“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - Cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, kêu gọi đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang nhất tề đứng lên đánh quân xâm lược, giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chỉ với 198 từ nhưng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” thực sự là cương lĩnh thể hiện trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh, khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Khát vọng hòa bình xuyên suốt “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của toàn dân tộc và là giá trị vĩnh hằng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Khát vọng hòa bình của dân tộc - mạch nguồn xuyên suốt “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Đó là thành quả lớn nhất mà dân tộc ta đã giành được sau gần một thế kỷ kiên trì đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân. Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước thì thực dân Pháp lại rắp tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đàm phán, nhân nhượng để tìm kiếm những giải pháp hòa bình nhưng đều bị thực dân Pháp khước từ. Việc giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ nền hòa bình thiêng liêng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của dân tộc. Sự hung hăng và kiêu ngạo của thực dân Pháp đã thử thách sự kiên định của một dân tộc anh hùng có hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Với trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Xuyên suốt “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là khát vọng hòa bình và ý chí, quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” chứa đựng thông điệp hết sức quý giá về khát vọng hòa bình cho dân tộc Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Có thể khái quát thành một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” kết tinh thiện chí, khao khát hòa bình của một dân tộc anh hùng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khát vọng hòa bình và mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước là khát vọng cháy bỏng của dân tộc  ta. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” thúc giục cả dân tộc thực hiện cuộc kháng chiến chính nghĩa, trường kỳ bắt đầu bằng niềm mong ước hòa bình: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng” (1). Lời khẳng định đó là sự kết tinh của truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; là sự tiếp nối khát vọng, thiện chí hòa bình “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”(2) đã được Người khẳng định trong “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945. Chúng ta đã kiên trì, không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để thương lượng, đàm phán, kể cả việc cố gắng nhân nhượng đến mức có thể, nhằm đẩy lùi chiến tranh. Hòa bình, hòa hiếu, hòa hợp, hòa đồng là những hằng số văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đã được Hồ Chí Minh trân trọng, nâng niu. Khi buộc phải kêu gọi đồng bào toàn quốc cầm súng đứng dậy bảo vệ nền độc lập dân tộc, Người vẫn khởi xướng đối thoại thay cho đối đầu, vẫn nuôi dưỡng một nền hòa bình bền vững. Chúng ta đã chủ động giảm bớt yêu cầu, chấp nhận một số đòi hỏi của đối phương vì muốn có hòa bình. “Chúng ta phải nhân nhượng” là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam trong truyền thống ngoại giao của dân tộc, đã từng được thể hiện cụ thể bằng những chính sách mềm dẻo, linh hoạt như “hòa hiếu”, “nhu viễn”, “trong đế ngoài vương”,... Song muốn có hòa bình thì cả dân tộc phải bước vào một cuộc chiến chính nghĩa ba ngàn ngày không nghỉ - nghịch lý nhưng hợp lý, bởi “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!” (3). Đó là một sự thực - một nền hòa bình đã được toàn dân ta cố công tìm kiếm, ngay từ những ngày đầu giành, giữ chính quyền cho đến khi buộc phải bước vào một cuộc chiến tranh không mong muốn. Thông điệp này đã khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam và khơi dậy lương tri, tình cảm, sự đồng tình, ủng hộ của những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Thứ hai, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” thể hiện ý chí và quyết tâm sắt đá giành và giữ hòa bình, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Khát vọng hòa bình của nhân dân ta sẽ không bao giờ đạt được khi kẻ thù có dã tâm xâm lược đất nước. Hòa bình không thể đến chỉ từ những nỗ lực của dân tộc ta, ngọn lửa chiến tranh không thể dập tắt từ một phía. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” khẳng định rõ ý chí, quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc bảo vệ nền độc lập, hòa bình của dân tộc: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”(4). Chiến lược và sách lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những thời điểm hết sức khó khăn này thể hiện ý chí, ước mong hòa bình cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, là nơi quy tụ ý Đảng, lòng dân. “Chúng ta muốn hòa bình” nhưng không phải với bất cứ giá nào. Để có hòa bình, nhân dân Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là đứng lên kháng chiến. Khát vọng giành độc lập dân tộc, hòa bình đất nước là cái đích đến của các cuộc đấu tranh giải phóng trong lịch sử dân tộc Việt Nam; là đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(5). “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã khái quát đầy đủ, sinh động đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp - đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”(6).Trong giờ phút cam go, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với lực lượng vũ trang thể hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”(7). Đây chính là quan điểm rõ nhất của Hồ Chí Minh cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là lời hịch cứu nước, tiếng gọi thiêng liêng của non sông, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới để giành độc lập, gìn giữ, bảo vệ hòa bình.

Thứ ba, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” khẳng định niềm tin tất thắng của dân tộc, hướng tới một nền hòa bình bền vững và phồn vinh, hạnh phúc. Hồ Chí Minh có niềm tin mãnh liệt rằng người Việt Nam vốn có tinh thần không chịu bị ngoại xâm đô hộ từ lịch sử nghìn năm trước. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” khẳng định một niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta. Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”(8). Người chỉ rõ cuộc chiến sẽ rất gian lao, lâu dài, phải trải qua gian khổ, hy sinh song cũng khẳng định thắng lợi cuối cùng chắc chắn thuộc về dân tộc Việt Nam - đó là một tất yếu của lịch sử. Niềm tin của Hồ Chí Minh dựa vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân; quy luật vận động, phát triển biện chứng của chiến tranh cách mạng theo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin; kinh nghiệm trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử. Đây cũng chính là niềm tin vào lẽ phải, chính nghĩa, vào hướng tiến lên của lịch sử nhân loại tiến bộ. Đáp lại “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vì độc lập, tự do và hòa bình thiêng liêng của dân tộc. Nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, đảng phái, dân tộc,… đều nhất tề đứng dậy. Cũng từ đó, phong trào phản chiến, ủng hộ Việt Nam của những người Pháp yêu chuộng hòa bình, đặc biệt là những người cộng sản Pháp ngày càng lan rộng ở ngay trên đất Pháp, đòi giảm bớt ngân sách quân sự, chống âm mưu gây chiến, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đã kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, để rồi sau đó chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn đất nước năm 1975, non sông thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của sức mạnh, niềm tin vào lẽ phải, chính nghĩa, của khát vọng hòa bình, hòa hiếu, hòa hợp, hòa đồng.

 

Khát vọng hòa bình trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - những chỉ dẫn giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước hiện nay

Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. “Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn... Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm... Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng”(9). Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường,... giữa các nước ngày càng quyết liệt. Những vấn đề toàn cầu, như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống,... tiếp tục diễn biến phức tạp. “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn”(10).

Việt Nam là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; chúng ta bước đầu vượt lên, kiềm chế đại dịch COVID-19, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng kinh tế. Kết quả của 35 năm đổi mới, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(11). Tuy nhiên, “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”(12). Trong khi đó, “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn... Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”(13). Do đó, đất nước cần có sự phát triển bứt phá hơn nữa, nhằm tiếp tục khẳng định xu thế vận động phát triển của đất nước: “- Đến năm 2045... trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(14). Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục phát huy khát vọng hòa bình trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc, yêu chuộng hòa bình, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tăng cường giáo dục, nuôi dưỡng khát vọng, thiện chí hòa bình, lan tỏa thông điệp hòa bình trên tinh thần độc lập dân tộc, hòa bình đất nước là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khát vọng phát triển thành một quốc gia giàu mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài”(15) .

Tăng cường công tác tuyên truyền những thành quả cách mạng mà đất nước đã giành được, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chú trọng thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, tạo động lực trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp và lập nghiệp. Tạo mọi điều kiện để mỗi người dân được phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực”(16).

Chú trọng triển khai có hệ thống, bài bản, liên tục và hiệu quả cao, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, biến các quyết định quan trọng của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế. “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(17). Phát huy giá trị, thế mạnh tổng hợp các nguồn lực trong nước, bao gồm không chỉ có vốn, tài sản đã tích lũy được mà còn là tài nguyên chưa đưa vào sử dụng, là lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị và quan trọng hơn hết là nguồn lực con người gắn với truyền thống văn hóa dân tộc. “Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(18).

Ba là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

“Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(19). Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời, coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư.

Bốn là, nêu cao tinh thần chủ động, cảnh giác cách mạng, kiên quyết giữ vững hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

“Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(20). Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(21). Thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước. Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết. Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội.

Chủ động, tỉnh táo, cảnh giác, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa hợp tác với đấu tranh vì lợi ích cao nhất của đất nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp, thế và lực để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột chiến tranh, kịp thời đối phó với những tình huống gây “đột biến”, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi. “Xác định chủ động phòng ngừa là chính... Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”(22). Giữ vững nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt về sách lược nhằm “thêm bạn, bớt thù”, tránh các xung đột và chiến tranh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận; trong đó, chú trọng xây dựng tiềm lực về chính trị, tinh thần, phát huy nhân tố con người là yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thường xuyên nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược.

Kết luận

Kỷ niệm 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại, tự hào về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, khẳng định truyền thống yêu nước, yêu hòa bình, quyết tâm chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc. Đây cũng cương lĩnh về khát vọng hòa bình, còn vang vọng, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho toàn dân tộc vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534, 3, 534, 534, 3, 534, 534, 534.

9, 10, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22.  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105-106, 107, 107-108, 108, 112, 110, 110, 110, 110, 34-34, 162, 110, 156-157.

11. Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 16-5-2021.

 

NGUYỄN QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;