Các dạng tiểu thuyết liên văn hóa

Ra đời từ thập niên 70 của TK XX ở phương Tây, thuật ngữ liên văn hóa và danh từ đi kèm, tính liên văn hóa (1) ngày càng trở thành khái niệm và công cụ quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, bao gồm cả nghiên cứu văn chương. Đặc biệt, nó đáp ứng yêu cầu bức thiết của thời đại toàn cầu hóa với sự gia tăng các cuộc tiếp xúc, giao lưu liên quốc gia, liên châu lục ở mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Trong văn chương, tiểu thuyết, với chức năng phản ánh, nhận thức bén nhạy về thời đại, là thể loại thể hiện rất rõ xu hướng liên văn hóa này.

     Có thể thấy sự đa dạng của xu hướng tiểu thuyết liên văn hóa trong sáng tác của một số nhà văn từng phải sống lưu vong, như Rushdie (gốc Ấn) hoặc Wole Soyinka (gốc Nigeria), các nhà văn nhập cư như Milan Kundera (gốc Serbia), Cao Hành Kiện (gốc Trung Quốc), Atiq Rahimi, Khaled Hosseini (gốc Afghanistan), Andrei Makine (gốc Nga), Julia Kristeva (gốc Rumania), hoặc các nhà văn khối Pháp ngữ (francophone) không có quốc tịch Pháp mà viết bằng tiếng Pháp, như Patrick Chamoiseau (quần đảo Antilles), Tehar Ben Jelloun (Maghreb, Bắc Phi), nhà văn viết bằng tiếng Anh nhưng không mang quốc tịch Anh như Naipaul (gốc Ấn Độ), J. Coetzee (Nam Phi, gốc Đức), N. Gordimer (Nam Phi, gốc Do Thái)… Xu hướng tiểu thuyết này đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ thông qua việc nhiều tác giả và tác phẩm được nhận giải thưởng văn chương có uy tín toàn cầu, như Nobel, Man Booker, Goncourt.

    Sự đa dạng nhìn từ vị thế liên văn hóa của tác giả

    Có một câu hỏi đặt ra: có hay không một kiểu tiểu thuyết gia liên văn hóa? Và nếu có thì kiểu tiểu thuyết gia này hiện diện dưới những dạng thức nào. Câu trả lời của chúng tôi là có, và kiểu tác giả này tồn tại dưới đa dạng các dạng thức, trực tiếp chi phối sự đa dạng của xu hướng tiểu thuyết liên văn hóa.

    Tác giả là người nhập cư hoặc tị nạn

    Kiểu tiểu thuyết gia này thường có bản thể và ý thức kép về văn hóa, văn hóa gốc và văn hóa nhập cư (hay văn hóa của nơi cư ngụ). Tính chất kép, lưỡng hóa, sự tương tác của các nền văn hóa thường diễn ra trong ý thức nghệ thuật của nhà văn.

    Quá trình đối thoại hiện diện trong tâm thức sáng tạo của anh ta, chi phối cách sử dụng chất liệu, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật, chiến lược trần thuật cũng như cách tổ chức không - thời gian nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn. Anh ta là một kẻ khác (Autre), một chủ thể văn hóa khác khi nhìn ngắm, thể hiện, phán xét nền văn hóa gốc của anh ta. Ngược lại, anh ta cũng là kẻ khác, kẻ lạ, kẻ khác biệt văn hóa trong nền văn hóa nơi anh ta đang sinh tồn với những mặc cảm xa lạ, bị kỳ thị, hay với sự cô đơn, không được thấu hiểu. Atiq Rahimi là một kiểu tác giả như thế. Khi viết Nhẫn thạch (2), ông đã thể hiện cuộc sống và văn hóa Afghanistan qua thân phận tiêu biểu của một phụ nữ bị áp chế, đày đọa, vô quyền trong xã hội Hồi giáo cực đoan tôn sùng nam quyền. Rõ ràng, kiểu nhân vật nữ của ông được thể hiện trong trường nhìn và lăng kính văn hóa Pháp (phương Tây) của tác giả về ý thức và quyền sống cá nhân. Cách xử lý biện chứng giữa truyền thuyết và phi truyền thuyết hóa khi tác giả cho người chồng (một chiến binh Hồi giáo) đang sống thực vật nhiều ngày, người mà người vợ đã coi như một nhẫn thạch, vùng dậy bóp cổ vợ mình, là cách kết thúc mỉa mai, châm biếm với sự phán xét của nền văn hóa đòi nữ quyền (phương Tây) đối với nền văn hóa nam quyền (Hồi giáo). Trong tiểu thuyết của ông đã có sự đối thoại ngầm của hai nền văn hóa Đông (Afghanistan) và Tây (Pháp). Thêm vào đó, ông sử dụng lối trần thuật nương theo lời độc thoại nội tâm của nhân vật, với diễn biến tâm lý phức tạp, gần với cách thể hiện tâm lý nhân vật của J.Racine, kịch tác gia Pháp vĩ đại của TK XVII, nên tiểu thuyết của ông hiện lên vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, vừa kỳ dị, khác biệt vừa gần gũi, thân quen đối với công chúng Pháp.

    Đối với một số tác giả khác thì kiểu nhân vật trong tác phẩm của họ là sự hóa thân của tác giả, hoặc rất gần với chân dung tinh thần của tác giả như nhân vật tôi trong Bản di chúc Pháp của Andrei Makine (3), hoặc tương tự như các kiểu nhân vật trong Vùng đất lạ của Jhumpa Lahiri (4).

    Trong nhóm tác giả này, còn có những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba của người nhập cư. Họ được sinh ra và lớn lên ở một đất nước nhưng dường như vẫn chưa hoàn toàn thuộc về nó. Các tác giả này đem lại sự phong phú cho nền văn học chính quốc Pháp, Mỹ, Anh, với những sắc màu và văn hóa của chủng tộc mình. Văn chương của họ thẩm thấu các không gian văn hóa liên chủng tộc, xuyên ranh giới các quốc gia, sử dụng kiểu thời gian huyền thoại bên cạnh thời gian lịch sử, hiện thực và nhân vật chính thường là người thiểu số so với chính quốc. Có thể kể đến Toni Morrison (người Mỹ gốc Phi), tác giả The Bluest Eye (tạm dịch: Mắt biếc), The Beloved (Người yêu dấu), giải Nobel văn chương năm 1993; Amy Tan (người Mỹ gốc Trung Quốc), tác giả của The Hundred Secret Senses (Trăm miền ẩn thức, 1995), The Joy Lucky Club (Phúc lạc hội, 1989), Kasno Ishiguro (người Anh gốc Nhật), tác giả của tiểu thuyết The Remains of the Days (Di tích của ngày, giải Booker, 1989).

    Tác giả viết với ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ

   Kiểu tác giả này rất phong phú, đa dạng các dáng vẻ. Có kiểu tác giả khối Pháp ngữ (francophone) ở châu Phi, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ, vùng Caribe, hoặc có kiểu tác giả Anh ngữ (anglophone) Ấn Độ, Nam Phi, Pakistan…

    Ở đây, thường xuất hiện kiểu ngôn ngữ lai, cách kể chuyện lai ghép và dĩ nhiên sự lai ghép của văn hóa. Đó là trường hợp của Ahmadou Kourouma (Bờ Biển Ngà) với tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp Le Soleil des Indépendances (tạm dịch: Các mặt trời của nền độc lập, 1968). Văn bản tiểu thuyết của ông đã giỡn đùa giữa tiếng Pháp và tiếng Malinké (5), kiểu tiếng Pháp lây nhiễm ngữ điệu, thành ngữ, cú pháp Malinké cùng lối kể chuyện theo kiểu hát rong, giọng văn châm biếm có độ gián cách khi viết về thực tại tha hóa vì quyền lực và sự độc tài của giới lãnh đạo châu Phi, dưới cái nhìn dân chủ và nhân bản của tác giả. Patrick Chamoiseau (quần đảo Antilles), tác giả của tiểu thuyết Texaco, lại pha trộn trong văn chương của ông một ngôn ngữ lai giữa tiếng Pháp và tiếng Créole (tiếng nói của người da đen ở Antilles). Nhà văn chọn nhân vật kể chuyện là một bà già da đen, ít học, kể về lịch sử một khu phố nghèo trong 150 năm, cách kể và ngôn ngữ hỗn hợp và lai ghép, sự trộn lẫn cái thật và cái hoang đường, đại chúng và tinh hoa, tác giả và nhân vật (5).

    Có thể nói đa phần kiểu tác giả tiểu thuyết của văn học viết trong ngôn ngữ tiếng Pháp hoặc tiếng Anh hiện nay thường có ý thức chống lại chủ nghĩa thực dân trong văn hóa thông qua cách thể hiện các vấn đề liên văn hóa và đối thoại văn hóa.

   Tác giả có trải nghiệm xuyên qua các quốc gia, các nền văn hóa

   Kiểu tác giả này thường chọn bối cảnh và không gian của tiểu thuyết ở nước ngoài so với quốc gia gốc của tác giả. Như André Malraux chọn lựa không gian là ở Thượng Hải có đan xen không gian Pháp; Marguerite Duras chọn lựa không gian ở miền Nam Việt Nam, hoặc ở Ấn Độ; Pearl Buck chọn không gian ở Trung Quốc… Họ đưa vào đó các nhân vật, các chủng tộc và văn hóa khác nhau, tạo nên kiểu đối thoại văn hóa đan xen giữa Đông và Tây, thuộc địa và chính quốc, văn hóa của các quốc gia đang phát triển với các quốc gia phát triển.

    Các tác giả gốc Việt nhưng sống ở nước ngoài như Thuận, Đoàn Minh Phượng cũng thuộc các trường hợp này. Các cặp phạm trù văn hóa của tôi và văn hóa kẻ khác, sự khác biệt văn hóa và sự phổ quát của văn hóa nhân loại có mối quan hệ biện chứng và quan hệ giữa chúng được diễn giải tùy theo ý đồ, quan điểm, lối viết, thi pháp của mỗi tác giả.

   Tác giả chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa nước ngoài hoặc có ý thức đối thoại với văn hóa nước ngoài

   Đó là trường hợp Orhan Pamuk, do chịu ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ trong học vấn và văn hóa (ông được đào tạo trong trường Anh ngữ), nên tiểu thuyết của ông viết về đất nước Thổ Nhĩ Kỳ quá khứ và hiện tại luôn có sự đối thoại giữa văn hóa Thổ (Hồi giáo) và văn hóa Âu Mỹ, luôn luôn xuất hiện văn hóa kẻ khác trong tác phẩm của ông, từ các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật cũng như chính trị, để tạo nên sự đối thoại qua lại của các nền văn hóa. Tác giả có ý thức thấu hiểu vẻ đẹp của mỗi nền văn hóa, sự phát triển tương hỗ giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa Hồi giáo và phương Tây.

    Trong khía cạnh này, có thể đề cập tới việc nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đưa nhân vật người Pháp vào trong tiểu thuyết của ông (6). Các nhân vật này thường được thể hiện gắn với điểm nhìn bên trong khi nhìn về văn hóa Việt, con người Việt và ngược lại, điểm nhìn của các nhân vật Việt khi quan sát, thể hiện, đánh giá các nhân vật Pháp này tạo nên sự giao thoa văn hóa thú vị.

    Các dạng thức kiểu tác giả nêu trên thường là sự phân chia tương đối và thường có mối quan hệ đan xen. Chẳng hạn có sự biện chứng giữa kiểu tác giả nhập cư, lưu vong và kiểu tác giả sử dụng Pháp ngữ, Anh ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình.

    Sự đa dạng nhìn từ nội dung tác phẩm

    Các vấn đề liên văn hóa, các hệ giá trị, lối sống, niềm tin, quan niệm của các nền văn hóa thường đan xen, tương tác, đối thoại lẫn nhau một cách đa dạng, phong phú tùy sự lựa chọn, ý đồ, và quan điểm, cách viết của từng nhà văn, các nhóm và kiểu loại nhà văn trong cách đề cập hệ đề tài và chủ đề này.

    Tính chất liên văn hóa được thể hiện qua thế giới nhân vật hoặc trong từng nhân vật, qua các phương thức tự sự, cách kể, qua cách tổ chức các điểm nhìn và cách tổ chức không - thời gian cũng như kết cấu một cách đa dạng, phong phú.

    Tính chất liên văn hóa hay sự đối thoại văn hóa Hồi giáo (Thổ) và Thiên Chúa giáo (Venice, Châu Âu)

   Trong tiểu thuyết Pháo đài trắng (7), Orhan Pamuk sử dụng kiểu bản thảo tìm thấy và xuất bản vào trong thời kỳ hiện đại, một dạng hồi ký về cuộc đời của một nhà khoa học người Venice (Ý) theo Thiên Chúa giáo, bị quân Thổ bắt và sống trong xã hội và văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thời gian, ông chuyển dần cuộc đời mình từ kẻ nô lệ trở thành người tự do và thành đạt. Câu chuyện diễn ra có lẽ trong thời kỳ Phục Hưng, TK XVI. Pamuk chọn người kể chuyện đồng sự xưng “tôi”, kiểu vừa là người kể chuyện vừa là nhân vật trong truyện. Dưới cái nhìn của nhân vật này, ban đầu, xã hội và con người Thổ Nhĩ Kỳ hiện lên như một kẻ khác, xa lạ trong lối sống, phong tục, tôn giáo, cách sinh hoạt. Nhờ Hoja, một nhà khoa học Thổ và Pasha (tể tướng), nhân vật chính dần dần thích nghi và thấy kẻ khác ấy quen thuộc, mang tính nhân bản hơn. Ở đây có sự biện chứng giữa cái tôi, cái chúng ta và kẻ khác, giữa sự khác biệt và sự giống nhau, sự đa dạng, tính đặc thù và tính phổ quát. Gần cuối tác phẩm, khi đến Pháo đài trắng, họ đổi vai cho nhau, “tôi” thành Hoja và Hoja thành “tôi”. Sự đổi vai cuối cùng giữa “tôi” (ego) và một bản thể khác của tôi (alter ego) như một thông điệp của Pamuk về sự tương tác giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, làm phong phú khuôn mặt của văn minh nhân loại cũng như khuôn mặt con người trong sự tự nhận thức mình qua cái nhìn của kẻ khác, qua sự hoán chuyển giữa cái ta và bản ngã khác của ta.

    Tính chất liên văn hóa hay sự đối thoại giữa nền văn hóa Bắc Phi và văn hóa Pháp dưới góc nhìn hậu thuộc địa

    Ở tiểu thuyết Sa mạc (8), J.M.G. Le Clézio tạo dựng sự tương tác, đối thoại giữa văn hóa Bắc Phi (sa mạc) với văn hóa Pháp, văn hóa của kẻ bị xâm lược và kẻ xâm lược, văn hóa chật hẹp của nền văn minh vật chất và xã hội tiêu dùng (Marseille) với nền văn minh của tự do tâm linh, của nắng, gió, cát, mặt trời (sa mạc Sahara). Ông đi sâu vào bên trong tâm tưởng hệ nhân vật của nền văn hóa sa mạc với truyền thuyết đoàn quân xanh đi tìm thiên đường ở vùng đất hứa phương Bắc, song song với sự tìm kiếm tự do của Lalla (Pháp) từ Sa mạc đến Marseille (Pháp). Cô khổ đau, rồi có danh vọng (làm người mẫu ảnh) nhưng cuối cùng, không tìm thấy hạnh phúc, cô quay về với cội nguồn sa mạc và tìm thấy bình an. Hệ giá trị Ả Rập Bắc Phi phương Nam của một xứ sở chậm phát triển được khẳng định như hệ giá trị văn hóa độc đáo, xứng đáng tôn vinh như một trong những giá trị nhân bản của văn hóa nhân loại.

    Cách đặt tên nhân vật gắn với biểu tượng không gian vũ trụ như Lalla (Bóng tối), Nour (Ánh sáng), chất thơ trong miêu tả qua sự cảm nhận bên trong với mọi giác quan của nhân vật đối với thiên nhiên, lối sử dụng đa chủ thể kể chuyện, kết hợp người kể chuyện “dị sự” và “đồng sự”, sự di động điểm nhìn từ người kể chuyện đến nhân vật khai mở các kiểu không - thời gian trong tiến trình truyện giúp thể hiện thông điệp của tác giả: những nền văn minh bên lề của châu Âu mang gương mặt nhân bản, chứa đựng một hệ giá trị đặc sắc, đáng tôn trọng. Cảm quan hậu hiện đại với tính dân chủ và nhân bản chi phối cách tổ chức sự đối thoại liên văn hóa trong tác phẩm này của ông. Huyền thoại “đi tìm thiên đường của vùng đất hứa” và huyền thoại “trở về cội nguồn” làm gia tăng tính phổ quát nhân loại trong tính đặc thù của văn hóa sa mạc Sahara, giúp độc giả cảm thấy hấp lực của cái xa lạ mà lại gần gũi và quen thuộc.

    Tính chất liên văn hóa trong lối viết liên văn bản hay là sự đối thoại giữa văn minh châu Âu và văn minh thổ dân

    Trong tiểu thuyết Vendredi ou les limbes du Pacifique (Thứ Sáu hay vành Thái Bình Dương, 1967), Michel Tournier sử dụng lối “pastiche” (mô phỏng, nhại) từ tiểu thuyết Robinson Crusoë của Daniel Defoë, một kiệt tác TK XVIII, tạo nên một lối viết “liên văn bản” của mình. Có điều, thay vì lấy nhân vật Robinson làm nhân vật chính, ông lại để Thứ Sáu làm nhân vật chính. Ở đây, có sự hoán chuyển cặp đôi này trong ý thức sáng tạo và ý đồ đối thoại liên văn hóa của Tournier: Robinson thành Thống đốc của Đảo, Thứ Sáu là kẻ hầu, dù có chút tình bạn, Thứ Sáu được Robinson khai hóa, giáo dục làm cho bớt hoang dã và văn minh lên và mối quan hệ của họ diễn ra trong tính tôn ti thứ bậc (hiérarchique), nền văn hóa của Robinson đứng ở vị trí cao hơn nền văn hóa của Thứ Sáu, Tournier dụng công xây dựng một tình huống kho thuốc súng của Robinson bị nổ tung, và từ nay, chàng mất hết quyền lực và sức mạnh. Robinson bắt đầu học Thứ Sáu lối sống hoang dã hài hòa với thiên nhiên, từ ăn, uống, mặc đến quan hệ giao tiếp với Thứ Sáu cũng biến đổi. Chàng và Thứ Sáu trở thành bình đẳng, bạn bè, xóa bỏ khoảng cách, chàng gạt bỏ dần thiên kiến và học được cách sống giản dị, mộc mạc nhưng phù hợp với bản tính của chàng và phù hợp với tự nhiên.

     Sự đảo nghịch vai trò của hai nhân vật trong cặp đôi này là dụng ý và thông điệp của Tournier: nền văn minh vật chất và đầy chinh phục của Phương Tây không làm cho con người hạnh phúc, mà trái lại, cần trở về với con người hài hòa với vũ trụ, với bản thân, với tự nhiên, hạnh phúc sẽ đến. Ông cũng gửi một thông điệp cho các nền văn hóa của các nước đang phát triển: hãy cảnh giác, đừng đi vào vết xe đổ của nền văn minh phương Tây, bởi đó chỉ là sự nô lệ cho chính vật chất và dục vọng thấp hèn. Lối viết này cũng là lối viết hậu hiện đại trong cảm quan đả phá đại tự sự thống trị thế giới của nền văn minh phương Tây của Michel Tournier với huyền thoại trở về vĩnh cửu của con người vũ trụ.

    Xu hướng tiểu thuyết liên văn hóa trong văn học thế giới và Việt Nam còn đang mở ra những tiềm năng cho việc nghiên cứu, đem lại những cái nhìn mới, sâu sắc hơn, thú vị. Xu hướng này còn có thể được nghiên cứu theo kiểu so sánh, như việc so sánh tiểu thuyết liên văn hóa của các nhà văn nữ Việt Nam và thế giới; sự khác biệt của lối viết hậu hiện đại, hiện đại chủ nghĩa và lối viết truyền thống, chẳng hạn trong các tiểu thuyết liên văn hóa Đông / Tây của Pearl Buck, Amy Tan, Cao Hành Kiện và Sơn Táp

___________

1. Thuật ngữ này được dịch từ tiếng Pháp (interculturel) hoặc tiếng Anh (intercultural), bao gồm tiếp tố inter (nguyên nghĩa: ở giữa), chỉ mối quan hệ của nền văn hóa này với một hay nhiều nền văn hóa khác, trong sự tương hỗ, tương tác, liên chủ thể văn hóa (xem thêm: M. Abdallah Pretceille, L. Porcher, L’éducation interculturelle PUF, 1996, J. Demorgon, Complexité des cultures et de l’interculturel, Anthropos, 2000).

2. Nguyên tác: Syngué sabour. Pierre de patience, Editions P.O.L, Paris, Pháp, 2008. Giải Goncourt (Pháp) năm 2008, bản dịch tiếng Việt của Nguyên Ngọc, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009. Atiq Rahimi là người gốc Afghanistan. Ông sinh năm 1962 tại thủ đô Kabul. Năm 1964, ông rời quê hương đến Pakistan, vì lí do chiến tranh. Sau đó, ông xin tị nạn chính trị tại Pháp.

3. Nguyên tác: Le Testament francais, giải Goncourt 1995. Andrei Makine là nhà văn người Pháp gốc Nga. Tiểu thuyết này được nhà văn Bùi Hiển dịch sang tiếng Việt, tiêu đề Bản di chúc Pháp, Nxb Văn học, 1998.

4. Nguyên tác: Uncustomed Earth, một tập hợp truyện ngắn. Tác giả là một người Mỹ gốc Ấn Độ. Bản tiếng Việt của sách này được Nxb Văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2009.

5. Xem thêm: Đặng Thị Hạnh, Một vài gương mặt văn xuôi Pháp TK XX, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr. 62-78.

6. Nhà văn đã xây dựng nhiều hình ảnh nhân vật người Pháp trong các tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa (Nxb Phụ nữ, 2006, 2011).

7. Nguyên tác: Beyaz Kale (1985), tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt, Nxb Trẻ, TPHCM, 2008. Orhan Pamuk là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được trao giải Nobel, năm 2006.

8. Nguyên tác: Désert, Éditions Gallimard, Paris, Pháp, 1980; tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt, Nxb Văn học, 2010.

Tác giả: Bửu Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

;