• Nghệ thuật > Văn học

VĂN HÓA TÂM LINH TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH

Văn hóa tâm linh là một khoảng trống lớn cho sự cảm nhận sâu sắc bằng tuệ giác. Với duy cảm văn hóa đặc biệt, tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh đem đến cho người đọc nhiều chủ đề văn hóa và những diễn giải sâu sắc bằng những góc nhìn mới. Vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh không đơn thuần là những yếu tố bổ trợ mà thực sự là văn hóa. Tín ngưỡng, tôn giáo Việt là tín ngưỡng, tôn giáo thực hành, tín ngưỡng của lòng người. Mối quan hệ giữa tâm linh, nhục cảm được nhìn nhận như sự đối thoại với nếp văn hóa của tiền nhân, có sự hài hòa, tương thuận, nhưng cũng có sự vượt thoát khỏi những cấm kỵ, phục tùng mang tính truyền thống. Đó cũng là những biểu hiện của sự phản tư văn hóa mà Nguyễn Xuân Khánh hướng đến trong các tác phẩm như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa.

BIỂU TƯỢNG BIỂN TRONG TRUYỆN THƠ VƯỢT BIỂN CỦA NGƯỜI TÀY

Vượt biển là truyện thơ phổ biến của dân tộc Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Văn bản Vượt biển do Hoàng Hạc sưu tầm, dịch thành 249 câu thơ, in trong tuyển tập Truyện thơ Tày - Nùng, tập 2, Nxb Văn học, 1964 đã kết hợp nhuần nhuyễn được cả hai yếu tố tự sự của truyện cổ dân gian và trữ tình của thơ ca dân gian. Hơn nữa, trong bối cảnh phải đối diện với sự bành trướng, sức ảnh hưởng của các cường quốc trên biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á lại cùng chung mối quan tâm và để giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan đến chủ quyền biển đảo, đòi hỏi sự cần thiết thấu hiểu về nguồn gốc lịch sử, ảnh hưởng của văn hóa biển đến đời sống tinh thần, vật chất của các cộng đồng. Từ đó nhận thức được nguồn mạch tinh thần mạnh mẽ, ý thức lịch sử sâu sắc, lối tư duy bền vững từ trong truyền thống dân gian.

LÝ GIẢI ĐỘNG TỪ TIẾC TRONG CA DAO VIỆT NAM

Nói năng là một hành động, một quá trình có kiểm soát, trong đó con người dùng ngôn ngữ để trao đổi thông tin về các nội dung khác nhau, làm cho nhau cùng biến đổi. Tiến hành hành động ngôn ngữ, con người có những mục đích, ý định khác nhau, tham gia vào một hình thức hành vi có sự chi phối của các quy tắc, điều kiện và nghĩa tương ứng thông qua việc sử dụng các mệnh đề trong hành động ngôn trung, đơn vị nhỏ nhất của sự giao tiếp ngôn ngữ. Cách phân tích, lý giải hành động tiếc hay các hành động khác có trong Ca dao trữ tình Việt Nam (1) như: ước, trách, khuyên, nhớ, xin, muốn, hỏi, chờ, chê, nghĩ, tưởng, đợi, trông… có liên quan đến nhiều vấn đề, cần được giải mã. Thông qua các hành động sử dụng ngôn từ trên bề mặt này thấy được nhiều hơn các hành động ngôn trung trên cơ sở các quy tắc, ý nghĩa mệnh đề, điều kiện riêng rất thú vị.

DẤU ẤN RỒNG TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT QUA TỤC NGỮ, THÁNH NGỮ, CA DAO

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt, từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt. Các vị vua Việt Nam phải xăm lên đùi mình hình ảnh rồng để giữ truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm rồng trên đùi nhà vua. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh (long, lân, quy, phụng). Đặc biệt, hình tượng con rồng Việt Nam tương phản với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây.

Ý CẢNH TRONG THƠ CA VÀ HỘI HỌA TRUYỀN THỐNG TRUNG HOA

“Thi trung hữu họa; họa trung hữu thi” vốn là lời bình của Tô Thức (1037-1101) đối với những tác phẩm thơ và họa của Vương Duy (701-761). Nhưng từ lâu, câu nói này đã được nhiều người hiểu như một lời nhận định khái quát về thơ ca, hội họa truyền thống của Trung Quốc: tranh vẽ tràn đầy ý tứ như thơ ca. Thơ ca giàu hình ảnh, sắc màu như hội họa. Nhưng làm rõ mối liên hệ thực sự giữa thơ ca và hội họa truyền thống Trung Quốc lại không hề đơn giản. Bài viết chọn ý cảnh như một giao điểm quan trọng của thơ ca và hội họa truyền thống Trung Quốc để có thể triển khai những tìm hiểu ban đầu, nhằm giải mã tương quan giữa hai loại hình nghệ thuật này về mặt lý luận.

MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ TÌNH YÊU TRONG TRUYỆN THƠ TUM TIÊU

Tum Tiêu là một tác phẩm nổi tiếng, một kiệt tác văn học của Campuchia và khu vực. Câu chuyện dựa theo tấm bi kịch có thật, xảy ra vào TK XVI, vùng Tboung Khmum thuộc tỉnh Prey Veng. Câu chuyện được lưu truyền trong dân gian suốt nhiều thế kỷ sau đó. Cái chết vì tình yêu của Tum và Tiêu giống như cái chết của Romeo và Juliet trong thiên bi kịch của đại văn hào W. Shakespeare. Đến cuối TK XIX, Okhna San Thor Voha Mok dựa vào câu chuyện này viết thành truyện thơ Tum Tiêu, nhưng ít được biết đến. Năm 1915, vị sư Bo Tum Therat Som (1852 - 1932) viết lại Tum Tiêu theo thể thơ 7 chữ. Bài viết đem đến một cách nhìn mới, đi sâu giải mã thông tin từ không gian văn hóa vật chất đến không gian văn hóa tinh thần.

QUÁ TRÌNH BẢN ĐỊA HÓA JATAKA TRONG TRUYỆN KỂ DÂN GIAN LÀO

Jataka - những câu chuyện kể về tiền thân (kiếp trước) của Đức Phật (hay Kinh Bổn Sinh), vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, ra đời vào TK II - III trước CN gồm 547 truyện. Do sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh điển Phật giáo và kho tàng văn học dân gian phong phú nên được đông đảo độc giả không chỉ tại lục địa Ấn mà nhiều nơi trên thế giới đón nhận, đặc biệt tại Lào và Đông Nam Á. Trong quá trình giao lưu, văn hóa - văn học Ấn Độ, người Lào đã vay mượn cốt truyện, đề tài, hình thức tác phẩm Jataka để tạo lập kho tàng truyện kể độc đáo cho riêng mình. Với ý nghĩa như vậy, Jataka từ một văn phẩm ngoại lai, trải qua quá trình bản địa hóa luôn được tái sinh ở hình thức mới, trở thành tài sản riêng của đất nước triệu voi.

CÂY KHÈN CỦA NGƯỜI MÔNG: TỪ ĐỜI SỐNG ĐẾN TRUYỆN CỔ TÍCH

Một trong những yếu tố góp phần tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông chính là hệ thống các loại nhạc cụ đặc sắc với thế giới âm thanh đa cung bậc lôi cuốn, hấp dẫn. Trong các nhạc cụ, khèn Mông được coi là tiêu biểu hơn cả. Tiếng khèn phóng khoáng, mang hơi thở của núi rừng, thể hiện rõ nét con người, văn hóa Mông. Từ đời sống, tiếng khèn đi vào thế giới của những truyện cổ tích một cách tự nhiên nhưng cũng là lời nhắc nhở, gửi gắm, giữ gìn vốn văn hóa quý báu của dân tộc.

ẢNH HƯỞNG TƯ TƯỞNG NHO GIÁO TRONG THƠ CHỮ HÁN DÂN TỘC TÀY

Nho giáo là một học thuyết có ảnh hưởng lớn, sâu rộng và lâu dài ở nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam. Không chỉ góp phần tổ chức và duy trì ổn định trật tự xã hội mà nó còn chi phối đến đời sống tư tưởng, trở thành chuẩn mực đạo đức của nhân dân ta. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định Nho giáo có ảnh hưởng không nhỏ đối với văn học Việt Nam thời kỳ trung đại. Các tác giả khi sáng tác luôn thấm nhuần quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”. Tuy vậy, cha ông ta từ ngàn đời xưa vẫn luôn có ý thức trong việc tiếp thu một cách chọn lọc để tư tưởng Nho giáo phù hợp với truyền thống và phong tục của người Việt. Nằm trong mạch nguồn chung của văn học chữ Hán Việt Nam, thơ chữ Hán dân tộc Tày cũng thể hiện sự ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo một cách sâu đậm.

DẤU ẤN VĂN HÓA TRUNG QUỐC TRONG TRUYỆN NGẮN LỖ TẤN

Lỗ Tấn, nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được Quách Mạt Nhược đánh giá là “trước Lỗ Tấn chưa hề có Lỗ Tấn, sau Lỗ Tấn có vô vàn Lỗ Tấn”. Truyện ngắn là một bộ phận trọng yếu trong hệ thống “trước tác đẳng thân” của Lỗ Tấn, chứa đựng nhiều giá trị nội dung, nghệ thuật phong phú, có ảnh hưởng sâu rộng cả ở trong và ngoài nước. Trong đó, văn hóa Trung Quốc là thành tố quan trọng góp phần làm nên giá trị truyện ngắn của ông.

NAM TÍNH BÁ QUYỀN ĐÔNG Á VÀ CON ĐƯỜNG KHÚC XẠ QUA VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Ý niệm về nam tính bá quyền được R.W.Connell phát triển từ lý thuyết bá quyền văn hóa của Antonio Gramcsi; nhấn mạnh vào bản chất xã hội của giới tính mà cụ thể là nam tính, cho rằng nam tính được xây dựng nhằm duy trì thiết chế thống trị với các đối tượng phụ thuộc, có vị thế thấp kém hơn như phụ nữ, đồng tính nam, đàn ông da màu... Lý thuyết phương Tây này khi du hành đến Đông Á đã điều chỉnh theo đặc trưng văn hóa, lịch sử của vùng đất này. Xem xét nam tính bá quyền Đông Á dựa trên lý thuyết của R.W.Connell, sự khúc xạ của nó qua một số hiện tượng văn học trung đại Việt Nam, bài viết mong muốn đóng góp thêm một vài hướng tiếp cận mới về bản sắc văn hóa giới thời kỳ cổ trung đại; làm dày thêm vấn đề nghiên cứu nam tính, vốn vẫn còn bỏ ngỏ ở Việt Nam, nhất trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.