Nghệ thuật trang trí kiến trúc chùa Hương Vân

Chùa Hương Vân (còn gọi là chùa Triều Khúc) thuộc thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Căn cứ trên di tích và nền móng kiến trúc cổ, các nhà nghiên cứu mỹ thuật xác định niên đại chùa vào thời Lê - Mạc. Khoảng cuối TK XVI, dưới triều Mạc, chùa được sửa chữa, làm mới một vài bộ phận trong tổng thể kiến trúc. PhËt gi¸o lu«n ®Ò cao nç lùc vµ ý chÝ cña con ng­êi. Tư tưởng đó được thể hiện rõ nét với sự khái quát và phức hợp hóa biểu tượng trong hệ thống trang trí kiến trúc tôn giáo nói chung. Thấm đượm tư tưởng Phật pháp, các nghệ nhân xưa đã xây dựng và có ý thức trang trí kiến trúc chùa Hương Vân một cách tinh tế, độc đáo, thể hiện sự dung hòa giữa Nho - Phật - Đạo, coi trọng nhân và lấy đó làm trung tâm cho mọi ý tưởng.

 Cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc và những mâu thuẫn trong xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ thuật Phật giáo nước nhà. Trên bình diện văn hóa, chùa Hương Vân cũng đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Năm 1936, sư tổ chùa Hương Vân là Thích Thanh Khánh, được sự giúp đỡ của sư tổ chùa Bát Mẫu cùng với chính quyền và người dân trong thôn Triều Khúc, phát tâm xây dựng lại chùa. Năm 1938, ngôi chùa được hoàn thiện theo phong cách kiến trúc Nguyễn nửa cuối TK XIX.

Chùa Hương Vân là công trình kiến trúc trung tâm của làng Triều Khúc ngày nay. Từ năm 2012, chùa trở nên khang trang hơn với những cấu kiện kiến trúc về cơ bản vẫn giữ gìn nét truyền thống nhưng được gia cố và mở rộng, nâng cao khu vực nhà tổ và phần hậu cung. Lối vào chùa có một cây cầu nhỏ bắc ngang hai bên hồ Triều Khúc được xây hành lang đá với các motip chạm khắc sinh động, tạo nên nét đẹp vừa thanh tịnh vừa sang trọng cho cảnh quan làng cổ ven đô.

Đặc điểm phong cách kiến trúc

Chùa Hương Vân được xây dựng theo trục trung tâm quay về hướng nam, trước cửa chùa cách một con đường nhỏ là hồ Triều Khúc. Chùa Hương Vân, nhìn một cách tổng thể, là công trình đồ sộ và bề thế. Hệ thống kiến trúc chùa bao gồm nhiều lớp: cổng tam quan, lư hương, thượng điện, hai dãy nhà tả vu, hữu vu, nhà thờ tổ, nhà thờ Mẫu và tăng phòng.

Tam quan chùa được xây kiểu hai tầng tám mái, gác giả, tầng dưới cùng là ba cửa vòm có chạm khắc, trang trí. Qua cổng tam quan là một khoảng sân lát gạch đỏ. Tòa tam bảo (thượng điện) là chùa chính, được xây dựng trên cơ sở nền tảng kiến trúc cổ, kết cấu kiểu chữ đinh. Phía sau thượng điện là khám thờ Phật Bà Quan Âm, kế đến là nhà thờ tổ. Về cơ bản, ngôi chùa này được kiến trúc sư và các nghệ nhân dân gian xưa kết cấu kiến trúc nhất quán theo kiểu kiến trúc hai mái, tường hồi bít đốc. Chùa được lợp bằng ngói mũi hài. Các thành phần kết cấu gỗ dùng để đỡ mái làm theo kiểu chồng rường cột chống.

Hầu hết ở những vị trí chính, các thức gỗ, vì kèo của tòa thượng điện được bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ khá đơn giản. Khu nhà thờ tổ năm gian nằm ở phía sau chùa chính cũng giống như tòa tam bảo và tòa thượng điện đều được xây dựng theo kiểu hai mái bít đốc, có vì kèo bằng gỗ, sử dụng những yếu tố trang trí đơn giản. Các mảng gỗ được bào trơn, làm bằng gỗ hương, gỗ mít… Kiến trúc chùa là sự kết hợp tinh tế giữa các loại vật liệu kiến trúc: gạch, gỗ và đá. Một số chi tiết trên hệ thống kiến trúc được kết hợp gạch gốm và các vật liệu tạo màu khác, nhằm tô điểm nhẹ nhàng cho công trình kiến trúc nổi bật với tương quan chung của chùa trong cảnh quan ngôi làng cổ. Đặc trưng phong cách kiến trúc chùa Hương Vân không chỉ nằm ở sự cổ kính, rêu phong trầm mặc của màu gỗ nâu đen nhuộm lớp thời gian mà còn là sự giao hòa giữa kiến trúc và tự nhiên, tạo nên khung cảnh thơ mộng, trữ tình.

Trang trí kiến trúc ngoại thất

Hình tượng tứ linh

Trong số các biểu tượng được đưa vào trang trí tam quan chùa Hương Vân, đáng chú ý nhất là hình tượng rồng - phượng. Rồng trang trí ở tam quan được thể hiện với thân hình uốn lượn tạo nên độ cong mềm mại song cũng không kém phần khỏe khoắn.

Đỉnh trên cùng mái tam quan chùa Hương Vân có xuất hiện hình ảnh lưỡng long chầu nhật, không chỉ mang ý nghĩa về sự xua đuổi tà ma mà còn trở thành họa tiết trung tâm, mang tư tưởng tam giáo đồng nguyên. Hình ảnh này xuất hiện khá đậm đặc ở các di tích của người Việt nhiều thế kỷ, nhưng riêng ở chùa Hương Vân, điểm đặc biệt trong cách tạo hình là sự ẩn hiện của thân rồng trong lối đặc tả đầu rồng đắp nổi. Rồng được lược bỏ các chi tiết phần thân, đặc tả kỹ lưỡng phần đầu với đặc điểm đầu lớn, mắt to và tròn xoe xoay hướng về phía mặt trời. Lối tạo hình đơn giản mà khỏe khoắn, mạnh mẽ, gợi sự trang nghiêm, vững chãi cho tiền cảnh kiến trúc của chùa.

Nếu như họa tiết rồng trong đồ hình lưỡng long chầu nhật mạnh mẽ, khỏe khoắn thì hình ảnh rồng trên đầu đao mái dưới có phần mềm mại hơn, được thể hiện đầy đủ cả thân và đuôi, thân hình thon nhỏ, uốn cong, vảy, râu, sừng được đơn giản hết mức. Rồng trong trang trí kiến trúc này không có nhiều điểm khác biệt, mang dáng dấp chung của rồng thời Nguyễn, thanh thoát, mềm mại, chi tiết và sắc nét. Đáng chú ý hơn cả là sự kết hợp giá trị biểu tượng với hình ảnh được cách điệu hóa lưỡng long cưỡi mây trong chạm khắc kiến trúc, được các nghệ nhân chủ ý tạo tác với hướng đầu quay về phía mặt trời, mang ý nghĩa cầu mưa, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ý nghĩa này rất gần gũi và phù hợp với những quan niệm, những điều răn dạy của đạo Phật xưa nay: thuận hòa vũ trụ trời - đất, nhằm hợp nhất âm - dương và mong cho thiên hạ thái bình.

Đứng sau rồng trong nhóm tứ linh là lân (kỳ lân), một linh vật biểu tượng cho sự kết hợp giữa thời gian và không gian, sự an bình, mang ý nghĩa tương thích với những giáo lý của Phật pháp. Kỳ lân trong môtip trang trí kiến trúc chùa Hương Vân được tạc khối tròn, chạm khắc tinh tế và đặt trên đỉnh trụ biểu của tam quan. Kỳ lân kết hợp với mô thức trang trí phượng tạo nên mối giao hòa, kết hợp tài tình giữa cứng và mềm, động và tĩnh, âm và dương.

Phượng (phụng) là một trong bốn con vật trong nhóm tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các nước Á Đông. Các chi tiết, bộ phận của phượng đều có ý nghĩa riêng. Đầu phượng đội công lý và đức hạnh, cánh mang sức mạnh của gió, đôi mắt tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, đuôi giống đuôi công, là tinh tú, lông là cây cỏ, lưng php múa hoặc bay, đó tựa như những hoạt động của vũ trụ bao la. Chim phượng đã trở thành biểu tượng của thánh nhân, hạnh phúc và thịnh vượng. Hình tượng chim phượng được đắp trên đỉnh biểu trụ cổng tam quan là một chi tiết trang trí mang ý nghĩa tâm linh, giàu tố chất tạo hình, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc giản dị song không kém phần trí tuệ ở ngôi chùa này. Điều đặc biệt, với họa tiết này, cách thức tạo hình đã không còn chứa đựng nhiều tính chất dân gian như ở TK XVI, XVII. Phượng được thể hiện với kiểu thức phượng vũ, tả theo lối nhìn nghiêng, ngậm cành hoa, tóc hình lá sắc nhọn vuốt dài ra phía sau. Hai cánh phượng lớn và xòe rộng, giang hai bên, chiếm phần lớn mảng chạm khắc. Thân phượng có vảy, uốn mềm mại như dải lụa đào hồng. Hình ảnh phượng ngậm cành hoa còn được gắn với ý nghĩa thiêng liêng về con chim đất Phật, có khả năng giảng đạo pháp, làm nhiệm vụ như các thần chim: ca hát, nhảy múa chào mừng Phật pháp.

Môtip thực vật trên hệ thống trang trí diềm cột

Hoa sen là họa tiết trang trí chủ yếu trên các diềm cột trước cửa tiền đường chùa Hương Vân. Sự lặp lại khiến hình ảnh hoa sen trở thành môtip trang trí thực vật độc đáo. Bên cạnh hoa sen, hoa mai cũng xuất hiện với mật độ và tần suất không nhỏ trong trang trí kiến trúc bằng những nét khắc mềm mại. Cánh mai nhỏ được chạm khắc bằng nét cong, mảnh, đôi chỗ tạo bởi những đường gờ uốn cong theo từng nhịp. Bông mai năm cánh bung nở với những chùm vân cánh thanh, mỏng, tỏa về nhiều hướng, được đặc tả trên một số vị trí kiến trúc, gây xúc cảm thẩm mỹ nhẹ nhàng cho người thưởng thức và vãn cảnh chùa. Nghệ nhân đã thể hiện hình ảnh bông mai một cách sinh động trên cả chất liệu gỗ và đá. Tuy không được tô màu nhưng tự thân chất liệu và hơn hết là khả năng biểu đạt độ nông sâu với các nét chạm thay đổi, tạo lên những lớp cánh của bông mai tùy độ dày mỏng, rất sinh động. Bằng kỹ thuật chạm nét phong phú với độ cao thấp, gồ nổi, tạo sự chuyển động của ánh sáng, từng chùm hoa mai được gắn kết với nhau bằng thân mai uốn mềm mại, bay bổng nhưng cũng thật khỏe khoắn. Thân mai uốn lượn như những lớp sóng nhịp nhàng, mang tính nhịp điệu cao trong các bố cục chặt chẽ.

Mỗi mùa trong năm thường có một loài hoa đại diện. Nếu đào, mai đại diện cho mùa xuân thì cúc là loài hoa của mùa thu. Cúc cùng nằm trong bộ tứ quý cùng với mai, lan, trúc, trên diềm cột trước cửa tiền đường. Hình ảnh hoa cúc xuất hiện với vẻ đẹp mềm mại nhưng vững vàng. Bông cúc tròn, từng cánh hoa chúm chím. Nét khắc mềm mại, với những độ nông, sâu khác nhau, tạo khối sinh động cho từng bông hoa, từng chiếc lá. Hoa cúc có sức sống mãnh liệt, từ lúc nở cho đến khi lá có héo khô cũng không chịu lìa cành. Đó phải chăng là sự kiên định của người quân tử suốt đời không rời bỏ lý tưởng, tôn sùng đạo pháp, suốt đời hướng thiện, hỷ xả, bao dung. Cũng bởi cái cốt cách và vẻ đẹp tự thân của cấu trúc lớp cánh mà cúc xuất hiện trong trang trí kiến trúc chùa Hương Vân, tuy không nhiều nhưng có giá trị như điểm nhấn cho những vị trí trung tâm của hệ thống trang trí cấu kiện kiến trúc chùa.

Trang trí gốm kiến trúc

Loại gốm được sử dụng chủ yếu trong trang trí kiến trúc chùa Hương Vân là gốm hoa lam, có từ khoảng cuối TK XIV, XV trong mỹ thuật người Việt với hình dáng đơn giản. Đến TK XVI, gốm hoa lam có sử dụng lớp men lam trong, bóng trang trí cho các vật dụng. Các hoa văn trên gốm lam được vẽ nhẹ nhàng, giống như lối vẽ thủy mặc. Đề tài trang trí trên các sản phẩm gốm hoa lam thường là rồng, phượng, mây, hoa sen, hoa cúc… Cuối TK XIX đầu TK XX, gốm hoa lam chuyển sang phong cách tả thực theo hai xu hướng: phô trương với các hoa văn trang trí rườm rà, phức tạp và đơn giản hóa các hình dáng và hoa văn dạng kỷ hà. Ở các vị trí kiến trúc ngoại cảnh, các nghệ nhân dân gian đã lựa chọn hình thức trang trí gốm men lam đơn giản, có khi chỉ đơn thuần là sự cắt ghép các mảnh gốm nhỏ trong một khuôn chữ, hoặc có khi là loại gốm tráng men bóng để trang trí hành lang kiến trúc.

Gốm xuất hiện trên những mảng trang trí ở hai đầu hồi bên ngoài tòa thượng điện, trên phần trang trí các trụ cổng tam quan được thể hiện với kiểu thức đơn giản, trong các đồ án hình vuông, hình tròn, dạng thức trang trí hoa văn hoa lá cách điệu, giản lược chi tiết.

Ở một số vị trí khác, họa tiết trang trí gốm có phần phức tạp hợp với các hoạt cảnh liên hoàn, tạo thành bức tranh trang trí đắp nổi trên hai đầu hồi của tòa thượng điện. Trên đó là các chi tiết lược trích về tích thày trò Đường Tam Tạng đi lấy kinh vốn đã được biết đến trong nhân gian, nay được họa hình trong thể thức trang trí kiến trúc, làm cho gốm kiến trúc thêm phần sinh động hơn. Đáng chú ý là trên bề mặt tranh, các nghệ nhân đã sử dụng những mảnh gốm nhỏ gắn ghép để tô điểm cho vẻ đẹp của tranh, làm cho bức tranh gốm đắp nổi thêm phong phú về màu sắc. Những mảnh sứ với các màu sắc khác nhau: xanh, cam, đỏ, trắng… tạo nên nhịp điệu màu sắc phong phú, kết hợp đường viền đậm, tạo nên nét chắc khỏe cho bức tranh.

Không chỉ xuất hiện trên các bức tranh ở đầu hồi tòa thượng điện, gốm trang trí còn được sử dụng làm điểm nhấn trên các chi tiết ở thân của những con vật trong nhóm tứ linh đắp trên đỉnh trụ cổng tam quan. Những mảnh gốm với hoa văn màu xanh lam tạo nên sức hút cho phần trang trí đỉnh trụ. Đứng từ dưới nhìn lên đỉnh trụ, chúng tôi bị hút tầm mắt đắm nhìn vào hình phượng đang uốn mình ngậm cành hoa sen. Phần thân chim phượng có khối tròn được gắn các mảnh gốm hoa văn màu xanh lam, kết hợp với những nét uốn lượn mềm mại trên đuôi chim, gợi vẻ đẹp sinh động, thanh thoát. Những miếng gốm ghép nhỏ đều đặn giả vảy và cánh của phượng, tạo thành điểm nhấn cho họa tiết, thể hiện một phong cách trang trí riêng biệt.

Trang trí kiến trúc nội thất

Chữ Hán trong hệ thống trang trí đầu cột, diềm mái

Trong nửa cuối TK XIX, yếu tố ngoại lai được thể hiện rõ nét qua các công trình nghệ thuật, trong đó, trang trí kiến trúc có sự kết hợp giữa các môtip truyền thống của người Việt với chữ Hán được coi là một kiểu thức độc đáo. Chữ Hán là yếu tố trang trí chính cho các đầu cột kiến trúc ở chùa Hương Vân. Hệ thống chữ Hán không chỉ được dùng để trang trí trên các kiến trúc ở chùa, mà còn được sử dụng khá nhiều trong trang trí kiến trúc tôn giáo ở làng Triều Khúc. Nếu như trang trí đầu cột chính chùa Hương Vân có sử dụng lối chạm khắc sâu, đường kỷ hà vuông vức có tô màu trên các gờ nét thì hệ thống trang trí chữ trên đầu cột đình Sàn lại dùng lối khắc nông, nét khắc mảnh, sơn son phủ lên nền gỗ.

Bên cạnh những họa tiết trang trí chữ Hán mang tính truyền thống được sử dụng ở đầu cột cái, nghệ nhân còn sử dụng nhiều họa tiết lá, soi gờ chạy chỉ trên các đỉnh cột. Các đường gờ gỗ chạy thanh thoát, vuông vức trên đỉnh cột kết hợp với họa tiết lá mềm mại càng làm cho cột giàu tính trang trí hơn. Trong cùng một không gian tâm linh trầm mặc, việc sử dụng phức hợp các hình thức trang trí truyền thống và hiện đại đã giúp cho kiến trúc chùa trở nên hài hòa, gần gũi hơn với người dân khi vãn cảnh, đồng thời nó còn thể hiện sự giao thoa giữa trang trí kiến trúc truyền thống và trang trí kiến trúc hiện đại.

Chùa Hương Vân được biết đến như là một trung tâm văn hóa tín ngưỡng điển hình ở làng ven đô đang đô thị hóa. Vì vậy, sự quản lý và đầu tư cho việc tu bổ di tích văn hóa này trở thành mối quan tâm của tất cả người dân trong làng và chư khách thập phương. Từ khi tu bổ vào 2013 đến nay, ngoại thất ngôi chùa gần như được giữ nguyên, kết cấu hệ thống kiến trúc cơ bản không có gì thay đổi, chỉ có nội thất kiến trúc từ cột cái, cột quan đến các hoa văn trang trí đầu cột đã có các mô thức thay đổi phù hợp với tư duy thẩm mỹ thời hiện đại. Sự kết hợp đa dạng vật liệu và kết quả nâng cao kiến trúc nhà tổ, nhà tăng có thể sẽ làm cho diện mạo Hương Vân đẹp thêm, phù hợp với xu hướng thời đại và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh ở địa phương.

Môtip thực vật trang trí trên hệ thống liên ba, cửa võng tòa thượng điện

Trang trí kiến trúc chùa Hương Vân không dừng lại ở việc sử dụng các họa tiết thực vật, mây hay các con thú trong nhóm tứ linh, mà môtip trang trí được các nghệ nhân chế biến tinh tế, khéo léo trở thành nét nhìn mới mẻ về các họa tiết truyền thống. Cỏ cây, hoa, lá không còn là nguyên thể của nó mà trở thành các linh vật. Trên diềm liên ba sơn son thếp vàng lộng lẫy, các nghệ nhân đã sử dụng kỹ thuật chạm lộng, nổi bật ở trung tâm chính là bông cúc đại đóa và lưỡng long chầu với kiểu trúc hóa long. Hình tượng trúc hóa long được xuất hiện nhiều trong các chạm khắc trang trí của triều Nguyễn, song ở chùa Hương Vân, chạm khắc ở liên ba với họa tiết này lại tạo nên vẻ độc đáo riêng biệt. Lưỡng long được cách điệu và kiểu thức hóa từ thân trúc tượng trưng cho tầng trời, cùng chầu về hướng trung tâm là bông cúc đại đóa nhiều lớp cánh. Trong số các biểu tượng của nhà Phật, bông cúc (đại đóa) là một biểu tượng gắn với âm, người mẹ và dường như trong vị trí kiến trúc này, nó là sự kết hợp giữa âm và dương trong một chỉnh thể toàn vẹn. Phải chăng đó là sự giao hòa giữa Nho và Phật. Nho giáo gắn liền với sự cai trị của vương triều cùng những trật tự trong xã hội, Phật là hướng thiện, là tinh thần từ bi hỷ xả, đồng thời gắn liền với những gì tinh túy nhất từ tinh thần từ bi của đạo Mẫu của người Việt. Bông cúc ở đây còn gợi liên tưởng giống hình hài của linh quy, sự trường tồn vĩnh cửu, sự biểu trưng hóa của tầng đất được kết hợp trong một đồ án trang trí kiến trúc tạo nên nét riêng biệt đậm chất nhân văn và thẩm mỹ.

Với hoa mai cũng vậy, bản thân nó đứng riêng lẻ trong một vị trí trang trí kiến trúc thì chỉ mang vẻ đẹp của một bông hoa tự nhiên, nhưng khi được kiểu thức hóa, nâng lên trở thành một biểu tượng vật linh thì nó lại mang ý nghĩa tâm linh, văn hóa sâu sắc. Những chùm hoa mai xen kẽ với nhiều lá nhỏ trong các dải hoa dây tạo nên bố cục nhịp điệu uyển chuyển, gợi liên tưởng như thân rồng đang uốn lượn. Đầu rồng được kết hợp kiểu thức bằng chùm hoa có kích thước, hình dáng to nhỏ khác nhau. Tinh khéo, tế vi, các nghệ nhân đã tạo nên mắt rồng bởi những bông mai to nhất ở trung tâm. Râu rồng được tạo thành bởi những lá nhỏ, dài, uốn mềm mại.

Một số kiểu thức trang trí đặc biệt khác

Ở vị trí trung tâm gian tam bảo, dưới hoành phi được chạm khắc hình lưỡng long chầu phượng. Người ta thường thấy lưỡng long chầu nguyệt hay lưỡng long chầu nhật, thì ở đây lại là sự kết hợp hình tượng biểu thị cho âm - dương theo một kiểu thức lạ mắt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nghệ nhân lại đưa ra hình tượng lưỡng long chầu phượng, rất có thể sự dân gian hóa của những yếu tố cung đình đã xuất hiện trong nghệ thuật ở làng. Sự thay đổi về quan niệm, sự đổi mới về tư tưởng thẩm mỹ của triều Nguyễn so với thời đại trước chính là sự thoát ly của lối nhìn truyền thống. Phượng biểu thị âm (người phụ nữ), long biểu thị cho dương (vương quyền - mạnh mẽ). Long - phượng trở thành một cặp hoàn hảo trong đồ thức trang trí thể hiện sự táo bạo, tinh tế song cũng không kém phần gợi mở về một không gian văn hóa - biểu tượng qua hệ thống trang trí kiến trúc chùa Hương Vân.

Không chỉ có đá là nguyên vật liệu chính trong kiến trúc chùa Hương Vân, gỗ với các mảng trang trí ván dó cũng được chú trọng đến chi tiết chạm khắc với các biểu tượng rồng - mây. Trên mảng gỗ chạm, nghệ nhân xưa đã khắc họa nét điển hình của rồng với chi tiết mảnh nhỏ trong nét khắc chạm râu rồng. Họa tiết rồng - mây phối kết hợp trên mảng chạm được thể hiện với kỹ thuật chạm lộng tạo nên giá trị thẩm mỹ cao cho biểu tượng tứ linh ở chùa. Bên cạnh những mảng chạm khắc trang trí trên gỗ, chạm khắc trên đá cũng tạo nên nét riêng biệt cho nghệ thuật kiến trúc và trang trí kiến trúc chùa Hương Vân. Chạm khắc trên đá với kỹ thuật chạm nông ở các thức cột vuông khu nhà tổ được thể hiện với phong cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Hầu hết các đề tài tứ quý - mai, lan cúc, trúc hoặc hoa sen… đều là biểu trưng cho tinh thần tịnh độ của Phật pháp.

Các mô thức trang trí gợi liên tưởng như thể thức trang trí đường diềm, tính chất hiện đại nằm ở chỗ không bó hẹp trong kiểu thức, đề tài, đó là tính chất chân thực không kiểu mẫu, khuôn phép, gần gũi song cũng rất sâu sắc, tác động đến niềm tin tôn giáo của con người khi đến cửa thiền. Chạm khắc gỗ cổ kính, chạm khắc đá sang trọng cùng được kết hợp trong trang trí kiến trúc chùa Hương Vân tạo nên nét đẹp cho ngôi chùa làng Triều Khúc giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Trên các cột đá kiến trúc nhà tổ, ở các vị trí tuy không đồng nhất về hoa văn trang trí, mặt trước là chữ Hán tạo thành những hàng chữ đăng đối, các phía còn lại của cột vuông có mặt là hoa sen, có mặt trang trí hoa cúc hoặc cũng có mặt trang trí hoa mai. Nhìn theo chiều dọc, hoa văn trang trí tạo thành những đường uốn lượn theo kiểu dáng của thân cây, nhìn trục ngang giống như kiểu thức trang trí lặp lại, xen kẽ mà chính thân cây tạo nên nhịp điệu.

Tuy không thể hiện với kiểu thức lá hóa như những phần chạm lộng trên các phiến gỗ trong trang trí kiến trúc đại điện, song nhìn chung, những khối chạm đá trên cột nhà tổ được thể hiện khá tinh xảo với nhịp điệu của hình khối, đường nét từ thân mai và các chi tiết cành lá uốn lượn. Những mảng chạm đá trên cột vuông ở nhà tổ được thể hiện với hình thức tả chất, tả khối kết hợp với đường nét chạm khắc tinh tế, tạo nên giá trị riêng biệt, độc đáo, cách tân cho một phần trang trí cấu kiện kiến trúc ở chùa Hương Vân - một ngôi chùa độc đáo giữa lòng Thủ đô.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Đào Thị Thúy Anh - Ngô Thị Hương

;