Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp đã tác động lớn tới hoạt động văn hóa cơ sở, nhiều sự kiện, ngày lễ kỷ niệm, hoạt động văn hóa, hoạt động lễ hội tiếp tục dừng tổ chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, khu vui chơi giải trí phải tạm ngừng hoạt động… Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ VHTTDL, hoạt động văn hóa cơ sở đã gặt hái được nhiều thành công nhờ có những đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước.
Chương trình nghệ thuật Online : “chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19” của tỉnh Bình Phước
Thành quả đạt được
Năm 2021, hoạt động Văn hóa cơ sở đã được quan tâm, chú trọng, phù hợp tình hình thực tiễn, đẩy mạnh việc tham mưu lãnh đạo Bộ công tác phối hợp với các Ban, Bộ, ngành trong việc tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Đồng thời, công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cũng được quan tâm chỉ đạo, cụ thể: Hướng dẫn địa phương trong công tác xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời; triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; yêu cầu kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm; hướng dẫn hoạt động văn nghệ quần chúng trong Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ và mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vũ trường theo Thông tư số 01/2021/TT-BTC ngày 07/01/2021 của Bộ Tài chính…
Bênh cạnh đó, hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở cũng phát huy được vai trò trong việc tuyên truyền, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội. Điểm mới ghi nhận được là hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện đã và đang hình thành những phương pháp tổ chức hoạt động mới, sáng tạo, hiệu quả, có sự kết hợp giữa các cách thức tổ chức truyền thống với các hình thức chuyển đổi số (youtube, facebook, zalo…) để đưa các thông điệp tuyên truyền đến gần hơn với công chúng, các tầng lớp nhân dân, tạo được tính lan tỏa và sự tương tác đa chiều.
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã kịp thời ban hành văn bản tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường để tránh tụ tập đông người, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh không tuân thủ các quy định, kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đa số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Đồng thời, giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đối với các địa phương chưa phát sinh dịch bệnh, chuẩn bị các phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, nhiều địa phương đã phát huy những hình thức online, trực tuyến rất đa dạng. Nhiều sáng tác sân khấu, âm nhạc, tranh cổ động mang những thông điệp tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đã được chuyển tải nhanh, kịp thời đến với cộng đồng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên cả nước đã được thực hiện nghiêm túc. Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện các nội dung trong phong trào có trọng tâm, trọng điểm; ban hành kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện phong trào đến các cấp, các ngành và người dân kịp thời. Công tác đăng ký thi đua xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thôn văn hóa, ấp văn hóa, bản văn hóa, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã thu hút đông đảo người dân và cán bộ, công nhân viên chức hưởng ứng tham gia tích cực. Đến nay, các địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào.
Liên hoan Các câu lạc bộ Ca trù tỉnh Quảng Bình lần thứ V, năm 2021
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước các cấp, công tác tuyên truyền luôn được quan tâm, đặc biệt công tác tuyên truyền cổ động trực quan đã được tổ chức triển khai có hiệu quả, thực sự góp phần cổ vũ tinh thần đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Hoạt động quảng cáo cũng được các địa phương quan tâm, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả khả quan. Công tác tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn đảm bảo thời gian, trình tự tiếp nhận theo quy định và hầu hết đều được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời là nhiệm vụ quan trọng được Sở VHTTDL, Sở VHTT triển khai, tính đến nay, cả nước có 59/63 địa phương hoàn thành hoặc đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch và đang triển khai thực hiện.
Giải pháp thực hiện
Để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động văn hóa cơ sở trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị cần triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động dịch vụ văn hóa; phối hợp với các ngành chức năng, các lực lượng kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm văn hóa du nhập từ bên ngoài vào dưới mọi hình thức;
Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa cho cán bộ ở cơ sở để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương;
Thứ ba, phát huy vai trò của người làm công tác văn hóa cơ sở trong việc tham gia tổ chức, quản lý xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho nhân dân, khắc phục sự thiếu thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở;
Thứ tư, quản lý và sử dụng có hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa, tăng cường xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Thứ năm, huy động sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, tập hợp và phát huy sức mạnh của mỗi người dân, của từng gia đình, của mỗi cộng đồng dân cư và toàn xã hội, mạnh mẽ lên án những tư tưởng, hành vi sai trái, bài trừ văn hóa độc hại để xây dựng một môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh.
TUYẾT ÁNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021