trí nhưng vẫn đảm bảo độ thoáng, thể hiện tính giản lược của cấu trúc trong hầu hết các đồ án trang trí đặc biệt trên vải dệt. Người Thượng, khi dệt hoa văn, đã tinh tế sắp xếp độ chênh khác nhau của các dải ngang với ít dải dọc, giữa các dải màu và dải chứa đồ án, độ chênh giữa dải dầy và dải mỏng, sự đậm đặc của họa tiết và sự giản lược không nhấn mạnh ở dải mỏng. Cách sắp đặt này tạo ra sự tương phản giữa các dải bố cục trong một bố cục chung. Đây là đặc điểm lớn tạo nên sự vui mắt trên trang phục người Thượng.
Trải qua năm tháng, cùng với sự giao lưu phát triển nghệ thuật trang trí của người Thượng vẫn luôn được giữ gìn và phát huy, góp phần làm nên một bản sắc văn hóa đặc thù. Ngày nay, đến với buôn làng của người Ba na và Gia rai, ngươi ta thấy vẫn còn in đậm nghệ thuật trang trí thể hiện qua trang phục, nhà cửa, đồ đan…
Nhiều năm gần đây trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam có ảnh hưởng không nhỏ tới các mẫu thiết kế trang phục của làng thời trang Việt. Những mẫu thiết kế thời trang hiện nay đã và đang chinh phục được bạn bè quốc tế và giúp Việt Nam khẳng định vị trí của mình trong làng thời trang quốc tế. Bởi vậy, việc tìm hiểu nét đặc sắc tạo hình hoa văn trang trí trên thổ cẩm các dân tộc nói chung và của người Thượng ở Gia Lai, Kon Tum nói riêng có thể trở thành những ý tưởng thiết kế mang hiệu quả về thẩm mỹ cũng như giá trị văn hóa truyền thống. Thực tế, không ít nhà thiết kế đã khai thác họa tiết hoa văn dân tộc ứng dụng vào trang phục hiện đại đã tạo nên được dấu ấn mạnh mẽ, như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng… Tuy nhiên, cũng còn không ít nhà thiết kế vẫn loay hoay trong việc sử dụng ý tưởng trên ứng dụng vào trang phục hiện đại như thế nào. Bởi vậy, việc tìm hiểu nét đặc trưng tạo hình hoa văn trang trí trên thổ cẩm người Thượng nên được coi như gợi ý cần thiết cho những ý tưởng thiết kế mới. Nếu ta biết tìm hiểu nét đặc trưng tạo nên sự độc đáo của thổ cẩm của bất cứ dân tộc nào, kết hợp với xu hướng thị hiếu thời trang hiện đại, thì chắc chắn những mẫu thiết kế mới sẽ có dấu ấn riêng. Có như vậy, những ý tưởng thiết kế sẽ sáng tạo vừa có giá trị bảo tồn vừa phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần tạo nên văn hóa mặc đặc trưng cho người sử dụng
______________
1, 2, 4, 6, 7. Hoa văn các dân tộc Gia rai - Ba na, Sở Văn hóa -Thông tin tỉnh Gia Lai - Kon Tum, 1986, tr. 9, 17, 29, 30.
3. Khi sợi đã được giăng thành thảm dọc, với sự tham gia của các bộ phận rời thì tổng thể ấy mang tên chung: mrai hay rai. Khi người dệt đã hoàn thành sản phẩm của mình và tháo nó ra thì mrai cũng không còn nữa.
5. Đỗ Thị Hòa, Trang phục các tộc người thiểu số nhóm ngôn ngữ Việt - Mường và Tày - Thái, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2003, tr.37.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016
Tác giả : PHẠM THỊ MAI HOA