Tiểu thuyết Bộ tột cùng hạnh phúc của Arundhati Roy là bức tranh về những cuộc gặp gỡ, suy tư, và trải nghiệm của người Ấn Độ trong một cuộc hành trình dài đầy ngẫu nhiên nhưng tất yếu, từ đó, họ có thể tìm ra ý nghĩa của cuộc đời và hoàn thành trách nhiệm đối với dân tộc. Bài viết tập trung mô tả biểu hiện và vai trò của không gian hồi ức trong tác phẩm, qua đó khám phá sự biến đổi trong cấu trúc tâm lý, ứng xử của các nhân vật cũng như nét đặc sắc trong nghệ thuật trần thuật của tác giả.
Arundhati Roy và tác phẩm Bộ tột cùng hạnh phúc
Arundhati Roy (Suzanna Arundhati Roy), nữ văn sĩ Ấn Độ đoạt Giải Man Booker cho tác phẩm đầu tay The God of Small Thing (Chúa trời của những chuyện vụn vặt) năm 1997. Nhưng sau thành công vang dội đó, A. Roy không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp văn chương mà tham gia vào lĩnh vực chính trị. Bà bắt tay vào viết nhiều tiểu luận chính trị, tác phẩm phi hư cấu; và sau hai thập kỷ đắm chìm trong các hoạt động chính trị, tác phẩm thứ hai của bà The ministry of utmost happiness ra đời, được giới thiệu ở Việt Nam năm 2018, qua bản dịch của Thiên Nga với tiêu đề Bộ tột cùng hạnh phúc.
Đây là câu chuyện trải dài qua nhiều thập kỷ với bối cảnh chính là New Dehli và thung lũng Kashmir. Thông qua dòng hồi tưởng của các nhân vật, tác phẩm mô tả một thời kì bất ổn, đen tối và bạo lực trong lịch sử Ấn Độ hiện đại với những sự kiện như cải cách ruộng đất, việc đốt cháy tàu Godhra năm 2002 và cuộc nổi loạn ở Kashmir… Câu chuyện còn truyền tải nhiều quan niệm về tôn giáo, đẳng cấp và giới tính trong một không gian đa chiều có sự kết hợp giữa không gian thực và không gian tâm tưởng của nhân vật.
Không gian hồi ức trong Bộ tột cùng hạnh phúc
Khác với không gian thực như không gian địa lý, không gian xã hội…, không gian hồi ức trong Bộ tột cùng hạnh phúc tồn tại trong tiềm thức của các nhân vật, phản ánh thế giới nội tâm nhân vật qua những biến cố, những sự kiện mà nhân vật phải trực tiếp nếm trải.
Không gian hồi ức - sự đối thoại đa chiều
Cách thức A. Roy khai thác thế giới nội tâm nhân vật độc đáo và khác lạ, nhân vật được đặt vào những chiều, diện không gian - thời gian khác nhau. Nhân vật không được miêu tả trực tiếp mà phản chiếu qua vô số những mảng không gian, thời gian tạo nên một tổng thể, rời rạc mà toàn diện. Mỗi nhân vật đều tồn tại trong không gian hồi ức của chính mình hoặc của các nhân vật khác. Các nhân vật đối thoại với nhau và với chủ thể hồi tưởng. Không chỉ vậy, bằng sự thay đổi người kể chuyện, có lúc để cho nhân vật tự hồi tưởng, có lúc để cho người kể chuyện ẩn mình thay nhân vật trở về không gian quá khứ, người đọc có thể hình dung được một cuộc đối thoại rộng lớn của các nhân vật khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau. Vai trò của tác giả chỉ tồn tại trong sự tự vận hành, xung đột và đối chọi lẫn nhau của thế giới nhân vật.
Ở tuyến truyện thứ hai của tác phẩm, các nhân vật Garson, Tilo, Musa và Naga đã tạo dựng không gian hồi ức của mình từ những lần nhớ về quá khứ. Không gian hồi ức của Garson trải dài từ lần đầu họ gặp gỡ hơn 30 năm trước cho đến những lần anh trò chuyện cùng Tilo, từ buổi tối khi anh nhận được cuộc điện thoại của Amrik Singh cho đến đám cưới Tilo. Hồi ức của Garson xoay quanh các sự kiện có liên quan đến Tilo, do vậy, không gian được tái hiện chủ yếu xoay quanh nhân vật này. Trong khi đó, không gian hồi ức của Tilo lại có phần phức tạp hơn. Hồi ức chủ đạo vẫn là quãng thời gian cô gặp gỡ Musa, về cuộc hôn nhân giữa Naga và cô. Naga là nhân vật ít hồi tưởng về quá khứ nhất. Dòng ký ức của Naga lẫn trong dòng ký ức của Tilo về những tháng ngày cô và anh sắp chia tay, cô đến bệnh viện chăm sóc mẹ của mình trước khi bà qua đời… Dòng hồi tưởng này thường bị xé vụn thành từng mảng nhỏ và đan cài vào nhau, tạo nên sự xáo trộn không - thời gian quá khứ trong tác phẩm.
Không gian hồi ức của Garson, là những cảm nhận của anh về tính cách của Naga, Amrik Singh, đặc biệt về Tilo, Musa. Dưới góc nhìn của người trần thuật ngôi thứ nhất, Garson - người đại diện cho tiếng nói chính thống của Chính phủ Ấn, đứng ngoài lập trường, để bày tỏ ý kiến chủ quan của anh ta. Về Tilo, Garson từng nghĩ: “Đằng sau cặp kính trơn, không kiểu cách cô đẹp, đôi mắt mèo hơi xếch có cái kín đáo vô tư của một kẻ mắc chứng cuồng phóng hỏa. Cô tạo cái ấn tượng rằng bằng cách nào đó cô đã tuột khỏi dây xích cổ. Như thể cô tự dắt mình đi dạo khi cả đám còn lại bọn tôi bị cột cổ dây dắt đi - như thú cưng. Như thể cô đứng xem ý tứ, có hơi lơ đãng, cách một quãng, khi bọn tôi uốn éo đi theo, hàm ơn chủ, sung sướng được kéo dài kiếp nô lệ” (1). Đây là một nhận xét khá tinh tế về Tilo. Vì từ khi sinh ra, Tilo đã được đặt bên ngoài những quy tắc của xã hội - không có đẳng cấp, không rõ thân phận và nguồn gốc. Cô giống như một con người bị kết án tự do trong xã hội Ấn Độ. Chính sự tự do đó lại là một đối cực với Garson - vốn được sinh ra trong một xã hội với nhiều định chế nghiệt ngã. Cũng vì lẽ này, Tilo sẽ không bao giờ có thể hướng đến Garson.
Với Musa, Garson nhận xét: “Ở Musa có cái vẻ dịu dàng, trầm tĩnh, điều tôi thích, dù có lẽ về sau chính những nét tính cách ấy rắn lại thành cái gì đáng sợ” (2), thế nên, khi nghe tin Tilo bị bắt cùng với thủ lĩnh Gulrez, Đảng chiến binh thần thánh, một tổ chức vũ trang ly khai ở Kashmir, Garson đã nghĩ ngay đó là Musa: “Thủ lĩnh Gulrez có liên quan gì đến Musa hay không? Có phải anh ta là Musa?” (3). Qua không gian hồi ức của Garson và Musa, có thể nhận ra được sự đối chọi giữa cách nhìn của Musa và Garson về Kashmir. Tuy nhiên, không gian hồi ức của Musa lại hoàn toàn không có mối liên hệ gì với hồi ức của Garson. Đối thoại giữa Musa và Garson chỉ diễn ra ở mạch ngầm của văn bản, khi câu chuyện chuyển hướng về Musa và người đọc tự lần ra những đầu mối về nhân vật này. Qua hai không gian hồi ức của Garson, tác giả đã mở ra một chiều không gian rộng lớn, bao trùm lên toàn bộ tác phẩm để các nhân vật có cơ hội đối chất với nhau và với chủ thể hồi tưởng.
Đó còn là những kí ức của Tilo về Naga và Musa. Sử dụng người trần thuật ẩn mình cùng hòa với dòng ký ức của Tilo, A. Roy đã tái hiện những cung bậc trạng thái chất vấn của nhân vật. Trong không gian ký ức về những ngày tháng sau khi rời khỏi JIC cùng với Naga, Tilo nhận lời làm vợ Naga để đổi lấy một vỏ bọc cần thiết: “không còn cách nào hay hơn là trở thành con dâu của ngài Đại sứ Shivashankar Hariharan với một địa chỉ nhà ở khu ngoại giao” (4). Trong không gian hồi tưởng ấy, Tilo tự độc thoại: “Cô giữ gìn đời sống chung đó mười bốn năm, thế rồi đột nhiên, cô không giữ được nữa. Có nhiều lý do cho điều này, nhưng lý do chính trong số đó là sự kiệt sức. Cô đâm chán sống một đời không thật sự của cô ở một địa chỉ cô không nên ở. Thật trớ trêu, khi cái rạn nứt bắt đầu, cô lại thích Naga hơn bao giờ hết” (5).
Không gian hồi ức cho phép Tilo đối diện với chính mình để chất vấn, tự hỏi về những quyết định và cảm xúc trong quá khứ. Không chỉ vậy, không gian hồi ức của nhân vật còn được kể lại dưới điểm nhìn bên ngoài, để các nhân vật khác đối thoại với hồi tưởng của chủ thể. Tiếp nối những suy nghĩ của Tilo về cuộc sống hôn nhân với Naga, là nỗi lo sợ từ trong tiềm thức của Naga về sự mất mát, về những bất an của mối quan hệ tạm bợ, kỳ lạ giữa anh và Tilo: “Giờ nhìn lại, Naga nhận ra là suốt bao năm mình đã sống với nỗi sợ trong tiềm thức rằng Tilo chỉ đang đi qua đời anh, như con lạc đà băng qua sa mạc. Rằng chắc chắn một ngày nào đó cô sẽ bỏ anh mà đi” (6). Không gian hồi ức của Tilo và Naga đã tạo nên hai kiểu đối thoại: đối thoại với chính mình và với các nhân vật khác trong mối liên hệ với mình.
Vai trò của tác giả bị đặt ở hàng thứ yếu khi mỗi nhân vật có tiếng nói riêng và tự đối thoại với nhau. Trong không gian hồi tưởng về lần Musa gửi những “đồ vớt” đến cho cô, Tilo nhớ lại khoảng thời gian cô và Musa mất liên lạc. Ký ức về sự băn khoăn, lo lắng cho Musa vang lên cùng lúc với tiếng nói trấn an Tilo của Musa: “Cô biết rằng chẳng khác nào phép lạ khi Musa vẫn còn sống. Trong mười tám năm trôi qua kể từ 1996, anh sống một cuộc đời mà mỗi đêm đều rất có thể là đêm thanh trừng. Làm sao chúng còn giết anh được nữa? Anh sẽ nói nếu đánh hơi thấy vẻ lo lắng ở Tilo. Em đến đám tang của anh rồi. Em đặt hoa lên mộ anh rồi. Chúng còn làm gì anh được nữa đây? Anh là cái bóng lúc giữa trưa. Anh không tồn tại. Lần cuối gặp cô, anh nói gì đó với cô, thản nhiên, khôi hài, nhưng nỗi đau trong ánh mắt. Nó làm máu cô đông lại” (7).
Không gian hồi ức - sự đối sánh giữa quá khứ và hiện tại
Ở một góc độ khác, không gian hồi ức trong Bộ tột cùng hạnh phúc còn đóng vai trò như những sợi dây ràng buộc quá khứ với hiện tại của mỗi nhân vật. Phần lớn là thời gian quá khứ, nên các sự kiện đều được tái hiện bằng ký ức của nhân vật. Do đó, không gian mà nhân vật tồn tại cũng là không gian hồi tưởng của chính nhân vật đó hoặc của các nhân vật khác.
Không gian hồi ức là nơi các nhân vật xuất hiện, trưởng thành, trải qua những biến cố trong cuộc đời và cách nhân vật vượt qua những biến cố đó. Ở không gian hiện tại, người đọc có thể bắt gặp những trạng thái đối trọng, phức tạp, mâu thuẫn hoặc phát triển nội tại bên trong từng nhân vật đan xen quá khứ và hiện tại. Không gian hồi ức gợi mở so sánh giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người đã là và con người sẽ là. Nhân vật có thể thay đổi theo thời gian nhưng cũng có thể giữ nguyên đặc điểm, phẩm chất cố hữu của mình.
Tilo, từ một cô gái có vẻ bất cần, tách rời gia đình và những ràng buộc xã hội để trở thành một người mẹ có trách nhiệm với đứa trẻ mà cô nhận nuôi. Anjum từ một cậu bé kiên trì tìm kiếm bản thể giới tính đến việc đạt tới sự hoàn thiện nhận thức về giới để nhận con nuôi là cô bé Udaya Jebeen. Còn Garson và Musa, hai nhân vật này không có nhiều thay đổi, bởi họ đại diện cho những quan niệm, tư tưởng rất bền chặt của các phe đối lập trong xã hội Ấn. Cuộc đời họ không phải là của riêng cá nhân họ mà đại diện cho thành trì tư tưởng vững chãi ở Ấn Độ.
Sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn, cưới một người vợ Bà La Môn, làm việc trong cơ quan Chính phủ, Garson là hình mẫu chuẩn mực của xã hội Ấn. Còn Musa, sinh ra trong một thành phố của người Hồi giáo, quê hương anh gắn liền với những đau thương do sự kì thị và xung đột tôn giáo, do khủng bố… nhưng cũng chính từ những khủng hoảng này, đã hun đúc anh thành một con người sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng, dân tộc. Không gian hồi ức là bản mẫu để người đọc đối chiếu nhân vật từ quá khứ đến hiện tại; để các nhân vật soi tỏ cho nhau và tự soi cho mình; để từ cuộc đời mỗi nhân vật, độc giả khám phá những ẩn ý sâu xa đã được nhà văn gửi gắm nơi con người Ấn Độ trong xã hội hậu thuộc địa.
Kết luận
Hình tượng không gian hồi ức trong tiểu thuyết Bộ tột cùng hạnh phúc được A.Roy khai mở từ hai phương diện: đối thoại đa chiều và đối sánh quá khứ - hiện tại. Nhà văn đã dẫn dắt người đọc khám phá một loại không gian hồi ức rất đặc biệt, bởi trong không gian này, nhân vật tự thiết lập diễn biến tâm lý cho mình. Và cũng trong không gian hồi ức riêng tư này, A.Roy đã tạo một khoảng cách độc lập giữa nhân vật với người kể chuyện và độc giả, để nhân vật trở thành một khách thể đa thanh trong tác phẩm.
______________
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Arundhati Roy, Bộ tột cùng hạnh phúc, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr. 154, 157, 178, 228, 228, 228, 260.
Tác giả: Đỗ Đinh Linh Vũ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020