Gia đình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra ngày 24/11/2021 có tầm vóc lớn lao của một sự kiện văn hóa đặc biệt. Thêm một lần nữa, văn hóa Việt Nam được khẳng định, được tôn vinh, được hội tụ, được tỏa sáng trên một tầm cao mới.

Ảnh minh họa

 

Tư tưởng văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu từ năm 1946 “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi đã trở thành hiện thực trong cuộc sống”. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Mọi kẻ thù của đất nước dù là ngoại xâm hay nội xâm đều phải cúi đầu khuất phục trước sức mạnh kỳ diệu của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, văn hóa có sức mạnh lan tỏa thấm nhuần sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Văn hóa chi phối nhiều yếu tố tiếp nối tạo ra thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Văn hóa trở thành nhịp cầu thần diệu nối quá khứ với hiện tại, tiếp thu chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại để bổ sung và làm phong phú cho nền văn hóa nước nhà. Văn hóa là lực lượng nội sinh đã giúp cho chúng ta đổi mới mà không đổi màu, hội nhập mà không hòa tan, mở cửa mà không đánh mất bản sắc.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin nêu một ý kiến luận bàn về văn hóa gia đình trong dòng chảy văn hóa Việt. Ngay từ lúc sinh ra cho đến khi về cõi vĩnh hằng, con người ta được sống trọn vẹn trong bầu không khí văn hóa gia đình. Cũng từ chiếc nôi văn hóa gia đình, con người sẽ được tiếp cận với văn hóa cộng đồng, văn hóa sản xuất, văn hóa trí thức, văn hóa nghệ thuật… để nạp cho mình kỹ năng sống.

Gia đình là tế bào xã hội, nơi hài hòa các mối quan hệ liên kết bằng tình cảm và huyết thống. Gia đình còn là tổ ấm tình cảm, tổ ấm vật chất, nơi máu thịt thiêng liêng, cao quý. Nơi ấy sản sinh ra những sản phẩm văn hóa tuyệt vời như tình yêu thương, niềm hạnh phúc, sự sẻ chia, lòng kính trọng và phát triển bền vững. Giá trị văn hóa của gia đình đó là tình yêu truyền đời, tình thương bao la, lòng vị tha nhân ái, đức hy sinh cao cả, sức lao động sáng tạo bền bỉ và khả năng duy trì nòi giống mãnh liệt, diệu kỳ.

Trong văn hóa gia đình Việt Nam, điều cốt lõi được hình thành và truyền nối từ bao đời nay là văn hóa ứng xử tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Những biểu hiện mang tính văn hóa ấy của gia đình không tự nhiên mà có. Nó được hình thành từ tính nết và cách ứng xử. Ngay từ thuở ban đầu của tình yêu nam nữ, đã nảy nở những ứng xử mang tính văn hóa tiền hôn nhân. Khi thành chồng vợ rồi có con cái, thành ông bà... sự tôn trọng bình đẳng, yêu thương chia sẻ sẽ được nhân lên như là yếu tố của bản năng văn hóa gia đình.

Ngày nay, trong một bộ phận nhỏ gia đình vẫn còn vướng vào những thói hư tật xấu, phản cảm, phản văn hóa mà cao trào là bạo lực gia đình. Xúc phạm người thân trong gia đình là đi ngược lại văn hóa gia đình. Khơi gợi nỗi đau, sự bất hạnh, khuyết tật hay yếu đuối đều làm bất lợi tổn hại tới người thân. Như thế, sẽ làm lu mờ đi hình ảnh văn hóa gia đình chung sống bình đẳng hòa thuận, hạnh phúc. Mọi người gánh vác tròn vai bổn phận của mình được phân công và hưởng thụ đầy đủ những chăm sóc mình được ưu đãi cũng là nét đẹp văn hóa gia đình.

Trong văn hóa Việt Nam từ xa xưa, sự trân trọng, bình đẳng, yêu thương chia sẻ cũng đã được đúc kết truyền dạy rất sâu sắc. Các câu ca dao: Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon; Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa; Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người; Chồng ơi cho thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp can… Các câu tục ngữ: Của chồng công vợ; Máu chảy ruột mềm; Môi hở răng lạnh; Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ… chứa đựng những giá trị văn hóa gia đình ấy ngày nay và mai sau vẫn còn nguyên vẹn giá trị.

Tình yêu thương trong gia đình là dấu ấn văn hóa ứng xử khi đọng lại những cử chỉ thân ái, chăm sóc, chở che, cảm hóa, cảm mến nhau trong cuộc sống bất chấp những khó khăn sóng gió: "Sóng cả không ngã tay chèo". Đó còn là khả năng tạo dựng không gian sống của một tổ ấm gia đình hạnh phúc trọn vẹn yêu thương đong đầy.

Sự cởi mở trong văn hóa giao tiếp gia đình là nhịp cầu yêu thương xây đắp nên lâu đài hành phúc của vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ. Tình cảm ruột thịt giữa các thành viên gia đình luôn là sợi dây vô hình gắn bó mỗi con người để tạo ra nguồn năng lượng tỏa sáng cuộc sống hạnh phúc. Giữ bền chặt trọn vẹn sợi dây tình cảm, giữa vững vàng nguồn năng lượng hạnh phúc là ước mong là điểm đến, điểm hẹn của mỗi người, mỗi nhà.

Văn hóa gia đình là bảo bối thần diệu vận hành kỹ năng sống của mọi gia đình, đảm bảo sự hài hòa giữa các giá trị truyền thống mới hội nhập và phát triển của văn hóa gia đình thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển. Vận hành kỹ năng văn hóa gia đình chính là thể hiện trọn vẹn sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ của mỗi thành viên gia đình - tế bào xã hội. Từ văn hóa gia đình, mỗi con người có thể bình tĩnh tự tin bước ra hòa nhập với văn hóa cộng đồng, văn hóa xã hội, văn hóa sản xuất, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, văn hóa giao thông, văn hóa trường học…

Phát huy tốt vai trò văn hóa gia đình sẽ góp phần to lớn và tích cực vào dòng chảy văn hóa đất nước, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của toàn xã hội về văn hóa và phát triển trong thời kỳ mới, đưa những tinh hoa, tinh túy của Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 vào thực tiễn cuộc sống.

 

NGÔ QUANG HƯNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

 

;