Nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 10km về phía Tây Nam, làng Tháp thuộc thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, được biết đến là một trong những cái nôi của nghệ thuật Chèo truyền thống ở Hà Nam, là quê hương của nhiều nghệ sĩ Chèo nổi tiếng như NSND Bạch Trà, NSND Ngọc Viễn…
Chèo làng Tháp có từ bao giờ thì ngay cả các bậc cao niên trong làng cũng chẳng thể trả lời được, chỉ biết rằng bao đời nay người dân nơi đây vẫn yêu Chèo, say Chèo và gần như ai sinh ra ở làng ít nhiều đều hát được Chèo.
Trong những năm gian khó của đất nước, tiếng hát Chèo làng Tháp đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, sự hăng say lao động của nhân dân. Những tích Chèo cổ như: Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Lý trưởng - mẹ Đốp, Thị Mầu lên chùa… đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người dân làng Tháp.
Trải bao thăng trầm lịch sử, các làn điệu Chèo vẫn được người dân làng Tháp duy trì và gìn giữ. Với họ, Chèo là văn hóa truyền thống của quê hương, là niềm tự hào nên dù cuộc sống hiện đại ngày nay có nhiều loại hình giải trí song người dân làng Tháp vẫn tâm huyết, gìn giữ, trao truyền loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc để nét đẹp văn hóa không bị mai một. Chèo vẫn hiện diện thường xuyên trong không gian của làng, vẫn được thế hệ trẻ yêu mến và đón nhận. Dịp đầu xuân năm mới, dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, dịp hội làng hoặc khi có sự kiện chính trị (đại hội các đoàn thể, tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ)… tiếng hát, điệu múa Chèo làng Tháp lại ngân vang.
CLB Chèo làng Tháp hiện có 30 thành viên, tuổi đời từ 18 đến 62, với đầy đủ thành phần từ người hát, múa đến người chơi đàn bầu, trống, nhị… Có người đã gắn bó với CLB vài chục năm, có những gia đình cả vợ chồng, con cái đều tham gia sinh hoạt trong CLB. Dù đặc thù mỗi người một công việc, ai cũng bận rộn song các thành viên vẫn duy trì tập luyện hằng tuần vào tối thứ 7 tại sân đình. Khi có chương trình giao lưu, biểu diễn, CLB tăng cường tập luyện nhiều hơn, có khi xuyên suốt tuần.
Thông qua những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, người đi trước truyền dạy người đi sau từng động tác, câu luyến, câu ngân, câu ngắt theo nhịp trống, tiếng đàn... Bởi vậy, có người từ chỗ chỉ biết 1 - 2 điệu Chèo dần dà đã thuộc và hát được rất nhiều điệu Chèo cổ. Lớp trẻ mười tám, đôi mươi không ít em đã say sưa hát Chèo, dù chẳng có thù lao nhưng đó là niềm vui, là đam mê. Người dân làng Tháp bảo Chèo chính là chất xúc tác khiến tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trở nên thuận lợi.
Để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả, ngoài biểu diễn những vở Chèo cổ, thành viên CLB còn thể hiện những tác phẩm mới mang nội dung ngợi ca tình yêu đất nước, truyền thống quê hương, thành tựu xây dựng Nông thôn mới, cổ vũ tinh thần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
“Với người dân quê tôi, từ lâu Chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Cha ông đã gây dựng thì đến đời chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy, lưu truyền, giúp cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương ngày càng phong phú, đa dạng. Trong các buổi sinh hoạt CLB, chúng tôi luôn nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn cho nhau để câu hát thêm ngọt ngào, điệu múa thêm nhuần nhuyễn” - cô Nguyễn Thị Ngọc, Chủ nhiệm CLB Chèo làng Tháp bộc bạch.
Nhiều lần được UBND huyện Thanh Liêm chọn làm đại diện tham gia liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, CLB chèo làng Tháp đã được ghi nhận bằng những tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. Điển hình là tại “Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Nam năm 2017” phần dự thi của huyện Thanh Liêm mà đại diện là CLB Chèo làng Tháp được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đánh giá cao, được sự đón nhận, cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo khán giả.
CLB Chèo làng Tháp hoạt động theo hình thức xã hội hóa, tự thu chi, tự đầu tư trang phục, nhạc cụ, sáng tác, dàn dựng rồi tham gia biểu diễn ở các chương trình, sự kiện. CLB có nguồn quỹ chung do các thành viên đóng góp, nguồn thu từ các buổi biểu diễn cũng được đưa vào quỹ để trang trải các chi phí hoạt động của CLB. Dù đối diện với không ít khó khăn, song, thành viên CLB luôn nỗ lực gìn giữ “lửa” Chèo, coi hát Chèo là một phần cuộc sống. Sự nhiệt tình, tâm huyết, bền bỉ lan tỏa lời ca, tiếng hát đến mọi người đã góp phần làm nên nét đẹp trong nhịp sống văn hóa địa phương, bảo lưu vốn văn hóa quý giá của quê hương, đất nước.
HOÀNG OANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024