NHÌN LẠI XU HƯỚNG TỐI GIẢN CỦA HỘI HỌA VÀ ĐIÊU KHẮC Ở VIỆT NAM

Nghệ thuật tối giản (minnimal art) là chủ trương giản lược hóa hình tượng, đến mức chỉ còn là một khối vuông, khối dẹt, hay khối kỷ hà, nhân lên nhiều bản giống nhau, bày thành một dãy theo phương pháp module của công nghiệp hay kiến trúc (1). Tối giản trở thành xu hướng trên thế giới, bắt đầu từ Mỹ trong thập niên 60 TK XX. Ở Việt Nam, nghệ thuật tối giản được các nghệ sĩ hội họa và điêu khắc áp dụng từ rất sớm và để lại những thành công nhất định. Bài viết góp một cái nhìn lại xu hướng tối giản ở hai lĩnh vực hội họa và điêu khắc, để thấy rõ hơn sự vận động của nó trong mỹ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại.

Hội họa tối giản

Ngay từ đầu, nghệ thuật tối giản vào Việt Nam không theo xu hướng cố định, hay cố tình, không rơi vào giáo điều, rời xa khuynh hướng hiện thực phương Đông luôn chi phối các sáng tác của người nghệ sĩ. Tiên phong đi đầu trong xu hướng tối giản ở Việt Nam có lẽ phải nhắc đến họa sĩ Dương Bích Liên với tác phẩm Hào (phấn màu, 1972). Vẫn mang tinh thần chiến đấu, tố cáo hiện thực của chiến tranh vệ quốc, song Hào đã rời xa sự hạn hẹp về phương tiện biểu hiện cũng như trong bố cục. Khác với những bức tranh miêu tả hời hợt về chiến đấu sản xuất là hình ảnh hào giao thông được đào sâu dưới mặt đất chừng 1,2m. Trong chiến tranh, hào là nơi các chiến sĩ chiến đấu với quân địch, đồng thời cũng là nơi che chắn cho họ tránh được tên bay, đạn lạc. Bản thân hào giao thông trong chiến tranh vốn đã tối giản về hình thể, khi bước vào hội họa của Dương Bích Liên, đã trở thành nét đẹp rất riêng mà trong các tác phẩm hội họa trước đó, ông chưa từng trải nghiệm qua. Thoạt nhìn, Hào giống với cánh đồng lúa đang vào mùa gặt nhờ sắc vàng phủ trên khắp bề mặt tranh. Tuy nhiên, với sự tinh tế và con mắt sắc bén, họa sĩ Dương Bích Liên đã nhấn nhá thêm một vài hình ảnh biểu trưng, đó là những người lính hành quân và hai quả tên lửa cũng đã được giản lược hóa triệt để. Tất cả những hình ảnh đó quấn bện nhau nhờ hòa sắc và sự tinh giản tột độ về hình ảnh. Tuy nhiên, đích đến ban đầu của họa sĩ Dương Bích Liên không hẳn nhấn mạnh đến nghệ thuật tối giản, họa sĩ chỉ đơn thuần “ghi chép” lại thực địa - hào như bao tác phẩm hội họa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Như vậy, Hào ở đây không chỉ mang bút pháp của hội họa tối giản mà còn có sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực vốn ăn sâu bén rễ trong mỹ thuật giai đoạn 1954 - 1975.

Cuối TK XX, đầu TK XXI, hội họa tối giản ở Việt Nam phát triển và ảnh hưởng nhiều yếu tố thiền định và cảm nhận từ thể thức thơ Haiku (2) của Nhật Bản. Các họa sĩ Lê Thiết Cương (1962), Nguyễn Thanh Bình (1954), Đặng Xuân Hòa (1959)… đến với những tác phẩm hội họa tối giản từ cái duyên như vậy. Tranh sơn dầu của Lê Thiết Cương vẽ bằng những nét đơn giản, màu sắc không sặc sỡ. Tối giản ở đường nét âm âm, tái nhạt, xỉn. Họa sĩ tìm cái đẹp ở màu cỏ úa, màu u ám của tinh sương hay chiều muộn. Tối giản là phẳng phiu, là lặng thinh, tối giản hao hao như một dấu lặng. Không gian ba chiều cũng không được tôn trọng nữa, họa sĩ đưa lên bề mặt tranh có thể là hình ảnh người con gái như đang bay, đang đi bên một cành sen trên mặt phẳng tranh. Ở tác phẩm khác, Cầu mưa, hình ảnh con người cũng được giản lược tối đa chỉ còn là mảng bẹt, không mắt mũi, hai bàn tay chỉ tạo hình bằng đường nét, màu sắc đỏ cam xen lẫn sắc xám tạo nên một tổng thể đầy sức gợi.

Cũng như chủ nghĩa hiện thực trong thời kỳ mới, việc xây dựng hình tượng điển hình trong nghệ thuật không hẳn phù hợp với tư duy mới trong hội họa. Hội họa tối giản ở Việt Nam, từ những năm đầu TK XXI, phát triển khá lặng lẽ nhưng mỗi một họa sĩ khi đã chọn con đường này đều ghi dấu ấn riêng đậm nét, bởi ngôn ngữ tối giản giúp họ đi sâu hơn vào thế giới suy tưởng cá nhân, tinh lọc và tinh khiết dần nhờ vào các trải nghiệm thẩm mỹ. Tối giản không hạn chế mà nó mở ra cách nhìn nhận nhiều chiều ở họa sĩ và cảm nhận từ công chúng.

 
 
 
Hào. Tranh của Dương Bích Liên 
 

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình tìm cảm hứng cho những sáng tác tối giản đầu năm 2016 từ dòng thơ Haiku Nhật Bản. Yếu tố tối giản trong tranh sơn dầu của họa sĩ là sự cô đọng, đề tài đơn giản nhưng ý tưởng lớn, giản lược hình ảnh, họa sĩ hướng cá tính của mình vào trong tranh, đó là bình lặng, bình tĩnh, bình yên. Các tác phẩm Nhà thờ, Cầu Long Biên (sơn dầu, 2016) đã thể hiện rõ tinh thần ấy. Chỉ bằng những nét nhẹ, cùng với sự hòa sắc của các mảng màu đứng cạnh nhau, mang nhiều sức gợi hơn khi đặc tả dưới bút pháp hiện thực. Khi họa sĩ chọn nghệ thuật tối giản để gửi gắm nỗi niềm sâu kín, lấy cảm hứng từ thơ Haiku Nhật Bản, có nghĩa họa sĩ đã chủ động tìm đến tối giản nhưng cách tiếp cận lại gián tiếp, đòi hỏi người xem không thể cảm và hiểu về tác phẩm một cách phổ thông mà phải dành cho nó thời gian để chiêm nghiệm, kết nối các loại hình nghệ thuật khác.

Thủ pháp diễn tả chủ yếu là mảng trong tranh, đã thay đổi căn bản hội họa tối giản ở Việt Nam, cũng được chấp nhận, làm cho nghệ thuật tối giản gần gũi hơn với hội họa trừu tượng, biểu hiện hơn. Từ những năm cuối thập niên 90 TK XX đến nay, dưới sự ảnh hưởng của hội họa trừu tượng, họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Tào Linh, đã vẽ trừu tượng theo một tinh thần mới của tối giản. Tất cả sự vật trong tranh của họ đều được quy ra thành những mảng bẹt, màu sắc tiết chế, hình ảnh nhân vật trong tranh được giản lược hóa theo yếu tố ước lệ dân gian (3). Song lại khác dân gian ở bút pháp trừu tượng hóa đã có suy tính, cân nhắc của người họa sĩ thông qua những hình ảnh tưởng chừng đơn giản ấy. Người xem có thể nhận thấy xu hướng này thông qua các tác phẩm Chân dung tự họa (sơn dầu, 2008) của họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Độc ẩm (sơn dầu, 2016) của họa sĩ Tào Linh. Qua đó, có thể thấy đích đến ban đầu của các họa sĩ không phải là nghệ thuật tối giản, song tự thân các tác phẩm lại chứa đựng bút pháp của nghệ thuật này. Các hình thể dường như có đời sống tự nó trong không gian của trừu tượng.

Một dạng khác của hội họa tối giản tuân thủ theo đúng quy luật ban đầu của yếu tố nghệ thuật này, đó là sự trưng bày các môtip hình ảnh tương tự nhau về hình dáng, kích thước. Họa sĩ Vương Tử Lâm đã sử dụng năm vòng tròn với năm màu, cũng là tiêu đề tác phẩm, Đỏ, Vàng, Lam, ĐenTrắng (sơn dầu, 2012) như một tuyên ngôn về tối giản trong hội họa của mình. Các tác phẩm của ông mở ra nhiều gợi ý, là vô hướng một cách thực sự.

Là một yếu tố nhỏ của hội họa, nhưng tối giản kỳ thực mà nói không hề tiệp nghĩa như vẫn lầm tưởng. Thông qua các hình tượng hiện thực, cũng như tượng trưng của tác phẩm, thấy được phần lớn đề cao sức gợi từ ý niệm của người họa sĩ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về tối giản trong tranh sơn dầu của họa sĩ Vương Tử Lâm, cho rằng những tác phẩm kể trên không thể gọi là tối giản, đồng thời cũng khó gọi thành tranh. Bởi những vòng tròn sắc màu có thể gợi cho người xem liên tưởng tới ngũ hành trong trời đất, đồng thời với nhiều người nó đơn giản chỉ là vật trang trí thường thấy trong thiết kế nội thất. Như vậy, chỉ riêng với hội họa, nghệ thuật tối giản đã có nhiều hướng đi khác nhau, vừa ngẫu nhiên, vừa chọn lọc cố tình theo ý niệm của mỗi họa sĩ.

Điêu khắc tối giản

Điêu khắc tối giản ở Việt Nam bắt đầu khá sớm, cùng thời điểm so với sự xuất hiện khái niệm tối giản trên thế giới. Điêu khắc tối giản, từ khi bắt đầu cho tới thời điểm hiện tại, đã trải qua nhiều phong cách khác biệt, góp phần sự đa dạng, phong phú của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Xuất hiện gần như đồng thời với trào lưu tối giản trên thế giới, Vót chông (thạch cao, 1967) của nhà điêu khắc Phạm Mười được xem là tác phẩm điêu khắc thuộc xu hướng tối giản đầu tiên ở Việt Nam. Cũng giống như Hào (Dương Bích Liên) trong hội họa, Vót chông lấy đề tài chiến tranh, bắt đầu từ ý thức của hậu phương, thông qua hình ảnh cô gái vót chông. So với các tác phẩm điêu khắc cùng thời điểm, Vót chông đã đẩy lui được hầu hết các chi tiết rườm rà quanh hình tượng nhân vật, duy chỉ có khuôn mặt vẫn mang đầy đủ chất đặc tả của hiện thực. Vót chông đã đột nhiên vượt ra khỏi phong cách thuật sự cố hữu của nghệ thuật điêu khắc đương thời, dung hợp một cách tự nhiên các yếu tố tối giản, hiện thực, khái quát hình thể mà không sa vào khái niệm hóa. Nhà điêu khắc Phạm Mười được xem là một trong những nghệ sĩ mở đường cho quá trình đổi mới theo hướng hiện đại của điêu khắc Việt Nam cuối những năm 60, đầu những năm 70 TK XX. Cuối TK XX, nhà điêu khắc Lê Công Thành, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng tìm đến tối giản với điêu khắc thông qua các tác phẩm Sắp làm mẹ (1988) và Hạt gạo (1995). Ra đời trong thời kỳ đổi mới đất nước, hình ảnh vừa tượng trưng vừa hiện thực của tác phẩm cho thấy giai đoạn này các nghệ sĩ chú trọng tới hình thức biểu đạt của tác phẩm, tuy tối giản nhưng không khó để đoán định cũng như đọc được tác phẩm. Đây được xem là sự đổi mới hoàn toàn trong sáng tác điêu khắc thiên về cổ động và hiện thực của giai đoạn kháng chiến vệ quốc (1945 - 1975) và xây dựng đất nước (1975 - 1985), các nghệ sĩ đã chứng minh nét đổi mới của mình thông qua thực tiễn bằng chính tác phẩm. Với Sắp làm mẹ, Lê Công Thành sử dụng ba khối đồng được tạo tác thành hình ảnh người phụ nữ với bầu vú rắn chắc, quả trắng, khối chắn. Bộ ba khối đồng đặt cạnh nhau với ý nghĩa tương trợ, sự che chắn của người mẹ với đứa con đang hình thành, ca ngợi ý nghĩa thiêng liêng của tình mẫu tử. Tương tự như vậy, Hạt gạo của họa sĩ Lê Thiết Cương hướng tới lòng biết ơn, ca ngợi truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời từ Hạt gạo, người xem có thể liên tưởng đến nhiều khía cạnh khác trong đời sống lịch sử, văn hóa Á Đông, văn hóa Việt Nam, xã hội, kinh tế…

Nhìn chung, điêu khắc tối giản Việt Nam TK XX vẫn mang nặng tính hiện thực, nhưng lại giàu sức gợi. Sang TK XXI, được đánh giá là thời kỳ hội nhập và phát triển của mỹ thuật, định hướng mỹ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng đã có nhiều sự thay đổi. Sự thay đổi ở đây phải kể đến sự tích hợp giữa các yếu tố nghệ thuật hậu hiện đại, đã dẫn đến sự tích hợp giữa hai yếu tố sắp đặt và điêu khắc tối giản trong cùng một tác phẩm. Người tiên phong trong phong cách này là các nhà điêu khắc Phan Phương Đông, Thái Nhật Minh, Hoàng Mai Thiệp, với nhiều sự lựa chọn chất liệu phong phú, làm nên nét riêng biệt cho điêu khắc tối giản Việt Nam. Hành trình đến với điêu khắc tối giản của Phan Phương Đông đã gần 20 năm với rất nhiều sự thay đổi về hình thức và chất liệu sáng tạo. Ban đầu ông chọn gỗ (1997), chất liệu quen thuộc trong kiến trúc và điêu khắc dân gian, sau đó đến chất liệu đồng (1999), tiếp đó là đồng kết hợp với mica vào năm 2002, mục đích là làm giản lược yếu tố trung gian bằng chất liệu mica. Đến năm 2005, ông hoàn toàn sử dụng mica, yếu tố tối giản được nhấn mạnh triệt để (cả hình lẫn sắc). Không dừng lại ở đó, năm 2010, Phan Phương Đông chọn inox, chất liệu thường dùng để trang trí trong kiến trúc. Cái tài của ông là đã biết nương theo vật liệu, khiến tác phẩm tuy tối giản song không mang yếu tố trang trí. Năm 2011, ông chọn ánh sáng cho những thử thách về tối giản, sắp đặt ánh sáng gồm một tác phẩm điêu khắc và hai tranh in theo hướng tối giản trên chất liệu inox, ánh sáng chiếu rọi vào tác phẩm phản chiếu qua lại trở thành những hình học tối giản nhưng rất giàu yếu tố thẩm mỹ. Gần đây nhất, năm 2015, điêu khắc tối giản của Phan Phương Đông là sự tổng hòa giữa các chất liệu được bày theo môtip, đúng khái niệm ban đầu của nghệ thuật tối giản. Ẩn sâu trong mỗi tác phẩm điêu khắc tối giản của ông, có sự chuyển động chậm, chuyển động của tâm thức thiền, tác phẩm điêu khắc tối giản là chứng ngộ cho tâm thiền vụt sáng (4).

Nhà điêu khắc Hoàng Mai Thiệp chọn riêng phong cách tối giản của anh trong nghệ thuật qua hình ảnh cá, vốn được sử dụng rất nhiều trong đồ họa, điêu khắc dân gian, như tranh dân gian Hàng Trống, phù điêu chạm nổi cá hóa rồng tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)… Tạo hình cá của Hoàng Mai Thiệp là sự kết hợp giữa ba yếu tố, điêu khắc tối giản, sắp đặt, sơn mài qua tác phẩm Vũ môn (mica và sơn mài, 2009). Bên cạnh đó, Hoàng Mai Thiệp còn sử dụng thêm chất liệu quen thuộc của điêu khắc đương đại như  composite cho tác phẩm Biển đông (2012). Thoạt nhìn vào các tác phẩm điêu khắc tối giản của Hoàng Mai Thiệp, người xem có thể phần nào hiểu được ý nghĩa tác phẩm, tuy nhiên, để đến được với tác phẩm, người nghệ sĩ đã phải tìm tòi về chất liệu, làm mới chất liệu truyền thống (sơn mài) vào điêu khắc bằng một diện mạo mới, tối giản nhưng đồng thời mạnh mẽ và đầy ý chí.

Phong phú hơn về đề tài cũng như cách lựa chọn linh vật cho mỗi sáng tác điêu khắc tối giản, có thể nói là các sáng tác của Thái Nhật Minh. Anh chau chuốt với khối, khá kỹ lưỡng trong xử lý chất liệu. Anh cũng tinh tế trong tạo hình, cân nhắc gạt bỏ những chi tiết chỉ để tập trung vào khối cơ bản, nhấn mạnh vào đặc trưng tạo hình của đối tượng anh muốn thể hiện (5). Cách thức trưng bày tác phẩm của Thái Nhật Minh cũng đặc biệt, nó là sự kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc và sắp đặt. Mục tiêu cuối cùng là tạo một không gian nghệ thuật hấp dẫn thị giác công chúng. Quá trình đến với điêu khắc tối giản của Thái Nhật Minh chưa hẳn dài, nhưng số lượng tác phẩm tính đến thời điểm hiện tại là khá lớn, theo series sáng tác và với nhiều chất liệu khác nhau, ban đầu là đá và sắt (2007), đồng (2008), gỗ, đa chất liệu (2011), nhôm, nhựa trong pha màu (2011, 2012), giấy bồi (2013)… Thái Nhật Minh sáng tạo không ngừng trên nhiều chất liệu khác nhau, tạo nên nét độc đáo, tuy tối giản nhưng độc lập, cá tính trong sáng tạo.

 Có thể thấy, dòng chảy điêu khắc tối giản ở Việt Nam tuy có lúc ngừng, nhưng sức sáng tạo không ngừng nghỉ qua nhiều thế hệ. Từ để tài phản ánh chiến tranh (Phạm Mười), đến tình mẫu tử (Lê Công Thành), tâm thiền định (Phan Phương Đông), tính thời sự (Hoàng Mai Thiệp) và đa xúc cảm (Thái Nhật Minh) đã mang lại nét phong phú cho nghệ thuật điêu khắc tối giản, đồng thời cũng minh chứng cho thấy dòng chảy tối giản luôn có sự vận động theo chiều hướng tích cực nhất.

Có thể nói, so với các khuynh hướng nghệ thuật khác, số lượng nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật tối giản chưa nhiều, song chất lượng các tác phẩm luôn được đảm bảo bởi các tên tuổi nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm là minh chứng, chứng ngộ cho cảm xúc, ý chí và tình yêu nghề của họ, nương theo chất liệu, hình thức biểu đạt để mở rộng ra nhiều vấn đề mà nghệ sĩ quan tâm.

_______________

1. Lê Thanh Đức, Nghệ thuật mô đéc và hậu mô đéc, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2003.

2. Thơ Haiku xuất xứ từ Nhật Bản vào TK XVII, mang âm hưởng sâu của Thiền tông. Hình thức thơ cô đọng, đơn giản có khi chỉ còn 17 âm tiết, nhưng ý thơ lại giúp người viết, người đọc mở rộng cảm xúc…

3. Yếu tố ước lệ dân gian, hay còn gọi là viễn cận thơ ngây, theo thói quen, mắt nhìn, không quy chuẩn theo học thuật hay nghiên cứu trừu tượng hóa.

4. Trang Vũ, Thiền trong Chuyển của Phan Phương Đông, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 376, tháng 10 - 2015.

5. Đào Mai Trang, Nghệ thuật và tài năng, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2014.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : TRANG VŨ

;