NHỮNG PHỤ NỮ GẮN ĐỜI MÌNH VỚI BIỂN ĐẢO JEJU

Người nước ngoài thường biết đến đảo Jeju của Hàn Quốc như một thiên đường du lịch bậc nhất thế giới hiện nay nhưng không nhiều người biết những lam lũ của người dân nơi đây trong cuộc sống giữa biển khơi từ hàng trăm năm qua. Một phần làm nên hình ảnh Jeju lại chính là những người phụ nữ kiếm sống bằng nghề lặn biển, được gọi là người phụ nữ của biển (haenyeo). Họ biến công việc của mình thành một cái gì đó hơn chỉ là việc kiếm sống, thành một nét truyền thống và văn hóa bởi sự tiếp nối thế hệ.

       

         Haenyeo – một lược sử

         Từ TK XVII, dưới triều đại Joseon, Hàn Quốc bắt đầu lưu trữ các tài liệu liên quan đến nghề lặn biển tìm kiếm hải sản. Theo đó, trong TK XVII, nam giới vẫn làm nghề này (pojak), chủ yếu đánh bắt bào ngư ở vùng nước sâu. Tuy nhiên, sản phẩm biển phổ biến khi đó là các loài rong biển, nhuyễn thể có sừng, bào ngư, dễ dàng đánh bắt được ở các vùng nước nông, khi thủy triều xuống, nên phụ nữ cũng có thể làm công việc lặn biển mà không cần thiết bị dưỡng khí. Cách làm này được duy trì cho đến tận ngày nay. Từ TK XIX, đã có ghi chép về việc các thương lái ra đảo thuê haenyeo lặn tìm rong biển. Cuối TK XIX, sử sách còn ghi nhận là vẫn có những phụ nữ lặn biển người Nhật ra tìm hải sản ở vùng biển phía đông và nam Hàn Quốc. Họ đi bằng thuyền, lặn sâu xuống đáy biển nhờ một loại dây kim khí nặng đến 13kg do người chồng giữ trên thuyền để kéo họ lên thật nhanh. Trong khi đó, các haenyeo không cần thuyền, dây, chỉ cần một phao nổi, họ lặn tự do nên công việc năng suất hơn. Từ đầu TK XX, không còn ghi chép nào về các phụ nữ Nhật Bản lặn biển quanh khu vực thuộc Hàn Quốc nữa (1).

         Một nghiên cứu khác đề cập đến lịch sử buồn trong nghề lặn biển của phụ nữ đảo Jeju. Theo luật lệ triều đình xưa, người dân đảo này phải cống nạp bào ngư cho hoàng triều. Vì thế, nhiều nam giới đã tìm mọi cách né tránh nghĩa vụ này như trốn chạy vào đất liền hoặc rời bỏ nơi cư trú. Cuối TK XVI, con số nam giới trốn cống nạp lên đến hơn 10.000 người, đảo Jeju chỉ còn lại hầu hết là phụ nữ, trẻ em, người già. Những phụ nữ còn sức lao động buộc phải gánh vác cả công việc nặng nhọc như lặn biển và dần trở thành một truyền thống.... Rất nhiều haenyeo đã vượt sang các vùng biển láng giềng, mang theo thuyền, lương thực, đi đánh bắt hải sản từ mùa xuân qua đến mùa thu mới về lại nhà. Họ thường đi theo nhóm, 15 - 20 người, thậm chí mang theo cả con nhỏ, hoặc sinh nở ngay trên thuyền giữa đại dương. Công việc của những người phụ nữ trong nước biển mặn chát, dưới độ sâu 20m, thực sự vượt qua mọi giới hạn sức bền của con người. Chẳng có gì đáng nói thêm về cuộc sống trên đảo Jeju nếu không đề cập đến những người phụ nữ nơi này. Họ là khởi nguyên và tận cùng, là alpha và omega của cuộc sống nơi đây (2).

 
 
 

         Theo thông tin từ chính quyền đảo Jeju, con số haenyeo đã giảm mạnh, từ 23.000 người năm 1965, xuống còn 4.500 người hiện nay, trong đó, số người từ 70 tuổi trở lên chiếm 50%. Với tỷ lệ trung bình 130 haenyeo cao tuổi qua đời hàng năm, trong khi số haenyeo mới gia nhập chỉ khoảng 15, con số haenyeo của Jeju hẳn sẽ còn giảm mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, điều thú vị là có một ngôi trường dạy về công việc lặn biển cho phụ nữ, Jeju Hansupul Haenyeo School, đã được thành lập, thu hút một số lượng không nhỏ các cô gái trẻ từ lục địa ra theo học với mong muốn có một cuộc sống chậm ngay trên hòn đảo xinh đẹp này (3).

         Người con của nữ thần biển

         76 năm qua, bà Koh In-o gắn bó đời mình với công việc lặn biển để mò bắt hải sản ở vùng bờ biển Saekdal-ri. Bà là haenyeo lớn tuổi nhất của Jeju. Ở tuổi 91, bà vẫn tiếp tục công việc thường ngày của mình, không để ý đến việc bản thân được coi là biểu tượng của những người phụ nữ hoặc tự lựa chọn hoặc bị bắt buộc làm công việc lặn biển. Cả ba thế hệ con cháu chắt trong gia đình đã chứng kiến khả năng phục hồi sức khỏe cũng như sự dũng cảm, nỗ lực của bà và họ cùng bà tiếp tục công việc khó nhọc này.

         Những chân chèo màu đen và phao nổi tewak nhấp nhô trên mặt biển. Nhìn từ xa, chúng hợp lại như những chuỗi tràng hạt của phật tử dưới ánh nắng phương nam gay gắt. Lát sau, một nhóm các haenyeo nổi lên trên mặt nước. Trong rổ lưới của họ đầy những hải sâm, rong biển, bạch tuộc. Nhưng phải khá lâu sau, như người cuối cùng rời cuộc chơi, người phụ nữ ấy mới xuất hiện trong bộ đồ lặn màu đen. Một lưới đầy rong biển trên vai nhưng dáng bà bước đi vẫn thật khỏe khoắn, cao lớn. Khi gỡ bỏ chiếc mặt nạ, không ai có thể tin bà đã 91 tuổi, người phụ nữ cao tuổi nhất đảo Jeju vẫn còn làm việc. “Tôi đi kiếm rong biển. Tôi phải lặn ra xa đến những mảng đá lớn mãi ngoài kia, lúc quay vào bờ cũng mất nhiều thời gian hơn. Tôi ra xa bờ lắm nên nếu đứng đây, bạn sẽ chẳng nhìn thấy được dấu vết nào của tôi đâu” - bà Koh cười lớn, bắt đầu câu chuyện. Không đợi nghỉ ngơi, bà nhanh tay xếp từng lọn rong biển ngay ngắn trên phiến đá. Từ bao lâu nay, những phiến đá bazan ven bờ biển thành nơi phơi phóng tự nhiên. Rong biển rất nhanh khô trong ánh nắng và không khí đại dương trong lành. Sau đó, chúng được gói ghém cẩn thận để bán. “Biển rất tốt nhưng càng ngày càng khó kiếm sống vì hải sản nói chung cạn kiệt dần, bạch tuộc, bào ngư, nhiều thứ khác nữa” - Bà Koh nói trong khi đôi tay đã bị bào mòn thoăn thoắt làm việc, lấp lánh dưới nắng.

 
 
 

         Có thể, bà Koh không còn kiếm được nhiều rong biển như trước nữa nhưng biển vẫn giúp duy trì cuộc sống của bà. Bà đã trải qua cả thời tuổi trẻ ở đây. Đến giờ, bà vẫn giao phó tấm thân già nua của mình cho sóng nước. Jungmun là khu nghĩ dưỡng hàng đầu trên đảo Jeju. Ở đó có làng Saekdal-ri, nơi bà cùng dòng họ tổ tiên đã gắn bó qua bao đời với cuộc sống được biển bao bọc. Những đồng nghiệp ở tuổi 60 - 70 của bà Koh không biết phải nói gì hơn, ngoại trừ sự kinh ngạc về kinh nghiệm lặn biển của bà. Có người thốt lên: “Sao mà bà ấy có thể làm vậy nếu như không được ban phước sống hai đời?”.

         “Không có từ nào có thể miêu tả thêm được về bà ấy. Không ai có thể theo được bà. Bà ấy xuống nước trước tất cả mọi người và có thể nổi lên dễ dàng cho dù lấy được nhiều rong biển, rất nặng trên vai. Chúng tôi chỉ có thể đi sau bà ấy thôi. Không có mẹ biển nào có thể được như bà ấy, ở cả đất nước này” - các đồng nghiệp của bà chia sẻ.

         Đến tuổi này, bà Koh vẫn có thể lặn và kiếm được gấp hai lần khối lượng đồ hải sản từ biển so với những người trẻ và tự mang vào bờ. Riêng về khả năng lặn biển, không ai có thể vượt qua được bà. Đồng nghiệp gọi bà là con gái của nữ thần biển. Bà thuộc đáy đại dương như trong lòng bàn tay. Ngay cả những ngày không có nắng, bà vẫn đi biển như thường. Duy chỉ những hôm gió mạnh quá thì bất tiện, không an toàn với bà mà thôi.

         Kết thúc bốn tiếng đồng hồ lặn biển buổi sáng, bà Koh ăn một mẩu bánh mì, bảo: “Đây là bữa trưa”. Bà nói, bà chưa từng trải qua một mối nguy hiểm lớn nào khi lặn biển. Phải chăng, bà đã nắm bắt được những bí mật của biển cả từ khi còn trẻ? Không, nguyên do là vì bà không bị lòng tham chi phối. Trong những ngày không đi biển, bà ngủ cả ngày. Bà cho rằng con người ta cần phải có thời gian nghỉ ngơi.

         Với bà, lặn biển là một công việc thường nhật. Bà đơn thuần chỉ làm việc của mình mà thôi. Bà thu lượm tất cả những gì bà thấy dưới đáy biển. “Nếu một con bạch tuộc phóng trốn vào đá đúng lúc tôi rời đi thì tôi không thể bắt được nó. Nhưng biết đâu nếu lần sau tôi may mắn, tôi sẽ gặp nó quay lại. Tôi đã từng bắt được một con bào ngư to hơn lòng bàn tay, ở độ sâu 10m” - bà nói. Bà có kỹ năng bắt cá dưới nước rất giỏi, chỉ bằng một cây lao phóng. Thời trẻ, chuyện bắt cá của bà không khác gì huyền thoại. Cho đến tuổi này, bà vẫn nghe tốt và giọng nói sang sảng, đây có lẽ cũng là một bí mật về sức khỏe của bà. “Tôi chỉ ăn đồ biển mà tôi bắt được. Vậy nên tôi khỏe” - bà cười bảo.

         Trong công việc lặn biển, trên ranh giới sự sống và cái chết, bà biết cách giữ hơi thở của mình. “Ta chỉ có thể lặn khi còn giữ được hơi ở dưới nước. Ta không thể vượt quá được nhịp thở của mình. Nếu ta tham, ta sẽ thất bại. Khi biển động, ta không nên đi làm. Và ta cũng không nên giữ nhịp thở lâu quá hai phút” - bà Koh chia sẻ bí quyết.

         Đương nhiên, cơ thể của bà cũng không còn như xưa. Nó già hơn. Vị thủ lĩnh kỳ cựu của các haenyeo đảo Jeju này cảm thấy hơi thở của mình đã ngắn lại. Bà luôn nói với các thợ lặn khác: “Đừng có dùng hết hơi thở của mình. Ngay cả khi nhìn thấy bào ngư hay bạch tuộc ở mọi nơi, vẫn phải giữ đúng thời gian cho nhịp thở trước đã. Phải ngoi lên, sau đó tiếp tục lặn xuống bắt chúng. 30 giây có thể có nghĩa là sống hoặc chết”. Điều đáng nói là những tai nạn tương tự vậy chưa từng xảy ra ở ngôi làng này, cho dù có thể xảy ra thường xuyên ở đâu đó. “Nếu có đi lặn một mình, ta cũng không nên đi ra xa đến nỗi người khác khó có thể nhận ra dấu vết”- bà giải thích và đây cũng là cách mà các haenyeo làng Saekdal-ri phòng tránh nguy hiểm.

         Bà chúa của các haenyeo này thảng hoặc có thể lặn sâu tới 20m mà không cần bình oxy. Bà giữ hơi trong vòng 2 phút. “Khi lặn xuống, cảm giác giống như đang trèo lên một vách đá. Đến độ sâu chừng 17m, tôi bắt đầu cảm thấy mình đang hết hơi. Giống như tôi đang chết. Nó không hề giống như là thở trong nước. Bí quyết giữ hơi thở của mình là điều quan trọng nhất” - bà nêu quan điểm. Khi hết hơi, bà trở lên mặt nước và thở hổn hển rồi quay lại đáy sâu trong tiếng lao xao của bọt không khí. Khoảnh khắc nhìn thấy bầu trời ngay khi ngoi lên mặt nước, với bà, là khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Đó cũng có thể là sự quyến rũ nhất giữ bà lại với công việc lặn biển.

 
 
 
Bà Koh In-o sau một chuyến lặn biển. Ảnh Cho Ji-young 
 

         Khi Koh 15 tuổi và rất sợ sóng biển, mẹ của bà đã dìm đầu bà xuống nước hàng ngày để dạy bà: “Con phải lặn để kiếm sống. Không được sợ việc lặn biển”. Mẹ của bà đã truyền cho bà bí quyết giữ hơi và thở ra. Cơ thể khỏe mạnh bẩm sinh của bà và đặc biệt, dung tích lớn của lá phổi quả là vô giá. Bà giao phó đời mình cho một cái phao nổi đơn và cứ thế lang thang trong thế giới đáy đại dương như thể đó là nhà mình vậy. Những phụ nữ của đảo Jeju, được sinh ra từ biển, đều học lặn theo cách này, như là số phận vậy. Người ta bảo các haenyeo ở đây có thể quay lại biển chỉ ba ngày sau khi sinh con. Ngày nào cũng trôi qua như không kịp thở nhưng ở phía khác của cuộc đời họ, các haenyeo sống với những cỗ quan tài trên lưng…

         Bà Koh từng thường chỉ dùng kính bảo hộ loại nhỏ nhưng giờ thì phải chuyển sang loại lớn (mặt nạ lặn), vì giúp bà nhìn thấy nhiều thứ cùng lúc hơn. Bà rút từ hai bên tai ra mấy nhành   mugwort (một loài cây thuộc họ cúc), thứ giúp bà tránh bị nước tràn vào tai. Theo bà, loài cây này cũng dùng để lau hơi nước làm mờ kính lặn. Hiện giờ, bà mặc đồ lặn làm bằng cao su nhưng hồi trẻ thì khác, bà thường chỉ mặc một chiếc áo cotton mỏng và đồ lót khi lặn biển. Bà đeo cục máy dò nặng nề bên hông và cầm theo đủ loại dụng cụ: phao, rổ lưới, dao, cuốc và lao phóng bằng tre. Trong những ngày gió lạnh, sau mỗi cuộc lặn, cả cơ thể bà đỏ ửng và run rẩy khi trồi lên mặt nước. Bà không thể chịu đựng được lâu, phải bước nhanh lên chòi trú chân trên đồi và nhóm lửa sưởi ấm. Những cái chòi nhỏ ấy của các haenyeo giờ đã biến mất do chính quyền xây kè chắn sóng. “Bây giờ, chúng tôi được hỗ trợ các bộ đồ lặn bằng cao su, rất tuyệt” - bà Koh tươi cười.

         Nhiều năm trước, có một vài haenyeo của Jeju đã lặn xa tới tận vùng biển của Nhật Bản, Trung Quốc, thậm chí cả tới vùng viễn đông Vladivostok của Nga. Bà Koh chưa từng lặn tới biển ở nước khác. Nhưng bà cũng phiêu du tới các vùng biển khác ở trong nước như Guryongpo và Gampo. “Khi ra biển, tôi cảm thấy như được tươi trẻ lại. Khi ngâm mình trong nước là khi tôi vẫn kiếm được tiền. Bất cứ ai học lặn đều có thể thu lời từ công việc này” - bà Koh khẳng định. Với nguồn thu từ công việc lặn biển, bà đã mua được nhà và một số mảnh đất trồng trọt. Đó là phần thưởng cuộc đời.

         Biển cả là cuộc đời

         Bà Koh lập gia đình năm 17 tuổi và có cô con gái đầu lòng khi 23 tuổi, cũng là lúc người chồng mất trong chiến tranh. Nhớ lại thời điểm đó, bà nói bà cũng đã muốn chết. Sau nhiều gian nan, đau khổ, bà cũng tái hôn. Trong cuộc nổi dậy ở Jeju những năm 1948 - 1949, do chồng làm nhân viên cảnh sát nên gia đình bà tránh được các ảnh hưởng bạo lực. Như mẹ của mình, bà lại dạy các cô con gái mới lớn cách lặn biển khi chúng cũng như bà thuở nào, sợ nước. Bà cũng nói với các con: “Cần phải học việc này để kiếm tiền và sống lâu, sống khỏe. Con cũng sẽ có khả năng cho các con của mình đến trường học. Nếu không làm được việc này, con sẽ không làm được trò trống gì hết. Bởi thế, sống để lặn, mẹ đã nói rồi. Sống để lặn”.

 
 
 

         Người con gái lớn của bà Koh, năm nay 73 tuổi, tên là Kang In-ja, cũng không có thời gian nghỉ ngơi giữa hai công việc lặn biển và trồng quýt. Cô Kang cũng là một haenyeo giỏi nhưng do gia đình nhà chồng có một nông trang trồng quýt nên cô phân chia thời gian cho cả hai công việc. Người con gái út của bà Koh, Kang Myeong-seon, 62 tuổi, là chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) làng biển Saekdal-ri. Người con dâu của bà cũng là một thợ lặn biển kỳ cựu với 36 năm kinh nghiệm. Bà rất vui mỗi lần đi biển cùng các con gái và con dâu, những người đã và đang cùng bà tiếp nối truyền thống gia đình. Bà còn vui hơn nếu họ có thể đem theo những dụng cụ đánh bắt lớn.

         Cô Kang Myeong-seon có dáng người mập mạp. Tuy nhiên, nước da vẫn rất đẹp, cho dù cô khẳng định là không có bí quyết trang điểm nào. Cô trông trẻ hơn tuổi, có tính cách vui vẻ. Cô có thể cắt lát cá sống rất khéo léo. Đương nhiên, cô là một thợ lặn đầy kinh nghiệm. Cô như được sinh ra với lá phổi có dung tích giúp cô lặn một hơi sâu 15m.

         Những người thợ lặn đi biển từ mờ sáng và về nhà vào buổi trưa. Cả đảo Jeju có 19 HTX với 4.500 haenyeo nhưng HTX Saekdal-ri chỉ có 23 người. Bởi vậy mà HTX này tựa như một gia đình lớn. Trước, con số là 31 nhưng sau, có một số chuyển công việc hoặc do sức khỏe giảm sút nên nghỉ hẳn ở nhà. Cộng đồng của họ sẽ không thể duy trì được công việc khó khăn của mình nếu mọi người không san sẻ cùng nhau. Ai cũng vui mừng khi kiếm được một con bào ngư hay bạch tuộc đỏ, nhưng còn những ngày lặn biển về không... HTX của cô Kang quyết định các thành viên có 14 ngày đi biển riêng, ai kiếm được bao nhiêu là việc của họ. Các sản phẩm biển đều dành bán cho khách du lịch, có người kiếm được mỗi ngày 30 - 40.000won (tương đương 600 - 800.000 đồng). 16 ngày còn lại là đi chung, bán được bao nhiêu sẽ chia đều cho tất cả thành viên tham gia trong ngày. “Đôi khi chúng tôi cũng bị áp lực với cách làm này nhưng nếu so sánh với các HTX khác, chúng tôi được đánh giá là làm việc với nhau rất tốt” - cô Kang chia sẻ. Mỗi khi có vấn đề gì đó xảy ra, HTX lại họp bàn và cùng giải quyết. Kỷ luật là thứ rất quan trọng trong thế giới của những thợ lặn biển. Nhiều quy định về công việc lặn biển đã được thực thi: cấm lặn biển một mình, lặn biển theo đôi để đề phòng nguy hiểm; mỗi lần lặn dài không quá một phút, chỉ được lặn 4 giờ đồng hồ một ngày để tránh quá sức; chỉ được lặn 8 ngày trong một tháng... Đặc biệt, cảnh sát bờ biển còn khuyến cáo những người trên 70 tuổi chỉ được lặn ở khu vực nước nông và không quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Năm nay, có ba thợ lặn đã qua đời, có thể do tuổi tác. Song những người thợ lặn mỗi khi nghe tin về biến cố số phận như vậy đều không khỏi rùng mình, như thể nó đang đến với họ vậy.

         Cô con dâu của bà Koh, một thợ lặn kỳ cựu, chia sẻ: “Tôi bảo mẹ nghỉ đi, không đi ra khỏi nhà khi trời lạnh, có mưa hoặc tuyết. Nhưng bà bảo nếu ở nhà, bà chỉ có ngủ thôi, không biết làm gì. Thế là bà lại đi ra biển. Thậm chí có khi vừa hái quýt xong, bà đi lặn luôn”. Hai phía mẹ con nhà bà Koh đều cảm thấy lấn cấn về nhau quanh chuyện bà Koh muốn tiếp tục công việc đời mình. Nhưng dù thế nào đi nữa, các cô con gái và con dâu của bà đều thấm hiểu điều rằng, bà chính là chiếc mỏ neo của đời họ, một người thày suốt đời của họ về những con đường của biển cả.

         Bà Koh có năm người cháu nội, bốn gái, một trai. Không ai trong số họ theo nghề khó nhọc này. Người con dâu của bà cũng không giấu cảm giác buồn khi thấy sự nối nghiệp của các haenyeo trong gia đình sẽ dừng lại ở thế hệ của cô. Sau mỗi buổi lặn biển, những người phụ nữ bị mất sức đến nỗi khi về nhà, họ không nhấc nổi ngón tay lên. Hầu hết đều bị đau đầu mãn tính. Cả bà Koh và cô con dâu thực tế là sống nhờ thuốc giảm đau và vì thế, dạ dày của họ cũng bị tác dụng phụ không mong muốn. Nhưng bà Koh, haenyeo số 1, vẫn nói rằng bà nợ biển về sức khỏe của mình: “Tôi nghĩ tôi khỏe hơn là nhờ việc lặn biển. Khi ở nhà, tôi thấy chán vì chẳng biết làm gì. Vì vậy, tôi sẽ vẫn làm việc cho đến khi không thể cử động được nữa”.

         Leosana ieodona/leodo sana hei/ thuyền ta nhẹ lướt, ieodo sana/ khi mẹ sinh ta ra/ ngay cả ngày không mặt trời, không trăng sao/ leodo sana, mọi thứ vẫn tốt, mọi thứ vẫn tốt/ cuộc đời của chúng ta vẫn tốt, ieosana...

         Thanh âm bài hát của các haenyeo vang vọng dọc bờ biển hoang sơ của Jeju. Bà Koh biết thời gian của mình sắp hết. Cô con gái 62 tuổi và cô con dâu 60 tuổi của bà, cũng như bà, gắn bó đời mình với vùng biển này, với trời nước tự nhiên nơi đây. Cho dù vận đổi sao dời đến mấy, cuộc đời của họ vẫn chan hòa với biển.

         Phải chăng bà bị biển lôi cuốn? Hay chính là biển bị bà thu hút? Được sinh ra trên hòn đảo xinh đẹp của những miệng núi lửa Jeju, haenyeo hàng đầu Koh Ino đã sống trọn đời mình với biển, trong biển, bên bờ vực của sự sống và cái chết. Bà chính là một người con gái của những ngọn núi lửa, của nữ thần biển.

 

THỤY AN dịch

(Nguồn: Ebb and flow of life in the sea: Koh In-o, at 91, still dives, Koreana, vol.28, No. 2,  summer 2014)

         _______________

         1. Nguồn: Hardy divers gather seafood from the ocean floor, Yoo Chul-in, Koreana, vol.28, No. 2, summer 2014.

        2. Nguồn: A sad history behind, Jeju women prove their fortitute through diving, Joo Kang-hyun, Koreana, vol.28, No. 2, summer 2014.

         3. Nguồn: The sea women of our time: how will they survive?, Lee Jin-joo, Koreana, vol.28, No. 2, summer 2014.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : HEE YOUNG-SUN

;