Phố phường vẫn “bám” nghề nông

Trên địa bàn TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang một thời từng nổi tiếng với những vùng chuyên canh rau màu, hoa, cây cảnh, lúa… Thế nhưng, gần hai chục năm trở lại đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều “bờ xôi ruộng mật” đã được thu hồi phục vụ các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ và công trình an sinh xã hội… Dù phần lớn đất sản xuất bị thu hẹp, song, với kinh nghiệm và sự cần cù vốn có, nhiều hộ dân đã khắc phục khó khăn để thâm canh, tăng vụ, xoay xở mưu sinh bám trụ với nghề nông, chăm chút đồng ruộng nhằm có thêm thu nhập.

 

Thuê đất canh tác

Nhìn tổng thể bức tranh đô thị thành phố Bắc Giang hôm nay với sự phát triển ngày càng đồng bộ, hiện đại và sầm uất, ít ai biết rằng, đằng sau những khu phố ban ngày nườm nượp người xe, ban đêm rực sáng ánh đèn vẫn có không ít những nông dân sớm khuya dãi nắng dầm mưa trên thửa ruộng ít ỏi còn sót lại. Thậm chí, nhiều công dân thành phố phải thuê đất ở khu vực ngoại thành hoặc xa hơn để canh tác. Trường hợp anh Vũ Văn Ninh (47 tuổi), tổ dân phố Phú Mỹ 1, phường Dĩnh Kế là ví dụ. Vốn là con nhà nông, ngày trước gia đình anh Ninh từng có cả mẫu ruộng, trong ký ức của anh, vị trí những tòa cao ốc vút lên trời xanh kia từng là cánh đồng được cấy lúa, trồng rau và bát ngát hoa màu, chẳng ruộng sâu dộc trũng nào anh chưa đặt chân đến. Từ những năm 2000, số diện tích ấy được Nhà nước thu hồi phục vụ các dự án, không còn đất sản xuất nhưng vốn có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc đào cảnh nên mấy năm nay, vợ chồng anh lên phường Xương Giang thuê 4 mẫu ruộng với giá 60 triệu đồng/năm để trồng 1,2 nghìn gốc đào. Trong đó, năm nay lần đầu tiên anh Ninh tuyển 150 gốc đào cổ thụ tại các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La với giá mua tại vườn từ 1,5 đến 5 triệu đồng mỗi cây đưa về ruộng trồng. Hai vợ chồng sớm khuya tần tảo, anh tưới, chị vun với hy vọng vụ tới sẽ đưa ra thị trường những cây đào “khủng” có thế độc đáo và mang lại cho gia đình một khoản thu nhập khá. Nuôi mộng làm giàu với hoa, anh cũng đang thuê 1 ha đất tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) với mức 20 triệu đồng/năm để trồng đào, tuyển hai nhân công trông nom, chăm sóc vườn cây, mỗi tháng vợ chồng anh lên vườn kiểm tra một lần.

Nghề nông dãi nắng dầm mưa, sớm tối ngoài đồng những mong đến ngày kết hoa đơm trái. Tôi đã chứng kiến cảnh vợ chồng anh Ninh ăn cơm trưa ngoài ruộng rồi làm thông sang chiều. Anh bảo: “Làm đào vất vả hơn mọi người nghĩ, tôi phải tranh thủ thời tiết thuận lợi để vun gốc, uốn cành vì vài ngày nữa, cành đào sẽ bị cứng rất khó uốn. Cây đào vốn lắm sâu bệnh gây hại nên đều đặn 8 đến 10 ngày lại phải phun thuốc một lần, rồi ủ đỗ tương, bón nhiều loại phân, tỉa tót, tưới tắm liên tục thì thân cây mới to khỏe, vậy nên hầu như ngày nào hai vợ chồng cũng có mặt trên ruộng đồng từ sáng sớm đến tối muộn. Vất vả là thế nhưng cũng có năm được năm mất vì còn phụ thuộc lớn vào thời tiết, thị trường”.

Phường Dĩnh Kế trước đây được xem là thủ phủ của các loại cây rau giống, rau ăn. Người dân cho biết, nghề truyền thống này có từ thời ông cha được duy trì đến nay, sản phẩm được khách hàng nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến. Những cái tên như Giáp Nguột, Giáp Tiêu, Giáp Hải… từng được xem là “vựa” rau giống của tỉnh. Trước đây, tổ dân phố Kế có hơn ba chục hộ chuyên ươm rau giống, trồng rau ăn thì nay do diện tích canh tác ít nên còn chưa đến chục hộ theo nghề với quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Không còn dáng dấp của những bờ bãi tươi tốt bời bời, thay vào đó là từng ô, thửa xen kẹp trong vườn nhà, cạnh khu dân cư... Thế nhưng, từ những mảnh vườn nhỏ ấy đã hằng ngày mang lại nguồn thu chính cho các hộ dân. Với 7 sào ruộng, trong đó của nhà một sào, còn lại thuê của những hộ có ruộng chưa bị thu hồi với mức 7 triệu đồng/sào/năm, gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (51 tuổi) vẫn duy trì nghề ươm rau giống, mang lại thu nhập ổn định. Theo bà, ngày trước gia đình từng sản xuất vài mẫu rau giống, nay dù đất đai ít nhưng tuổi mỗi ngày một cao, không thích hợp vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp nên vợ chồng bà túc tắc gắn bó với ruộng đồng để dành thời gian trông nom cháu và có thêm thu nhập. Trên các thửa rộng được làm cỏ sạch sẽ, mùa nào thức ấy chẳng khi nào ông bà cho đất nghỉ, họ ươm trồng con rau từ su hào, bắp cải, mồng tơi, bầu, bí, mướp, dưa leo, hành hoa, các loại rau củ quả… Thị trường tiêu thụ thuận lợi, rau đến kỳ thu hoạch ngoài bán buôn cho các đầu mối từ Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, một số hộ dân trực tiếp chở đến bán tại chợ phiên ở Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên… Thậm chí, với những mối quen ở tỉnh khác, chỉ cần gửi hàng qua ô tô rồi khách chuyển tiền qua tài khoản. Theo các hộ dân, làm rau giống không quá vất vả mà đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Nếu những cây trồng khác phải mất vài tháng, thậm chí cả năm mới cho thu hoạch thì rau giống chỉ hai mươi ngày đã xong vụ, mỗi sào thu được 15 đến 20 triệu đồng, trong khi một năm có thể sản xuất được 10 vụ. Chịu khó làm mỗi năm cũng cho nguồn thu cả trăm triệu đồng.

Quan tâm chất lượng nông sản

Thực tế cho thấy, nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp trong khu vực nội thành hiện nay bên cạnh những yếu tố tích cực vẫn có những vấn đề nảy sinh, trong đó đáng quan tâm là vệ sinh môi trường và chất lượng sản phẩm. Đâu đó, câu chuyện về các hộ nuôi lợn, trâu bò, dê hay sử dụng thuốc trừ sâu, bón phân gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra. Không giống như hộ bà Nhung, anh Ninh thuê được đất tại những vị trí có nguồn nước tưới thuận lợi, xa khu dân cư, thậm chí họ đào ao, khoan giếng để lấy nước tưới cho cây trồng, nhiều hộ dân hằng ngày phải sử dụng nước tưới cây từ những cống rãnh, hố ga khiến cho nhiều người lo ngại về sự an toàn khi sử dụng nông sản.

Tìm hiểu tại phường Xương Giang, một số hộ dân tổ dân phố Đông Giang cũng phải thuê đất trồng rau của người dân tổ dân phố Thành Ngang với mức giá 1,5 triệu đồng/sào/năm. Một sáng mới đây, chúng tôi gặp bà Phạm Thị Th… đang cắt rau mồng tơi mang ra chợ bán. Bà cho biết: “Sống ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ, hai vợ chồng già không có lương hưu, vốn chỉ biết nghề nông mà giờ không còn ruộng nên thuê 5 sào trồng các loại rau, tuy vất vả song nếu chịu khó mỗi ngày tôi cũng kiếm được một đến hai trăm nghìn đồng, người nông dân cứ có ruộng chẳng sợ đói”, bà Th… nói.

Tuy nhiên, theo người phụ nữ này, cánh đồng Trong Thành nơi bà và nhiều hộ dân khác đang trồng rau hiện rất khó canh tác bởi máng mương tuy vẫn còn nhưng nguồn nước tưới từ bên ngoài đã bị chặn lại trong quá trình xây dựng khu dân cư mới, việc tưới rau màu phụ thuộc chủ yếu vào nước thải chảy xuống cống từ một cửa hàng rửa xe ô tô gần đó. “Nước này ô nhiễm lắm, có lúc hút lên bọt xà phòng sùi trắng xóa, biết vậy nhưng vẫn phải làm vì không làm thì chết đói, có lúc tôi định đưa nước máy từ nhà ra tưới rau nhưng nước máy có clo tưới rau không lên được. Rồi lại tính tìm công việc gì đó làm thuê nhưng ngần này tuổi rồi làm gì có ai thuê, kiếm chân quét rác còn khó, thôi đành quanh quẩn với mấy mảnh ruộng gần nhà để kiếm đồng ra đồng vào”, người phụ nữ 64 tuổi phân trần.

Chúng tôi đem câu chuyện trên trao đổi với bà Thân Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, được biết: Hiện nay, do quá trình phát triển mạnh của công nghiệp, đô thị nên tỷ lệ nông dân trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh, đất đai cho sản xuất nông nghiệp còn rất ít. Chỉ tính từ năm 2018 đến 2022, Nhà nước đã thu hồi 920 ha đất nông nghiệp, liên quan đến 19.642 hộ dân. Theo bà Huyền, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Bắc Giang có những khó khăn, đặc thù. Tuy nhiên, mục tiêu của thành phố là phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Nhằm khai thác những lợi thế của địa phương, thành phố đã quy hoạch 3 vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 30 ha và các vùng chuyên canh trồng hoa, cây cảnh, thủy sản… Đối với người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án, hằng năm, ngành chức năng phối hợp tổ chức nhiều chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, hỗ trợ nông dân đầu tư chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa tạo vùng chuyên canh, hình thành các mô hình kinh tế, HTX sản xuất nghề thủ công… Đồng thời, có chính sách khuyến khích hình thành, phát triển thêm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, chất lượng cao. Tất nhiên, trên địa bàn còn một số hộ làm nông nghiệp đơn lẻ, chính quyền và các hội đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, gắn với bảo vệ môi trường…

Chuyện về nông nghiệp, nông dân trong thành phố vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn nhưng trong suy nghĩ của tôi, anh Ninh, bà Nhung hay bà Th… có lẽ là những người nông dân cuối cùng ở khu vực nội thành, bởi được biết cánh đồng, thửa ruộng trên đất “vàng” mà họ đang phải thuê để canh tác ấy cũng đang nằm trong diện quy hoạch, chỉ nay mai thôi, họ sẽ lại ngưng việc cấy trồng để phục vụ các dự án được ưu tiên. Rồi đây nếu còn yêu nghề mến ruộng, nông dân phố thị phải tính đường dài hơn, đó là tìm đến các vùng ven, hoặc huyện nông thôn, miền núi thuê đất canh tác. Nơi đó, họ sẽ có cơ hội để tiếp tục theo đuổi nghề nông, và trong xu thế hiện nay, tin chắc rằng sẽ có những người dám nghĩ dám làm, nuôi ước mơ sở hữu các khu nông nghiệp công nghệ cao như những mô hình trồng hoa, nuôi cá, rau quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới đạt tiêu chuẩn chất lượng, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từng xuất hiện ở các xã, phường trong thành phố như Dĩnh Trì, Đa Mai, Song Mai, Đồng Sơn, Tân Mỹ…

 

NGUYỄN HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;