Ngày 15/6/2022, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2024. Tại khoản 2 Điều 29, khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 31 Luật Thi đua, khen thưởng giao Chính phủ quy định khung tiêu chuẩn và việc xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Tại khoản 7, Điều 84 của Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục xét tặng đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Bộ VHTTDL đã tiến hành tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”. Qua việc tổng kết trên, Nghị định đã trở thành căn cứ pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để chính quyền địa phương thực hiện bình xét, khen tặng các danh hiệu thi đua về văn hóa hằng năm. Bên cạnh đó, các quy định tại Nghị định đảm bảo thể hiện chi tiết các tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét, công nhận, phụ lục các biểu mẫu tự đánh giá tiêu chí đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, khu dân cư trong việc áp dụng thực hiện xét tặng danh hiệu văn hóa tại địa phương. Từ đó, nhiều nội dung của phong trào đã đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên, góp phần thiết thực thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Tuy nhiên, hiện nay một số quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP đã không còn phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc xét tặng danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Bên cạnh đó, Nghị định đang quy định tên danh hiệu là “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003.
Thứ hai, các quy định về tặng danh hiệu thi đua tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP vẫn dựa trên căn cứ đăng ký tham gia thi đua xây dựng danh hiệu của hộ gia đình, khu dân cư hằng năm, trong khi đó, Luật Thi đua, khen thưởng đã bỏ căn cứ này.
Thứ ba, Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định các tiêu chí rất cụ thể để đánh giá từng tiêu chuẩn thi đua với các danh hiệu, các trường hợp không xét tặng danh hiệu, thang điểm, cách chấm điểm để áp dụng chung cho cả nước. Các quy định này đã trở nên không phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đó là giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu trên cơ sở khung tiêu chuẩn do Chính phủ quy định, cũng như thực hiện mục tiêu đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến).
Ngoài ra, công tác thi đua, khen thưởng đối với các danh hiệu văn hóa tại cơ sở đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật như việc áp dụng các thủ tục hành chính về khen thưởng, công nhận các danh hiệu thi đua văn hóa tại cấp cơ sở được đưa lên dịch vụ công với số lượng hồ sơ nhiều (hàng trăm) cho cùng một lúc nhiều cá nhân, tập thể, đơn vị và thủ tục cần phải tổ chức phúc tra, thẩm định, họp xét công khai dân chủ, lấy ý kiến nhân dân là không khả thi, khó để thực hiện theo thủ tục hành chính “một cửa - một cửa liên thông”.
Trên cơ sở đó, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để xây dựng dự thảo Nghị định. Ngày 17/5/2023, Bộ đã có Công văn số 1912/BVHTTDL-VHCS gửi các Bộ, ban, ngành, địa phương về việc cho ý kiến đối với hồ sơ xây dựng Nghị định. Tính đến thời điểm gửi hồ sơ thẩm định, Bộ đã nhận được 18/25 ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, trong đó 7/18 ý kiến nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo. 45/63 ý kiến của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó, 10/63 ý kiến nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo.
Bộ VHTTDL đã nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý nội dung hồ sơ xây dựng Nghị định. Các ý kiến không tiếp thu đã được giải trình cụ thể theo quy định.
Về bố cục Dự thảo Nghị định gồm 3 Chương với 12 điều và 4 Phụ lục, cụ thể:
- Chương I - Quy định chung gồm 5 điều.
- Chương II - Quy định cụ thể gồm 3 điều.
- Chương III - Tổ chức thực hiện gồm 4 điều
- Phụ lục I, II, III: Khung tiêu chuẩn đối với từng danh hiệu.
- Phụ lục IV: Phụ lục về Biểu, mẫu thành phần hồ sơ.
Về các quy định chung: Căn cứ theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Bộ VHTTDL đã rà soát và xây dựng các quy định chung đối với 3 danh hiệu thi đua là danh hiệu “Gia đình văn hóa”; danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, cụ thể như sau:
- Việc xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” được thực hiện hằng năm và hoàn thành việc bình xét trước ngày 25 tháng 11.
- Về thẩm quyền xét tặng danh hiệu: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 79 và khoản 2, khoản 3 Điều 80 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.
- Không quy định về thang điểm, cách chấm điểm đối với danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn; hướng dẫn tổ chức, thực hiện việc đánh giá đối với các danh hiệu thi đua tại địa phương.
- Quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận danh hiệu, cơ quan ban hành quyết định công bố công khai trên bảng tin hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và các hình thức khác theo quy định về danh sách gia đình, thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn được tặng danh hiệu thi đua nhằm đảm bảo công khai, minh bạch.
Về các quy định cụ thể: Khung tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu được xây dựng trên cơ sở các quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 31 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định về tiêu chí danh hiệu còn phù hợp với thực tế tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP.
Hiện nay, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 giao Chính phủ quy định khung tiêu chuẩn các danh hiệu nên nội dung các quy định khung được xây dựng cụ thể, các tiêu chí rõ ràng để lựa chọn, đánh giá thực chất và chính xác các tổ chức, cá nhân cũng như thể hiện sự quy chuẩn của Nhà nước và để cấp có thẩm quyền kiểm tra, giám sát quy trình xét tặng. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 bổ sung danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” vào các danh hiệu về văn hóa. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực tiễn cũng như ý kiến của các địa phương, Bộ VHTTDL đã bổ sung khung tiêu chuẩn đối với danh hiệu mới này.
Ngoài ra, khung tiêu chuẩn cũng được Ban soạn thảo nghiên cứu, xây dựng rõ ràng, cụ thể, khả thi giúp UBND cấp tỉnh có thể quy định chi tiết các tiêu chuẩn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương.
Về quy trình xét tặng các danh hiệu: quy trình xét tặng cho các danh hiệu được xây dựng rõ ràng, thống nhất, cụ thể trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân tham gia. Đặc biệt, bổ sung quy định về việc đăng tải danh sách các hộ gia đình, thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn đủ điều kiện xét tặng và thông báo, công khai trên bảng tin công cộng để lấy ý kiến người dân. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung trách nhiệm của Hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp trong việc bình xét các danh hiệu về văn hóa. Các quy định tại dự thảo Nghị định góp phần khắc phục các bất cập về hồ sơ, thủ tục xét tặng các danh hiệu hiện hành; tăng cường công tác kiểm soát thủ tục, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính nội bộ trong giai đoạn hiện nay.
THU TRANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023