Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang lần thứ IX - 2022, chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1832 – 2022) đã diễn ra từ 8 -10/5 tại thị trấn An Phú, huyện An Phú.
Ông Trương Bá Trạng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL – Phó Ban Tổ chức Ngày hội phát biểu tổng kết bế mạc
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang là hoạt động thường niên, được tổ chức 2 năm/lần, nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm trong tỉnh. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của cộng đồng người Chăm ở An Giang, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội, cùng với cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang năm nay thu hút hơn 300 nghệ nhân, diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ, kỹ thuật viên, huấn luyện viên, vận động viên đồng bào dân tộc Chăm đến từ 8 xóm Chăm: xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành), xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), xã Vĩnh Trường, xã Đa Phước, xã Nhơn Hội, xã Quốc Thái, xã Khánh Bình (huyện An Phú). Trong 3 ngày các đội đã tham gia và tranh tài ở các hoạt động sôi nổi như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống, Liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống... Ngoài ra, Ban Tổ chức còn bố trí triển lãm hình ảnh về chủ đề “Thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc Chăm - An Giang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập”, thi đấu thể thao các môn bóng đá, bóng chuyền, chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co…
Tại buổi lễ Bế mạc, ông Trương Bá Trạng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang, Phó Ban Tổ chức Ngày hội, nhấn mạnh: “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần thứ IX năm 2022 diễn ra các hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục, giới thiệu văn hóa ẩm thực và trưng bày, triển lãm những hình ảnh về người Chăm An Giang giàu lòng yêu nước, cần cù, sáng tạo. Đó là sự hội tụ khối đại đoàn kết, là một hoạt động thiết thực góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, là một hoạt động thiết thực để chào mừng kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh. Qua sự thành công và những hiệu quả đạt được, Ngày hội đã thật sự trở thành hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội có ý nghĩa tinh thần to lớn, không chỉ với đồng bào Chăm mà còn dành được tình cảm mến mộ, yêu thích của cả cộng đồng các dân tộc trong tỉnh”.
Anh A Ly Mách đến từ xóm Chăm xã Quốc Thái cho biết: Ngày hội lần này diễn ra khi dịch COVID-19 đã ổn định sau thời gian dài phức tạp, là cơ hội để đồng bào Chăm được vui chơi, gặp gỡ nhau sau khoảng thời gian dài giãn cách. Càng ý nghĩa hơn bởi Ngày hội được tổ chức ngay sau kết thúc tháng Thánh lễ ăn chay Ramadam của người Chăm Islam (2/4 – 2/5/2022). Đến với Ngày hội, anh và các bạn không chỉ được tham gia các bộ môn thi đấu thể thao hết sức sôi nổi, mà còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, phục dựng nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua đây, anh học hỏi và biết thêm nhiều điều về nền văn hóa Chăm rực rỡ, và tự hào về truyền thống dân tộc mình.
PGS, TS Phan Quốc Anh - Trưởng ban Giám khảo phần thi Liên hoan Nghệ thuật và trình diễn trang phục truyền thống đánh giá: “Điều đáng mừng tại Liên hoan lần này là nhiều đoàn đã đầu tư công phu về trang phục, đạo cụ và lực lượng nghệ nhân, diễn viên, công sức dàn dựng, luyện tập. Có những giọng ca, điệu múa gần với chuyên nghiệp, nhiều chương trình, tiết mục rất hoành tráng, rực rỡ về màu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Chăm An Giang. Xuất hiện nhiều giọng ca có chất giọng và có kỹ thuật hát khá tốt, chạm được đến trái tim người nghe như cặp song ca Làng Chăm ơn Bác của xóm Chăm Quốc Thái. Giọng ca truyền cảm của những đơn ca như Aly Mach với bài hát Chia xa, Về thăm cô gái Làng Chăm (Mo Ha Mad, xóm Chăm Khánh Hoà). Nhiều tiết mục tốp ca được đầu tư dàn dựng công phu, minh họa, tôn được lời ca. Bên cạnh những điệu múa truyền thống, các biên đạo đã dàn dựng, bổ sung thêm những nét độc đáo và đẹp mắt của múa Chăm truyền thống như các tiết mục múa Sắc Chăm của xóm Khánh Hòa, Tình yêu Roya của đội Vĩnh Hanh”.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang bằng các hoạt động động diễn ra trong Ngày hội, chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Chăm An Giang nói riêng. Thông qua Ngày hội, phát hiện những tài năng, năng khiếu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm An Giang, nhằm bồi dưỡng, đào tạo, góp phần làm đa dạng, phong phú lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh nhà.
Kết thúc Ngày hội, đơn vị xóm Chăm xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) đã đoạt giải Nhất phần thi ẩm thực, xóm Chăm xã Đa Phước (huyện An Phú) đạt giải Nhất toàn đoàn phần thi thể thao, đơn vị xóm chăm xã Quốc Thái (huyện An Phú) đạt giải Nhất Chương trình phần thi Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống. Cũng tại buổi Bế mạc, Ban Tổ chức đã trao cờ đăng cai Ngày hội năm 2024 cho đơn vị tiếp theo là huyện Châu Thành.
Ban Tổ chức trao giải A cho các phần thi xuất sắc diễn ra trong Ngày hội
LÊ QUANG TRẠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022