Đi tìm ẩn ngữ tình yêu trong Lá diêu bông

Với những vẻ đẹp mang tầm triết mỹ, Lá diêu bông (1) đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi khi chúng ta nhắc đến tên tuổi thi sĩ Hoàng Cầm. Mặc dù không được khơi nguồn từ chất liệu của hiện thực đời sống, Lá diêu bông đã thực hiện một hành trình ngược, hành trình đi từ thế giới nghệ thuật vào đời sống, bám rễ trong hiện thực với một sức sống mạnh mẽ. Nó tồn tại hiển nhiên trong trí nhớ của chúng ta, qua những lời thơ, điệu nhạc, trở thành biểu tượng chung cho những liên tưởng về sự kiếm tìm của một tình yêu đơn phương, đẹp nhưng tuyệt vọng.

Nhân vật ẩn ngữ - trữ tình emchị

Cứ nói đến Lá diêu bông là không ít người lại nói đến câu chuyện về một mối tình đơn phương tuyệt vọng, nhưng giải mã nó từ những tín hiệu ngôn từ trong tác phẩm lại là điều ít được đề cập đến. Bằng những rung động, trải nghiệm sâu sắc, cùng với đó là năng lực biểu hiện thẩm mỹ tinh tế, những ẩn ngữ tình yêu trong Lá diêu bông không chỉ góp phần thể hiện chiều sâu triết mỹ mà còn góp phần mang lại sức hấp dẫn cho bài thơ. Những ẩn ngữ ấy phủ lên bài thơ những tầng sâu ý nghĩa đầy dẫn dụ, mê hoặc bởi ngay cả khi trang thơ khép lại, ý vẫn chan chứa ngoài lời. Những ẩn ngữ ấy được thể hiện qua cách sử dụng đại từ nhân xưng, hình tượng lá diêu bông, sự vận động của cặp đôi trữ tình trong không gian, thời gian

Lá diêu bông không chỉ chinh phục độc giả bởi tính mẫu mực của một bài thơ tình truyền thống. Độc giả đã quá quen với những bài thơ tình mà chủ thể là những cặp anh - em, chàng - nàng, chàng - thiếp… Lá diêu bông thiết lập mối quan hệ của chủ thể tình yêu với cặp đại từ nhân xưng: em - chị. Đây là lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam có một người con trai nhất nhất gọi người mình yêu là chị, xưng em từ đầu đến cuối. Vì thế, bài thơ đã từng khiến không ít độc giả nhầm tưởng là lời của người em gái nói với chị của mình.

Cách xưng hô em - chị đã mang lại cho độc giả những ấn tượng mới lạ. Đương nhiên, điều này có căn nguyên từ thực tế, một hoàn cảnh hiện thực đã được nhà thơ nhiều lần kể lại, đó là tiếng sét ái tình của Hoàng Cầm đối với người con gái tên Vinh (16 tuổi) khi thi sĩ mới tròn 8 tuổi. Tiếng sét ái tình tuyệt vọng ấy dường như luôn thường trực ám ảnh thi sĩ để rồi 25 năm sau đó, khi cậu bé 8 tuổi ngày ấy đã đủ trưởng thành, trải nghiệm, có những suy ngẫm sâu sắc về tình yêu, bài thơ Lá diêu bông mang đậm tính triết mỹ mới được ra đời.

Đại từ chị trong bài thơ không ám chỉ đơn thuần cách xưng hô khác lạ, là người mà em yêu thương hơn mình 8 hay 10 tuổi. Sâu sắc hơn, cách xưng hô chị vô hình đã tạo ra một khoảng cách, là cái mà không bao giờ em vươn tới được, là cái vượt lên tầm giới hạn chiếm lĩnh của em. Cách xưng hô này trong tiếng Việt, khác với sự trung tính của ngôi nhân xưng ở một số ngôn ngữ khác, một người con trai xưng hô em trong tình yêu là một sự nhún mình, thừa nhận mình ở vị trí thấp hơn (không phải chỉ về tuổi tác, thứ bậc, mà còn là một cái nhìn ngưỡng vọng về chị mà em không bao giờ đạt đến được). Chính vì thế, cách xưng hô này đã khơi gợi chút mặc cảm của em, đồng thời hé mở dự cảm về một tình yêu khó lòng có được hạnh phúc trọn vẹn.

Hình tượng ẩn ngữ - lá diêu bông

Cấu trúc nổi của bài thơ hiện lên rất rõ, được chia thành nhiều khổ, các khổ được xâu chuỗi với nhau theo sự tịnh tiến của thời gian, theo logic sự kiện. Đặc biệt các khổ 3, 4, 5, 6 có cách ngắt nhịp, chia dòng tương đối giống nhau. Toàn bộ bài thơ được thống nhất với nhau dựa trên một biểu tượng xuyên suốt: lá diêu bông.

Trong bài thơ, lá diêu bông là nguyên cớ của hành động tìm được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong bài thơ: - Chị thẩn thơ đi tìm (khổ 1); - Đứa nào tìm được lá diêu bông (khổ 2); - Hai ngày sau em tìm thấy Lá (khổ 3); - Mùa đông sau em tìm thấy lá (khổ 4); - Ngày cưới chị em tìm thấy lá (khổ 5); - Chị ba con em tìm thấy lá (khổ 6)

Đối tượng của tìm từ đầu đến cuối bài thơ vẫn là lá diêu bông nhưng chủ thể của hành động tìm lại có sự chuyển dịch. Người đầu tiên đi tìm lá diêu bông là chị. Hành động này có hai ý nghĩa: thứ nhất - chị đi tìm một chiếc lá có thực tên là lá diêu bông; thứ hai - chị đi tìm một điều gì trừu tượng nhưng được chị hữu hình hóa, tự định danh là lá diêu bông. Lời thách đố của chị đã mở ra cho em một cơ hội, dù mong manh nhưng vô cùng quý giá. Nhưng tiếc là, đến lượt em đi tìm thì ý nghĩa thực của lá diêu bông đã hoàn toàn biến mất (những lần sau chỉ xuất hiện từ lá, không đề cập đến lá diêu bông). Em chỉ đi tìm một điều xa xôi, vô thực, lời thách đố cũng như lời hứa hẹn của chị, thực tế sẽ không bao giờ xảy ra.

Bài thơ đến đây đã nghiêng hẳn sang lãnh địa siêu thực. Hoàng Cầm đã nối kết hai điều không hề gần gũi nhau nhưng lại vô cùng giống nhau, ở đó, hình ảnh thơ xuất hiện với ý nghĩ biểu tượng. Như thế, việc hình ảnh thơ có thực hay không đều không còn quan trọng nữa, vượt lên trên tất cả là lớp nghĩa ẩn sâu dưới lớp ngôn từ hiện hữu. Lá diêu bông trở thành biểu tượng của tất cả những ước nguyện đẹp đẽ nhưng không thể trở thành hiện thực, nó đẹp nhưng tuyệt vọng như tình yêu đơn phương là vì thế.

Hành động ẩn ngữ - hành động tìm trong không gian, thời gian

Trong Lá diêu bông, hành động tìm được nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại với tần số 6 lần. Bởi vậy, nó như một hệ quy chiếu quan trọng, thu hút sự vận động của cặp đôi nhân vật, hình tượng trữ tình.

Nếu chị đi tìm ước nguyện của mình ở một không gian, thời gian xác định đồng chiều cuống rạ thì đến lượt em đi tìm ước nguyện cho chị, cho chính emchị. Ngay từ đầu, bản thân chị đã không chủ đích với việc tìm kiếm đó. Bởi vậy, chị chỉ thẩn thơ đi tìm, tựa như đó là một công việc giải trí, kết quả tìm kiếm thấy hay không không quan trọng. Bởi vậy, tìm không phải là mục đích cao nhất của chị. Chị tìm đấy, nhưng không tìm được thì cũng chẳng sao. Nhưng với em thì ngược lại, em đi tìm Lá không mệt mỏi với tất cả tấm lòng tha thiết. Chính vì vậy, chỉ có em mới là người tìm thấy, bốn lần tìm thấy đều gắn liền với chủ thể tìm là em.

Xét đến cùng, khát vọng của chị vốn là một điều vô hình, dễ thay đổi, nhưng đối với em, đó là điều lớn lao mà em theo đuổi trong suốt cuộc đời. Vì thế, hành động tìm của chị được cụ thể hóa trong không gian, thời gian cụ thể, nó kết thúc tại một thời điểm nhưng với em, đó là một quá trình chưa từng hoàn tất. Chúng ta dễ dàng nhận thấy được có một sự vận động của thời gian trong bài thơ đặc biệt là ở những khổ 3, 4, 5, 6. Gắn với sự vận động thời gian, đó là sự kiên trì trong hành động tìm của em, sự chối từ, phủ định ngày càng gay gắt của chị.

Chị định giá, từ chối, phủ nhận chiếc lá được em mang đến, mức độ chối từ gắn liền với tuổi đời của chị, sự ý thức về thời gian đang trôi, những sự đã rồi của chị. Từ cái khoảnh khắc chị lắc đầu “trông nắng vãn bên sông” thì thái độ của chị trước lễ vật của em chỉ còn là một sự phủ nhận, thậm chí trốn chạy. Dù không có một lời miêu tả tâm trạng của chủ thể phát ngôn em, người đọc vẫn nhận ra sự vận động xúc cảm gắn liền với những hành động của chị. Càng lúc, khoảng cách thời gian giữa các lần em tìm thấy lá càng xa hơn, như một sự bền bỉ, cẩn trọng trong sự tịnh tiến của thời gian: hai ngày - mùa đông sau - ngày cưới chị - chị ba con. Dòng xúc cảm bắt đầu bằng hy vọng khi chị hé mở cơ hội cho em, nhưng rồi, nó ngày càng gần hơn đến tuyệt vọng, sự tuyệt vọng của một tình yêu không thể dừng lại nhưng cũng không thể bước tiếp:

Hai ngày em tìm thấy lá

Chị chau mày

đâu phải lá diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy lá

Chị lắc đầu

trông nắng vãn bên sông

­ Ngày cưới chị

Em tìm thấy lá

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con

Em tìm thấy lá

Xòe tay phủ mặt chị không nhìn

Bốn khổ thơ tạo nên một sự chuyển hóa trong thái độ giữa chịem theo chiều hướng tăng tiến dần. Hai khổ thơ trên hành động tìm thấy của em liền mạch (gắn với khoảng thời gian em phải dùng để tìm lá), thái độ của chị - ngập ngừng, ngắt quãng. Hai khổ thơ dưới, ngược lại, hành động của em như bị tách ra khỏi câu miêu tả về hiện trạng cuộc sống của chị như một khoảng trống dành chỗ cho hơi thở nuối tiếc, còn thái độ của chị đã dứt khoát, không chút ngập ngừng (đặc biệt câu thơ đảo ngữ “Xòe tay phủ mặt chị không nhìn” góp phần nhấn mạnh thái độ dứt khoát của chị). Tình cảm của em ngày càng được đong đếm, khẳng định qua độ dài thời gian thì thái độ, sự phủ định của chị ngày càng dứt khoát, quyết liệt hơn. Khi chị càng phũ phàng chối từ thì bi kịch tình yêu của em đã được đẩy lên đến đỉnh điểm: “Xòe tay phủ mặt chị không nhìn”. Trạng thái cảm xúc ấy tiếp tục được đẩy lên cao trào ở khổ thơ cuối cùng:

 Từ thuở ấy

 Em cầm chiếc lá

 đi đầu non cuối bể

 Gió quê vi vút gọi

 Diêu bông hời…

 …ới diêu bông…!

Từ thở ấy, một từ chỉ thời gian phiếm chỉ vốn đã trở nên quen thuộc với những tác phẩm mang tính huyền thoại, cổ tích nhưng khi đặt trong sự vận động của hình tượng thơ, Hoàng Cầm đã tạo nên hiệu quả thẩm mỹ về tính đại diện, phổ quát cho hình tượng lá diêu bông. Hình tượng thơ vận động trong sự giãn nở không ngừng của không gian, từ không gian đồng chiều, cuống rạ, bên sông (không gian còn chật hẹp, gò bó) đã mở rộng ra với tất cả mọi chiều kích của nó đầu non cuối bể. Ở đây, tính đơn biệt, hữu hạn bị xóa mờ, chỉ còn lại là sự lan tỏa của cái vĩnh hằng, là bi kịch siêu hình, khát vọng da diết không bao giờ thành hiện thực.

Tiếng gọi “Diêu bông hời ới diêu bông…!” với dấu chấm lửng gợi miên man xúc cảm là những âm điệu cuối cùng của bài thơ được ngân dài ra như một hơi thở xót xa. Tiếng gọi ấy cũng chính là chủ âm của toàn bài thơ, đó là tiếng vọng về quá khứ gắn liền với không gian mơ hồ cổ tích, là sự hòa quyện của một quá khứ xa xăm, chị như đối tượng thẩm mỹ chủ đạo.

Hoàng Cầm đã mang lại cho người đọc một cách định danh về bi kịch tình yêu, khát vọng không thành. Lá diêu bông không chỉ hấp dẫn người đọc nhờ cách thức tổ chức hình tượng mới mà thực sự lôi cuốn bởi những ẩn ngữ sâu sắc mang đậm tính triết mỹ. Sự tổng hòa của tất cả những yếu tố như nhân vật trữ tình, thời gian, không gian, nhịp điệu, biểu tượng đã mang lại cho bài thơ sức gợi cảm vượt ra ngoài lời tâm tình về bi kịch tình yêu của một cá nhân. Những ẩn ngữ tình yêu trong bài thơ không hiển hiện trên bề mặt ngôn từ mà nằm ở chiều sâu của sự từng trải, cảm nhận, suy ngẫm. Tác phẩm khép lại trong sự gợi mở chiều sâu cảm thụ, trí tưởng tượng phong phú bởi những âm thanh da diết của tiếng gọi Diêu bông hời!... Ới diêu bông… như minh chứng cho tình yêu vừa như là tặng vật, vừa chứa đựng bi kịch của con người.

_______________

1. Hoàng Cầm, Về Kinh Bắc, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994.

Tác giả: Vũ Thị Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

;