Bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa là tiến bộ, khoa học và nhân văn. Cho nên, chủ nghĩa xã hội đồng chất và cùng chiều với văn hóa; phấn đấu cho những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội cũng chính là phấn đấu cho những giá trị văn hóa ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy Ô tô 1-5, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội vào ngày 19-12-1963.
Ảnh: tư liệu
Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Pháp cử đến Liên Xô hoạt động cách mạng. Trong bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Ogoniok) số 39 ra ngày 23-12-1923, nhà báo - nhà thơ Liên Xô Osip Mandelstam đã nhận xét rằng: “Nguyễn Ái Quốc hiện là người An Nam duy nhất ở Mátxcơva, đại diện của chủng tộc Mã Lai cổ xưa… Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai” .
Từ ấn tượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo - nhà thơ Liên Xô Osip Mandelstam cũng có cảm tình với dân tộc Việt Nam và người dân Việt Nam. Ông viết trong bài báo: “…dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá”; “Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp”.
“Văn hóa” là gì? Ở trang cuối của cuốn sổ ghi chép những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù (1942-1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Nền văn hóa của tương lai như nhà báo - nhà thơ Liên Xô Osip Mandelstam nhắc đến là gì? Đó chính là nền văn hóa xã hội xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh ... là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định rằng: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cùng loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”.
Ngày 9-9-1969, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử… Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào… Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.
Khóa họp Đại hội đồng tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 24, năm 1987 tại Pháp, đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết khẳng định: “những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Tính đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...). Có nhiều đường phố, đại lộ (riêng Pháp có 7 đường phố, Italy có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Người ở nước ngoài.
Nền văn hóa trong xã hội xã hội chủ nghĩa
Về bản chất tốt đẹp của chế độ chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội” . Người cũng nhấn mạnh: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang” .
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Ngày 16-7-1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, đã xác định một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc .
Như vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần kế thừa và phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và văn hóa thời đại để phát triển văn hóa Việt Nam thực sự là nền văn hóa vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và sức mạnh cho xã hội phát triển.
Bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa là tiến bộ, khoa học và nhân văn. Cho nên, chủ nghĩa xã hội đồng chất và cùng chiều với văn hóa; phấn đấu cho những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội cũng chính là phấn đấu cho những giá trị văn hóa ngày tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau 35 năm đổi mới và hội nhập, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản nhân loại, di sản ký ức thế giới. Các loại hình của văn hóa Việt Nam ngày càng được cộng đồng thế giới biết đến và đánh giá tích cực. Đời sống văn hóa của đại đa số cư dân đều có những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa.
Việt Nam hiện là thành viên tích cực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) với mục tiêu góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia, người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, nơi có cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.
Là một thành viên của UNESCO từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Năm 2020, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã đánh giá: “Năm 1976, khi mới gia nhập UNESCO, Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh và giành được độc lập. Các bạn đã giành chiến thắng và đó là chiến thắng của văn hóa hòa bình. Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”.
“Tôi nghĩ Việt Nam là một trong những nước có đóng góp tích cực và ủng hộ cho những nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa. Các quốc gia đều có những di sản văn hóa, song điểm khác biệt là văn hóa Việt Nam đi suốt chiều dài lịch sử đất nước. Di sản ngoại giao văn hóa cũng góp phần giúp Việt Nam chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không chỉ có nhiều di sản văn hóa truyền thống mà còn nhiều văn hóa đương đại” - Ông Micheal Croft nhận định thêm.
NGUYỄN VĂN TOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021