“Chợ là nơi công cộng để đông người đến mua bán vào những ngày, buổi nhất định” (Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học). Đồng bằng sông Cửu Long có những loại hình chợ khá đặc biệt là “chợ nổi”, “chợ trời”. Khu biệt về tính chất các loại chợ, miền Tây còn có các khái niệm chợ như “chợ xanh” là chợ tạm bán các loại rau quả và “chợ đen” là thị trường mua bán tiền tệ bất hợp pháp, “chợ người” nơi có những người lao động chân tay đứng chờ sẵn để được người khác thuê mình,
Đồng bằng sông Cửu Long là xứ nhiệt đới, gió mùa điển hình, trái cây, khoai, củ, rau, quả rất đa dạng và phong phú cho nên mùa nào cũng có thể mua bán những mặt hàng này được. Từ đó, một số cư dân ở đây hình thành nên thói quen một cách tự phát là đi mua bán các loại trái cây, khoai củ, rau quả lúc nông nhàn hoặc thành nghề truyền từ đời này sang đời khác. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cho xuồng, ghe đi khắp nơi trong đồng bằng. Chính vì ghe, xuồng có thể lưu thông tự do khắp nơi như vậy nên thương lái có thể len lỏi mọi ngõ ngách ở đồng bằng tìm mua các loại trái cây, khoai, rau củ mà nông dân, người làm vườn bán tại vườn với số lượng nhiều, giá rẻ. Nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe làm phương tiện vận tải và di chuyển là “chợ nổi”. Các chợ nổi hoạt động tự phát từ xưa tới nay, không có sự quản lý hành chánh (chính), thu thuế nào một cách chặt chẽ. “Chợ nổi” là một loại hình chợ thường xuất hiện tại vùng sông nước, được coi là tuyến giao thông chính. Địa điểm có chợ nổi thường tại các khúc sông phải tương đối rộng, không cạn quá mà cũng không sâu quá. Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân. Chợ họp cả ngày nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Các cửa hàng trên ghe, thuyền thường không có bảng hiệu. Trên mỗi thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán. Người ta gọi cây này là “cây bẹo”. Cây bẹo là hình tượng độc đáo nhất, một cách giới thiệu hàng khá ấn tượng chỉ có ở chợ nổi. Ở những chợ vùng trên như Cái Răng, Cái Bè, Ngã Năm, Phụng Hiệp, "cây bẹo" được bà con sử dụng bằng tầm vông dài và thẳng đứng, cắm bên ghe và treo lên đó đủ thứ mà ghe mình có bán. Còn đối với các chợ nổi vùng dưới như Gành Hào, U Minh, Thới Bình… cũng có cây tầm vông nhưng nhiều ghe thương hồ còn chọn cây đước, cây vẹt được làm cho sạch bóng và giữ nguyên nhiều nhánh làm dụng cụ treo hàng. Tuy nhiên, có 3 trường hợp ngoại lệ. “Cái gì treo mà không bán” chính là quần áo. Chiếc ghe không chỉ là cửa hàng mà còn là ngôi nhà di động của họ. Cư dân chợ nổi thường sinh sống và sinh hoạt ngay trên thuyền, quần áo họ phơi cả trên thuyền, do đó “mặt hàng” này họ không bán. “Cái gì bán mà không treo” chính là các thuyền bán hàng ăn uống và nước giải khát. “Cái gì mà treo cái này, bán cái khác” Chính là treo lá dừa nhưng lại bán thuyền. Một số chợ nổi nổi tiếng như chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), địa điểm họp chợ là giao điểm của 7 nhánh sông. Chợ nổi Châu Đốc (An Giang) gần thành phố Châu Đốc. Chợ nổi Cái Răng, nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km. Chợ nổi Phong Điền, nằm các trung tâm thành phố Cần Thơ 17km. Chợ nổi Long Xuyên, nằm các trung tâm thành phố Long Xuyên 2km.
Ruộng vườn mênh mông trái cây, lúa gạo làm ra ăn không hết phải bán. Công việc nhiều, đa đoan, phải mướn thêm người phụ giúp. Người phụ giúp tất nhiên không có thì giờ để lo ăn, lo mặc, phải mua sắm. Thế là hình thành chợ, nơi tiêu thụ và cung ứng dịch vụ. Vì tính chất giao lưu, trao đổi, chợ thường mở ra ở những nơi thuận tiện cho việc đi lại, những ngã ba, ngã tư đường đi, kinh (kênh) rạch. Đi sâu vào bên trong, những xóm, ấp nép mình bên những dòng kinh (kênh), cánh đồng có những điểm họp chợ nhỏ, bán lơ thơ những món hàng thiết yếu hằng ngày cho người nông dân, mọi người gọi với nhiều cái tên thân thương “chợ chồm hổm”, “chợ cóc” vì hàng hóa để trên tấm ni lông trải trên mặt đất. Không có bàn tạm, ghế ngồi. Chợ không có nhà lồng. Nắng lên thì nghỉ bán. Mưa thì cuốn lại chạy vào nhà dân trốn mưa, hết mưa bán tiếp. Những ngôi chợ này thường không có tên, nếu có thì gọi đại chợ bà bông, chợ bà giáo… Người bán thường là những người sinh sống tại chỗ, nhận ra những nhu cầu của người trong xóm nên bày hàng quán bán vài món đồ tạp hóa, thức ăn sáng, cà phê đá. Người dân trong vùng trồng một vài loại cây trái, giàn mướp, luống rau… ăn không hết, cho đứa gái nhỏ bưng ra ngồi bán, vài người giăng lưới, thả câu cũng mang cá của mình ra đổi lấy đường hay xà bông. Bây giờ có những xe Honda hàng rong chở đủ mọi thứ thịt cá, rau cải, bánh trái bán dài theo xóm, tới chợ cũng đậu lại một hồi.
Điều đặc biệt của sinh hoạt chợ nông thôn miền Tây là người mua. Họ là những người đi đồng áng sớm ghé qua quán quen ngồi một lát. Có người ăn một đĩa cơm, tô cháo, có người không ăn nhưng cà phê thì ai cũng uống. Những câu chuyện ở quán luôn luôn là những thông tin nóng hổi. Chợ thường tan rất sớm, 8 - 9 giờ đã vắng hoe, chỉ còn lại những quán nhà tại chỗ.
Gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quy mô chợ ngày càng mở rộng, bên cạnh đó ở một số địa phương chợ cũng hình thành tự phát diễn ra phức tạp… Thông thường chợ tự phát ý chỉ những nơi người dân tự tụ tập để mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại nơi không được quy hoạch, mua bán ngay lòng, lề đường và thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như văn minh đô thị. Tình trạng chợ tự phát xuất hiện và đã tồn tại một thời gian dài tại một số địa phương. Đặc biệt, những vùng có dân số lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hay những khu công nghiệp đông công nhân, người lao động, mặc dù nhiều địa phương đã nỗ lực giải tỏa, sắp xếp, song vẫn không giải quyết triệt để. Triển khai chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chợ thuộc tiêu chí số 7, một trong 19 tiêu chí quan trọng về xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện, tiêu chí xây dựng chợ nông thôn nhiều nơi chưa đạt chuẩn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực hiện tiêu chí xây dựng chợ gặp khó khăn do nguồn kinh phí hạn chế, do tâm lý tập quán một thời cư dân chợ vùng quê mang tính tự phát, tự do mua bán và cuối cùng là một số vùng nông thôn kinh tế hàng hóa chậm phát triển, dân cư thưa thớt, sức mua bán thấp nên chợ không phát triển. Xây dựng Nông thôn mới, trong đó có xây dựng chợ là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, người dân nông thôn là chủ thể. Nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của chợ, nhân dân ở nhiều vùng nông thôn đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, góp công tham gia xây dựng chợ, nhiều vùng nông thôn có chợ khang trang, kinh tế chợ phát triển góp phần đáng kể thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở nông thôn.
TRẦN MƯỜI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023