Thừa Thiên Huế: Thư viện làng Kế Môn phát huy văn hóa đọc tại nông thôn

 

Làng Kế Môn, thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế còn được người dân nhắc đến với cái tên “Làng vàng của xứ Đàng Trong” bởi nơi đây được xem là cái nôi của nghề kim hoàn nổi tiếng ngày nay. Bên cạnh đó, những công trình dân sinh mang đậm ý nghĩa nhân văn của những người dân trong làng như: con đường bê tông trải dài hơn 2.400m do ông Nguyễn Thanh Côn đầu tư kinh phí xây dựng từ năm 1999 đến Trung tâm thương mại gần 11 tỷ đồng của ông Hồ Huệ tặng cho dân làng. Đặc biệt, 16 công trình họ tộc cùng nhà thờ kim hoàn đồ sộ, cổ kính rực rỡ sắc màu, với kiến trúc độc đáo trải dài theo trục đường chính của làng - đây cũng chính là nơi gắn kết con cháu, là một nét văn hóa đẹp được người bản xứ đây lưu giữ từ đời này sang đời khác. Như bao ngôi làng khác ở Thừa Thiên Huế, làng Kế Môn thuộc vùng đất Thuận Hóa xưa, in đậm nét văn hóa tín ngưỡng qua việc thờ cúng ông bà, tổ tiên, trong đó Đại lễ “Việc tiếu”  được tổ chức 12 năm một lần - một trong những nét đẹp văn hóa, tập tục truyền thống độc đáo có từ xa xưa được người dân nơi đây gìn giữ và lưu truyền - là một nét văn hóa độc đáo chỉ có tại các họ tộc làng Kế Môn. Với truyền thống văn hóa của làng, sự nuôi dưỡng từ văn hóa gia tộc, những người con sinh ra tại vùng đất này luôn hướng đến tổ tiên, hướng đến dòng họ. Những người Kế Môn xa quê, bất luận đang sống ở các tỉnh thành trong nước hay hải ngoại xa xôi, hành trang mà họ mang theo không bao giờ thiếu những nghi lễ thờ phụng tổ tiên truyền thống từ nơi cố hương với tâm nguyện “ly hương mà không ly tổ”.

Thư viện làng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Trong nhiều công trình dân sinh đã được ghi nhận tại làng vàng của xứ Đàng Trong này, Thư viện làng Kế Môn được thành lập vào năm 1999 do ông Hồ Huệ, một  người dân sáng lập. Ông đã xin phép chính quyền và tặng ngôi nhà 3 gian của gia đình , đồng thời trùng tu, tôn tạo, tìm nguồn sách để thành lập Thư viện làng Kế Môn. Đây được xem là thư viện làng đầu tiên của tỉnh được người dân thành lập với quy mô gần hơn 150 đầu sách với gần 2.000 sách các loại.

Với không gian rộng hơn 400m2, ngôi nhà được chia làm 2 gian, gian trước là các tủ sách trưng bày nhiều thể loại sách, từ lịch sử, văn chương, danh nhân, cho đến các loại các cẩm nang, sách nghiên cứu, sách học làm người, truyện dài, truyện tranh thiếu nhi, tạp chí và một bộ sưu tập tem. Khuôn viên xung quanh Thư viện khá rộng rãi, được trồng nhiều cây xanh khá đẹp mắt. Ngoài nguồn sách báo khá dồi dào, Thư viện làng Kế Môn còn có 1 phòng trưng bày nông cụ, mô tả những công việc đồng áng của người nông dân được bày biện khá đẹp mắt. Chi phí lương hàng tháng của người trông coi Thư viện và các khoản chi phí phát sinh khác đều do chính cá nhân ông Hồ Huệ chi trả.

Hơn 400 m2, hơn 20 năm nay, ngôi nhà rường gần trăm năm tuổi ở làng Kế Môn đã trở thành Trung tâm thư viện của làng. Thư viện đã đáp ứng nhu cầu đọc sách, nghiên cứu của người dân, các em học sinh trong làng và các vùng lân cận.

Thư viện làng Kế Môn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi nó đã nhân rộng và phát triển văn hóa đọc đến người dân, giúp bà con gắn kết hơn, tình làng nghĩa xóm ngày một bền chặt, từ đó cùng nhau xây dựng làng ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh

Thư viện làng trở thành điểm sinh hoạt văn hóa ý nghĩa cho người dân, là cầu nối để người dân đến với tri thức, giúp người dân tiếp cận một cách đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp người nông dân có những cách làm mới, khoa học hơn, tân tiến hơn trong gieo cấy, nuôi trồng. Các tệ nạn cũng được giảm dần. Nhờ đó, kết quả các cuộc vận động xây dựng  nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh...ngày càng chuyển biến tích cực. Bộ mặt nông thôn từng bước được nâng lên, các phong trào như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt, việc thực hiện hương ước, quy ước được dân làng thực hiện nghiêm túc, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự tại làng.

Khi hỏi ông Hồ Huệ về ý tưởng thành lập Thư viện, ông nói: “Tôi là con dân trong làng, đi làm ăn xa quê, với mong muốn dân làng và con em  có nơi học tập, nghiên cứu, phục vụ sản xuất, nâng cao văn hóa đọc nên tôi tìm hiểu và thành lập Thư viện, đóng góp chút sức mình vào việc xây dựng quê hương theo hướng văn minh hơn, trí thức hơn”.

Ông Bùi Giây, Trưởng Ban điều hành làng cho biết: thấy được hiệu quả tích cực từ việc thành lập Thư viện làng, năm 2014, ông Hồ Huệ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 2 cơ sở thư viện làng Kế Môn tại Trung tâm thương mại xã Điền Môn. Cả 2 cơ sở thư viện có gần 200 đầu sách với khoảng 6.000 cuốn thuộc nhiều lĩnh vực. Trước việc làm ý nghĩa của ông Huệ, Thư viện Quốc gia đã hỗ trợ thêm nguồn sách, Tổ chức Leaf cũng có dự án hỗ trợ thư viện làng bằng việc hằng tuần cung cấp 3 đầu báo gồm Văn hóa, Nông nghiệpSức khoẻ đời sống để phục vụ nhu cầu đọc của người dân. Năm 2015, với tâm nguyện muốn có một Thư viện làng  đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ con em và nhân dân, ông Hồ Huệ đã liên hệ và được Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Tổng hợp tỉnh, Quỹ Bill & Melinda Gates Hoa Kỳ gửi tặng 5 bộ máy vi tính kết nối mạng để bạn đọc truy cập miễn phí. Ngoài việc phục vụ nhu cầu đọc sách, hằng năm, tại Thư viện làng, thông qua Quỹ Khuyến học do ông Hồ Huệ tài trợ đều tổ chức phát học bổng cho các con em trong làng có thành tích học tập xuất sắc từ bậc Tiểu học đến Đại học và các em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm. Hoạt động này được duy trì gần 20 năm qua, mỗi suất học bổng trị giá  500.000/đồng.

 

Phát huy giá trị văn hóa đọc và diện mạo làng quê văn minh

Nếu có dịp về ghé thăm làng Kế Môn, bạn có thể ngắm những con đường hoa được trồng thẳng tắp, những công trình họ tộc, đình làng, nhà thờ tổ nghề kim hoàn đồ sộ với lối kiến trúc đẹp mắt. Khi đến Thư viện, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những em thiếu nhi say với những cuốn truyện tranh, các em lớn tuổi hơn đang tìm cho mình những cuốn sách hay, phục vụ cho việc học tập. Ngoài khuôn viên là những bàn đá người cao tuổi ngồi chơi cờ, uống trà cùng trò chuyện vào những ngày thứ bảy, chủ nhật..., tạo nên một nét văn hóa làng quê lành mạnh, văn minh và thông qua môi trường văn hóa này tạo nên sự gắn kết giữa người dân trong làng. Điều đặc biệt hơn, ngôi nhà 3 gian xưa được dùng làm Thư viện của làng, tạo nên một nét văn hóa rất riêng, đậm chất làng quê. Các hoạt động tuy chưa nhiều, đầu sách chưa được phong phú như các Thư viện khác nhưng giá trị nhân văn, sự gìn giữ văn hóa đọc của người thành lập Thư viện làng, cũng như việc duy trì văn hóa đọc cho con em và người dân  là một việc làm hết sức ý nghĩa, cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành nhằm phát huy hiệu quả của Thư viện trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin. 

Em Hồ Bùi Thảo Nguyên hiện đang là học sinh trường THCS Nguyễn Lộ Trạch, cũng là thí sinh đạt giải Nhất cuộc thi tìm hiểu về sự nghiệp danh nhân Nguyễn Lộ Trạch song ngữ Anh - Việt được trường THCS Nguyễn Lộ Trạch phối hợp với Ban Điều hành của làng tổ chức năm 2019, khi được hỏi về Thư viện ở làng, cho biết: mặc dù ở nhà em có internet, có điện thoại thông minh và tivi nối mạng nhưng mỗi chiều chủ nhật, em đều rủ bạn  đến Thư viện để được đọc những cuốn truyện, cuốn sách  yêu thích. Đến đây, em có thể tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của làng mình, đất nước mình,  đọc sách, em cảm thấy  thích thú hơn đọc trên máy tính.

Ông Đặng Hữu Danh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Môn chia sẻ: Thư viện làng thành lập từ năm 1999 đến nay đã đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân trong làng. Nơi đây cũng là sân chơi lành mạnh cho con em trong làng và người cao tuổi. Ý nghĩa lớn hơn của Thư viện làng là sự nhìn nhận về vai trò, ý nghĩa của việc duy trì văn hóa đọc tại vùng nông thôn. Trong những năm qua, Thư viện làng đã góp phần vào việc xây dựng một xã hội văn minh hơn thông qua việc đọc sách, nghiên cứu sách. Xa hơn nữa là tấm lòng luôn hướng về nguồn cội của người dân tại làng Kế Môn nói riêng, truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam nói chung.

Ông Danh nói thêm: để duy trì và phát triển văn hóa đọc tại các làng quê, Thư viện làng cần được sự đầu tư, hỗ trợ chuyên môn, các đầu sách và các trang thiết bị, các hoạt động về tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa việc đọc sách... của các cơ quan chuyên môn. Có như vậy,  mới tạo được sự đa dạng, thu hút các em thiếu nhi và người dân trong làng đến đọc sách nhiều hơn, từ đó phát huy hiệu quả của việc đọc sách, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng phát triển theo hướng văn minh.

Không thể phủ nhận những tiện ích của internet và các thiết bị điện tử trong việc đọc sách, báo, tìm kiếm thông tin… Tuy nhiên, trên thực tế, việc đọc sách, báo, tìm kiếm thông tin bằng phương thức hiện đại này vẫn có nhiều hạn chế so với phương thức đọc truyền thống. Bên cạnh đó, trước sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, ngày càng văn hóa đọc sách đang dần bị mai một, thậm chí nếu không có những phương thức, hoạt động nhằm thu hút, tạo sự đam mê cho người đọc thì sẽ không còn tồn tại văn hóa đọc, nhất là lớp trẻ. Thư viện làng Kế Môn ra đời, duy trì số lượng bạn đọc trong làng đến đây để đọc sách, tìm kiếm những thông tin qua việc đọc sách, chứng tỏ người dân vùng nông thôn vẫn có nhu cầu đọc sách , đó là một tín hiệu mừng. Vì thông qua việc đọc sách không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần hình thành nhân cách, rèn luyện con người với những kỹ năng, tình cảm và thói quen có ích. Nói cách khác, người dân vùng nông thôn vẫn luôn coi trọng cái chữ, coi trọng ý nghĩa việc đọc sách, góp phần xây dựng làng quê ngày càng văn minh hơn, hiện đại.

 

THANH THÚY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

 

;