Từ ngày 1 đến 5 tháng 6 năm 2022, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh An Giang tổ chức Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022. Hội thi thu hút sự tham gia của gần 700 nghệ sĩ, vũ công thuộc 27 đơn vị tỉnh, thành trên cả nước với hơn 100 tiết mục, tác phẩm múa độc lập thuộc nhiều thể loại: Múa dân gian, Múa đương đại, Múa hiện đại…
Hội thi Múa không chuyên toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, là cơ hội để bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật múa dân gian Việt Nam đặc sắc, tiêu biểu của các dân tộc, vùng miền trên cả nước. Đồng thời tôn vinh sự đa dạng, phong phú của loại hình nghệ thuật múa trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Từ đó định hướng sự phát triển nghệ thuật múa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, góp phần chấn hưng nền văn hóa dân tộc.
Tổng kết Hội thi, ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đánh giá: “Các tiết mục dân gian dân tộc với tính chất nhẹ nhàng, uyển chuyển, chậm rãi, được trình diễn với kỹ thuật đồng đều, hoàn chỉnh để truyền tải thông điệp chân thực và hấp dẫn về lịch sử, địa lý, môi trường văn hóa nơi đồng bào cư ngụ… cho ta thấy sức mạnh thần lửa trong đời sống tinh thần của đồng bào Pà Thẻn, tình yêu lao động của đồng bào Khmer, Dao, Mông, Khơ Mú, Mường, Thái…”
“Gần 50 tác phẩm múa dân gian đương đại với các đề tài vô cùng phong phú như: Khát vọng về cuộc sống tươi đẹp, ca ngợi tình đoàn kết giữa các dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, xây dựng nông thôn mới, nếp sống mới… đang là những vấn đề nóng hổi, có vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân hiện nay. Từ chất liệu truyền thống nguyên bản, được thổi hồn vào đó hơi thở thời đại nhưng vẫn đảm bảo hàm chứa mong ước, khát vọng của cha ông. Rất nhiều trong số các tác phẩm kể trên đều bám sát vũ đạo gốc của Múa dân gian để phát triển... trong đó các động tác, đội hình, tuyến múa, hình tượng và tình cảm được gửi gắm thêm nét tinh hoa các điệu múa trên thế giới với một kỹ thuật thuần thục, hoàn chỉnh và điêu luyện trong bộ trang phục phù hợp với nội dung tác phẩm, giúp vũ công vừa giải phóng được cơ thể nhưng vẫn đảm bảo sự kín đáo theo thuần phong mỹ tục Việt Nam.”
“Các vấn đề nhân sinh quan trong tác phẩm múa hiện đại xuất hiện và qua đi trong bình thản và tự nhiên như vốn có trong xã hội hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc làm hạt giống lai tạo và chủ đề để phát triển nội dung câu chuyện”.
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 10HCV, 14HCB cho các chương trình, 29HCV, 46HCB cho các tiết mục thi diễn xuất sắc và 5 giải thưởng Biên đạo xuất sắc, Diễn viên triển vọng.
CHÂU MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022