Phố cổ Gia Hội - Vùng đất đậm đặc văn hóa Huế

Nằm phía Đông Nam của TP Huế, phố cổ Gia Hội là vùng đất đậm đặc văn hóa Huế. Nếu kinh thành Huế và lăng tẩm các hoàng đế nhà Nguyễn là những gì còn sót lại của một vương triều đã lùi xa vào dĩ vãng thì phố cổ Gia Hội chính là dấu ấn vẫn chưa vội phai mờ của đời sống cư dân mảnh đất Thần kinh xưa.

 

Phố cổ Gia Hội nằm trên một hòn đảo được bao bọc xung quanh bởi sông Hương và sông Đông Ba. Khu phố cổ này được hình thành từ sau ngày các chúa Nguyễn di dời thủ phủ xứ Đàng Trong từ thành Hóa Châu vào Kim Long (1636) và Phú Xuân (1687). Khi nhà Nguyễn thành lập (1802), khu phố cổ Gia Hội nằm bên cạnh kinh thành Huế đã phát triển nhanh chóng, trở thành một phố thị đông đúc. Có thể khẳng định, khu phố cổ Gia Hội là nơi biểu hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Huế xưa.

Ở phố cổ Gia Hội có hệ thống tâm linh khá phong phú. Nơi đây có ngôi chùa Trường Xuân được xây dựng từ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Tên gọi ban đầu của chùa là Kỳ Viên Am và sau đó, đến thời nhà Nguyễn, lại đổi là Xuân An Tự vào năm 1804. Điều thú vị là khám thờ của chùa không thờ Phật mà lại thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Mẫu và Quan Công. Nơi đây, còn có chùa Tăng Quang đánh dấu sự hình thành Phật giáo Nam Tông trên đất Huế và có Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo của Việt Nam - nơi linh thiêng của tín ngưỡng độc đáo của cư dân sông nước xứ Huế với nghi lễ lên đồng. Nơi đây, còn có chùa Diệu Đế là ngôi quốc tự thứ ba ở Huế và được Hoàng đế Thiệu Trị liệt hạng là một trong “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp chốn kinh thành). Tương truyền, vùng đất xây chùa Diệu Đế là nơi Hoàng đế Thiệu Trị ra đời và sinh sống trước khi lên ngôi. Hoàng đế Thiệu Trị mong muốn chùa Diệu đế sẽ là địa điểm: “Vua quan ngày ngày chiêm ngưỡng, càng tăng thêm màu sắc tươi thắm của chốn phồn hoa; xe qua thuyền ghé tấp nập, chen nhau như gấm dệt; mục đích vẫn thức tỉnh những tâm hồn hiếu lợi mê hoặc, vẫn lấy điều thiện làm căn bản”.

Phố cổ Gia Hội còn có di tích Thanh Bình từ đường được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia từ năm 1992. Tại đây, có bài vị Càn Cương Hầu, được tôn xưng là ông Tổ ngành hát Bội (Tuồng) và hậu tổ hát Bội là cụ Đào Tấn. Trước khi trở thành ngôi từ đường thờ Tổ ngành hát Bội, nơi đây từng được dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc Đội hát Bội Việt Tường trong cung cấm. Dần dần về sau, theo yêu cầu của quần chúng, đây còn là nơi biểu diễn hát Bội phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế. Sân khấu hát Bội đầy tính nhân văn, phản ánh rất rõ những tích cực và tiêu cực của xã hội qua mỗi thời đại, mỗi thời kỳ lịch sử, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín mà đặc biệt là chuyên chở những tâm tư ước vọng của nhân dân ta. Vì vậy, nghệ thuật hát Bội đã đi sâu vào trong lòng mỗi người dân Việt Nam, là một trong những nền tảng quý báu của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Phố cổ Gia Hội còn có đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – Anh hùng dân tộc chống quân xâm lược Mông - Nguyên, ngôi nhà thờ họ Kim Hoàn thờ hai ông tổ nghề thợ vàng thợ bạc Cao Đình Độ và Cao Đình Hương...

 

Đặc biệt nhất ở phố cố Gia Hội là một loạt dinh thự của các ông hoàng, bà chúa, các quan chức cao cấp trong triều đình Huế như phủ thờ Quận chúa Như Sắc, phủ Gia Hưng Vương (đường Bạch Đằng), phủ Vĩnh Tường Quận Vương, Ngọc Sơn Công Chúa từ, phủ Tuy An Quận Công (đường Nguyễn Chí Thanh), phủ từ Hoài Đức Quận Vương, Nghi Quốc Công từ (đường Nguyễn Du), phủ Thọ Xuân Vương, phủ Thoại Thái Vương, phủ Hòa Thạnh Vương, phủ Quảng Biên Quận Công (đường Chi Lăng). Một số phủ đệ nữa tại khu phố cổ Gia Hội là phủ An Thạnh Vương tại đường Chùa Ông, phủ Hoằng Hóa Quận Vương tại đường Tô Hiến Thành, phủ Vĩnh Quốc Công ở đường Nguyễn Du...

Trong đó, nổi bật nhất là phủ Thoại Thái Vương, con trai thứ tư của Hoàng đế Thiệu Trị. Thoại Thái Vương chính là cha của Hoàng đế Dục Đức; cháu nội và chắt nội của ông là Hoàng đế Thành Thái và Hoàng đế Duy Tân. Hoàng đề Thành Thái và Hoàng đế Duy Tân vì yêu nước, chống Pháp nên bị đày sang đảo Réunion (Châu Phi). Bên cạnh đó, Ngọc Sơn công chúa từ vẫn được giữ gìn một cách cẩn thận. Đây là ngôi nhà vườn được đánh giá là đẹp nhất Huế. Đúng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nhận định: “nhà vườn Huế là nơi cư ngụ của tâm hồn, là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau…”.Có phần cường điệu, nhưng không phải phi lý khi nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã nói: “Đến Huế, mà chưa thảnh thơi vạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài Vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như ... chưa đến”. Phố cổ Gia Hội là địa điểm có cộng đồng người Hoa nhiều nhất ở Huế từ trước đến nay. Nơi đây, có nhiều kiến trúc của người Hoa như hội quán Hải Nam, hội quán Triều Châu, hội quán Phúc Kiến, hội quán Quảng Triệu, đền Chiêu Ứng. Bên cạnh đó là ngôi nhà thờ của một gia đình người Ấn Độ theo đạo Hinđu ở đường Chi Lăng, thuộc loại duy nhất ở Huế.

Phố cổ Gia Hội có một địa danh khá nổi tiếng là chợ Dinh. Khu vực này dưới thời các chúa Nguyễn là doanh trại của quân đội. Người Hoa đến đây buôn bán vì thế gọi khu vực đóng quân đó là dinh. Chợ Dinh thời nhà Nguyễn gồm có 8 hàng: Gia Thái, Hóa Mỹ, Phong Lạc, Dinh Ninh, Hội Hòa, Mỹ Hưng, Thụy Lạc và Tam Ðăng, gọi chung là 8 hàng ở ven sông (Duyên giang bát hàng).

Phố cổ Gia Hội có những xóm nghề lâu năm. Đầu tiên là xóm làm lồng đèn phục vụ Phật đản tại kiệt 399, 401 đường Chi Lăng, phường Phú Hậu, thành phố Huế. Điều đáng khâm phục là dù khó khăn vất vả, người lao động vẫn cố gắng bám trụ với nghề. Một xóm nghề khác cũng nổi tiếng ở phố cổ Gia Hội là “xóm bánh bao”. Đây là tên gọi khác của kiệt 112 Nguyễn Chí Thanh, phường Gia Hội, thành phố Huế. Nơi đây, có nhiều hộ gia đình làm và bán bánh bao, nên người dân gần đó gọi dần thành quen miệng.

Khu phố cổ Gia Hội là nơi có đời sống ẩm thực phong phú với các đặc sản nổi tiếng của Huế… Hãng mè xửng Thiên Hương, quán bún bò của mệ Kéo (đường Bạch Đằng), bánh bèo-nậm-lọc Bà Đỏ… đã nổi tiếng từ lâu và thu hút đông đảo thực khách. Ngoài các đặc sản trên, nơi đây còn có các món ăn ngon miệng như bún giấm nuốc, bún thịt nướng, bún mắm nêm, bánh khoái, nem lụi, cơm hến, chè…

Nghị quyết số 54 - NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ sẽ “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Điều đó càng thôi thúc chính quyền và người dân chung tay bảo tồn phố cổ Gia Hội – vùng đất đậm đặc văn hóa Huế.

 

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

 

 

;