Qua 6 tháng phát động, cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các tác giả trên toàn quốc. Nội dung các kịch bản phong phú, đa dạng ở nhiều thể loại truyền thống như: Kịch nói, Chèo, chặp Cải lương, Kịch Dân ca... đề cập đến mọi mặt của cuộc sống đời thường, trong đó nhân vật thương binh, liệt sĩ là chủ đề trọng tâm.
Tranh cổ động về đề tài Thương binh Liệt sĩ
91 tác phẩm tham gia dự thi
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, đất nước hoàn toàn thống nhất, nhân dân được hưởng nền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Để có được ngày hội toàn thắng, dân tộc ta đã mất đi hàng triệu người con ưu tú nơi chiến trường, hàng triệu người khác mang trên mình thương tật và bao nhiêu cảnh đời chịu mất mát, ly tán, bệnh tật... Máu xương của các anh, các chị đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc; chiến công của các anh, các chị đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành những trang sử vàng chói lọi, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau còn mãi tự hào. Hướng tới Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, Cục Văn hóa cơ sở được Bộ VHTTDL giao tổ chức Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) với mục đích giáo dục truyền thống cách mạng, thể hiện lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ đi trước đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Qua đó, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.
Theo đó, đối tượng tham gia là các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong và ngoài nước, không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp. Với nội dung ca ngợi các anh hùng thương binh, liệt sĩ, người có công đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh và hiến dâng xương máu của mình vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân; ca ngợi những tấm gương của thương binh, người có công hăng say trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Sau 6 tháng phát động, đã có 91 tác phẩm của 58 tác giả trên toàn quốc gửi về tham dự cuộc thi. Hầu hết các tác phẩm tham gia dự thi đều bám sát yêu cầu của Ban Tổ chức đề ra. Khai thác nội dung tương đối phong phú, đa dạng với nhiều thể loại truyền thống như: Kịch nói, Chèo, chặp Cải lương, kịch Dân ca...
Nhiều tác phẩm nổi trội về ý tưởng
Tham gia cuộc thi lần này, các tác giả đã thể hiện lối viết của mình dưới nhiều góc nhìn khác nhau, góp phần tạo nên bức tranh tổng thể về những tấm gương cao quý, những người đã cống hiến, để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường, nay đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ, xây dựng hình ảnh đẹp về người thương binh “Tàn nhưng không phế”, kiên cường trên mặt trận kinh tế để xây dựng tổ ấm gia đình, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, thể hiện rõ nét qua tác phẩm: “Khi người lính trở về” - tác giả Nguyễn Thị Nguyên.
Với lối viết phát hiện mới, có những kịch bản đã miêu tả về lòng trung thực của gia đình Thương binh, Liệt sĩ đã trả lại bằng “Tổ quốc ghi công” khi người chiến sĩ không phải là “liệt sĩ” dù người chiến sĩ ấy đang nằm trên giường bệnh trong hoàn cảnh khó khăn. Ưu điểm nổi bật của các tác phẩm tham gia dự thi là các tác giả đã lựa chọn lối viết mộc mạc, bình dị, mang đậm hơi thở cuộc sống, lấy ý tưởng từ những liệt sĩ trở về có thật trên các phương tiện truyền thông qua tác phẩm: “Món quà lớn nhất” - tác giả Trần Kim Khôi….
Bên cạnh đó, cũng có một số tác phẩm ở dạng tri ân liệt sĩ, có nhiều kịch bản đi thẳng vào hiện tượng như việc: Xây dựng nghĩa trang liệt sĩ với những khó khăn về kinh phí, tiến độ. Nhưng đáng lên án hơn nữa, đó là tệ nạn vòi vĩnh, bớt xén công quỹ như một hiện tượng đau lòng. Có kịch bản đã xây dựng những nhân vật tích cực, đã tháo gỡ khó khăn về kinh phí, tạo những tình huống tích cực, gỡ những nút thắt trong lối kết cấu kịch bản ngắn, nổi trội về ý tưởng, cốt truyện hấp dẫn, thuyết phục… Tiêu biểu như tác phẩm: “Bên đài tưởng niệm” - tác giả Đỗ Lan.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số những tác phẩm khô cứng, thiếu sức thuyết phục của hình tượng, khiên cưỡng, gượng gạo. Cũng có không ít tác phẩm có ý tưởng trong vấn đề đặt ra nhưng chưa xây dựng được nhân vật điển hình. Vì vậy, tác giả thường phải nói thay nhân vật như một bài báo mà lời thoại hầu như là lời tác giả nên thiếu tính chân thực, xa rời cuộc sống…
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Trưởng ban Giám khảo Cuộc thi nhận định: Về nội dung đề tài cho thấy hầu hết các tác giả tham gia cuộc thi đều có những tìm tòi, phát hiện mới, tạo tình huống để xây dựng nhân vật. Về nghệ thuật kịch, điều đáng mừng là 91 tác phẩm dự thi, nhiều tác phẩm có ý thức trong xây dựng cốt truyện, tạo tình huống và tổ chức hành động kịch phát triển một cách hợp lý giữa quá khứ hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình. Đồng thời, cũng xuất hiện nhiều kịch bản sử dụng chất thơ để phát huy thế mạnh của sân khấu ca kịch (Chèo, Cải lương, Dân ca) qua những làn điệu truyền thống. Đặc biệt, thành công lớn nhất của cuộc thi đó là sự quan tâm, trân trọng của các tác giả đối với các gia đình Liệt sĩ và những người lính Cụ Hồ đã anh dũng chiến đấu hy sinh mang lại sự bình yên cho Tổ quốc.
Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) đã thành công tốt đẹp. Kết quả, Ban Tổ chức đã lựa chọn 16 tác phẩm xuất sắc bao gồm các thể loại như: Kịch, Chèo, chặp Cải lương để trao giải, trong đó: Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Bên Đài tưởng niệm” của tác giả Đỗ Lan; Giải Nhì được trao cho 2 tác phẩm “Món quà lớn nhất” của Trần Kim Khôi và “Khi người lính trở về” của Nguyễn Thị Nguyên; giải Ba cho các tác phẩm: “Kỷ vật để lại” của Ngô Xuân Thông, “Chuyện tình của thầy giáo Thương binh” của Ninh Đức Hậu và “Bút Trường Sơn” của Đào Chí Ngụ... Ngoài ra, còn có 10 giải Khuyến khích và 1 giải tập thể cho Trung tâm Văn hóa Hà Nội - đơn vị đã có nhiều tác giả, tác phẩm tham gia cuộc thi.
MAI TUYẾT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022