Quang cảnh tác nghiệp của Kỹ thuật viên Đài truyền thanh huyện Trà Cú
Trà Cú là huyện vùng sâu, cách tỉnh lỵ Trà Vinh 34 km về phía Tây Nam, phía Đông giáp huyện Châu Thành, Cầu Ngang; phía Tây giáp sông Hậu; phía Nam giáp huyện Duyên Hải; phía Bắc giáp huyện Tiểu Cần, có 15 xã và 2 thị trấn với 124 ấp, khóm, dân số 44.476 hộ, với 184.768 nhân khẩu; có 3 dân tộc chính là Kinh - Khmer - Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 63% dân số toàn huyện; kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục ổn định và phát triển; tuy nhiên, vẫn còn ở mức thấp so với bình quân chung của tỉnh; việc tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật của nhân dân còn có mặt hạn chế. Từ đó các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá nội bộ ta thông qua việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, gây chia rẽ dân tộc và làm mất đoàn kết nội bộ. Hiện nay trên địa bàn huyện có 1 Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, 1 Thư viện cấp huyện, 17 Nhà văn hóa xã, thị trấn, 124 Nhà văn hóa ấp, khóm, 16 Trung tâm sinh hoạt cộng đồng, 17 tủ sách pháp luật. Có 1 Trang thông tin điện tử, 17 xã, thị trấn có Trạm Truyền thanh, các cơ quan chuyên môn đã bám sát chức năng nhiệm vụ, mục tiêu và đối tượng phục vụ. Phát huy thế mạnh của đơn vị, địa phương và tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm đối với các sự kiện, các vấn đề mới, qua đó đã phản ánh rõ nét mọi mặt đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân.
Quán triệt Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) và thực hiện Kế hoạch số 31-KH/TU, ngày 20/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”; Trà Cú xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết cho đời sống, lao động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, chú trọng người dân ở các vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong đó, chú trọng việc truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các dự án phát triển kinh tế - xã hội; những thông tin kiến thức, kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống, lao động, sản xuất, kinh doanh của Nhân dân trên địa bàn xã, thị trấn; những thông tin về tình hình kinh tế - xã hội địa phương; tuyên truyền phản bác các thông tin sai trái, xấu, độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và đồng thuận xã hội từ cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức đưa thông tin về cơ sở bằng việc tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội facebook do Ban Chỉ chỉ đạo 35 huyện quản trị.
Qua đó, đã kịp thời tham mưu Huyện ủy, UBND huyện cụ thể hóa tổ chức triển khai, quán triệt trong cán bộ chủ chốt của huyện, chỉ đạo, hướng dẫn, các chi, đảng bộ, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện và cơ sở học tập, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua nhiều hình thức phù hợp như: Hội nghị, sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt các chi, tổ hội đoàn thể, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở,… Kết quả đã triển khai, tuyên truyền được 10.896 cuộc, có 697.824 lượt người dự, tỷ lệ đảng viên toàn huyện dự đạt trên 98%, hội viên đoàn thể đạt trên 80%, các tầng lớp nhân dân trên 65%. Qua đó đã nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thông tin cơ sở; có sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của các cấp, các ngành về phương thức truyền thông, về lựa chọn thông tin, kiến thức thiết thực cho cuộc sống, lao động, sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn dân cư; việc triển khai kế hoạch được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và thiết thực.
Trong 5 năm qua, triển khai được hơn 1.825 lượt trên sóng truyền thanh. Thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan định hướng nội dung thông tin và hoạt động thông tin cơ sở trên hệ thống truyền thanh và Trang thông tin điện tử huyện. Đài Truyền thanh huyện đã sản xuất được 3.877 chương trình thời sự địa phương gắn với các tiết mục: Xây dựng Đảng; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Các chuyên mục: Thông tin kinh tế; Khoa học và Đời sống; Chính sách và Pháp luật, Biển đảo Việt Nam; Chương trình “Tiếng nói từ cơ sở”; Phát thanh thiếu nhi; An toàn giao thông; Quy chế dân chủ ở cơ sở và Phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Lao động - Công đoàn; Làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Công an huyện Trà Cú xây dựng người cán bộ, chiến sĩ Công an bản lĩnh nhân văn, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, nhất là các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer; công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện 16.294 tin, bài viết, 18 phỏng vấn, 36 mẫu chuyện người tốt việc tốt và 41 tài liệu tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các tài liệu tuyên truyền khác; thực hiện trên 8.800 giờ phát thanh trên sóng FM, trong đó có 2.217 giờ chương trình thời sự địa phương - tiết mục, chuyên mục, văn nghệ và trực tiếp truyền thanh các kỳ họp HĐND huyện, các sự kiện chính trị của tỉnh và đất nước… Trạm Truyền thanh các xã, thị trấn còn phối hợp với Đài Truyền thanh huyện thực hiện 260 chuyên mục “Tiếng nói từ cơ sở”… Qua triển khai, tuyên truyền công tác thông tin cơ sở đã phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết tới người dân trên địa bàn huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã, thị trấn; vai trò và tầm quan trọng của công tác thông tin cơ sở được sự quan tâm phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất của các cấp, các ngành về phương thức truyền thông, về lựa chọn thông tin, kiến thức thiết thực cho cuộc sống, lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn từng bước được nâng lên. Thông qua các hình thức phương tiện thông tin đại chúng, người dân được tiếp cận và hưởng thụ thông tin rất phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền tại cơ sở còn gặp một số khó khăn nhất định đó là: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hình thức tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết có nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền chủ yếu tập trung trên hệ thống thông tin đại chúng. Việc chỉ đạo nắm và định hướng tư tưởng từng lúc, từng nơi chưa kịp thời, chỉ đạo tuyên truyền một số nơi chưa đạt yêu cầu, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp từng lúc chưa chặt chẽ. Công tác nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử và phát huy ưu thế của mạng xã hội để tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tuy được đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy những kết quả đạt được và nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, Huyện ủy - UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị thực hiện tốt một số nội dung như:
Thứ nhất, chủ động phối hợp các ngành chức năng chuyên môn, các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền; chỉ đạo mở các chuyên trang, chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử, trên các trang tin nội bộ, nhóm… và được cập nhật thường xuyên, nội dung phản ánh được nhiều lĩnh vực; tin, bài ngày càng phong phú, có chất lượng tốt, phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin nhanh chóng cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác tuyên truyền góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng; việc sử dụng Đài truyền thanh huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở, tờ Thông tin tư tưởng, Trang thông tin điện tử… Chỉ đạo xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả sử dụng, phục vụ tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Thứ ba, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền cấp xã nhằm thông tin tình hình thời sự và định hướng dư luận xã hội cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dư luận xã hội. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bởi chất lượng của đội ngũ này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng thông tin, tuyên truyền.
Thứ tư, từng bước củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin từ huyện đến cơ sở; tổ chức tập huấn kỹ thuật công tác chuyên môn cho cán bộ quản lý Trạm truyền thanh các xã, thị trấn đảm bảo số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý trong lĩnh vực thông tin cơ sở đến nay tất cả cộng tác viên đều được tập huấn, bồi dưỡng viết tin, bài và vận hành kỹ thuật truyền thanh đạt hiệu quả. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện cho hệ thống thông tin cơ sở… Luôn được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp các ngành tìm giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông của các Trạm truyền thanh cấp xã; nâng cao năng lực đội ngũ tuyên truyền viên; cần đầu tư hơn nữa cho thiết chế thông tin như: Nhà văn hóa xã, tủ sách cơ sở.
HUỲNH THANH LAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022