Văn chương Việt 2018 - thăng hay trầm?

Tiếp cận văn chương từ văn hóa

Trong truyền thống Á Đông văn chương luôn được xem là trụ cột, thậm chí là trung tâm của văn hóa. Nhưng thời hiện đại - thời kỹ trị - thời thị trường, văn chương đang bị đẩy xa khỏi vị trí vốn có của mình trong nhu cầu về “thức ăn tinh thần” của con người. Cũng dễ hiểu, thời của hiện sinh và tốc độ nên văn chương vốn dành cung tiến cho người sống chậm, ngẫm ngợi, chiêm nghiệm nay đã không còn hợp thời như trước. Văn chương thời nay đang bị cuốn vào văn hóa đại chúng với đặc trưng phổ cập đến từng nhà, từng người, kịp thời và mau lẹ nhưng không cần thiết phải lưu giữ nhiều đời trong các bảo tàng ký ức. Đâu đó vang lên tiếng kêu bi quan “văn chương lâm nguy”, không phải không có lý. Nếu nhìn ngược thời gian sẽ thấy, sở dĩ phong trào Thơ mới (1932-1945) được coi như một cuộc cách mạng trong thơ ca vì nó là một chiến thắng của văn hóa. Nếu xác tín “văn chương là nghệ thuật ngôn từ” thì công lao của các thi sĩ lãng mạn là ở chỗ góp phần làm giàu có và phát triển tiếng Việt. Bây giờ người ta chuộng tiếng Anh trong một thế giới phẳng, nhưng đầu TK XX một học giả đã minh định “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Lâu nay chúng ta thường đánh giá văn chương theo các tiêu chí chính trị (nó phục vụ ai, cái gì?), hay tiêu chí xã hội học (đã thấm nhuần các tính?), thậm chí so đo “văn chương có phản ánh trung thành đời sống?”,... Văn chương không được nhìn nhận, tiếp cận từ văn hóa. Nếu thảng hoặc có, thì ta lại dựa vào các “số đo” văn hóa phương Tây mà bỏ quên hoặc chối từ văn hóa truyền thống dân tộc. Tương tự, không ít nhà văn ở ta đang lên “cơn sốt nhẹ” về hậu hiện đại, phi lý... khi sáng tác, còn các nhà lý luận phê bình thì đắm đuối với cấu trúc học, ký hiệu học, sinh thái học, phân tâm học... coi đó là kim chỉ nam tác nghiệp. Xu hướng vọng ngoại đang tỏ ra có hấp lực, bành trướng trong khi văn hóa dân tộc (từ truyền thống đến hiện đại) thường bị xem nhẹ. Nhiều nhà văn không mặn mà với văn hóa dân gian (folklore) Việt với kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca, tuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết giàu có, phong phú, phát tiết rực rỡ hàng nghìn năm vô tình hay cố tình bị lãng quên…

Nói tiếp cận văn chương từ phương diện văn hóa, thiết nghĩ, cần dựa vào ba thành tố: giá trị - bản sắc - ứng xử. Xét từ phạm trù giá trị, văn chương đương thời chưa tạo ra được các giá trị mới nếu so sánh với những thời kỳ rực rỡ, sôi động như 1930-1945 (hướng tới con người cá nhân bình thường, khẳng định cá tính sáng tạo, làm giàu tiếng Việt), 1945-1975 (đề cao sức mạnh văn hóa cộng đồng, chính nghĩa, lương tri), chặng đường đầu Đổi mới, 1986-1996 (từ sự quan tâm con người tập thể đến khai phóng cá thể/ bản thể; nhận thức lại thực tại theo tinh thần phát triển biện chứng). Nhiều nhà văn ta hiện nay đã “lão hóa”, xơ cứng tư duy cảm xúc, viết văn theo những “kênh” đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu. Người viết văn không thường xuyên được nạp năng lượng mới, sống nặng với thế giới ảo (facebook). Phương châm “sống đã rồi hãy viết” bị xem nhẹ trong khi đó là một hành xử/ ứng xử văn hóa. Bản sắc, cá tính sáng tác bị mờ nhạt, mờ nhòe theo thời gian vì hàm lượng/ căn cốt văn hóa của chủ thể sáng tạo hao hụt dần dần (có thể do lười suy nghĩ, tìm tòi), nên hết vốn liếng. Những tấm gương lao động nghệ thuật và nạp năng lượng văn hóa cho ngòi bút như Nguyễn Xuân Khánh, Ma văn Kháng chẳng hạn, trở nên ngày càng hiếm hoi. Nhà văn quen tác phong “ăn xổi ở thì” nên tác phẩm in ra nhẹ bẫng, mất tăm mất tích trong không - thời gian (hẹp và ngắn nhất).

Thiếu căn cốt/ hàm lượng văn hóa nên tất nhiên văn chương Việt 2018 không có đà để “thăng”. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên và bi quan nếu thực tế diễn ra như thế.

Một năm trầm lặng của văn chương

Vẫn có sự kiện, đầu việc như một năm bình thường

Trong tháng 2-2018, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hai hội thảo quy mô, thiết thực: “Hội thảo thơ đương đại” và “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Đã có 40 tham luận và ý kiến trực tiếp trong 2 hội thảo được văn giới quan tâm. Nhưng như thi hào Đức Gơt (Goethe) đã viết “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãu mãi xanh tươi”. Lý thuyết thì “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhưng sao vào thực tiễn lại bộn bề khó khăn? Vì cơ chế hoạt động văn hóa? Vì tài chính eo hẹp? Vì ta thiếu tài năng (nhân tài như lá mùa thu)? Theo tôi, có lẽ là ta thiếu cái cuối cùng nhưng là tiên quyết.

Nhà xuất bản Công an nhân dân và Chi hội Nhà văn Công an tổ chức cuộc thi Cây Bút Vàng lần thứ 3. Một trại sáng tác (4-2018) được mở ra ở Hạ Long, Quảng Ninh, tập hợp gần 20 cây bút trong và ngoài lực lượng tham gia. Sản phẩm sau Trại đã lần lượt được công bố. Đích đến đang tiến gần. Ai sẽ là chủ nhân Cây Bút Vàng lần này? Xem hồi sau sẽ rõ (theo kiểu tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc).

70 năm báo Văn nghệ (1948-2018) được tổ chức trang trọng tại Hà Nội. Trong phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) có một ý kiến căn cốt: Văn nghệ là tiếng nói nghệ thuật của hơn 1000 nhà văn Việt Nam, nó cần giữ vững phẩm chất nhân văn và nghệ thuật, là người thày văn chương của văn giới như truyền thống đã chứng minh. Văn nghệ đang mất dần công chúng, đó là một thực tế không thể làm ngơ. Cả Hội NVVN và cán bộ nhân viên của Văn nghệ phải nỗ lực hơn nữa để giữ vững uy tín của một tờ báo văn chương uy tín nhất cả nước.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát động cuộc thi truyện ngắn (2018-2019) mang tên Lửa Mới. Chặng đầu (năm 2018), BTC nhận được hơn 1000 tác phẩm dự thi, đã đăng 54 truyện (từ số Tết Mậu Tuất đến số 905). Ai cũng thấy để được xuất hiện trên một tạp chí văn chương có uy tín và lọt vào cuộc thi đâu phải chuyện dễ như thò tay trong túi lấy ra. Một số tên tuổi mới/ trẻ được chú ý như Tống Phú Sa, Trần Thị Tú Ngọc, Lưu Thị Mười, Triều Ta Vỹ, Nông Quốc Lập, Nguyễn Thị Lê Na, Bảo Thương, Nguyệt Chu... Những cây bút cao tuổi vẫn hăng hái nhiệt tình nhưng chưa tạo ra được những “tâm bão” (Hữu Phương, Đoàn Ngọc Hà đều được đăng 3 truyện). Một cuộc tọa đàm “Đi tìm truyện ngắn hay” đã khai mở được nhiều vấn đề nghề nghiệp thú vị và bổ ích.

Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (Hội NVVN) tổ chức Cuộc thi truyện ngắn (2018-2020). Một năm đã qua, cũng chưa thấy tên tuổi nào, tác phẩm nào lóe lên để mà kỳ vọng, hồi hộp trông chờ. Cũng tạp chí này, trong tháng 10-2018, đã tổng kết và trao giải cuộc thi thơ kéo dài trong 2 năm (2017-2018). Nhiều giải được trao nhưng kể cả giải nhất cũng không có tiếng vang và sức lan tỏa, chưa nói là phát sáng. Có lẽ nó nằm trong tình trạng chung của thơ ca - đang tìm đường, mở lối.

 Báo Văn nghệ tổng kết và trao giải cuộc thi truyện ngắn 2015-2017. Đã có gần 4000 tác phẩm gửi dự thi, đã đăng gần 400 truyện, có 40 truyện lọt vào chung khảo. Một giải Nhất (Nguyễn Trường) và hai giải Nhì (Lê Vạn Quỳnh, Phan Đình Minh) và nhiều giải khác đã cho công chúng một niềm tin vào truyện ngắn. Nếu văn xuôi là mặt tiền của văn chương Đổi mới thì truyện ngắn là “mặt tiền của mặt tiền”.

Những lễ kỷ niệm lớn: 100 năm Nguyên Hồng (1918-2018), 100 năm Nguyễn Bính (1918-2018), 70 năm ngày sinh - 30 năm mất Lưu Quang Vũ (1948-2018). Nhân dịp này những cuốn sách hay của năm được ra mắt: Lưu Quang Vũ - những đối thoại nghệ thuật (Nxb Đà Nẵng), Trăm năm Nguyễn Bính - Truyền thống & Hiện Đại (Nxb HNV), Nhật ký Nguyên Hồng (Nxb Trẻ), Di cảo Lưu Quang Vũ (Nxb Văn học).

Có nhiều nhà văn được nhận giải thưởng văn học quốc tế: Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư. Sự kiện này gây men niềm hy vọng văn chương (văn sản) cùng với những đặc sản khác của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu. Tại sao không?

Giải Sách hay 2018 (tổ chức bởi Viện Giáo dục IRED, Quỹ Phan Châu Trinh và Sáng kiến OPENEDU), trong hạng mục văn học, đã trao cho Chuyện ngõ nghèo (tiểu thuyết) của Nguyễn Xuân Khánh.

Vẫn có một số phẩm được quan tâm (theo dư luận/ tiếp nhận hai chiều)

Nhật ký Nguyên Hồng (Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Thị Nhã Nam thực hiện, Nxb Trẻ). Lần đầu tiên độc giả được tiếp cận với những tư liệu, câu chuyện thật, nhiều góc cạnh và đáng suy tư về đời văn Nguyên Hồng, tiêu biểu cho con đường dấn thân của một thế hệ nhà văn Việt Nam sống và viết trong những điều kiện ngặt nghèo nhất.

Cuộc cờ (tiểu thuyết, Nxb HNV) của Phạm Quang Long (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội). Đây là cuốn tiểu thuyết thứ ba (sau Lạc giữa cõi người, Bạn bè một thuở) của tác giả. Là người “nằm trong chăn biết chăn có rận”, nên những chuyện được kể ra thuộc về “tâm bão” đời sống và bức tranh xuống cấp toàn diện của con người thời đại, nhất là ngồi ở vị trí lãnh đạo cao.

Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, Nxb HNV) của Nguyễn Huy Thiệp ra mắt sau đúng 15 năm “lạc trôi”, được giới thiệu ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), được PR tốt.

Lưng rồng (truyện, Nxb HNV) của Đỗ Hoàng Diệu. Mười ba năm sau Bóng đè (2005) tác giả vẫn bị “bóng đè”. Đấy là bình luận trên mạng về tác phẩm của cây bút nữ định cư ở Mỹ (từ 2010). Vẫn nhiều sex và chuyện quái đản - đó là vị văn của Đỗ Hoàng Diệu.

Nhốt con chim bắt cô (tiểu thuyết, NXB Lao động) của Phạm Hoa. Một lối viết về chiến tranh mới mẻ. Hầu như không có tiếng súng đạn, không có xác chết. Chỉ có chuyện của con người trong không gian - thời gian chiến tranh, cũng đầy những ái ố hỷ nộ, tham sân si. Lối viết điềm tĩnh của người trong cuộc, trải nghiệm, bình tĩnh lắng nghe chính tiếng nói từ lòng mình theo lương tri và chính nghĩa. Tác phẩm nhập vào dòng thuyết ngắn đang rất thịnh hành trên văn đàn.

Tôi đã trở về trên núi cao (tản văn, Nxb HNV, in lần đầu 3000 bản) của Đỗ Bích Thúy được độc giả yêu thích. Ai đó nói nghe thuyết phục “Từ độ hoa vàng Bích Thúy khởi sắc” (Từ độ hoa vàng, tản văn của Đỗ Bích Thúy, 2013).

Phê bình ký hiệu học (chuyên luận, Nxb Phụ nữ) của Lã Nguyên được nhà lý luận Trần Đình Sử giới thiệu, đánh giá cao như là một hướng đi khả dụng của phê bình theo phương pháp tân kỳ trong xu thế hội nhập văn hóa/ văn học.

Truyện ngắn Việt Nam hiện đại (chuyên luận, Nxb Đại học Vinh) của Đinh Trí Dũng - Bùi Việt Thắng được tiếp nhận như là một công trình khoa học kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết và thực tiễn văn chương. Sách được các nhà giáo, nhà văn và người đọc yêu thích truyện ngắn quan tâm.

Thời tái chế (trường ca, Nxb HNV) của Mai Văn Phấn. Thơ anh hay nhưng ngày càng khó đọc, như tập trường ca mới này. Nó gần với văn xuôi (nào những điểm nhìn, sân khấu, mô hình...). Nhưng thơ Mai Văn Phấn lại dễ dàng được cấp “visa” để đổ bộ vào Thụy Điển và Tây Âu. Cũng là một nẻo lối vào văn chương.

Hai phía phù sinh (thơ, Nxb HNV) của Nguyễn Thúy Quỳnh. Thơ chị tinh tế, đằm thắm nhưng không run rẩy, loạng choạng, yếu mềm. Đọc thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, người ta khen nhân cách nhà thơ nhiều hơn hình ảnh, câu chữ, ý tứ, giọng điệu...

Vĩ thanh

Sẽ nhiều người phân vân một năm sao ít tác phẩm hay? Qúy hồ tinh bất quý hồ đa, là quy luật của sáng tạo nghệ thuật, thưa quý độc giả! Quanh cảnh và sinh khí văn chương 2018, như đã nói ở trên, là nốt trầm. Nhưng trong âm nhạc thì bè trầm đâu phải lép vế. Niềm hy vọng nếu được nhen nhóm và củng cố thì chủ yếu trông đợi lớp măng non/ mới theo quy luật “tre già măng mọc”.

     

Tác giả: Bùi Việt Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

                

 

 

;