Cù Lao Minh thuộc (gồm 4 xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú) huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, là vùng đất trù phú với nhiều loại trái cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn tiêu da bò, dâu, mận...Gần đây 4 xã này đã phát triển kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái nên hằng năm thu hút một lượng lớn du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm, khám phá, check – in và thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản của địa phương, qua đó đã góp phần mang về nguồn thu đáng kể cho người dân sở tại.
Từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm Cù Lao Minh rộ mùa trái cây
Để đến được 4 xã cù lao này, từ trung tâm thành phố Vĩnh Long thơ mộng bên bờ sông Cổ Chiên, du khách đi qua phà An Bình, đến đây du khách sẽ cảm nhận được lối sống bình dị của người dân miền sông nước. Mùa hè, cây trái ở Cù Lao Minh (tập trung nhiều ở xã An Bình) vào vụ chín, không gian vườn thoáng đãng, xanh mát, trong lành, thích hợp để mọi người trải nghiệm và thư giãn cuối tuần.
Chúng tôi đến điểm du lịch sinh thái của bà Phạm Thị Lý (ấp An Thuận, xã An Bình, huyện Long Hồ) với quy mô vườn hơn 6.000m2, gia đình trồng nhiều loại trái cây đặc sản của xứ cù lao như chôm chôm Java, chôm chôm Thái, măng cụt, dâu, mận An Phước, mận Hồng Thái, ổi…kinh doanh dưới hình thức “du lịch theo mùa trái cây”, trung bình mỗi ngày đón tiếp 50 lượt khách, đã tạo ra thu nhập bình quân trên 250 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thu Hồng (con gái bà Phạm Thị Lý) cho biết: “Điểm du lịch sinh thái của gia đình đã mở cửa đón khách tham quan, đến vui chơi giải trí đã hơn mười năm nay. Vườn cây ăn trái trồng xen canh, khách đến mùa nào thì vườn cũng có trái cây để phục vụ. Năm nay lượng khách đến An Bình khá đông, vì trái cây trúng mùa so với mấy năm trước, mới đầu mùa trái cây mà lượng đông hơn mấy năm trước. Du khách đến đây, ăn bao no. Hái đem về thì sẽ tính tiền như giá mua ngoài chợ. Nhưng với loại hình du lịch sinh thái này khách được trải nghiệm cách trồng và chăm cây, trái cây sạch, chín tự nhiên. Tự lựa trái chín theo ý muốn, ăn thỏa thích đến chán mới thôi”.
Du khách thích thú du ngoạn vườn chôm chôm Java tại điểm du lịch sinh thái của bà Phạm Thị Lý (ấp An Thuận, xã An Bình, Long Hồ)
Cũng cùng cách làm du lịch sinh thái như gia đình bà Phạm Thị Lý, vườn của gia đình anh Huỳnh Trí Nghiệp (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) rộng 2,7 ha với đủ các loại cây ăn trái như mít, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, cam, quýt, mận và vườn giống cây ăn trái đặc sản với hàng chục loại cây giống trong và ngoài nước, hấp dẫn nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm. Lợi nhuận thu được từ liên kết giữa làm vườn, sản xuất giống cây ăn trái và du lịch sinh thái trên 300 triệu đồng/năm.
“Du khách đến các nhà vườn để tìm hiểu cách sản xuất chăm sóc vườn cây, thưởng ngoạn những vườn cây sai quả và thích nhất là tự tay mình hái những trái từ trên cây xuống thưởng thức; tham quan kiểng cổ, nghỉ lại qua đêm trong vườn nhà (homestay), đi xe đạp qua các xã để tìm hiểu cảnh quan sinh hoạt, văn hóa của làng quê sông nước miệt vườn” – anh Trí Nghiệp chia sẻ.
Anh Nguyễn Thanh Phong, một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Cù Lao Minh chia sẻ thêm: “Tôi đến Cù Lao Minh rất nhiều lần nhưng không cảm thấy chán, vì ở đây trái cây rất ngon, ngọt, như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, xoài, mận... Tôi rất yêu mến mảnh đất này vì không khí mát mẻ, trong lành. Đặc biệt được thưởng ngoạn cảnh sông nước của một vùng cù lao đa dạng cây, con sinh sống hai bên bờ và cảnh sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trên hai bờ sông”.
Mùa hè thời tiết oi bức cũng là thời điểm thích hợp để du khách có những chuyến tham quan vườn cây mát mẻ, thư giãn, thoải mái bởi không gian trong lành, rợp màu xanh. Từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm Cù Lao Minh rộ mùa trái cây. Khi đến vào dịp này, du khách không chỉ thỏa thích tham quan các vườn cây trĩu quả, chụp những bức ảnh đẹp mà còn thưởng thức trái ngon tại vườn, hay những món ẩm thực làm từ trái cây không kém phần độc đáo.
Du lịch sinh thái miệt vườn của gia đình anh Huỳnh Trí Nghiệp (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức trái ngon
PHƯƠNG NGHI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023