Với tuổi thơ, vui chơi là nhu cầu không thể thiếu. Đồng dao do ông cha sáng tạo trong xã hội xưa trước hết cũng để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ. Đồng dao không chỉ là một yếu tố của trò chơi mà bản thân đồng dao cũng là một trò chơi: trò chơi gieo vần, tạo nhịp. Khảo sát một số trường hợp, chúng tôi thấy có những bài đồng dao nội dung không diễn đạt một ý hướng gì cụ thể mà vận động theo tiến trình của bản thân trò chơi như: Nu na nu nống, Rồng rắn lên mây, Tay tí tay tiên... Sự kết hợp hài hòa ba yếu tố ứng tác - ứng khẩu - hành động có thể xem là đặc điểm nổi bật của trò chơi trong thơ ca dân gian nói chung, trong đồng dao nói riêng.
Thơ thiếu nhi hiện đại không sinh ra từ hành động diễn xướng giống đồng dao. Tuy nhiên, nhận thức được vai trò to lớn của vui chơi giải trí đối với trẻ, các tác giả đã kế thừa ở đồng dao cách cấu trúc bài thơ thành một trò chơi. Trò chơi không bó hẹp trong một hoạt động cụ thể mà có ý nghĩa như một phương thức sáng tạo nhằm mang đến cho các em những phút giây thư giãn vui vẻ, thoát ly được tính chất duy lý, giáo huấn. Nói cách khác, đó là xu hướng trò chơi hóa thế giới. Theo chúng tôi, thơ thiếu nhi hiện đại vận dụng xu hướng này của đồng dao qua việc thiết kế, tạo lập một số mô hình trò chơi như: trò chơi vận động, trò chơi trí tuệ, trò chơi từ ngữ.
1. Trò chơi vận động
Xét ở phương diện chức năng, đồng dao và trò chơi dân gian trước hết chính là một cách rèn luyện thân thể để trẻ khỏe mạnh, hoạt bát. Nhiều trò chơi đòi hỏi trẻ mạnh mẽ, nhanh chân, nhanh mắt, nhanh miệng. Trẻ phải có sức khỏe mới có thể vui chơi và ngược lại, các trò chơi khiến cho trẻ thêm mạnh khỏe và năng động như: Rồng rắn lên mây, Bịt mắt bắt dê, Chi chi chành chành, Thả đỉa ba ba, Nu na nu nống...
Trong thơ thiếu nhi, bạn đọc có thể bắt gặp mô hình trò chơi vận động như thế trong những bài thơ tiêu biểu như: Nhảy dây, Chơi ú tim (Phạm Hổ); Nhảy dây, Đu quay, Chồng nụ chồng hoa, (Định Hải); Mời chơi (Lữ Huy Nguyên); Chơi cá ngựa (Nguyễn Hồng Kiên)… Đây là trò chồng nụ chồng hoa đầy hấp dẫn, khiến những đứa trẻ tham gia thích thú: “Chồng chồng nụ/ Chồng chồng hoa/ Cao cao là/ Ai nhảy nhỉ?/ Chồng chồng hoa/ Chồng chồng nụ/ Cao cao lắm/ Cũng vượt qua” (Chồng nụ chồng hoa - Định Hải). Thể thơ ba chữ kết hợp biện pháp điệp ngữ, nhịp thơ nhanh, mạnh, khỏe khoắn gợi nhắc lời đồng dao vui nhộn: “Giã chày một/ Hột gạo vàng/ Giã chày đôi/ Dôi thóc mẩy...”. Trong vui chơi, phải chăng lời thơ, nhịp thơ cũng đã chắp cánh thêm cho niềm vui tâm hồn, cho trí tưởng tượng của các bé thăng hoa cùng với sự phát triển tư duy, ngôn ngữ.
Trẻ em luôn giàu có về tưởng tượng. Bởi vậy, trò chơi vận động còn có một ý nghĩa tích cực khác, đó là giúp các em phát huy trí tưởng tượng, sự khéo léo của bản thân. Nội dung này được thể hiện trong một số bài thơ như: Thuyền giấy, Những món đồ chơi (Phạm Hổ); Trâu lá đa (Lữ Huy Nguyên); Củ khoai nghệ (Trần Nguyên Đào)... Từ chiếc lá đa quen thuộc, trẻ em có thể mang đến niềm vui cho chính mình: “Lá đa rụng/ Bên bờ ao/ Em biến chúng/ Thành đàn trâu/ Trâu lá đa/ Bé tí tẹo/ Cuống xỏ sẹo/ Sợi rơm mùa” (Trâu lá đa - Lữ Huy Nguyên). Chỉ là trò chơi nhưng tâm hồn các em vô cùng hòa nhập, tưởng tượng mình là bác nông dân đang điều khiển đàn trâu thật trên cánh đồng: “Em lật đật/ Vực trâu cày/ Cỏ may dày/ Chớ rối mắt/ Sang luống cày/ Vắt! Vắt! Vắt!” (Trâu lá đa - Lữ Huy Nguyên). Củ khoai nghệ cũng được sáng tạo, biến hóa thành đàn nghé con ngộ nghĩnh: “Củ khoai nghệ/ Mập mập ghê/ Cắm bốn que/ Thành con nghé/ Em yêu thế/ Chẳng ăn đâu/ Nuôi thành trâu/ Cày giúp mẹ” (Củ khoai nghệ - Trần Nguyên Đào). Với những vật liệu thông thường, trẻ em đã tự sáng tạo ra thế giới trò chơi của riêng mình, người lớn khó mà tưởng tượng được.
Mô hình trò chơi vận động không chỉ gắn với mục đích phát triển thể chất mà còn góp phần làm giàu có tâm hồn trẻ thơ. Hình thức này khiến trò chơi có sự kết hợp giữa nét ngây thơ, hồn nhiên với những ý tứ sâu sắc của bài học làm người. Hạt nhân hát và chơi của đồng dao vận động trong một cấu trúc mới. Ví dụ: Mẹ, mẹ ơi, cô bảo (Phạm Hổ), Rồng rồng rắn rắn (Định Hải), Bé thành phi công (Vũ Duy Thông), Nu na nu nống (Vi Thùy Linh), Nu na nu nống (Phạm Xuân Nguyên)...
Trò nu na nu nống vui nhộn gắn bó với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ nhưng qua thơ Phạm Xuân Nguyên bỗng trở nên mới lạ bởi ý nghĩa cao đẹp đan cài trong đó. Chơi nhưng cũng chính là để biết yêu mến, trân trọng, giữ gìn và bảo vệ biển đảo quê hương: “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển cả xa bờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt/ Từ bao đời qua/ Thuyền ai đi qua/ Tàu ai đi lại/ Tất cả mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Nu na nu nống/ Nu nống nu na”.
Nhìn chung, những bài thơ trong dạng thức mô tả trò chơi vận động vừa mang đến cho các em niềm vui hoạt động, rèn luyện thể chất, vừa đan cài ý nghĩa mới mẻ được gài lồng trong những hình ảnh đẹp, trong cách nói nhẹ nhàng.
2. Trò chơi trí tuệ
Đồng dao gắn với khát vọng hiểu biết, học hỏi, mở mang trí tuệ của trẻ em. Có những bài đồng dao gắn với trò chơi nhưng không phải chỉ để chơi mà còn để học. Từ xưa, ông cha ta đã biết khéo léo xen cài tư tưởng giáo dục trong những trò chơi của trẻ. Bên cạnh việc dạy trẻ nhận thức chính xác sự vật, những câu đồng dao nói ngược còn thử thách sự năng động trí tuệ, chẳng hạn: “Non cao đầy nước/ Đáy biển đầy cây/ Dưới đất lắm mây/ Trên trời có cỏ...”. Nhiều bài đồng dao là những bài dạy trẻ tập đếm, làm tính cộng, trừ như: Rềnh rềnh ràng ràng, Chuyền thẻ, Đếm sao... Như một cuộc chạy tiếp sức, sự trở lại quen mà lạ của hình thức chơi mà học, học mà chơi này vẫn tiếp tục tạo nên một sức sống trong thơ thiếu nhi hiện đại.
Trong âm điệu vui tai rềnh rềnh ràng ràng của đồng dao thuở nào, Nguyễn Thị Thủy lại mở ra trước các em thế giới của biết bao loại quả: “Rềnh rềnh ràng ràng/ Đi chợ mua hàng/ Tìm các loại quả/ Quả dứa, quả xoài/ Quả mai, quả mận/ Ăn thì chua chua/ Ngọt mát cũng vừa/ Là quả đu đủ/ Vỏ xanh ruột đỏ/ Là quả dưa hấu/ Đem mang xào nấu/ Là trái su su...” (Đồng dao về quả). Các loại củ cũng nhờ đồng dao mà đi vào nhận thức của trẻ thật sinh động: “Ngồi chơi trên đất/ Là củ su hào/ Tập bơi dưới ao/ Đen sì củ ấu/ Không cần phải nấu/ Củ đậu mát lành/ Lợn thích củ hành/ Chó đòi riềng sả…” (Đồng dao về củ - Vương Trọng).
Cái hay của bài thơ là những liên tưởng thật bất ngờ, kích thích trí tò mò, ưa khám phá của trẻ em. Sự vật được miêu tả tồn tại trong trạng thái động thật vui mắt: củ chơi trên đất, củ bơi dưới ao… tinh nghịch, hồn nhiên như trong một cuộc chơi đầy tiếng reo cười. Đọc những bài thơ trên, ta thấy phảng phất bóng dáng của những bài vè rau, vè quả trong đồng dao dân gian.
Như vậy, sự kết hợp tự nhiên giữa yếu tố chơi và học không những giúp trẻ có những phút giây thư giãn mà còn mang đến những hiểu biết thú vị, thúc đẩy trẻ say mê khám phá thế giới kỳ diệu xung quanh. Hình thức trò chơi của đồng dao khiến kiến thức được truyền đến trẻ không nặng nề theo kiểu áp đặt mà dễ hiểu, dễ nhớ. Ngay kiến thức toán học vẫn bị coi là khô cứng cũng trở nên linh hoạt hơn trong hình thức này. Từ không (0) đến mười (10) (Phạm Hổ); Làm quen với số (Vương Trọng); Bé học toán (Thu Huyền); Tập đếm (Vương Đình Sâm)… có thể xem là những dẫn chứng tiêu biểu. Vần điệu nhịp nhàng giúp trẻ vừa nô đùa vừa học: “Một cái kéo/ Hai cái ca/ Thìa có ba/ Mũ bốn cái/ Bé lại đếm/ Năm con chim/ Bé đếm tìm/ Con số sáu/ Bảy dưa hấu/ Tám ô tô/ Bé tập tô/ Tập viết số/ Có ai đố/ Chín quả xoài/ Đếm không sai/ Mười con vịt/ Thật là thích/ Mười số thôi/ Mà đồ chơi/ Nhiều vô kể” (Bé học toán - Thu Huyền).
Những con số một, hai, ba, bốn… dường như không còn vô tri, vô giác nữa mà xúm xít đùa vui trong nhịp điệu rộn ràng. Những món đồ gắn bó với trò chơi con trẻ bỗng chốc gắn kết lại thành bài học đếm thật vui và bổ ích giống như không khí vui tươi của trò chuyền thẻ ngày xưa:“Cái mốt/ Cái mai/ Con trai/ Con hến/.../ Chuột chít/ Lên bàn đôi/ Đôi tôi/ Đôi chị/ Đôi cái bị/ Đôi cành hoa...”.
Qua phân tích ở trên, có thể thấy thơ thiếu nhi hiện đại đã có sự học tập và làm mới hình thức chơi mà học, học mà chơi vốn là ưu thế của đồng dao. Đây không chỉ là sự phát huy nguồn cội văn học dân tộc mà còn có ý nghĩa như một sự thức nhận: làm sao đưa thơ về gần hơn với tuổi thơ. Với hình thức này, trí tưởng tượng của trẻ, nhận thức của trẻ được nâng đỡ bằng niềm hưng phấn chơi đùa thoải mái. Mỗi bài thơ như một trò vui để các em “chơi với nó mà không chán, không sợ nó” (Trần Quốc Toàn).
3. Trò chơi từ ngữ
Đồng dao do trẻ em trực tiếp lưu truyền và diễn xướng. Bên cạnh những bài đồng dao phục vụ “trẻ em chơi”, có một bộ phận đồng dao để “trẻ em hát” (không kèm trò chơi). Nhưng ngay khi không có trò chơi đi kèm, những bài hát ấy vẫn mang đến không khí sôi nổi, vui vẻ, được trẻ yêu thích. Ví dụ: “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Theo chúng tôi, đây là hình thức chơi đặc biệt bởi nó dựa trên sự linh hoạt, gợi hình của ngôn ngữ, âm điệu. Trong trường hợp này, ngôn từ hay nhịp điệu có thể coi là thứ đồ chơi vô hình của trẻ.
Thơ thiếu nhi hiện đại cũng có nhiều bài được sáng tác theo hình thức này. Trong chừng mực nhất định, các tác giả cố gắng vượt khỏi cấu trúc chuẩn mực của ngôn ngữ để đi vào những kết hợp mới, tự do, mang tính thẩm mỹ. Có thể khảo sát nội dung này qua một số bài thơ tiêu biểu như: Mời vào (Võ Quảng); Lời, Chuyện vui về cá, Chân nào tài nhất, Chẳng phải chuyện đùa (Quang Huy); Kể em nghe chuyện cá (Nguyễn Duy Quế); Hay hát đồng dao (Nguyễn Lãm Thắng)...
Trò chơi từ ngữ có thể được cấu trúc dựa trên hiện tượng từ đồng âm. Chẳng hạn, trong Chẳng phải chuyện đùa, Quang Huy dựa vào hiện tượng từ đồng âm khác nghĩa giúp rèn luyện tư duy ngôn ngữ cho các em từ những phản đề: “Cái chai không đầu/ Mà sao có cổ/ Bảo rằng ngọn gió/ Thì gốc ở đâu/ Răng của chiếc cào/ Làm sao nhai được/ Mũi thuyền rẽ nước/ Thì ngửi cái gì...”. Thể bốn chữ quen thuộc, nhịp kể đều như hình thức đồng dao nhưng ý tưởng của nhà thơ lại rất mới mẻ. Từng câu thơ gối lên nhau như những câu hỏi không bao giờ dứt, hé mở cho trẻ em bao điều kỳ thú từ những sự vật tưởng như đã quá quen thuộc với mình. Và rất tự nhiên, lời thơ có tác dụng như chất men kích thích, thôi thúc các em đến với sự say mê tìm hiểu lý do của những sự thực tưởng như trái ngược kia.
Trò chơi từ ngữ có thể dựa trên hiện tượng chơi chữ bằng phương tiện cùng âm. Một số bài thơ như Chuyện vui về cá (Quang Huy), Kể em nghe chuyện cá (Nguyễn Duy Quế) sử dụng hình thức này. Các tác giả dựa vào tên gọi của sự vật, hiện tượng để đưa ra cách định nghĩa độc đáo, dễ hiểu với trẻ em. Tác giả căn cứ vào một thành tố cùng âm trong cấu trúc tên gọi của sự vật với một hiện tượng của cuộc sống nhằm tạo ra liên tưởng bất ngờ. Chẳng hạn:“Học hành chẳng thích/ Là tụi cá Chuồn/ Chặt cây phá vườn/ Là con cá Rựa/ Trình bày nham nhở/ Là chú cá Bôi/ Chẳng chịu vâng lời/ Là thằng cá Ngạnh..” (Kể em nghe chuyện cá - Nguyễn Duy Quế). Lời thơ gợi nhớ đến đồng dao: “Vừa đi vừa cúi/ Là con cá còm/ Hay nói làm nhàm/ Là con cá gáy/ Vừa trốn vừa chạy/ Là con cá chuồn/ Cứ viết lách luôn/ Là con cá chép”.
Xét về phương diện ngữ nghĩa, hầu hết tên cá được giới thiệu trong bài thơ trên đều chứa đựng hơn một nghĩa hoặc gợi nên một nghĩa gì đó khác. Chẳng hạn, tính lười học, trình bày nham nhở... là đặc điểm của con người, không liên quan đến đặc điểm của các loài cá nhưng lại được đem ra gán cho cá. Như vậy, tiêu chí lựa chọn ở đây không phải là cá gì mà là ở ý nghĩa và âm hưởng của mỗi tên cá, từ ngữ để gọi tên loài cá ấy gợi điều gì đó thú vị và điều thú vị này được coi như mục đích quan trọng số một. Các từ ngữ chỉ tên cá đều được liên hệ với sự vật, hiện tượng được gọi bằng từ ngữ đồng âm với chúng. Điều được liên hệ đến này biến thành một lời giới thiệu ngộ nghĩnh, đặt vào cấu trúc ngữ pháp thống nhất. Ở đây, chưa bàn đến vấn đề đúng sai của nội dung, quan trọng hơn, cho ta thấy sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt. Bài thơ vừa giống bài hát vui giúp trẻ mở rộng nhận thức, vừa là trò chơi thú vị kích thích trí tuệ, phát triển tư duy logic, khả năng liên tưởng, khả năng sử dụng từ ngữ cho trẻ.
Trò chơi từ ngữ cũng có thể dựa trên cách cấu trúc bài thơ giàu vần nhịp, trẻ có thể vừa đọc vừa vui chơi nhảy múa. Với các em, có lẽ không gì hấp dẫn hơn là được vừa hát vừa chơi để không khí thêm vui vẻ, tưng bừng, chơi hoài không chán. Một số bài thơ của Phạm Hổ như Na, Ổi, Củ cà rốt, Bắp cải xanh... có âm hưởng như một bài hát đồng dao trong cuộc chơi: “Na non xanh/ Múi loắt choắt/ Na mở mắt/ Múi na to/ Na vào vò/ Đua nhau chín...” (Na), “Bắp cải xanh/ Xanh mát mắt/ Lá cải sắp/ Sắp vòng tròn/ Búp cải non/ Nằm ngủ giữa” (Bắp cải xanh)...
Trong Hay hát đồng dao (Nguyễn Lãm Thắng), các con vật bình thường vô tri vô giác bỗng trở thành anh em, bạn bè, cùng hát, cùng vui với các em. Thế giới được hình dung như một cuộc chơi của các hiện tượng, cá thể ở trong đó. Các em có thể nắm tay nhau chạy vòng quanh vừa vui đùa vừa hát như cách diễn xướng đồng dao thuở xưa: “Hay ưa gặm cỏ/ Là bò với trâu/ Hay tắm ao sâu/ Mẹ con nhà vịt/ Hay kêu ríu rít/ Là chú chim non/ Hay khoe mắt tròn/ Là anh mèo mướp/ Hay đi đến lớp/ Là bạn sáo nâu...”. Thiết nghĩ, những trò chơi dưới vỏ ngôn từ và kết cấu dân gian như thế này nên được chú ý hơn nữa trong đời sống tinh thần trẻ thơ.
Xuất phát từ đối tượng tiếp nhận đặc thù là trẻ em nên người lớn không thể lấy mỹ cảm của mình làm thước đo chúng. Điều này bắt buộc người viết phải tìm được hình thức thể hiện sao cho hấp dẫn để tác phẩm văn học không phải ông thầy thuyết giáo mà như người bạn đồng hành với bạn đọc nhỏ tuổi. Việc kiến tạo thế giới từ trò chơi, như trò chơi kế thừa từ đồng dao phần nào đáp ứng được yêu cầu đó, giúp người sáng tác tránh được lối viết sống sượng, gò ép. Các em đến với mỗi bài thơ như đến với một trò vui hấp dẫn. Thông qua trò vui đó, các em có thể làm giàu tri thức, ngôn ngữ, phát triển óc tưởng tượng mà không làm mất đi nét hồn nhiên, dí dỏm của tuổi thơ.
___________________
Tài liệu tham khảo
1. Trần Ngọc Hiếu, Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012.
2. Lã Thị Bắc Lý, Văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ hội nhập, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2016.
3. Vân Thanh, Văn học thiếu nhi Việt Nam (nghiên cứu, lý luận, phê bình, tiểu luận - tư liệu), tập 1, Nxb Kim Đồng, 2003.
Tác giả: Trần Thị Minh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020