Có một làng nghề chiếu cói 200 năm tuổi

Nghề dệt chiếu cói ở nước ta đã hình thành từ khoảng những năm 908 - 1009 vào thời Tiền Lê. Đến nay, nghề dệt chiếu đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước. Tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, từ sáng sớm, làng chiếu cói Hoài Châu Bắc đã tấp nập làm việc, tạo nên bức tranh quê đẹp thơ mộng.

 

Đất võ Bình Định có nhiều làng nghề nổi tiếng. Một trong số đó là nghề dệt chiếu cói ở Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - đây là nghề truyền thống của địa phương. Với lịch sử hình thành hơn 200 năm tại vùng đất xứ dừa Hoài Nhơn, làng nghề chiếu cói này được Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống lâu đời nhất của tỉnh.

Đại bộ phân cư dân nơi đây chuyên trồng cói và dệt chiếu cói từ nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Ngoài thôn Chương Hòa, còn có nhiều địa phương khác làm nghề dệt chiếu cói như thôn Gia An, Gia An Đông, Quy Thuận, Tam Quan Bắc,…

“Chiếu Gia An anh trải em nằm

Phải duyên chồng vợ trăm năm anh chờ...”

Những chiếc chiếu cói được hình thành từ các ruộng trồng cói ở từng địa phương. Người nông dân trồng cói và thu hoạch mỗi năm hai lần. Có vùng thu hoạch cói ba lần một năm, trong đó vụ chiêm rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 và vụ mùa kéo dài từ tháng 7 đến giữa tháng 9 âm lịch. Đi qua địa bàn của các xã, ngoài những ruộng lúa, có nhiều đồng cói nằm trải dài xanh ngút mắt.

Đồng cói nhiều nơi gọi là đồng lác, loại cây thân mềm, xốp, mọc hoang nơi đầm lầy hoặc được trồng ở những cánh đồng nhiễm phèn nặng. Cánh đồng cói thường gây ấn tượng mạnh với mọi người bởi màu xanh xen lẫn màu nâu nhạt của hoa cói tựa như những tấm lụa đào. Với diện tích gần 50 ha trồng cói, bạn sẽ cảm nhận được độ rộng lớn của khu vực trồng cói tại đây. Đứng giữa cánh đồng cói, bạn sẽ thấy một chút nhẹ nhàng với khung cảnh vùng quê yên bình. Có thể nói rằng, người dân Hoài Nhơn đã có một hành trình biến vùng đất bị nhiễm phèn chua ở xứ dừa thành những cánh đồng cói xanh bạt ngàn, mát rượi tầm mắt.

Cói sau khi thu hoạch được lựa chọn những sợi chất lượng, sau đó dùng dao chẻ nhỏ rồi phơi khô đủ nắng để sợi cói bền và chắc, thường khi sợi cói đã khô chừng 70% là được. Người ta chia cói thành 2 phần: để nhuộm màu và không nhuộm. Chiếu cói thường có hai loại là chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn được dệt từ cói trắng nguyên chất, còn chiếu hoa thì được dệt từ các sợi cói trắng xen kẽ các sợi cói đã được nhuộm thành các màu khác nhau để tạo ra một chiếc chiếu hoa văn, hoặc dệt theo mẫu đặt hàng của người mua. Chiếu hoa ở đây thường có các loại chiếu gấm, chiếu rằng, chiếu vảy ốc, chiếu long phụng, chiếu hoa râm, chiếu cờ, chiếu cổ lồi. Cói nhuộm thường có màu đỏ, xanh, vàng, tím... Người ta nấu những nồi phẩm màu rồi nhúng từng bó cói vào đó cho màu đều và thấm vào từng sợi cói rồi mang ra phơi nắng, sau đó là công đoạn dệt thành chiếu cói.

 

Chiếu cói ngày trước thường được dệt thủ công là chính, ngày nay, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật nên các nghệ nhân đã biết sử dụng máy dệt chiếu để tạo ra sản phẩm. Một chiếc chiếu cói dệt bằng máy chưa đến một tiếng, trung bình một người thợ làm từ 12 - 15 chiếc mỗi ngày. Tuy vậy, chiếu dệt bằng khung tay, theo cách truyền thống vẫn được thị trường ưa chuộng hơn.

Muốn dệt một chiếc chiếu hoa, các nghệ nhân phải thật sự khéo léo, tỉ mỉ ghép từng sợi cói đã nhuộm màu để cho ra các hoa văn theo mẫu đã được khách hàng yêu cầu. Một chiếc khung máy dệt có hàng chục cuộn chỉ nên người thợ phải thực sự lành nghề thì mới có thể cho ra đời một chiếc chiếu có độ thẩm mỹ cao như: chiếu hoa có chữ song hỷ, trăm năm hạnh phúc hoặc chữ Phúc – Lộc – Thọ. Xung quanh chiếu dệt hoa văn đặc sắc. Chiếu dệt xong được phơi nắng trước khi bán ra cho người tiêu dùng. Thị trường chiếu cói trong vài năm gần đây có giá dao động từ 120.000 đến 180.000 đồng tùy theo chủng loại. Sử dụng chiếu cói là nét văn hóa truyền thống của từng gia đình Việt Nam và là sản phẩm đặc trưng của cư dân đất võ.

Chiếu cói Bình Định xưa nay rất nổi tiếng và được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đã xuất khẩu đến các thị trường Đông Âu, ASEAN, mang lại nguồn thu nhập và việc làm thường xuyên cho người nông dân. Mặc dù lợi nhuận không cao nhưng người nông dân các địa phương ở Hoài Nhơn, Bình Định vẫn có gắng lưu giữ nghề truyền thống này - nét tinh hoa mà ông cha đã trao truyền cho con cháu đời sau ...

Ca dao miền đất võ nói về nghề dệt chiếu rằng:

“Chiếu cói làng em nhuộm màu tươi tắn

Công em rày mưa nắng gió sương

Chiếu này đi khắp tứ phương

Gửi người quân tử trải giường nghỉ ngơi”.

 

NGUYỄN TẤN TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;