NGHỆ THUẬT CHỮ TRIỆN TRONG TRANG TRÍ KIẾN TRÚC THỜI NGUYỄN

Nghệ thuật chữ triện thời Nguyễn có tính khái quát cao. Những nghệ nhân người Việt sáng tạo và sắp xếp bố cục chữ được lồng ghép với các họa tiết trang trí đem lại giá trị tinh thần và làm phong phú hình thể của các kiểu thức. Phải chăng tính dân dã đã được gửi gắm, hòa quyện vào nghệ thuật chữ triện, được sắp xếp độc lập, đơn lẻ hoặc có sự kết hợp hài hòa, tài tình giữa hệ thảo mộc và động vật trong thiên nhiên, trên các chất liệu như gỗ, sơn son thếp vàng, vôi vữa, ghép sành sứ trong trang trí ở các dạng ô hộc tại nhiều di tích ở cố đô Huế.

Thời Nguyễn kế thừa những tinh hoa kiến trúc và kiểu thức trang trí từ thời nguyên thủy, Hùng Vương, Bắc thuộc cho đến thời Lý, Trần và Lê. Mỹ thuật thời Nguyễn phát triển dựa trên cơ sở của các thời trước đó và phát triển mạnh mẽ về kiểu thức trang trí từ đầu TK XIX. Trải qua 143 năm, đây là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc, tuy không dài nhưng vừa đủ góp thêm tiếng nói của kiến trúc, cung điện, lăng tẩm và kiểu thức trang trí họa tiết. Chữ triện được che phủ lớp sơn truyền thống nên càng mang dấu ấn tâm linh, dân dã và hoài bão của các vị vua xưa. Có thể khẳng định, thời Nguyễn là triều đại cuối cùng nhưng đã để lại những giá trị nghệ thuật đồ sộ về kiến trúc, điêu khắc và đặc biệt là những kiểu thức trang trí trong nghệ thuật chữ triện với phong phú chất liệu, làm nổi bật chủ đề trang trí chữ. Bởi vậy, khi nhận xét về mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông đã cho rằng “Quần thể kiến trúc, điêu khắc, trang trí…gần như nguyên vẹn của Huế, là hình ảnh đặc trưng nhất của những nét đẹp Việt Nam TK XIX” (1).

Trong bộ máy tổ chức hành chính của thể chế nhà nước dưới thời Nguyễn, nội các là một nha độc lập dưới quyền quản lý của nhà vua. Việc hình thành nên chữ triện để quản lý bộ mày hành chính là yếu tố cần thiết cho triều đại. Chữ triện là loại chữ tượng hình, xuất xứ từ Trung Hoa. Thời sơ khai, chữ triện được hình thành và phát triển theo dòng suy luận sáng tạo của con người thời bấy giờ. Con người vận dụng hình tượng chữ triện vào ấn tín để đóng lên các văn bản, pháp lệnh của những thư tịch. Dưới thời Nguyễn, ấn tín được xem như là vật biểu trưng về quyền lực của vương quyền, đồng thời là biểu trưng về pháp lý của nhà vua thực thi nhiệm vụ của chế độ phong kiến thời kỳ đó.

Ngoài việc hiện diện thuần túy trong ấn tín, chữ triện còn được kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật chữ và hoa văn trang trí với các họa tiết hoa lá, linh vật trong các ô hộc, diềm tường trong kiến trúc cung đình. Chữ triện hiện hữu trong những vị trí khá quan trọng từ cung đình cho đến ngoài dân gian, là những môtip lồng ghép giữa hình và chữ, có ảnh hưởng sâu rộng trong dòng mỹ cảm của con người thời đại.

Chữ triện nói chung và các loại chữ khác nói riêng được thể hiện theo cách phù hợp với nội dung tư tưởng, hướng về một hoài bão, niềm mơ ước và chứa đựng sự cầu may mắn chúc phúc. Trên bình diện các hình tượng của nghệ thuật chữ triện, người phương Đông nói chung và người Huế nói riêng, vốn yêu thiên nhiên, nên dưới góc độ tạo hình một số kiểu thức trang trí mang yếu tố hội họa luôn gắn kết với các đề tài hoa lá và muông thú, nhằm tô điểm thêm nghệ thuật chữ triện có tính thẩm mỹ cao.

Nghệ thuật chữ triện có vai trò chuyển tải về nội dung tinh thần, về tư tưởng, về văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Những nghệ nhân khắc chạm dân gian đã tạo ra các kiểu thức trang trí mới lạ, nhằm mục đích diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ trừu tượng, thông qua hình tượng chữ triện nói lên sự cầu chúc cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phồn vinh dưới thời Nguyễn và lan tỏa đến nhân gian. Theo Kinh thi, chữ thọ là lời chúc trường thọ cho những vị vua chúa mỗi khi đến tuổi cao niên, từ đó ảnh hưởng tâm lý, quan niệm tâm linh, tôn giáo và tác động trực tiếp lên các hình thức trang trí hoa văn chữ thọ.

Chữ thọ trong trang trí mỹ thuật Nguyễn có nhiều họa tiết kết hợp giữa hoa, lá, quả, cành với các linh vật. Chữ này chủ yếu được dùng để trang trí đường diềm, viền, ô thông gió cửa sổ… Chữ thọ có giá trị cao về thẩm mỹ, thường được trình bày trang trọng trên chạm khắc gỗ có sơn son thếp vàng, bình phong có vôi vữa và nổi bật với cách ghép sành sứ đa màu sắc, tạo sự dung hợp hài hòa giữa thiên nhiên với chủ thể con người trong quy trình khép kín của kiến trúc thời Nguyễn. Chữ thọ kết hợp trong các kiểu thức hệ thực vật như mai, lan, cúc, trúc và hệ động vật như long, lân, quy, phụng… Ngoài ra chữ thọ còn hiện hữu trên bảo bình, lư, kiếm, hòm sách…Chữ thọ còn được kết hợp làm hình hoa văn nền cho các họa tiết khác nổi bật, với một số tên gọi khác như long hàm thọ (long ngậm chữ thọ), phúc thọ (con dơi và chữ thọ), vạn thọ (chữ vạn ghép chữ thọ), mai thọ, tùng thọ…

 
 
 
Chữ thọ 
 

Chữ thọ trong trang trí cửa thông gió, được quy tụ trong một hình vuông khép kín với bốn con dơi được trang trí ở bốn góc hướng vào chữ thọ. Chữ được bố cục theo hình tròn nội tiếp có ý nghĩa phúc thọ. Hình tượng dơi trong trang trí có nghĩa là phúc. Bốn con dơi được cách điệu cao và được sắp xếp ở bốn góc, bố cục trọn vẹn, với các nét chạm khắc linh hoạt, uyển chuyển và mạnh mẽ trên đôi cánh, tạo cho ta cảm giác cân xứng giữa cái động và tĩnh. Đường viền bọc xung quanh chữ thọ được trang trí các môtip bát bửu đối xứng qua tâm hình tròn. Đường viền xung quanh hình chữ nhật được trang trí hình chữ công, nối kết nhau thành một chuỗi đường diềm, trông hài hòa và thuận mắt. Ngoài ra, chữ thọ kết hợp khéo léo tài tình với chữ vạn trong trang trí ô thông gió, tạo thành môtip vạn thọ, có ý nghĩa cầu mong cho cuộc sống trường tồn và vĩnh cửu. Trong môtip này, chữ thọ được bố cục đối xứng qua trục chữ vạn khép kín, chặt chẽ và hợp lý.

Trong trang trí ô hộc, người thợ chạm khắc khéo léo tài tình đã thổi hồn vào những họa tiết và môtip chữ thọ trên các ô hộc trang trí bằng nhiều chất liệu khác nhau, tôn vinh cho nét đẹp cổ kính cung đình. Thể hiện trên môtip song thọ, vạn thọ quyện với tùng, mai, cúc hoặc kết hợp với hoa quả… Sự kết hợp nhuần nhuyễn này cho chúng ta có cảm giác về sự toàn diện, đầy đủ trong hệ thống trang trí ô hộc, có tính hợp lý mà vẫn bảo đảm sự mềm mại, uyển chuyển. Tuy bị khép kín trong bố cục có hạn định nhưng nghệ nhân biết kết hợp giữa không gian - thời gian với họa tiết và chữ thọ, để tất cả hài hòa với nhau, tôn nhau lên.

Chiếc long bào của vua đương thời thường được gọi là áo “bách thọ” bởi có thêu đến 100 chữ thọ đại cát xen kẽ đại hỷ cùng với những vân mây điểm xuyết xung quanh chữ. Chính giữa thân áo là chữ thọ hình tròn có sự kết hợp chữ vạn đăng đối chữ hỷ và đăng đối các vân mây, mang ý nghĩa biểu trưng cho sự trường thọ, may mắn đại cát đại lợi...

Chữ thọ hiện hữu khá phổ biến trong dân gian, trên chiếc áo dài màu xanh nước biển của các trưởng họ trong lễ hội cúng tổ tiên, trên các bình phong trước đình làng, nhà thờ họ và nhà dân. Chữ thọ được lồng vào hình tròn chính giữa trung tâm, được coi như điểm nhấn, mang ý nghĩa cầu mong mọi người trong gia tộc, họ mạc trường thọ. Bên cạnh đó, chữ thọ còn có chức năng trang trí như chiếc gương, có nghĩa chủ nhà sẽ đứng đợi trước hiên nhà và người khách trông thấy xuyên qua biểu tượng chữ thọ đồng nghĩa mời khách vào thăm, hàm chứa cách ứng xử của người xưa rất tinh tế và quý trọng khách.

Chữ vạn là hình tượng có từ thời cổ đại phổ biến trên mỗi quốc gia, nó là kiểu chữ được kết hợp có tính đan xen giữa Vishnu với Siva trong Ấn Độ giáo. Ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Myanma và Triều Tiên, chữ vạn là biểu tượng quan trọng trong lễ hội Phật giáo. Chữ vạn đã xuất hiện trên ngực của đức Phật, là biểu tượng đầu tiên đem lại tướng tốt, niềm vui, hạnh phúc và cả sự may mắn cho chúng sinh, biểu hiện sự lắng đọng của tâm hồn trong thế gian hướng về Phật, hướng về sự bình an.

Chữ vạn không những hiện hữu ở Phật giáo, mà trong mỹ thuật cung đình thời Nguyễn, tính tạo hình của nó còn có mặt trên kiến trúc của các kiểu thức trang trí với nhiều biến thể như đơn giản, liên kết với bốn điểm tạo thành hệ thống lưới của chữ vạn, kết nối hai điểm tạo thành đường diềm chạy liên tục, khép kín trong các hình tròn và lục giác, chữ vạn với cây tùng hóa rồng, chữ vạn kết hợp với chữ thọ và cây mai. Ngoài ra, chữ vạn còn được biến hóa thành một chuỗi hoa văn chữ nối kết nhau, tạo thành các đường gấp khúc thẳng góc, gọi là hoa văn chữ vạn. Chữ này còn được sử dụng làm hình nền và điểm tô cho những họa tiết hoa mai, cuốn thư và dải tơ lụa, làm giảm bớt sự cứng rắn và khô khan giữa các đường nét thẳng của chữ vạn liên kết với nhau.

Hoa văn chữ vạn hiện hữu khắp nơi trong di tích Huế, làm nền cho các bình phong, án thờ và khánh thờ… Lối khắc chạm họa tiết cùng với chữ vạn còn được thể hiện ở bình phong tại Cung Trường Sanh, có vai trò làm hình nền và có chức năng trang trí làm đẹp theo lối lắp ghép. Môtip này có tư tưởng triết lý là giữ được vuợng khí thiên nhiên, hài hòa với cuộc sống dân dã.

Hình tượng chữ hỷ biểu hiện rõ nét trong cung đình và dân gian, đem lại sự hạnh phúc, điềm lành cho mọi giới. Nổi bật trong các kiểu thức trang trí có thể kể đến chữ hỷ chính giữa thân chiếc ghế của vua ở Điện Long An, là điểm nhấn nổi bật chủ đề của chữ, kết hợp hoa dây leo và hình tượng rồng, mặc dầu bên dưới có chữ thọ nhưng chữ hỷ là trọng tâm của chiếc ghế.

Chữ hỷ có ý nghĩa đem lại sự hạnh phúc, niềm vui được chia sẻ, lời nguyện cầu và chúc mừng của người Việt nói chung và người Huế nói riêng, nó có chức năng trang trí, tô thêm vẻ đẹp có ý nghĩa cho ước mơ được thể hiện trong cung đình mỹ thuật Nguyễn.

Chữ công trong trang trí di tích Huế khá phổ biến trong sự biến thể của hoa văn chữ T hay hình chìa khóa. Kiểu thức trang trí chữ công chủ yếu đơn lẻ, độc lập trong hệ thống của đường diềm, các dạng ô hộc hoặc đường diềm bao bọc xung quanh các họa tiết, để làm tôn giá trị thẩm mỹ của nhóm trang trí chính. Với công dụng đó, chữ công trở thành môtip khung và đường viền, luôn liên kết, nối tiếp nhau và hỗ trợ cho họa tiết đạt tính thẩm mỹ.

 
 
 
Chữ công 
 

Chữ á là một dạng hình chữ thập, nó được sử dụng để tạo nền cho các kiểu thức trang trí khác. Hình chữ á được tìm thấy tại hàng rào của Cung Trường Sanh, khá rõ nét với lối chạm thủng, được kết nối liên tục nhau, tạo sự thông thoáng, mát mẻ của tường thành và dung hòa giữa con người với cảnh vật xung quanh trong không gian hữu tình.

Nghệ thuật tạo hình trong trang trí kiến trúc thời Nguyễn đầy tính sáng tạo và phong phú. Việc trang trí chữ triện trên các chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, nề vữa, khảm sành sứ… thể hiện được tính biểu tượng đồng nhất; mặc dù có nhiều chất liệu khác nhau nhưng vẫn giữ được cái chung nhất của chữ, nội dung phù hợp với hình thức trong các tư tưởng chủ đề và nói lên được ý đồ sáng tạo con người đương thời. Tính biểu hiện các chất liệu được lồng ghép với chữ triện là cả một quá trình suy nghĩ tìm tòi trong sáng tạo. Mặt khác, những chất liệu này mang tính truyền thống dân gian. Các sản phẩm của chữ nói lên được lòng kiên trì chịu khó và say mê sáng tạo của người thợ, bằng các thủ pháp điêu luyện đã sử dụng tài tình giữa nghệ thuật chữ và họa tiết trang trí từ hoa lá cỏ cành đến các linh thú quen thuộc trong tâm linh của người Việt. Nghệ thuật chữ có giá trị thẩm mỹ và đòi hỏi người thợ có trình độ kỹ thuật đạt độ chính xác đến tinh xảo. Từ đường nét đến các mảng của các họa tiết kết hợp với chữ triện một cách tài tình và uyển chuyển. Tác giả Trần Lâm Biền từng khẳng định: “Đến Huế, tôi được áp sát những biểu hiện đúng là cung đình nhưng không hoàn toàn gián cách với nền mỹ thuật dân dã cùng thời mà tôi đã quen nhìn. Cũng dáng dấp kiến trúc ấy. Cũng thần thái trang trí ấy. Rồi thì cũng những môtip ấy... Cái rườm rà vui vui, thông tục, dễ gần của mỹ thuật Nguyễn. Như vậy khoảng cách giữa cung đình và dân dã ngắn hơn tôi tưởng. Ít nhất trên đất nước ta. Và cả dưới triều Nguyễn” (2).

Nghệ thuật trang trí cung đình Nguyễn nói chung và trang trí chữ triện nói riêng là một kiểu thức trang trí phục vụ cung đình thời bấy giờ, mặc dầu vậy chúng gần gũi với dân dã. Chữ triện trên các chất liệu đã trở thành một loại hình khá phong phú và đa dạng, khá tinh tế của người Việt. Chữ triện là biểu trưng khái quát cao của các nghệ nhân, bày tỏ tư tưởng, tình cảm của mình thông qua nghệ thuật chữ, liên kết chặt chẽ với các môtip trang trí có tính sáng tạo với tiềm năng dồi dào. Chữ triện được trang trí trong kiến trúc, còn có ý nghĩa của sự cầu nguyện cho con người hạnh phúc, trường thọ với tinh thần và tâm hồn sâu lắng cô đọng. Nghệ thuật chữ triện góp phần làm phong phú đa dạng các kiểu thức trang trí trong di tích, đồng thời chúng còn nói lên được ý nghĩa ngôn ngữ vào họa tiết trang trí di tích, chúng được coi như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, trong sự cầu mong ước muốn sâu lắng của cuộc đời dân dã hiện hữu trong cung đình mỹ thuật thời Nguyễn.

_______________

1. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992, tr.42.

2. Trần Lâm Biền, Huế, mỹ thuật Nguyễn, những cái riêng, trong Những con đường tiếp cận lịch sử, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.177.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : ĐỖ XUÂN PHÚ

;